Thu hút vốn đầu tư toàn xã hội để phục hồi kinh tế !

Thanh Trúc
2020.05.07
rr Hình minh hoạ. Người bán hàng ăn trên vỉa hè ở Hà Nội hôm 29/4/2020
AFP

Đề xuất thu hút vốn đầu tư toàn xã hội nhằm phục hồi kinh tế trong và sau COVID 19 được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư, thông báo vào ngày 5/5 vừa qua.

Ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu rộng, cùng khắp  mọi mặt nền kinh tế , xã hội, nhiều doanh nghiệp không còn đủ sức chịu đựng cũng như chống đỡ trước ảnh hưởng này.

Kết quả khảo sát mới nhất của Bộ Kế Hoạch - Đầu Tư qua 130.000 doanh nghiệp cho thấy gần 86% bị tác động xấu, trong đó  mạnh nhất là khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ với tỷ lệ lần lượt 86,1% và 85,9%.

Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính thuộc Viện Tài Chính thành phố Hồ Chí Minh, lý giải thu hút đầu tư toàn xã hội, đặc biệt trong giai đoạn này, chẳng qua là kêu gọi hành động bỏ vốn cùng sự đóng góp của giới  đầu tư đang có vốn để vực dậy nền kinh tế sau dịch:

“ Ở đây gồm tất cả khu vực tư nhân, khu vực các doanh nghiệp nhà nước và khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tất cả mọi thành phần, ai có khả năng thì cố gắng đầu tư vào để phục hồi sản xuất. Tất nhiên nói như vậy chủ yếu là các doanh nghiệp và doanh nhân thôi, nhưng nếu như ai đó dư tiền thì cũng nên tìm cách đầu tư bằng cách gởi tiền vào Ngân Hàng Nhà Nước, từ đó ngân hàng tập trung vốn để có biện pháp giúp vốn cho các doanh nghiệp phát triển”.

Kêu gọi tư nhân góp vốn là chuyện không bắt buộc, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh giải thích thêm, cái chính là thu hút lòng tin từ người dân vào hệ thống Ngân Hàng Nhà Nước. Ông viện dẫn một so sánh cụ thể:

“ Ở Việt Nam khác với ở Mỹ, đó là tiền trong dân ở Việt Nam thường là tiền mặt hay vàng người ta giữ ở nhà thôi, như vậy là khác hẳn với Mỹ. Ở Mỹ tiền đó nằm trong tài khoản sẵn rồi, ngân hàng động viên vào, cho doanh nghiệp vay để thực hiện đầu tư”

“ Thứ hai, trong thời gian có giãn cách xã hội, không cho người ra đường, cho nên sản xuất bị đình trệ. Đến việc trả lương cho công nhân, cho người lao động, người ta chỉ trả phần nào đó thôi, Nhà Nước phải có gói hỗ trợ lao động mất việc và người nghèo. Vì thế cho nên chính phủ mong muốn những ai có tiền thì tìm cách mua cổ phiếu hoặc gởi vào ngân hàng để từ đó có vốn”

Hình minh hoạ. Người dân đeo khẩu trang đi siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh hôm 26/4/2020
Hình minh hoạ. Người dân đeo khẩu trang đi siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh hôm 26/4/2020
Reuters

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu, Viện Nghiên Cứu Phát Triển Kinh Tế- Xã Hội tại Hà Nội, giải thích việc thu hút vốn đầu tư như trường hợp Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư đề ra còn được gọi là xã hội hóa đầu tư, khai thác các nguồn lực xã hội bên cạnh tinh thần chủ động của doanh nghiệp và doanh nhân:

“ Xã hội hóa bao gồm cả nguồn lực tư nhân trong nước, ngoài nước,  của ngân sách và ngoài ngân sách… là một chủ trương lớn được định hướng từ lâu rồi, nếu không nói là từ đầu đổi mới những năm 1986 đến nay. Chỉ có điều nó được dịch COVID-19 tô đậm thêm, hầu như các nguồn vốn đều bị ngưng đọng, đầu tư xã hội bị đóng băng, nền kinh tế có sự giảm sút”

Theo phân tích của nhà nghiên cứu kinh tế Nguyễn Minh Phong thì việc huy động tổng thể các nguồn lực xã hội để duy trì động lực tăng trưởng chỉ là điểm nhấn thêm chứ không phải điểm mới. Ông cho rằng đây là chủ trương đúng với lý do:

“ Bởi vì cả thế giới hiện đang ở trong tình trạng kinh tế trì trệ, nước nào cũng cố gắng huy động các nguồn lực phát triển. Thậm chí Mỹ phải tung một gói trên 3.000 tỷ USD để đảm bảo an sinh xã hội cũng như là hỗ trợ doanh nghiệp”.

Cũng tại cuộc họp ngày 5/5 để trình bày kế hoạch thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng còn cho rằng Việt Nam đang chuyển sang một giai đoạn mới, gọi là dài hơi hơn và căn cơ hơn, trong công tác phòng chống dịch đi đôi với phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhận định của Bộ Kế Hoạch- Đầu tư Việt Nam được tiến sĩ Nguyễn Minh Phong đánh giá là chủ động:

“Chủ động là nhận xét khá phù hợp đối với thực tế Việt Nam. Đại dịch COVID-19 là một thảm họa thách thức y tế toàn cầu trong đó có Việt Nam. Sau hậu dịch đòi hỏi cái tư duy mới cho cả chính phủ cho cả doanh nghiệp thậm chí cả người dân”.

“Trong tinh thần chung là phải sản xuất kết hợp với cả phòng bệnh, đồng thời tăng tính chủ động. Bởi vì rõ ràng một loạt rớt gãy về chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như các mối quan hệ tiếp xúc truyền thống, đã khiến cho khá nhiều sự lúng túng xuất hiện cả phía chính phủ và cả phía doanh nghiệp. Cho nên chủ động thích ứng, chủ động tháo gỡ các nút thắt, chủ động nhận diện những thách thức mới và những cơ hội mới đều là cần thiết”.

Hình minh hoạ. Một người đi cắt tóc trên phố ở Hà Nội hôm 28/4/2020 sau khi chính phủ nới lỏng việc giãn cách xã hội
Hình minh hoạ. Một người đi cắt tóc trên phố ở Hà Nội hôm 28/4/2020 sau khi chính phủ nới lỏng việc giãn cách xã hội
Reuters

Được hỏi trong một đất nước còn khó khăn chồng chất như Việt Nam thì kỳ vọng của Nhà Nước, của Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư, của giới chuyên gia tài chính liệu có rủi ro không. Chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh lý giải:

“Việt Nam một số năm gần đây xuất nhập khẩu ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì dịch bệnh từ thị trường Trung Quốc, thị trường Mỹ cho đến Nhật Bản, Hàn Quốc cho nên đầu vào cũng khó khăn. Ngay cả đầu ra của Việt Nam cũng rất khó khăn. Trung Quốc, Mỹ hay EU, là các thị trường lớn của xuất nhập khẩu Việt Nam, đến giờ một loạt chủ hàng các thị trường này xin không thực hiện các hợp đồng. Thu nhập của người dân tại các thị trường lớn của Việt Nam cũng đều giảm sút hết, vì thế cho nên nhu cầu tiêu dùng sẽ giảm đi”.

“ Như vậy rõ ràng sản xuất của Việt Nam phải có sự chuyển hướng, phải có sự thay đổi. Đã đến lúc doanh nghiệp Việt Nam cần trước hết là quan tâm đến thị trường nội địa, từ đó cầm cự qua được thời gian đại dịch này. Nếu không coi thị trường Việt Nam là thị trường chính và lâu dài để tiêu thụ hàng hóa, không giữ được sân nhà thì nói gì đến cạnh tranh với ai nữa”.

“ Còn nếu anh chỉ coi thị trường nội địa như biện pháp ngắn hạn thì rõ ràng anh chỉ hời hợt thôi, anh không dám đầu tư lớn và lâu dài và như thế là không ổn”.

Dưới mắt nhà nghiên cứu kinh tế Nguyễn Minh Phong, thu hút đầu tư toàn xã hội và thu hút đầu tư từ bên ngoài đều có cơ hội mới và thách thức mới:

“Trong Quí 1 của năm 2020 này kinh tế của Việt Nam cũng như của thế giới đều nằm trong xu hướng chung là trì trệ. IMF Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế còn nói rằng khả năng năm 2020 này cả thế giới sẽ tăng trưởng âm 3%. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm qua, nhưng nếu so với các nước trên thế giới, nhất là những nước tăng trưởng âm, thì Việt Nam vẫn giữ Top đầu của sự tăng trưởng. Thế thì đầu tư vào đâu cũng có rủi ro và đầu tư vào đâu cũng có cơ hội”.

Việt Nam thuộc số ít các nước tăng trưởng dương với mức 3,82% trong Quí 1 2020 là tin được bộ trưởng Bô Kế Hoạch-Đầu Tư nhắc lại hôm 5/5, cho đó là điểm sáng của Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong  cũng đồng tình rằng đó là điểm giúp Việt Nam có thể thu hút thêm vốn đầu tư:

“ Hơn nữa Việt Nam đã có uy tín trong cuộc chiến chống COVID-19, vì thế giới đầu tư bên ngoài không chỉ thấy Việt Nam là điểm đến có lời mà còn an toàn nữa. Đặc biệt trong xu hướng nhiều dòng đầu tư rút ra khỏi Trung Quốc thì hy vọng Việt Nam sẽ đón nhận một phần các nguồn vốn này”.

Dù như còn nhiều khó khăn trong hiện tại, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong dự báo rằng trong trung hạn và dài hạn Việt Nam sẽ là điểm đến và điểm đầu tư hứa hẹn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.