Thủy sản Việt Nam trước nguy cơ bị cấm vào EU

Thanh Trúc
2019.04.26
Một công nhân đổ tôm xuống một dây chuyền phân loại tôm tại nhà máy chế biến thủy sản Kim Anh  Sóc Trăng. Một công nhân đổ tôm xuống một dây chuyền phân loại tôm tại nhà máy chế biến thủy sản Kim Anh Sóc Trăng.
AFP

Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam hôm 23 tháng Tư gấp rút tổ chức hội nghị qua đó cảnh báo sau thẻ vàng về đánh bắt cá trái phép thì ngành khai thác thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ bị thẻ đỏ khi đoàn thanh tra của Tổng Vụ Các Vấn Đề Biển Và Thủy Sản (DG-Mare) thuộc Ủy Ban Châu Âu (EC) đến Việt Nam cuối tháng Năm đầu tháng Sáu tới đây.

Thẻ vàng là biện pháp cảnh báo mà Ủy Ban Châu Âu đưa ra khi một quốc gia có hải sản nhập vào khu vực này mà có dấu hiệu hoạt động khai thác bất hợp pháp, không tuân theo báo cáo và qui định khai thác (IUU).

Từ tháng Tám năm 2017, ngành khai thác thủy sản Việt Nam xuất qua EU đã bị Ủy Ban Châu Âu EC giơ thẻ vàng, có giá trị như một lời cảnh báo vi phạm qui định IUU. Và nếu không giải quyết và không khắc phục những vi phạm về khai thác IUU thì Việt Nam sẽ bị xác định là không hợp tác với nguy cơ bị áp dụng biện pháp thẻ đỏ.

IUU là khuyến cáo việc đánh bắt có trách nhiệm để vừa bảo vệ quyền lợi cho chính mình vừa bảo vệ quyền lợi cho các nước trong khu vực. Điều này bảo đảm được cái truy xuất nguồn gốc, cái an toàn thực phẩm, cái yêu cầu của người tiêu dùng trong nước cũng như nước ngoài. Có những vi phạm thành ra Châu Âu giơ thẻ vàng lên.
-TS. Nguyễn Việt Thắng

Tại hội nghị ngày 23 tháng Tư, Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy Sản trực thuộc Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn, ông Nguyễn Quang Hùng, loan báo rằng sau khi Việt Nam bị Ủy Ban Châu Âu EC cảnh báo thể vàng trên các mặt hàng thủy sản khai thác thì chính phủ đã đề ra nhiều biện pháp quyết liệt, kêu gọi ngư dân và doanh nghiệp cùng nỗ lực  giải quyết.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, chủ tịch Hội Nghề Cá Việt Nam, giải thích:

IUU là khuyến cáo việc đánh bắt có trách nhiệm để vừa bảo vệ quyền lợi cho chính mình vừa bảo vệ quyền lợi cho các nước trong khu vực. Điều này bảo đảm được cái truy xuất nguồn gốc, cái an toàn thực phẩm, cái yêu cầu của người tiêu dùng trong nước cũng như nước ngoài. Có những vi phạm thành ra Châu Âu giơ thẻ vàng lên.

Cá đánh bắt gọi là ngăn ngừa IUU tức là ngăn ngừa đánh cá bất hợp pháp bất cứ ở đâu. Trong nước mà đánh cá bất hợp pháp, đánh bắt không rõ nguồn gốc cũng không hợp lệ. Còn đánh bắt ở nước ngoài cũng là một vi phạm pháp luật khác nữa.

Phân biệt cho rõ IUU là ngăn ngừa tất cả mọi phương tiện hoặc cách đánh bắt vi phạm pháp luật của Việt Nam cũng như các qui định của thế giới. Chứ còn đánh bắt ở nước ngoài mà có ký kết có hợp tác thì không phải là bất hợp pháp. Việt Nam có thể đi ra vùng hải phận quốc tế quốc tế mà ở đấy được quyền đánh bắt thì vẫn là đánh bắt ở nước ngoài. Tuy nhiên làm cho rõ ra là phải truy xuất được nguồn gốc thì sẽ là hợp lệ,, hợp lý.

Tại hội nghị, phó tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy Sản, ông Nguyễn Quang Hùng, cho biết sau khi bị thẻ vàng Việt Nam đã nội luật hóa các qui định quốc tế, khu vực trong Luật Thủy Sản năm 2017, các văn bản hướng dẫn việc thực thi Luật Thủy Sản của Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn. Bên cạnh đó nhận thức của các cơ quan quản lý thủy sản từ trung ương đến địa phương cũng được nâng cao, giúp các cộng đồng ngư dân cũng như các doanh nghiệp ý thức việc chống khai thác IUU, chưa kể vcông tác kiểm tra tàu cá đánh bắt trên biển sao cho phú hợp qui định, hiệp định hay công ước quốc tế.

Mặc dù có nhiều bước tiến đáng kể, Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy Sản Nguyễn Quang Hùng vẫn nhìn nhận chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC thực tế vẫn chưa đạt kết quả mong muốn, tình trạng vi phạm khai thác hải sản trái phép tại các nước thuộc khu vực Biển Đông không những tiếp tực mà còn có diễn biến phức tạp.

Năm 2018, Tổng Cục Thủy Sản cho hay đã thống kê được 85 vụ vi phạm với 137 tàu cá Việt Nam xâm nhập hải phận Thái Lan, Malaysia, Philippnes, Campuchia, Indonesia, Brunei, tức là tăng 28 vụ so với 2017.

Những địa phương có nhiều tàu cá Việt Nam bị tuần duyên nước ngoài bắt giữ ngay trong hải phận của họ là Kiên Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Định, Bến Tre, Cà Mau, Bình Định. Theo lãnh đạo Tổng Cục Thủy Sản, trong số các tỉnh vừa nêu thì Kiên Giang là nơi đứng đấu với 50, chiếm gần 2/3 tổng số vụ vi phạm trên cả nước.

Trả lời RFA, một ngư dân giấu tên thuộc một gia đình nghề cá lâu đời ở Bà Rịa, Vũng Tàu, cho hay:

Đi đánh bắt ở cảng biển Việt Nam này nó không có, nó kiệt quệ hết, chỉ có qua Indonesia thôi, mà qua Indonesia người ta bắt. Qua giáp ranh đánh kiếm ít cá về kiềm tiền dầu, mà cứ hé qua Indonesia, là người ta bắt. Trước người ta cho chuộc chứ giờ người ta bắt là mất luôn.

Một ngư dân khác giấu tên ở Quảng Ngãi cho biết:

Dân ngư phủ đi làm thì đâu có biết được, cứ ra ngoài biển rộng mênh mông cứ làm tới, chừng đụng chuyện tới nước ngoài nó bắt mới biết thôi.

Hiện Việt Nam và Indonesia vẫn còn một vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn chưa phân định ở gần đảo Natuna của Indonesia. Phần đông những ngư dân Việt Nam bị phía Indonesia bắt giữ cho biết họ bị bắt giữ khi đánh bắt cá ở vùng nước này.

Tháng Sáu năm 2017, Việt Nam đã tổ chức cuộc họp để đánh giá việc thực hiện những chỉ thị ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng ngư dân khai thác hải sản trái phép tại các vùng đặc quyền kinh tế nước bạn. Ghi nhận từ cuộc họp là tình trạng ngư dân đưa tàu cá đi khai thác trái phép tại các vùng biển nước ngoài tăng lên chứ không giảm.

Tháng Bảy năm 2018, AFP loan tin Indonesia đã hoàn tất thủ tục trao trả 42 ngư dân Việt về lại Việt Nam. Tiếp đó Thông Tấn Xã Việt Nam loan báo đây là những ngư dân làm việc đánh bắt và sơ chế hải sản trên 5 tàu cá, bị tuần duyên Indonesia bắt giam từ tháng Tư năm 2018.

Tuy nhiên trong lần trao đổi mới đây nhất với  đài Á Châu Tự Do, ông Phan Huy Hoàng, chủ tịch Hội Nghề Cá ở Quảng Ngãi cho biết:

Từ 2017 trở về trước thì ngư dân Quảng Ngãi cũng có chuyện là đi đánh bắt cá ở nước ngoài, còn nhiều hơn so với các tỉnh như Cà Mau, Kiên Giang hay Bà Rịa Vũng Tàu thì tôi không có số liệu so sánh. Nhưng rõ ràng từ 2017 trở về trước thì ngư dân Quảng Ngãi có đi đánh ở nước ngoài mà đi xa hơn, tận úc, tận New Zealand rồi tận Papua New Guinea vân vân…Nhưng mà từ 2017 đến nay là đã hết rồi, chấm dứt rồi. Chính xác là khoảng tháng Mười Một, Mười Hai năm 2017 là đã hết. Tôi khẳng định nếu mà còn thì cũng chỉ đâu ở Kiên Giang hay Vũng Tàu gì đó mà đi gần thôi, kiểu đi đánh bắt ở vùng giáp ranh lân cận, có thể là xâm phạm qua lại, chứ còn đi thẳng ra nước ngoài, đi xa là không còn nữa, nhất là Quảng Ngãi là không còn nữa.

Bằng vào những vụ vi phạm từ 2018 trở về trước, cộng thêm 16 vụ tàu cá và ngư dân Việt khai thác hải sản bất hợp pháp ở nước ngoài từ đầu 2019 đến giờ theo như bản tin của AFP mới đây, Việt Nam bắt buộc phải cảnh giác. Chủ tịch Hội Nghề Cá Việt Nam, ông Nguyễn Việt Thắng, khẳng định:

Vừa qua báo chí nói rằng nếu như chúng ta không quyết liệt làm để giảm hẳn đi, không kiểm soát chặt mà tái phạm chẳng hạn thì có lẽ bị thẻ đỏ.Đấy là những lời cảnh báo trong quá trình làm việc của các cơ quan quản lý đối với ngư dân, để ngư dân thấy rằng rất nguy hiểm cho ngành khai thác hải sản Việt Nam nếu vi phạm tiếp tục. Tôi theo dõi các báo cáo của địa phương cũng như trên Cục Kiểm Ngư của Tổng Cục Thủy Sản thì các tháng đầu năm của 2019 đều giảm. Nhưng mà nếu như giảm không triệt để, thỉnh thoảng vẫn có người vi phạm thì người ta coi như là có vi phạm.

Luật Thủy Sản năm 2003 hồi đó chưa lường được cái việc như này, nhưng đến 2017 thì Luật Thủy Sản được ban hành coi như đã sửa đổi lại rồi, có răn đe, xử phạt và nâng cao nhận thức cho ngư dân. Vì có biện pháp xử phạt mạnh nên theo tôi biết cả nước đã giảm rất nhiều.
-Ông Phan Huy Hoàng

Về câu hỏi là tình trạng vi phạm IUU chống đánh bắt cá bất hợp pháp ở hải phận nước ngoài tăng hay giảm, ông Nguyễn Việt Thắng trả lời :

Là những người trong Hội Nghề Cá cũng như các Hội Nghề Cá cấp tỉnh hoặc thủy sản cấp tỉnh thì chúng tôi xác nhận rằng kể từ ngày mà thẻ vàng của Châu Âu giơ lên thì chúng tôi rất tích cực trong mọi lãnh vực tuyên truyền, giám sát cũng như kiểm tra và làm việc với cả các cơ quan khai thác hải sản của nước ngoài, làm sao để giảm bớt tình trạng đánh bắt bất hợp pháp và vi lãnh hải của nước ngoài.

Về phần ông Phan Huy Hoàng, chủ tịch Hội Nghề Cá Quảng Ngãi, nhờ vào những biện pháp cảnh báo nghiêm khắc của trung ương và địa phương khiến tình trạng đánh bắt cá xâm phạm lãnh hải nước ngoài đã giảm thiểu rõ rệt:

Quan trọng nhất mà Châu Âu đưa ra là chúng ta đánh bắt không theo qui định, đánh bắt không báo cáo, đánh bắt không theo Luật, họ răn đe bằng 3 cái IUU đó. Cho nên chính phủ Việt Nam đã sửa đổi luật rồi. Luật Thủy Sản năm 2003 hồi đó chưa lường được cái việc như này, nhưng đến 2017 thì Luật Thủy Sản được ban hành coi như đã sửa đổi lại rồi, có răn đe, xử phạt và nâng cao nhận thức cho ngư dân. Vì có biện pháp xử phạt mạnh nên theo tôi biết cả nước đã giảm rất nhiều.

Sau gần 2 năm bị cảnh báo thẻ vàng, những mặt hàng thủy sản khai thác từ Việt Nam nhập vào thị trường Châu Âu đã phải chịu sự kiểm tra 100% lô hàng xuất khẩu sang khu vực EU này.

Trong những ngày tới, nếu kết quả kiểm tra của đoàn thanh tra Tổng Vụ Các Vấn Đề Biển Và Hải Sản của Ủy Ban Âu Châu EC không đáp ứng được các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU thì đương nhiên biện pháp thẻ đỏ sẽ được áp dụng, tất cả các sản phẩm thủy hải sản khai thác từ Việt Nam sẽ mất cửa vào EU.

Báo cáo mới nhất từ VASEP tức Hiệp Hội Chế Biến Và Xuất Khẩu Thủy Sản Việt Nam cho thấy năm 2018  xuất khẩu hải sản từ Việt Nam  sang EU giảm 2,8%, vào Mỹ giảm 3,3%.

Ông Nguyễn Quang Hùng thuộc Tổng Cục Thủy Sản nhắc lại rằng EU vẫn là thị trường nhập khẩu hải sản tiềm năng và tín chỉ của Việt Nam. Theo dự kiến của VASEP, xuất khẩu hải sản của Việt Nam năm 2019 có thể đạt trên 4 tỷ USD.

Việt Nam không phải nước duy nhất bị Ủy Ban Âu Châu cảnh báo thè vàng. Từ năm 2012 đến giờ 19 nước trên thế giới đã bị áp thẻ vàng,  6 quốc gia bị biện pháp thẻ đỏ.

Tuy nhiên đã có 14 trong số 19 nước gỡ được thẻ cảnh báo hoặc vàng hoặc đỏ của Châu Âu. Điển hình Thái Lan đã đầu tư 125 triệu đô và 4 năm hành động để  tháo gỡ thẻ vàng, Philippines bỏ ra gần 10 triệu Euro trong 11 tháng để thực hiện các khuyến nghị của Ủy Ban Âu Châu EC về khai thác IUU.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.