Lao động Việt vẫn muốn đến Nhật dù bị đối xử bất công

RFA
2019.03.19
000_1AM8RS Một công nhân xây dựng tại công trường xây dựng Trung tâm Thể dục dụng cụ Ariake trước Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 diễn ra tại Tokyo vào ngày 7 tháng 11 năm 2018.
AFP

Xuất khẩu lao động bị đối xử bất công tại Nhật

M, một cựu du học sinh hiện sống tại Tokyo gần 15 năm, cho biết lương cơ bản của một người lao động Nhật hiện nay khoảng từ 1000 đến 1500 Yên (10-15 USD) mỗi giờ. Tuy nhiên, lương của một số người Việt xuất khẩu lao động “không may” thường ít hơn và thậm chí với chế độ làm việc hà khắc:

Đi xuất khẩu lao động không hiểu sao những người này nhận được khoảng 700 – 800 yên (mỗi giờ). Có nhiều công ty còn giữ luôn passport của mình, chỉ có 700 – 800 yên mà còn bắt làm thêm, tiền làm thêm cơ bản nhân 25% còn không nhân luôn, làm ca đêm cũng không có phụ cấp gì hết. Nhiều chỗ bắt đi làm cả Thứ Bảy, Chủ Nhật, ít có ngày nghỉ, làm nhiều tiếng. Còn nhà ở thì xếp một đống người chung một nhà hoặc là mướn nhà rất tồi tàn.

Tình trạng này lâu lắm rồi, nhưng không hiểu sao mọi người đều cắn răng chịu đựng.
-Một người Việt tại Nhật

Từ nhiều năm nay, nhiều trường hợp người lao động Việt Nam lên tiếng cho hay họ phải trả những món tiền lớn lên tới hàng chục ngàn USD mỗi người để được công ty môi giới Việt Nam đưa sang Nhật và tìm kiếm một công việc “hứa hẹn.” Tuy nhiên, các báo cáo cho thấy nhiều công nhân nhập cư tại Nhật ngoài chuyện bị trả lương thấp hoặc không trả, còn phải làm việc quá giờ, bị đánh đập và lạm dụng tình dục.

Bản tin Reuters hôm 19/3/2019 dẫn lời bà Shiro Sasaki, Tổng thư ký Liên minh Công nhân Zentoitsu, đưa trường hợp một phụ nữ Việt Nam đi xuất khẩu lao động tại Nhật bị lạm dụng tình dục và bị hăm dọa lựa chọn phải phá thai để có thể tiếp tục công việc lao động tại Nhật, hoặc quay trở về Việt Nam với món nợ 10 ngàn USD cho phía nhà tuyển dụng.

M cho biết những điều anh quan sát được tại Nhật:

Tình trạng này lâu lắm rồi, nhưng không hiểu sao mọi người đều cắn răng chịu đựng. Hầu hết những người đi xuất khẩu lao động phải mượn tiền ở Việt Nam nên phải ráng làm hai năm để đủ tiền trả nợ.

M cũng cho rằng người đi xuất khẩu lao động không những bị chủ lao động bóc lột, mà còn bị chính bên môi giới tuyển dụng ở Việt Nam gián tiếp bóc lột.

Có nhiều chỗ là Nhật ăn chặn, có nhiều chỗ là bên Việt Nam ăn chặn. Ví dụ như công ty môi giới xuất khẩu lao động đưa người qua thì chỗ ở Nhật phải trả tiền cho bên môi giới. Một là chủ bên Nhật ăn, hai là bên xuất khẩu lao động ăn. Nói chung là người lao động lãnh hết.

“Thực tập sinh” hay cái bẫy?

Chương trình Xuất khẩu Lao động hay còn gọi là Chương trình Thực tập sinh của Nhật Bản ra đời năm 1993 với mục tiêu tạo cơ hội cho người lao động được tiếp xúc với môi trường làm việc tại Nhật Bản, củng cố tay nghề, các kỹ năng của người lao động để tìm được việc làm sau khi về nước.

M cho biết quan điểm của anh về chương trình này:

Gọi là “thực tập sinh” cho sang thôi, tức là qua đây mang tiếng là học những kỹ thuật của Nhật rồi mang về Việt Nam áp dụng nhưng thật ra có áp dụng gì đâu. Cái chương trình này bị lên án lâu lắm rồi đó.

M cho biết một số lĩnh vực đặc biệt dành cho thực tập sinh Việt Nam như nông nghiệp, chế biến thực phẩm, cơ khí, hoặc một số nghề nặng nhọc, nguy hiểm mà người Nhật ít làm như làm công trình, giàn giáo.

Một số các trường hợp gây nhiều bất bình trong dư luận như vụ bốn công ty sử dụng thực tập sinh để khử nhiễm trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi bức xạ sau thảm họa hạt nhân Fukushima tháng 3 năm 2011.

Những người dân sơ tán được quét bức xạ trong tỉnh Fukushima vào ngày 16 Tháng Ba năm 2011.
Những người dân sơ tán được quét bức xạ trong tỉnh Fukushima vào ngày 16 Tháng Ba năm 2011.
AFP photo

Reuters hôm 19/3 cũng đưa tin cho biết điều kiện lao động khắc nghiệt đã tại Nhật đã khiến hơn 7.000 thực tập sinh bỏ việc trong năm 2017, trong đó gần một nửa là từ Việt Nam.

Những thực tập sinh bỏ việc theo Luật của Nhật Bản sẽ bị mất trạng thái cư trú hợp pháp. Một số được nói tìm tới nhà cư trú của các tổ chức phi chính phủ, một số khác được nói trốn đi làm chui như lời của M:

Nhiều người cố gắng chịu đựng. Nhiều người khổ quá rồi thì trốn ra “đi bộ đội.” “Đi bộ đội” là từ lóng chỉ việc trốn ở lại, không làm ở chỗ đã ký hợp đồng và sống bất hợp pháp.

Số liệu của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản cho biết năm 2017, cộng đồng người Việt đã vượt qua Trung Quốc, trở thành nhóm nghi phạm nước ngoài đông nhất tại Nhật Bản, chiếm 30,2% tổng số tội phạm của công dân nước ngoài.

Làn sóng di cư lao động vẫn tiếp diễn

Chính phủ Nhật Bản vài năm gần đây nhiều lần bày tỏ nỗ lực chấp nhận và thu hút thêm nhiều lao động nước ngoài, đặc biệt khi dân số Nhật già đi và tỷ lệ sinh thấp.

Một luật mới về lao động đã được chính phủ Nhật ban hành vào tháng 12 năm ngoái cho phép khoảng 345 ngàn công nhân nước ngoài đến Nhật làm việc ở 14 lĩnh vực mà Nhật đang thiếu, đặc biệt là ngành điều dưỡng.

Các “công nhân tay nghề chất lượng cao” này sẽ có điều kiện ở lại Nhật tới 5 năm nhưng không được mang theo gia đình. Một loại Visa thứ hai hiện chỉ dành cho ngành xây dựng và đóng tàu cho phép công nhân mang theo gia đình và ở lại Nhật lâu hơn. Tuy nhiên, các ngành khác như dệt may không được đưa vào chương trình ưu đãi Visa vì có quá nhiều trường hợp thực tập sinh vi phạm.

Sau một quá trình làm thì họ sẽ thấy ở đây làm có dư hơn ở Việt Nam, dễ sống hơn ở Việt Nam, có thể chu cấp cho gia đình ở Việt Nam thì hầu hết họ muốn ở lại hơn là đi về.
-Một người Việt ở Nhật

Nhận định về các động thái trên của Chính phủ Nhật Bản dành cho công nhân nhập cư, M nhận xét:

Những cái đó chủ yếu là thu hút người có kỹ năng thôi, chứ vấn đề hỗ trợ công nhân thì chẳng thấy chính sách gì hết. Nếu có thì cũng chỉ nhắc nhở các nghiệp đoàn có mướn người nước ngoài vậy thôi. Lâu lâu thì đi kiểm tra xem những chỗ đó có thực hiện đúng quy định của pháp luật hay không thôi.

Tuy vậy, M khẳng định làn sóng di cư sang Nhật làm việc sẽ vẫn tiếp diễn dù điều kiện lao động khắc nghiệt ra sao và anh cho biết lý do:

Sau một quá trình làm thì họ sẽ thấy ở đây làm có dư hơn ở Việt Nam, dễ sống hơn ở Việt Nam, có thể chu cấp cho gia đình ở Việt Nam thì hầu hết họ muốn ở lại hơn là đi về.

Gần đây mới hôm 10/2/2019, cơ quan cảnh sát Nhật đã phải truy lùng một cô gái quốc tịch Việt Nam bỏ trốn tại sân bay Narita khi giới chức phát hiện Visa thực tập sinh của cô đã hết hạn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.