Cảnh báo về các khoản vay ODA của Trung Quốc
2018.11.30
Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam cho thấy nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc dành cho Việt Nam cao gấp đôi các quốc gia khác. Thêm vào đó, hầu hết các dự án có nguồn vốn ODA tại Việt Nam đều đến từ Trung Quốc.
Các chuyên gia cảnh báo về thực trạng vừa nêu.
Lãi suất cao gấp đôi
Tờ Economictimes của Ấn Độ, vào ngày 29 tháng 11, đăng tải thông tin Việt Nam gia tăng quan ngại về những khoản vay vốn ODA của Trung Quốc với mức lãi suất cao và có điều kiện vay kém ưu đãi hơn so với vốn ODA của các quốc gia khác tài trợ cho Việt Nam.
Trong báo cáo trình Thủ tướng về thu hút, quản lý và sử dụng vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài năm 2018-2020, tầm nhìn 2025 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu ra số liệu vốn vay ODA của Trung Quốc thường có lãi suất 3%/năm với điều kiện chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Mức lãi suất này cao hơn mức lãi vay ODA của Nhật Bản từ 0,4% đến 1,2% tùy vào thời hạn vay, hay của Hàn Quốc từ 0% đến 2% tùy theo điều kiện đấu thầu, hoặc của Ấn Độ là 1,75%/năm.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chính-ngân hàng độc lập, trong một lần trao đổi với RFA về thực trạng các nguồn vốn vay ODA tại Việt Nam cho biết những gói tài trợ giúp Chính phủ Việt Nam phát triển gọi là ODA thường kèm theo lợi ích của quốc gia tài trợ. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh nguyên tắc này cũng áp dụng với Trung Quốc khi họ đưa ra các gói ODA cho hạ tầng cơ sở cũng như những lĩnh vực kinh tế khác:
Hiện nay Trung Quốc cũng chuyển từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường cho nên còn rất nhiều những tàn dư, những góc khuất, những mặt tối. Rất nhiều cán bộ Việt Nam bị tha hóa cho nên bị những đối tác đấy mua chuộc, dẫn đến những hậu quả
-Tiến sĩ Ngô Trí Long
“Họ kèm theo điều kiện chẳng hạn như phải cho họ trúng thầu, phải tuyển dụng lao động của họ, hoặc phải mua nguyên vật liệu của họ. Đây là điều xảy ra thông thường.Vấn đề là chúng ta chấp nhận được đến đâu.”
Bộ Kế hoạch & Đầu tư còn cho biết trong báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ rằng vốn vay từ Trung quốc phải chịu phí cam kết 0, 5%, phí quản lý 0,5% trong khi thời hạn vay và ân hạn đều ngắn hơn các thị trường vốn khác, lần lượt 15 và 5 năm, do Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung quốc (China Eximbank) cung cấp.
Mặc dù vậy, các dự án và công trình phát triển quốc gia tại Việt Nam sử dụng nguồn vốn ODA hầu hết đến từ Trung Quốc. Ông Nguyễn Gia Kiểng, cựu Phụ tá Tổng trưởng Kinh tế của Việt Nam Cộng Hòa, một nhà quan sát tình hình kinh tế thế giới, từ Pháp quốc lên tiếng với RFA rằng ông lấy làm ngạc nhiên, vì:
“Ngân hàng Ngoại thương của Trung Quốc thông thường cho vay với mức lãi suất rất thấp, bởi vì mục đích của nó là để được trúng thầu để làm những công trình xây dựng và lắp ráp theo trong khuôn khổ của cái gọi là ‘Sáng kiến Một vành đai-Một con đường”. Nhưng nếu Việt Nam vay với mức lãi suất cao hơn của ngân hàng các nước khác thì điều đó có gì không bình thường. Và, đối với Trung Quốc thì những cái bình thường xảy ra nhiều lắm. Thường thì Trung Quốc hay sử dụng biện pháp mua chuộc, hối lộ, lợi dụng các quan chức tham nhũng để có được các hợp đồng về xây dựng và lắp ráp.”
Từ Hà Nội, Tiến sĩ Ngô Trí Long từng khẳng định với RFA rằng có tình trạng tham nhũng của giới chức Việt Nam trong quá trình hợp tác với Trung Quốc:
“Khác với các nước phương Tây, luật pháp rất nghiêm. Hiện nay Trung Quốc cũng chuyển từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường cho nên còn rất nhiều những tàn dư, những góc khuất, những mặt tối. Rất nhiều cán bộ Việt Nam bị tha hóa cho nên bị những đối tác đấy mua chuộc, dẫn đến những hậu quả.”
Hậu quả nghiêm trọng?
Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết không ít dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, tăng tổng mức đầu tư, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, mà điển hình nhất là Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông bị đội vốn gấp hai lần, lên đến gần 870 triệu đô la Mỹ (USD) và 4 lần xin lùi tiến độ, kéo dài thi công trong 10 năm vẫn chưa hoàn chỉnh theo hoạch định sẽ chính thức vận hành vào cuối năm 2018. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư còn đưa ra số liệu 1/3 trong số 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ của ngành Công Thương, trong đó có Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc giai đoạn 2, dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên…đều sử dụng vốn vay từ Trung Quốc.
Một số các chuyên gia kinh tế mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc cùng khẳng định Việt Nam sẽ phải lãnh hậu quả khôn lường trong bối cảnh tiếp tục tình trạng vay vốn ODA từ Trung Quốc như thế, vì Bắc Kinh đang có xu hướng xuất khẩu công nghệ lạc hậu trong các lãnh vực nhiệt điện chạy than, sản xuất thép…và Việt Nam trở thành nơi để chứa các công nghệ lạc hậu này. Ông nguyễn Gia Kiểng nhận định:
Gần đây, tôi có cảm giác rằng hình như các lãnh đạo của Chính quyền Việt Nam…đã ý thức được sự lố lăng quá đáng của những hợp đồng đến từ Trung Quốc và do đó họ cũng có khuynh hướng giảm bớt. Chẳng hạn như nhà máy thép ở Ninh Thuận bị dừng lại không làm nữa, các dự án về 16 lò điện nguyên tử cũng bị bỏ luôn, chắc là không bao giờ làm lại nữa rồi 3 đặc khu mà trong đó sự thực là để làm những khu công nghiệp của Trung Quốc với triển vọng rất cao là sẽ trở thành những tô giới, nhượng địa của Trung Quốc thì cũng bị khựng lại
-Ông Nguyễn Gia Kiểng
“Nếu Việt Nam tiếp tục đi trên con đường này thì chắc chắn dẫn tới thảm kịch. Gần đây, tôi có cảm giác rằng hình như các lãnh đạo của Chính quyền Việt Nam, tôi không muốn nói họ là những người có tinh thần trách nhiệm, đã ý thức được sự lố lăng quá đáng của những hợp đồng đến từ Trung Quốc và do đó họ cũng có khuynh hướng giảm bớt. Chẳng hạn như nhà máy thép ở Ninh Thuận bị dừng lại không làm nữa, các dự án về 16 lò điện nguyên tử cũng bị bỏ luôn, chắc là không bao giờ làm lại nữa rồi 3 đặc khu mà trong đó sự thực là để làm những khu công nghiệp của Trung Quốc với triển vọng rất cao là sẽ trở thành những tô giới, nhượng địa của Trung Quốc thì cũng bị khựng lại.”
Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhấn mạnh trong báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ là xu hướng vay vốn ODA và ưu đãi nước ngoài vẫn cần thiết trước nhu cầu đầu tư 35-40% hoặc cao hơn để Việt Nam có tốc độ tăng bình quân 6-8% giai đoạn tới.
Đài RFA nêu vấn đề với một số chuyên gia kinh tế liệu rằng có dấu hiệu lạc quan Việt Nam sẽ thận trọng hơn và cân nhắc kỹ lưỡng về các khoản vay ODA của Trung Quốc trong tương lai, giống như ghi nhận của nhà quan sát Nguyễn Gia Kiểng hay không, thì được giới chuyên gia đưa ra lời cảnh báo rằng Việt Nam phải nhắm đến việc nâng cao uy tín của mình trên thế giới, trước lời phát biểu của Trung Quốc là sẽ thông qua Việt Nam để làm một cầu nối, làm một bàn đạp để bán hàng hóa Trung Quốc. Tiến sĩ Ngô Trí Long nhận định “Nếu Việt Nam không cảnh giác thì trước sau Việt Nam cũng bị loại ra khỏi thương trường quốc tế.”