Vingroup: thâu tóm đất và thao túng truyền thông Việt Nam?

RFA
2018.07.09
royalcityvuong.jpeg Tỷ phú Phạm Nhật Vượng và một công trình chung cư của tập đoàn Vingroup ở Hà Nội
Photo: RFA

Truyền thông trong nước vừa qua loan tải thông tin tập đoàn Vingroup mua lại General Motors của Mỹ và bản quyền sở hữu trí tuệ của BMW; đồng thời, 2 mẫu xe do Vinfast ( công ty con của Vingroup) sản xuất sẽ tham gia triễn lãm xe hơi quôc tế tại Paris (Pháp) và tháng 10 tới đây. Thường thành công của doanh nghiệp được cho là bài học đáng noi theo; tuy nhiên đối với một tập đoàn như Vingroup tại Việt Nam thì lại có nhiều nghi vấn liên quan quá trình hình thành và giàu nhanh của người đứng đầu tập đoàn?

Đài RFA ghi nhận thông tin từ một cán bộ truyền thông muốn giấu tên của tập đoàn Vingroup cho biết, ngay trong buổi làm việc đầu tiên, mọi nhân viên đều phải học thuộc lịch sử hình thành tập đoàn mà theo đó tiền thân của tập đoàn địa ốc lớn nhất Việt Nam hiện nay là một nhà hàng Việt Nam tại thành phố Kharkov (Ucraina) có tên gọi là Nhà hàng Thăng Long. Từ sự phát triển của nhà hàng này mà ông Phạm Nhật Vượng xây dựng được cơ sở tài chính để tiếp tục hình thành tập đoàn Technocom đầu tư vào công nghiệp sản xuất mỳ gói mang thương hiệu Mivina, cung cấp thực phẩm ăn nhanh cho toàn bộ thị trường Ucraina và khu vực lân cận. Đó cũng là tiền đề để năm 2000, Vingroup quay trở lại Việt Nam đầu tư vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, từ đó xây dựng chung cư cao cấp, phát triển giáo dục, thời trang, thương mại điện tử, nông nghiệp và xe hơi… như hiện nay.

...mỳ tôm cũng chỉ là một ngạch của ông ý thôi, cái ngạch mà người ta có thể nhìn thấy thôi mà còn rất nhiều những ngạch mà người thường không thể nhìn thấy được và nó tạo nên cái khối tài sản khổng lồ của ông ấy như vậy - nhà báo Mạc Việt Hồng

Tuy nhiên, cộng đồng người Việt Nam tại Ucraina nói riêng và ở các nước Đông Âu nói chung đều hiểu rằng hoạt động của Vingroup trước đây không đơn giản chỉ dừng lại ở việc sản xuất mỳ gói và đồ hộp ăn liền. Nhà báo Mạc Việt Hồng từ Ba Lan cho đài RFA biết rõ hơn về điều này:

“Thời kỳ mà các nước Đông Âu trong đó có Ba Lan hay Ucraina mà người ta chuyển đổi chế độ, thời kỳ mà khối XHCN sụp đổ thì nhiều người Việt giàu lên rất nhanh chóng và họ cũng có những hoạt động có thể nói là hợp pháp cũng có mà phi pháp cũng có, rất là đa dạng mà cũng rất phức tạp, khó có thể nói một cách cụ thể. Riêng về trường hợp của ông Phạm Nhật Vượng thì theo ý kiến cá nhân tôi, mỳ tôm cũng chỉ là một ngạch của ông ý thôi, cái ngạch mà người ta có thể nhìn thấy thôi mà còn rất nhiều những ngạch mà người thường không thể nhìn thấy được và nó tạo nên cái khối tài sản khổng lồ của ông ấy như vậy”

Thế nhưng, bên cạnh những thành công mà truyền thông trong nước được phép đăng tải thì những thông tin liên quan đến các hoạt động “ngầm” của Pham Nhật Vượng tại các khu chợ người Việt tại Ucraina lại chỉ được dư luận truyền tai nhau một cách không chính thức. Cụ thể năm 2002, những đơn thư tố cáo được gửi tới Hội người Việt nam tại Ucraina thu thập chữ ký của gần 4000 tiểu thương tại khu chợ Barabacova, thành phố Kharcov (Ucraina) trong đó tố cáo ông  Phạm Nhật Vượng cùng ông Lê Viết Lam (chủ tịch tập đoàn SunGroup) mang danh nghĩa Chủ tịch Hội đồng hương Ucraina – Việt Nam và quản lý khu chợ Barabacova ăn chặn, bóc lột và cướp đoạt tài sản của hàng ngàn tiểu thương tại đây. Tuy nhiên, rất khó để có thể tìm thấy những thông tin này một cách chính thống trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào, thậm chí ngay cả trên các diễn đàn và trang mạng xã hội. Cũng theo nhân viên truyền thông giấu tên của Vingroup, mọi thông tin liên quan đến tập đoàn này đều phải được chính Ban truyền thông của họ kiểm duyệt trước khi gửi ra cho các đơn vị truyền thông nhà nước loan tải.

Nhân viên truyền thông của Vingroup cũng cho biết, trong danh sách khách hàng cư dân hiện sở hữu những căn biệt thư triệu đô của Vingroup có ông Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn, Tổng giám đốc Đài truyền hình quốc gia Trần Bình Minh, Chánh toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình  cũng như nhiều quan chức cấp cao của nhiều bộ ngành tại Việt Nam. Đặc biêt, phần lớn những căn biệt thự này được trao tặng dưới danh nghĩa quà biếu, tặng hoặc bán lại với mức giá tượng trưng. Nhà báo, nhà quan sát chính trị Trương Duy Nhất đánh giá về điều này:

Khi ông Nguyễn Xuân Phúc vừa lên Thủ tướng có nói “Quy hoạch thủ đô ai cho xây toà nhà cao tầng ở chỗ đó?”.  Chưa tới nửa tiếng sau tất cả các báo đều gỡ lời phát biểu của Thủ tướng mà Thủ tưỡng cũng chẳng dám ý kiến gì - nhà báo Trương Duy Nhất

“Có những doanh nghiệp khác, tập đoàn khác, những nhóm lợi ích kinh tế khác khi đổ bể chuyện gì thì không thể can thiệp được hết các báo, có thể can thiệp vào báo này thì sót báo nọ, can thiệp vào nhóm báo này sẽ lộ nhóm báo khác, nhưng riêng Vingroup gần như thao túng tuyệt đối nền báo chí. Anh em chúng tôi hay nói là bất cứ vấn đề gì nêu về anh em nhà Vượng Vin đều “gỡ ngay trong 1,2 nốt nhạc” Thậm chí lời nói của Thủ tướng yêu cầu sau khi xây toà cao ốc ở Giảng Võ của Tập đoàn Vingroup, khi ông Nguyễn Xuân Phúc vừa lên Thủ tướng có nói “Quy hoạch thủ đô ai cho xây toà nhà cao tầng ở chỗ đó?”. Chưa tới nửa tiếng sau tất cả các báo đều gỡ lời phát biểu của thủ tướng mà Thủ tưỡng cũng chẳng dám ý kiến gì”

Theo nhà báo Trương Duy Nhất, mặc dù là một tập đoàn kinh tế đa ngành nghề nhưng hoạt động sinh lời chính của Vingroup hiện nay vẫn là doanh thu từ bất động sản với việc mua lại thậm chí cưỡng đoạt những dự án địa ốc màu mỡ từ Nam ra Bắc, trên đất liền cho đến các hải đảo, với giá rẻ mạt và bán lại với mức giá chênh lệch gấp hàng chục thậm chí hàng trăm lần. Nhà báo độc lập này nhận định hệ quả sự lớn mạnh của Vingroup kéo theo nỗi thống khổ của biết bao nhiêu người dân bị đẩy đuổi đi, bị tước đoạt cơ hội mưu sinh…

Toàn cảnh khu Trung tâm Triển lãm Giảng Võ 40 năm tuổi ở trung tâm Hà Nội bị phá bỏ để thay bằng khu chung cư và nhà hàng do Vingroup đầu tư. Hình chụp hôm 13/9/2016
Toàn cảnh khu Trung tâm Triển lãm Giảng Võ 40 năm tuổi ở trung tâm Hà Nội bị phá bỏ để thay bằng khu chung cư và nhà hàng do Vingroup đầu tư. Hình chụp hôm 13/9/2016
AFP

Nhà báo Trương Duy Nhất cũng đặt ra những nghi vấn trong đại án AVG mới đây có liên quan đến ông Phạm Nhật Vũ, em trai của ông Phạm Nhật Vượng. Mặc dù đây là nhân tố mắt xích quan trọng của vụ đại án kinh tế có nguy cơ gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng nhưng trên thực tế ông Phạm Nhật Vũ lại hoàn toàn vô can và không bị bất kỳ tờ báo nào nhắc tới. Điều đó khiến nhà báo Trương Duy Nhất đưa ra giả thuyết về những thế lực thực sự đứng đằng sau tập đoàn kinh tế này.

Cứ giả sử như có nguồn tiền từ Ucraina trước khi Phạm Nhật Vượng về nước đi, thì đó cũng là cái nguồn nhỏ mà tôi cho rằng không đủ lớn mà nó chỉ đủ sức mạnh để hình thành như Vingroup bây giờ tôi cho rằng có những thế lực của trong nước đứng sau lưng. Trước đây tôi có một số tài liệu về nguồn tài chính của tập đoàn Vingroup thì nguồn tiền vay rất lớn của Tập đoàn Vingroup từ ngân hàng Trung Quốc và đứng sau lưng đó là Trung Quốc”

Ông Trương Duy Nhất cũng lý giải hiện tượng vì sao mặc dù luật đặc khu hành chính đặc biệt chưa được thông qua nhưng Vingroup đã có mặt ở hầu hết các vị trí đắc địa quan trọng với các khu nghỉ dưỡng, vườn thú,  bến cảng… tại Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.