Thế hệ trẻ gốc Việt tại Mỹ đóng góp cho Việt Nam

Thanh Trúc
2020.04.27
  Hình minh hoạ. Hoạt động của VNMAP tại Tiền Giang và Long An năm 2018
VNMAP

Không chỉ mang lại niềm tự hào cho ông bà cha mẹ bằng sự thành đạt của chính mình trên đất nước Hoa Kỳ, thế hệ trẻ Mỹ gốc Việt cũng suy nghĩ về nguồn gốc Việt của mình và còn đóng góp ít nhiều cho đất nước bao năm qua.

Con số này không nhiều trong cuộc sống cao và bận rộn ở Mỹ, các bạn trẻ này lại không nói sõi tiếng Việt, thế nhưng thời giờ và việc làm của họ cho Việt Nam được đánh giá là thiết thực và đáng khuyến khích.

Đa số trở về là thông qua các tổ chức NGO hoặc các nhóm thiện nguyện có tên tuổi ở Hoa Kỳ hoặc các nước khác. Phải nói động lực khiến những người trẻ chuyên môn ở hải ngoại dấn thân vào những công việc ở Việt Nam không phải tiền bạc mà là ý muốn và sự cố gắng của họ.

Nhờ một tổ chức ngoài chính phủ để về Việt Nam làm việc là trường hợp Chritina Bùi, tốt nghiệp ngành Quan Hệ Quốc Tế và Quan Hệ Công Chúng tại Virginia:

“Lúc về Việt Nam em làm cho một tổ chức phi chính phủ tên là Pacific Links Foundation. Lúc đó em là tình nguyện viên dài hạn. Đa số công việc của em là hỗ trợ những trẻ em có nguy cơ bị mua bán. Tổ chức có một chương trình cung cấp học bổng cho các em từ Lớp 8 cho đến hết Lớp 12. Tổ chức cũng có một chương trình khác ở An Giang, đó là hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán trở về”

“ Em được học bên Mỹ, em có nhiều cơ hội bên Mỹ nhưng vì yêu đất nước của ba mẹ thì mình cũng muốn đóng góp phần nhỏ nào đó cho người dân Việt Nam. Khi làm công việc có ích cho xã hội thì em thấy tự hào, thấy mình có tác động giúp đỡ người nghèo được những cơ hội phát triển bản thân họ”

Hiện tại cô Christina Bùi đã chuyển sang làm việc cho một công ty công nghệ thông tin ở Việt Nam. Với khả năng về khoa Quan Hệ Quốc Tế của mình, Chritina Bùi nghĩ cô có thể nâng cao năng lực  qua công việc này:

“ Bây giờ lãnh vực này đang phát triển nhiều, có rất nhiều bạn trẻ đang học ngành Computer Science, nhiều công ty sẽ xây dụng những cái App riêng …”

Hình minh hoạ. Hoạt động của VNMAP tại Tiền Giang và Long An năm 2018
Hình minh hoạ. Hoạt động của VNMAP tại Tiền Giang và Long An năm 2018
VNMAP

Thực tế cũng cho thấy người trẻ thành đạt ở Mỹ quay về giúp Việt Nam xuất thân từ Y Khoa nhiều hơn là các ngành khác. Điều này có thể chứng minh qua tổ chức Hỗ Trợ Y Tế Cho Việt Nam VNMAP, hay Bút Nhóm Lửa Việt với những chuyến Medical Missions quy tụ nhiều bác sĩ chuyên khoa đều đặn về Việt Nam hàng năm.

Anh Nguyễn Khôi Nguyên, tiến sĩ Vi Sinh Học, trường Y Khoa Johns Hopkins University, một trong những thành viên đầu tiên của Ban Quản Trị VNMAP thành lập từ 2007:

“ Lúc đó tôi còn đang làm việc và học tại đại học Johns Hopkins, bắt đầu tôi và các bạn tạo dựng VNMAP Vietnam Medical Assistant Program,  bắt đầu những chuyến Medical Missions về Việt Nam, đến những vùng sâu vùng xa và những người khó khăn”

Kinh nghiệm đáng nhớ, được tiến sĩ Nguyễn Khôi Nguyên nhắc lại, là chuyến công tác năm 2012 của VNMAP trên tàu bệnh viện USS Mercy của hải quân Mỹ đến Việt Nam, góp phần ý nghĩa vào hữu nghị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ:

“ USS Mercy muốn thấy có nhiều người Mỹ gốc Việt cùng tham gia những chuyến công tác như vậy để duy trì các mối quan hệ với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam”

Người trẻ không quản ngại thời gian, tham dự những chuyến công tác y tế dài ngày về Việt Nam, là do các hội đoàn thiện nguyện bên Mỹ kêu gọi, nhưng cái chính là từ sự khuyến khích từ cha mẹ, là lời ông Đỗ Trọng Thắng, phụ huynh mà cũng là thành viên của hai tổ chức thiện nguyện ở tiểu bang Maryland.

Ông Đỗ Trọng Thắng có 2 con trai, từng mang các cháu về Việt Nam khi các em còn học tiểu học. Chuyến đi Việt Nam của gia đình, ông nói tiếp, được kết hợp với chuyến công tác y tế của các hội thiện nguyện mà ông đang cộng tác:

“ Chúng tôi mang hai cháu về hồi tụi nó khoảng 13, 14 tuổi, vừa đi thăm gia đình vừa đi làm chuyện thiện nguyện với tổ chức Hope For Tomorrow, không chỉ đi một lần mà tới bốn năm lần rồi. Mình khuyến khích tụi nó về Việt Nam để cho nó biết nguồn gốc người Việt ở đâu”.

Những lần đi Việt Nam như vậy đã tác động đến suy nghĩ của Justin, nay là nha sĩ Đỗ Trọng Minh, con trai cả của ông Đỗ Trọng Thắng. Nói với đài Á Châu Tự Do, nha sĩ Minh trình bày:

“ Là khi cháu với em trai cháu về Việt Nam, mà lần sau cùng nhất là lúc cháu học Trung Học, cháu như được mở mắt ra khi chứng kiến việc làm của các thực tập sinh, các bác sĩ, nha sĩ, những người chuyên môn trong  ngành Y và Nha. Cháu đã nhận thức được là người dân bên Việt Nam không có những thứ mà chúng cháu có dư thừa ở bên này, đặc biệt người nghèo ở vùng quê thực sự không có kiến thức  về vệ sinh răng miệng, cũng không được hướng dẫn phải làm thế nào để tránh những bệnh về răng, hàm, mặt”.

“ Đó là lý do mà cháu và em cháu quyết định học ngành Nha để sau này có thể về khám và chữa răng cho người lớn cũng như trẻ em nghèo bên Việt Nam. Còn hỏi là cháu có đi theo đoàn thiện nguyện về Việt Nam nữa không thì câu trả lời chắc chắn là có rồi vì đó là mơ ước của cháu”.

Bác sĩ Lê Tuấn Đức, khoa Cấp Cứu Emergency Medicine, có cơ duyên đến Việt Nam làm việc trong thời gian còn học Y Khoa ở Mỹ:

“ Đức có đi Việt Nam nhiều lần rồi. Lần đầu tiên lúc đó là năm thứ tư Đại Học Y Khoa, xong hết mấy cái rotations thì mình xin về Việt Nam làm 2 tháng . Trường Y Khoa bên này cho mình làm cái đó thì Đức xin về Việt Nam để tham khảo tình hình y tế ở Việt Nam. Đức về Sài Gòn 2 tháng trong Trung Tâm Bệnh Viện Nhiệt Đới, hồi xưa là bệnh viện Chợ Quán. Hồi năm thứ ba residency Đức cũng đã về Việt Nam một tháng nữa, làm ở bệnh viện Chợ Rẫy trong phòng cấp cứu ở đó”.

Trở về Hoa Kỳ, bác sĩ Lê Tuấn Đức bắt đầu tham gia những chuyến công tác y tế mỗi năm một lần về Việt Nam như tổ chức VNAH Vietnam’s Assistance For The Handicaps và Hope For Tommorrow:

“ Đức bắt đầu làm President của Hope For Tomorrow đầu năm 2020, hai năm trước là làm thủ quỹ cho Hope. Còn trẻ thì mình một phần đi chơi, phần thăm nhà phần tìm hiểu về dân mình vậy thôi”

Và bạn sẽ không thực sự hiểu được hay giúp được cho Việt Nam nếu bạn không tự mình va chạm với thực tế bên đó, nhất là về lãnh vực y tế , bác sĩ Đức nói tiếp:

“Mỗi nước có một hệ thống khác nhau, nhưng mà ở Việt Nam nếu người ta bịnh và nếu không có tiền thì cũng không có tiện nghi được chữa, rất là khó”.

Một bạn trẻ nữa, nha sĩ Phạm Quốc Tuấn, từ thành phố Las Vegas, tiểu bang Nevada, chia sẻ lần đầu tiên anh theo đoàn của Project Vietnam về Việt Nam là tháng 3/2019:

“Sau chuyến đi đầu tiên đó tôi đã có quyết định quay lại làm tiếp với chương trình, hiện phải  tạm dừng trong tình hình dịch bệnh như thế này”.Hy vọng khi đoàn quay trở lại thì tôi cũng quay trở lại, tôi rất mong được thêm cơ hội lâu dài hơn.

“Dân gian mình có câu “Lá Rụng Về Cội”,  tôi nghĩ khi mình có khả năng thì mình có thể thực hiện điều mong ước. Hy vọng khi đoàn quay trở lại thì tôi cũng quay trở lại, tôi  mong được thêm cơ hội lâu dài hơn”.

Theo tiến sĩ Nguyễn Khôi Nguyên, lý do phần đông người trẻ trong giới Y Khoa, bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, trợ lý y tế, y tá, tham gia nhiều vào những công việc đóng góp cho Việt Nam so với các ngành nghề khác, là vi lãnh vực khám chữa bệnh bao giờ cũng cần thiết và lại không gây lấn cấn trong suy nghĩ hay hành động của người trẻ Mỹ gốc Việt mà VNMAP là thí dụ điển hình :

“ VNMAP phần lớn là những  chuyên gia, bên cạnh đó  nhiều thành viên của VNMAP là các bạn sinh viên. Nguyên nhân tập trung vào sinh viên là vì chúng tôi tin tưởng vào thế hệ trẻ. Các bạn sinh ra và lớn lên tại Mỹ nhưng các bạn có lòng giúp đỡ cộng đồng cũng như giúp đỡ quê hương Việt Nam. Chúng tôi đã đi qua con đường đó và chúng tôi muốn các bạn suy nghĩ theo hướng đó”.

Với câu hỏi Việt Nam có thể làm gì để nâng cấp hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân một cách hữu hiệu hơn, bạn trẻ Nguyễn Hoàng, tốt nghiệp ngành Y Tế Công Cộng tại London, Anh quốc, sau đó ra làm việc cho WHO Tổ Chức Y Tế Thế Giới ở Genève, từng đôi ba lần theo VNMAP về Việt Nam trong các chuyến công tác y tế , cho rằng Việt Nam cần chú tâm nhiều hơn vào lãnh vực sức khỏe cộng đồng, cần rải đều lượng bác sĩ từ thành phố cho đến vùng quê:

Theo Nguyễn Hoàng, tại Việt Nam hầu hết bác sĩ giỏi tập trung ở thành phố nhiều hơn ở vùng quê. Đây là vấn đề không riêng ở Việt Nam mà ở một số nước trên thế giới, Nguyễn Hoàng nói tiếp, do vậy nếu muốn hệ thống y tế của mình có thể phục vụ chăm sóc cho dân chúng một cách hiệu quả thì Việt Nam nên chú trọng vào việc đào tạo đội ngũ bác sĩ và cán bộ y tế ở nông thôn nhiều hơn nữa.

Lý do là vì, Nguyễn Hoàng nhận xét tiếp, bác sĩ từ thành phố về nông thôn làm việc chỉ trụ lại đó một vài năm rồi đi, còn y bác sĩ ở nông thôn lại không được đào tạo chuyên tu để nâng cao tay nghề  mà chỉ dừng lại ở trình độ ban đầu. 

Sau cùng, một điều đáng tiếc là do quá nhiều khác biệt trong tư duy, trong cách làm việc, giới trẻ có trình độ chuyên môn ở hải ngoại thường không thể, hoặc không có ý định, ở lại và hợp tác lâu  dài với Việt Nam. Còn một nguyên nhân khác là Việt Nam không có chính sách đãi ngộ người tài ở bên ngoài về trong nước làm việc.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.