Du lịch Việt Nam sẽ hồi phục thế nào sau hai năm dịch COVID-19?

Việt Nam quyết định mở cửa trở lại cho khách quốc tế  từ ngày 15/3/22. Đây vừa là hy vọng vừa là thách thức lớn theo phân tích từ các chuyên gia trong ngành.
Thanh Trúc
2022.03.22
Du lịch Việt Nam sẽ hồi phục thế nào sau hai năm dịch COVID-19? Hình minh hoạ: Khách du lịch Hàn Quốc đến sân bay quốc tế Phú Quốc hôm 20/11/2021
AFP

“Đấy là cơ hội rất lớn để có thể tái phục hồi hoạt động du lịch như trước thời COVID. So vơi nhiều nước trong khu vực thì đây là chính sách cởi mở và khá là cạnh tranh.”

Đó là nhận định của Giáo sư Tiến sĩ Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu Du Lịch, Tổng Cục Du Lịch Việt Nam. Ông Lương cho biết thêm:

“Tuy nhiên mà nói thì có lẽ sẽ là tốt hơn nếu như Chính phủ đồng thời xem xét mở rộng hơn việc miễn thị thực, cũng như kéo dài hơn thời gian mà du khách nhập cảnh vào Việt Nam thay vì 15 ngày thì có thể lên thành 30 ngày. Cái đó chúng tôi đang tiếp tục kiến nghị chính phủ xem xét.”

“Trong bối cảnh COVID cũng đang có những diễn biến mà chưa thực sự được quản lý một cách tốt nhất, thì Việt Nam phải sẵn sàng phương án đảm bảo mỗi địa  phương là một điểm đến an toàn cho du khách”.

Việt Nam cũng đã nắm bắt được thị hiếu của khách du lịch nước ngoài khi đến Việt Nam  nói riêng trong lúc này, vẫn lời GSTS  Phạm Trung Lương:

Tâm lý cũng như thị cầu của du khách sau đại dịch là hướng đến những nơi an toàn, hòa mình với thiên nhiên là chính. Thay vì trước đây là những điểm đến sôi động, đông đúc, thì bây giờ người ta có xu hướng đến những nơi yên bình hơn. Về phía những người làm công tác tư vấn, tham mưu, chúng tôi cũng đã có lưu ý các địa phương về mặt điều chỉnh sản phẩm cũng như các dịch vụ’.

000_9RY384.jpg
Một nhân viên đi bộ trên bãi biển ở khu du lịch của Vinpearl hôm 19/11/2021. AFP

Doanh nhân Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch kiêm thành viên Hội Đồng Quản Trị công ty lữ hành Lửa Việt, thường viết sách, báo và lên tiếng trong các workshop chuyên về du lịch, nói rằng kỳ vọng hay hy vọng đều là tín hiệu tốt song chuyện gì cũng phải đối chiếu với thực tế:

“Năm 2019 Việt Nam đón hơn 18 triệu khách nước ngoài, trong đó 5,8 triệu là người Trung Quốc, chiếm hơn 30%. Không phải tất cả đều đi du lịch nhưng mình đang tính là tất cả người nước ngoài vào Việt Nam. Cuối 2019 đầu 2020 thì dịch bùng phát, những tour Trung Quốc bắt đầu khựng lại. Trong hai năm qua dịch có lúc trồi sụt rồi có lúc bùng lên mạnh, có thể nói  du lịch quốc tế bị ‘đứng hình’. Có những lúc cũng được một vài đoàn nhưng không đáng kể, chủ yếu là người nước ngoài đang ở Việt Nam họ đi chơi thôi. Tính đến Tết 2022 là hai năm du lịch quốc tế đứng hình.”

Sau khi VN bãi  bỏ giãn cách và phong tỏa tháng 9 đầu tháng 10/2021 thì kinh tế bắt đầu bung trở lại, đặc biệt là du lịch. Tổng Cục Du Lịch ước tính khoảng trên sáu triệu người trong nước đi du lịch, trong đó khoảng 500 là khách quốc tế đi theo ‘hộ chiếu vắc-xin thôi’, tỷ lệ rất thấp.”

“Từ tháng 12/2021, VN bắt đầu mở cửa một số thí điểm như Phú Quốc, Khánh Hòa, TP HCM vân vân. Trong ba tháng đó cũng chỉ đón được khoảng 10.000 khách từ bên ngoài vào”.

Vì thế tám đến chín triệu lượt khách quốc tế năm 2022, vẫn lời ông Nguyễn Văn Mỹ, là con số tương đối lớn so với tình hình hiện nay, trong lúc Tổng Cục Du Lịch chỉ còn chín tháng để chạy theo chỉ tiêu đề ra:

Bởi Trung Quốc hiện vẫn kiên trì theo chiến dịch ‘Zero COVID’  nên khách Trung Quốc sẽ không qua đây. Mà chỉ riêng Trung Quốc là mình đã mất gần sáu triệu khách rồi. Các thị trường khác  còn nhiều thứ nữa cho nên mục tiêu đặt ra rất  gian nan”.

Còn theo GSTS Phạm Trung Lương, qua một thời gian khá dài thì cơ sở vật chất, đúng hơn là hạ tầng cơ sở cho du lịch, đương nhiên bị  xuống cấp. Đây là vấn đề trước mắt VN phải chú ý cải sửa:

Ngành du lịch cũng đã có kiến nghị, và Chính phủ cũng đã có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch tiếp cận các tín dụng dài hạn với lãi suất thấp, để doanh nghiệp có thể nâng cấp cơ sở vật chất và kỹ thuật của mình.”

“Bên cạnh đó thì Chính phủ cũng có nguồn hỗ trợ để giúp doanh nghiệp đào tạo, nâng cao nhân lực. Đã có rất nhiều lao động chuyển đổi ngành nghề, không làm trong ngành du lịch nữa. Một số nghỉ lâu thì năng lực đã bị mai một đi. Để đào tạo trở lại  thì trong thời gian qua chính phủ đã có những gói hỗ trợ như vậy.”

Bản thân các doanh nghiệp du lịch trong nước, ngay cả các địa phương, cũng ý thức được điều này và đang dồn năng lực riêng của mình vào việc nâng cao nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất hầu đáp ứng mức cầu rất lớn khi mở cửa du lịch, theo khẳng định của nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu Du Lịch Phạm Trung Lương. Ông nói tiếp:

Đúng là nhiều khi “on and off lúc có lúc không, lúc thế này lúc thế khác”…Đâm ra lúc này việc nó bài bản hơn, có căn cứ hơn, chính phủ cũng quyết tâm hơn.”

“Tôi cho rằng tương đối thì sẵn sàng nhưng tuyệt đối thì chắc là chưa. Chúng tôi nhân đây  mong muốn các doanh nghiệp khi đón khách đến Việt Nam phải có kế hoạch cụ thể của riêng mình, nghĩa là chu đáo nhất, an toàn nhất, phục vụ tốt nhất.”

Đó là trách nhiệm của người làm du lịch inbound, GSTS Phạm Trung Lương kết luận.

Hy vọng nào cho du lịch quốc tế của Việt Nam, vốn là mảng kinh doanh mang lại mức lợi nhuận đáng kể cho ngân sách quốc gia bao năm qua?  Ông Nguyễn Văn Mỹ của Công ty Lửa Việt phân tích:

“Thứ nhất là Chính phủ rất quyết tâm, các doanh nghiệp thì không thể chờ vì mỏi mòn lắm rồi. Cũng xin nhấn mạnh không chỉ Việt Nam mình như thế mà tất cả thế giới đều như thế  cả”. 

Điều này được hiểu là sự cạnh tranh với các nước sẽ rất gắt, chính sách sẽ thay đổi liên tục, mà Việt Nam sẽ thích ứng và đương đầu với canh tranh ra sao:

Thí dụ hôm nay cách ly, ngày mai bỏ cách ly…Rất nhiều biện pháp để tạo thuận lợi tốt nhất, để kéo khách về với mình. Việt Nam tranh thủ đón khách quốc tế vào thì các  nước xung quanh họ cũng làm như thế. Thậm chí rất nhiều nước còn tranh thủ kéo khách du lịch Việt đến nước họ. Đây  là cuộc cạnh tranh hết sức khốc liệt chứ không đơn giản. Dĩ nhiên từ chuyện muốn tới chuyện làm, và làm cho hiệu quả, thì còn không ít khó khăn”.

Hiện có hai tín hiệu tốt, tức là hai thuận lợi cho du lịch Việt Nam. Theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Mỹ thì thứ nhất Việt Nam nằm trong Top 10 nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất.  Thứ hai, gần đây mặc dù mức độ lây nhiễm tăng nhanh, số ca lây nhiễm tăng gấp sáu lần lúc trước, nhưng tỷ lệ tử vong lại giảm 30%. Điều này thể hiện chuyện Việt Nam chống dịch tương đối hiệu quả:

Một cái thuận lợi nữa là VN hiện chưa nằm trong Top 3 của du lịch ASEAN, lượng khách quốc tế  đến Việt Nam so  với 2018 còn khá khiêm tốn, như vậy Việt Nam vẫn là thị trường mới.”

Việt Nam chưa phát triển cho nên việc công nghệ hóa chưa ồ ạt, môi trường ít nhiều còn giữ được những nét thiên nhiên nhất định.”

Dĩ nhiên bên cạnh những thuận lợi vừa nói thì cũng rất nhiều khó khăn, những trở ngại  tiềm ẩn, ông Nguyễn Văn Mỹ nhấn mạnh.

Nếu trung ương và cả địa phương không tích cực tháo gở thì du lịch Việt Nam trong những ngày tới sẽ gặp cảnh “trâu chậm uống nước đục”, phải đến 2023 may ra mới được coi là phục hồi hoàn toàn. 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.