Những trường hợp thực tập sinh Việt tại Nhật bị lừa

Nguyễn Tuấn
2018.04.20
000_Hkg2098123.jpg Các công nhân Việt Nam làm việc tại một nhà máy của Nhật. (Ảnh minh họa)
AFP

Tình cảnh Thực tập sinh tại Nhật

Liên đoàn lao động Zentouitsu được hãng tin Kyodo vào ngày 18 tháng tư dẫn lời rằng có 3 thực tập sinh Việt đến Nhật Bản vào tháng 7 năm 2015 và bắt đầu làm công việc dọn dẹp phóng xạ tại Fukushima trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2018 cho một công ty xây dựng của thành phố Koriyama.

Trước đó vào tháng 3 vừa qua, một người Việt khác lên tiếng tố cáo với báo chí là anh được công ty xây dựng tại Morioka, tỉnh Iwate thuê và hợp đồng tham gia việc lắp đặt và gia cố các cơ sở thép. Khi phát hiện bản thân phải tham gia hoạt động tẩy rửa chất phóng xạ, anh lên tiếng tố cáo công ty Nhật vi phạm luật Hợp đồng Lao động nhưng phía công ty đã phủ nhận mọi cáo buộc, cho rằng anh này cũng được giao công việc không khác gì các đồng nghiệp Nhật Bản và không nguy hiểm đến tính mạng.

Các công ty tư vấn tại Việt nam thì họ giấu hết tất cả thông tin cho đến khi các em phỏng vấn và ký hợp đồng.
- Ngô Minh Uyên

Chị Ngô Minh Uyên cựu du học sinh Nhật Bản và hiện đang làm công việc phiên dịch và quản lý nhóm thực tập sinh ở đảo Shikoku, Nhật bản cho biết hầu hết các thực tập sinh không tìm hiểu và xem kỹ các hợp đồng của mình, chị cho biết:

“Các em không được biết các công ty mà sẽ tuyển các em là như thế nào hết, các công ty tư vấn tại Việt nam thì họ giấu hết tất cả thông tin cho đến khi các em phỏng vấn và ký hợp đồng, thậm chí các hợp đồng đó các em cũng không có được đọc kỹ và chỉ coi mức lương của mình là bao nhiêu đó thôi.”

Sau khi tin tức loan đi như vừa nêu về việc một số thực tập sinh Việt bị đưa đến khu vực dọn phóng xạ mà họ không hề hay biết, chúng tôi có liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật để tìm hiểu thông tin liên quan nhưng không được phúc đáp.

Theo Cục Di Trú thuộc Bộ Tư Pháp Nhật thì vấn đề liên quan đang trong quá trình điều tra và thẩm định; nên chưa có thông tin cụ thể cho phía Việt Nam.

Các thực tập sinh Việt khi ra nước ngoài lao động nếu có sự cố xảy ra, thì quyền lợi của những thực tập sinh này có được phía đại điện chính quyền Việt Nam tại các nước sở tại, quan tâm và bảo vệ họ hay không? Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục Trưởng Cục Quản lý Lao động Nước ngoài, thuộc Bộ Lao Động- Thương Binh & Xã Hội Việt Nam,  trong một lần trả lời với đài Á Châu Tự Do cho biết:

“Chúng tôi có các cơ quan quản lý, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài. Trong các cơ quan đó chúng tôi có các cán bộ nghiệp vụ làm nhiệm vụ quản lý lao động ở bên đó cũng như bảo vệ người lao động Việt Nam ở bên đấy. Họ sẽ hỗ trợ cho ngưòi lao động cũng như là các doanh nghiệp về vấn đề này.”

Còn theo chị Ngô Minh Uyên thì đại điện phía Việt Nam tại Nhật lâu nay  không hỗ trợ gì cho các thực tập sinh. Chị cho biết:

“Trời ơi, thôi đừng nói đến đại sứ quán, lãnh sự quán vì đó là nỗi ám ảnh lớn nhất của người Việt tại Nhật chứ không chỉ riêng các tu nghiệp sinh. Ở Nhật cho dù có bị gì đi nữa thì đại sứ quán họ không có can thiệp đâu, mà có can thiệp cũng sẽ bất lợi cho mình, họ can thiệp theo kiểu là thôi mày làm không được thì mày về nước đi. Mà đưa về nước thì lại đang nợ một đống tiền nên tu nghiệp sinh cũng biết là công việc nó nguy hiểm nó khác với hợp đồng nhưng vì kiếm tiền và để trả lợi nên người ta phải im lặng thôi. Còn nói về đại sứ quán và lãnh sự quán thì đừng mong chờ họ không có can thiệp gì đâu.”

Gánh nặng nơi đất khách

Chính phủ Nhật vào năm 1993 đưa ra chương trình tu nghiệp sinh kỹ thuật dành cho lao động nước ngoài, nhằm chuyển giao kỹ năng, kỹ thuật và kiến thức trong nhiều lĩnh vực ngành nghề cho các nước khác trong đó có Việt Nam. Các tu nghiệp sinh tham dự chương trình sẽ giúp Nhật giải quyết về tình trạng thiếu lao động phổ thông.

Chương trình này có 139 công việc và chủ yếu ở 77 ngành nghề khác nhau gồm xây dựng, sản xuất và dệt may. Tuy nhiên chương trình này lâu nay bị chỉ trích nặng nề vì để các công ty Nhật lợi dụng nhằm tìm kiếm và sử dụng nhân công giá rẻ.

Cùng quan điểm này, chị Ngô Minh Uyên cho chúng tôi biết thêm, đa số các nghiệp đoàn tiếp nhận các thực tập sinh qua Nhật là những trung gian. Họ không đứng về quyền lợi của các thực tập sinh; cho nên khi đưa các thực tập sinh qua Nhật họ chỉ đào tạo một tháng rồi đưa về các nhà máy để làm.

Thôi đừng nói đến đại sứ quán, lãnh sự quán vì đó là nỗi ám ảnh lớn nhất của người Việt tại Nhật chứ không chỉ riêng các tu nghiệp sinh.
- Ngô Minh Uyên

Chị cho biết về tình cảnh các thực tập sinh tại Nhật: “Luật lệ làm việc tại Nhật thì nó rất khác so với hợp đồng và sự tưởng tượng của các em rất là nhiều. Kỷ luật ở trong công ty Nhật rất là nghiêm ngặt nên ban đầu các bạn làm việc trong tâm trạng rất là lo sợ vì người Nhật trong công việc họ rất là khắc khe .

Đời sống sinh hoạt cũng gặp nhiều khó khăn, vì các em không biết tiếng nên mỗi khi bệnh muốn xin nghỉ thì không đươc giải quyết, bị hiểu lầm và khi đi ra ngoài vì không biết luật nên làm mấy chuyện cứ nghĩ ở Việt Nam thì đơn giản nhưng ở Nhật thì nghiêm cấm.”

Các thực tập sinh ra nước ngoài làm việc xưa nay luôn phải đóng một số chi phí nhất định như môi giới và tiền cọc, tùy vào điều kiện và đòi hỏi của các công ty xuất khẩu lao động. Các khoản này so với thu nhập của gia đình  nghèo tại Việt Nam là khá lớn. Tuy nhiên với mong muốn có được công ăn- việc làm tốt hơn, những thực tập sinh và gia đình thường phải đi vay mượn hoặc cầm cố nhà cửa để có thể tham gia chương trình này.

Tuy nhiên, do nóng vội, dễ tin, không chịu tìm hiểu kỹ càng trước nên nhiều người rơi vào tình trạng không được như mong đợi. Đến khi gặp tình thế nguy cấp; họ kêu đến đơn vị tuyển dụng thì thường bị thoái thác trách nhiệm; còn đại diện Việt Nam tại Nhật thì như lời chị Ngô Minh Uyên cũng chẳng mong đợi gì.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.