Sóng gió và nồng ấm Hà Nội Bình Nhưỡng mấy mươi năm qua

Kính Hòa
2019.01.18
000_Hkg8833906 Ông Kim Jong Un đón một đoàn cán bộ cao cấp Việt Nam tại Bình Nhưỡng, không rõ ngày tháng.
AFP

Cuộc gặp thượng đỉnh Hoa Kỳ Bắc Hàn lần thứ hai có khả năng diễn ra tại Việt Nam, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố rằng Việt Nam sẵn sàng cho việc đó.

Đầu tháng 12/2018 một đoàn cán bộ cao cấp của Bắc Hàn do Ngoại trưởng Ri Yong Ho dẫn đầu đến Việt Nam để học tập kinh nghiệm cải cách kinh tế.

RFA xin điểm lại mối quan hệ Việt Nam Bắc Hàn trong gần 70 năm qua.

--------------------------------

Bắc Hàn (tên gọi đầy đủ là Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên) là quốc gia thứ hai có quan hệ ngoại giao với Việt Nam dân chủ cộng hòa, chỉ hai tuần lễ sau khi Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao.

Theo tài liệu của Bộ ngoại giao Việt Nam, Trung Quốc và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 18/1/1950. Bắc Hàn và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 31/1/1950.

Thời gian đó Bắc Hàn cùng đồng minh Trung Quốc vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh nóng với Nam Hàn và Hoa Kỳ, còn Việt Nam dân chủ cộng hòa vẫn đang tiến hành cuộc chiến tranh chống người Pháp tại Đông Dương.

Chiến tranh nóng tại Triều Tiên kết thúc vào năm 1953, nước Triều Tiên bị chia đôi và thực trạng đó kéo dài cho đến ngày nay.

Chiến tranh Đông Dương kết thúc vào năm 1954 với hai quốc gia Bắc và Nam Việt Nam. Cuộc chiến Việt Nam sau đó bùng nổ và kết thúc vào năm 1975 với một nước Việt Nam thống nhất.

Mặn nồng

Theo một chuyên gia về Bắc Hàn là Giáo sư Balazs Szalontai, hiện dạy Đại học Hàn Quốc tại Hàn Quốc, thì Bắc Hàn và Bắc Việt Nam trước kia chia sẻ khá nhiều quan điểm chung, họ cùng là những quốc gia cộng sản tự cho rằng mình đang ở tuyến đầu chống “Đế quốc Mỹ”, cùng có những người anh em đồng chủng nằm bên kia chiến tuyến, và có cùng một chiến lược thống nhất dân tộc bằng vũ lực.

Việc thống nhất Việt Nam bằng vũ lực của Bắc Việt Nam đã thành công, còn Tiều Tiên vẫn bị chia rẽ với một miền Nam là Hàn Quốc giàu có và miền Bắc có chế độ toàn trị bao cấp thường xuyên đối mặt với sự thiếu hụt.

Từ 1986 Việt Nam bắt đầu cải cách kinh tế và phát triển hơn, tạo nên khoảng cách ngày càng xa với người anh em ý thức hệ là Bắc Hàn năm xưa.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu chính trị độc lập, có thời gian sống ở Bắc Hàn, nói với RFA về quan hệ Việt Nam Bắc Hàn cũng như đánh giá về lòng tin hiện nay của Bình Nhưỡng nếu họ chọn Việt Nam là nơi gặp gỡ Tổng thống Mỹ:

Bắc Việt Nam và Bắc Hàn có quan hệ rất tốt trong những năm 1960 về chính trị, quân sự, văn hóa. Nhưng nếu nói rằng hiện nay họ có niềm tin chính trị với Việt Nam hay không thì là chuyện khác, vì hai chế độ, tuy cùng là cộng sản nhưng đã khác nhau rất xa.”

Theo số liệu của Giáo sư Szalontai thì trong chiến tranh Việt Nam, có những năm Bắc Hàn đã viện trợ cho Hà Nội tổng trị giá cao hơn cả những quốc gia cộng sản Đông Âu có mức sống cao hơn, vào năm 1967 có tổng trị giá 20 triệu rúp tuền Liên Xô lúc đó. Trong giai đoạn Mỹ tấn công Bắc Việt bằng không quân, đã có đến khoảng 200 phi công Bắc Hàn tham chiến tại Việt Nam. Gần đây Bình Nhưỡng đã công nhận việc này.

Nhưng nếu nói rằng hiện nay họ có niềm tin chính trị với Việt Nam hay không thì là chuyện khác, vì hai chế độ, tuy cùng là cộng sản nhưng đã khác nhau rất xa.
-Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp.

Việc Bắc Hàn mong muốn cải cách kinh tế, và tham khảo mô hình Việt Nam đã được nói đến từ khá lâu nay. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế sống ở Hà Nội, đã tham gia thuyết trình cho các đoàn khảo sát Bắc Hàn từ năm 2013. Theo ông hai kinh nghiệm lớn mà Bắc Hàn có thể học từ Việt Nam là việc trở thành quốc gia nông nghiệp xuất khẩu, và phát triển kinh tế tư nhân. Ngoài ra ông cũng thấy kinh nghiệm ngoại giao của Việt Nam cũng là cần thiết cho Bắc Hàn:

Tôi thấy kinh nghiệm bổ ích cho Bắc Triều Tiên nữa là sau một cuộc chiến tranh lớn có nhiều mất mát, làm thế nào mà Việt Nam lại bình thường hóa và phát triển quan hệ với Hoa Kỳ.”

Với việc đối đầu với phương Tây trong nhiều thập kỷ qua và việc phát triển vũ khí hạt nhân, Bắc Hàn thường xuyên bị phương Tây cấm vận kinh tế, gây ra rất nhiều khó khăn cho nước này bên cạnh mô hình kinh tế bao cấp vốn không có hiệu quả.

Trong hoàn cảnh đó Bắc Hàn đã nhận không chỉ sự trợ giúp từ Bắc Kinh mà còn từ Hà Nội nữa, nếu không liên quan đến việc cấm vận. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết:

Tôi có thể nói rằng Bắc Triều Tiên rất cần nguồn lương thực của Việt Nam. Việt Nam đã viện trợ cũng như xuất khẩu lương thực sang Bắc Hàn và được thanh toán bằng hiện vật, mà tôi không thể nói ra đây.”

Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Việt Nam, viện trợ gạo của Việt Nam cho Bắc Hàn cao nhất, 130 ngàn tấn, là vào năm 1997, là lúc có nạn đói đang hoành hành tại nước này do thiên tai và sản xuất yếu kém.

Sóng gió

Nhưng quan hệ Bắc Hàn Việt Nam cũng trải qua nhiều căng thẳng. Gần đây nhất là chuyện điệp viên Bắc Hàn ám sát người anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Kim Jong Un. Các điệp viên này được nói đã thuê một công dân Việt Nam tại Singapore để ra tay tại phi trường Kuala Lumpur.

Báo chí Hàn Quốc mới đây cho biết rằng Bắc Hàn đã chính thức xin lỗi Việt Nam về việc này, nhưng không thấy sự xin lỗi này được đưa ra công khai trên phương tiện truyền thông của cả Bình Nhưỡng lẫn Hà Nội.

Ông Hà Hoàng Hợp nói với đài RFA rằng ông nghi ngờ thông tin này.

Bắc Triều Tiên rất cần nguồn lương thực của Việt Nam.
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.

Cuối năm 1992, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc, quốc gia vẫn còn trong tình trạng chiến tranh với Bắc Hàn. Việc này, theo bà Phạm Thị Thu Thủy, một nhà nghiên cứu Việt Nam sống tại Hàn Quốc, viết trên tạp chí online NKNews. Org, đã làm căng thẳng mối quan hệ Hà Nội Bình Nhưỡng lúc đó.

Cách đây tròn 40 năm, quan hệ Bình Nhưỡng Hà Nội cũng qua một cơn sóng gió khi quân đội Việt Nam tràn vào Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Polpot.

Theo Giáo sư Szalontai, dẫn lời một số nhà nghiên cứu người Hàn Quốc thì nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành của Bắc Hàn đã không đồng tình với can thiệp quân sự của Việt Nam vào Campuchia, cũng như bảo trợ cho Hoàng thân lưu vong Norodom Sihanouk cầm đầu chính phủ lưu vong chống Việt Nam.

Nhưng sự rạn nứt sớm nhất là vào những năm 1968-1969.

Theo Giáo sư Szalontai dẫn nguồn tin từ giới ngoại giao các quốc gia cộng sản Đông Âu lúc đó thì Bắc Hàn không đồng ý việc Bắc Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán chấm dứt chiến tranh với Hoa Kỳ và đồng minh Nam Việt Nam. Theo nhà nghiên cứu này thì Bắc Hàn mong muốn Mỹ vẫn sa lầy ở Việt Nam để cho Bắc Hàn chiếm thế thượng phong tại bán đảo Triều Tiên, mặc dù lúc đó không diễn ra cuộc chiến tranh nóng giữa hai bên. Căng thẳng lên cao đến nỗi Việt Nam phải rút lại số sinh viên gửi sang học tại Bình Nhưỡng sau vụ một viên thông dịch người Việt bị hành hung tại Bắc Hàn. Số lượng sinh viên này vào năm 1968 là 2500 người, chỉ còn 50 người vào năm 1973.

Ông Szalontai trích dẫn lời một nhà ngoại giao Việt Nam trong những năm 1970 rằng Bắc Hàn chỉ biết đến họ mà thôi.

Tuy nhiên đánh giá về những giai đoạn khác nhau trong quan hệ Hà Nội Bình Nhưỡng, ông Lê Đăng Doanh cho rằng tuy có những chuyện này chuyện khác trong quá khứ nhưng nên nhìn vào khía cạnh tích cực, nhất là khi Bắc Hàn đang muốn học hỏi Việt Nam trong vấn đề phát triển.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.