Quan hệ Việt - Mỹ qua chuyện kể của cố vấn Bùi Kiến Thành: Phần 2 - Hợp tác
Sau khi hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hoá quan hệ năm 1995, ông Bùi Kiến Thành tiếp tục cố vấn cho Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là tham gia và các dự án nhằm mở rộng thương mại với Mỹ.
Hợp tác kinh tế
“Đến năm 95 thì mình bình thường hóa mối quan hệ, rồi sau đó phải xây dựng mối quan hệ lên và phải xây dựng kinh tế, nhưng mà cái đó Việt Nam làm không tốt. Bởi vì phía Mỹ có luật về vấn đề chống tham nhũng rất là mạnh, còn Việt Nam bị kẹt về vấn đề đó.” - Kinh tế gia Bùi Kiến Thành nói với Đài Á Châu Tự Do.
Sau khi Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận đối với Việt Nam, chủ trương của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành là đưa các tập đoàn kinh tế lớn vào Việt Nam. Một trong những thành tựu quan trọng của ông Thành là đưa tập đoàn bảo hiểm lớn của Mỹ thời điểm đó là AIG vào Việt Nam để đầu tư làm khu công nghiệp Đình Vũ ở Hải Phòng.
Ông kể, năm 1993, ông mang bản kế hoạch phát triển khu công nghiệp Đình Vũ trình bày cho chủ tịch tập đoàn AIG và nhận được cái gật đầu đồng ý ngay lập tức.
AIG cho một phái đoàn từ Thái Lan sang Việt Nam để họp với chủ tịch và bí thư Hải Phòng. Ngay trong ngày hôm đó, một bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết giữa hai bên. Theo ông Thành, việc AIG kí hợp đồng với Việt Nam mở đường cho các tập đoàn kinh tế lớn khác vào Việt Nam.
Khu công nghiệp Đình Vũ được chính thức thành lập vào năm 1997 và vẫn còn hoạt động cho tới tận hôm nay.
Một trong những dự án mang tầm chiến lược quốc gia mà ông Thành chia sẻ với RFA là dự án Cảng Trung chuyển Quốc tế Vân Phong.
Vân Phong là vịnh có độ sâu tự nhiên đến 30 mét, cho phép tàu có thể lưu hành hai chiều thuận tiện và an toàn. Vân Phong được che chắn phía Đông và phía Bắc nên tránh được sóng, và có độ kín gió tốt. Nơi đây cũng không có núi lửa và động đất, không có hang động, thuận lợi cho việc xây dựng các công trình vĩnh cửu. Do đó, Vân Phong được xem là vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế và quân sự của Việt Nam.
Vào đầu những năm 2000, Bùi Kiến Thành gặp ông Chu Quang Thứ, bấy giờ là Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải. Ông Chu Quang Thứ luôn mong mỏi phát triển Vịnh Vân Phong, Khánh Hòa trở thành khu kinh tế tổng hợp tầm vóc quốc tế.
Cuối năm 2002, ông Thành tích cực kết nối trực tiếp Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói chuyện với Cục Hàng hải. Ông Thành cho biết, phía Mỹ rất muốn giúp đỡ Việt Nam phát triển một cảng đứng hàng đầu của Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cần một điểm tựa ở trên thềm lục địa Việt Nam:
“Ông Đại sứ nói rằng chúng tôi không cần có một cái base (căn cứ quân sự - PV) mà chúng tôi chỉ cần có một dịch vụ từ Việt Nam. Nếu Việt Nam có thể tổ chức một trung tâm bảo hành bảo dưỡng ở tại đó thì chính phủ Mỹ có thể ký một hợp đồng để sử dụng.”
Về phía Việt Nam, đến những năm 2006-2007 vẫn chưa thống nhất với nhau. Cuối cùng, Chính phủ ra quyết định giao dự án phát triển Khu công nghiệp Khánh Hòa, trong đó khu công nghiệp Vân Phong, bao gồm cả cảng Vân Phong cho tỉnh Khánh Hoà:
“Tôi có góp ý rằng một dự án trọng điểm quốc gia cần phải lập ra một ban quản lý quốc gia và phải giao cho một phó thủ tướng có trách nhiệm để thực hiện, có như thế thì Mỹ mới giúp cho được, mới để huy động số vốn hàng trăm tỷ đô la để phát triển.
Nhưng mà ở Việt Nam lục đục với nhau, giành giật với nhau, cuối cùng Chính phủ lại giao dự án đó cho Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa thì làm sao được. Các anh đang bắt con ếch kéo xe bò thì làm sao mà nó kéo được.
Cuối cùng, từ năm 2006 cho đến giờ không làm được một cái gì cả. Tại vì giao cho một tỉnh không đủ tiềm năng về nhân lực, cũng như về quan hệ để mà làm. Thành ra một cảng lớn như thế, một dự án tầm cỡ quốc tế thế giới được Mỹ ủng hộ ngay từ ban đầu mà không làm gì được.”
Ông Thành kể lại câu chuyện này trong tiếc nuối:
“Nếu như hồi đó mà Chính phủ Việt Nam phát triển mạnh cái dự án đó lên thì cho đến bây giờ cảng đó bây giờ cũng đã gần bằng như Singapore, nhưng mà mình đã không làm cho nên Mỹ không thể áp đặt gì với mình được.”
Nhận định về kết quả hợp tác phát triển kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ kể từ khi thiết lập bang giao hai nước, ông Thành cho rằng Việt Nam không thực hiện tốt các điều khoản đã ký với Mỹ:
“Ví dụ như về vấn đề hành chính thì mình vẫn còn những cái mà Mỹ đã yêu cầu nhưng mình không có làm được hay Mỹ yêu cầu mạnh nhất là về vấn đề tham nhũng mình phải giải quyết vấn đề đó, nếu không có thì các công ty Mỹ không thể nào đi hối lộ cho quan chức Việt Nam được.”
Tự do, dân quyền chưa được như kỳ vọng
Ông Thành đánh giá, khía cạnh dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam tiến triển rất chậm, chưa được như kỳ vọng của ông thuở ban đầu khi mới về lại đất nước:
“Nguyên nhân là vì mở ra cho dân chúng tham gia vào kinh tế ít rủi ro hơn là mở ra cho dân chúng tham gia vào chính trị. Cho tới nay, Đảng Cộng sản vẫn chưa cho phép một người dân nào không phải là Đảng viên Đảng cộng sản được có chức quyền.”
Ông Thành khẳng định, một quốc gia nếu muốn phát triển kinh tế thì phải tạo điều kiện phát triển về tự do dân sự. Do đó, sắp tới, Việt Nam cần phải thúc đẩy hơn nữa các quyền tự do của người dân để thoả mãn các yêu cầu của mối quan hệ Đối tác chiến lược với Mỹ:
“Việt Nam phải có sự cam kết đối với phía Mỹ để thực hiện cải cách về chính trị, dân quyền ở Việt Nam đến mức nào. Dù không thể nhanh chóng được nhưng cũng phải có hướng.
Việt Nam phải từng bước từng, bước tiến tới một xã hội dân chủ, nhà nước pháp quyền.
Theo ông Thành, mối quan hệ Đối tác chiến lược cũng là công cụ giúp cho các viên chức và đảng viên của Đảng cộng sản cấp tiến có cơ sở để thực hiện những sự cải tiến cần thiết.
Ngoài ra, một điều hết sức quan trọng cần phải lưu ý trong việc xích gần hơn với một cường quốc như Mỹ, theo ông Thành, đó là phải khẳng định được vị thế độc lập của mình:
“Một nước nhỏ nếu muốn làm bạn với một nước lớn như Mỹ thì vai trò của mình phải như thế nào để không bị anh bạn lớn đô hộ mình, đàn áp mình.
Cho nên Việt Nam muốn quan hệ với Mỹ để phát triển lợi ích chung nhưng Việt Nam cũng phải luôn luôn phải cẩn trọng để bảo vệ chủ quyền của mình, bảo vệ vị thế của mình, để không biến mình thành một tay sai của ai cả.”