Bộ trưởng Tô Lâm lo ngại người dân muốn đi tù vì quyền của phạm nhân quá cao

Hòa Ái, phóng viên RFA
2019.01.16
f5150c22-5d15-4ce5-97df-9a1167187e38.jpeg Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an
Courtesy: Ảnh chụp màn hình tienphong.vn

Quốc Hội tiếp tục bàn thảo về Luật Thi hành án hình sự sửa đổi. Tại phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vào sáng ngày 10 tháng 1, Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm đặt vấn đề có thể sẽ xảy ra tình trạng người dân cố tình phạm tội để được xử tù vì quy định hiện hành về quyền của phạm nhân ở Việt Nam là quá cao.

Dư luận nói gì xoay quanh vấn đề vừa nêu?

Cần thiết nhưng phải phù hợp và khả thi

Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra vào sáng ngày 10 tháng 1, đề cập đến dự thảo luật quy định quyền, nghĩa vụ của phạm nhân được hưởng trong thời gian thụ án tù.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh về việc cụ thể hóa quyền con người theo quy định của Hiến pháp đối với phạm nhân là cần thiết, nhưng phải được phù hợp, khả thi và đảm bảo khả năng đáp ứng của nhà nước.

Bà Lê Thị Nga cho biết Ủy ban Tư pháp cho rằng phạm nhân bị hạn chế về quyền tự do đi lại nên một số quyền của công dân khác sẽ khó được thực hiện đầy đủ; do đó Ủy ban Tư pháp đề nghị cho phạm nhân được hưởng các quyền khác của công dân, trừ trường hợp việc thực hiện các quyền đó ảnh hưởng đến chế độ quản lý giam giữ, chế độ giáo dục cải tạo của phạm nhân theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

Báo Thanh Niên Online, trong cùng ngày dẫn lời của Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm bày tỏ đồng quan điểm với Ủy ban Tư pháp, cho rằng phạm nhân bị cách ly khỏi xã hội, bị hạn chế quyền tự do, nhất là tự do đi lại nên một số quyền công dân khác khó lòng thực hiện được.

Ông Bộ trưởng Tô Lâm nêu lên ý kiến rằng mặc dù một số quyền công dân đã được Hiến pháp quy định nhưng lại vi phạm Luật Thi hành án hình sự thì cũng không được thực hiện trong thời gian bị giam giữ như quyền sinh con, lưu giữ trứng, tinh trùng, hiến tạng…

Người đứng đầu ngành Công an của Việt Nam cho biết sau khi dự thảo luật được thảo luận tại Quốc hội, ông nhận được phản ảnh của cử tri cho rằng những quy định về quyền của phạm nhân là quá cao trong điều kiện đất nước hiện tại. Bộ trưởng Tô Lâm đưa ra dẫn chứng chế độ tù hiện hành quy định một phạm nhân được nhận trong một tháng bao gồm 17 kg gạo, 15 kg rau, thịt, đường, quần áo, thuốc men…trong khi những người dân nghèo ngoài xã hội, dù lao động cần cù cũng không thể có được bao nhiêu thứ ấy.

Thực tế tại nhà tù

Đài RFA trao đổi với một số người dân trong nước, họ là những người từng bị tuyên án tù và được nghe chia sẻ về thực trạng nhà tù tại Việt Nam. Một cựu tù nhân thanh niên ở Lạng Sơn, không muốn nêu tên, cho biết về chế độ ăn uống:

Có những trường hợp bị trận đòn thật căng, đánh trước mặt những tù nhân khác. Chúng tôi chứng kiến có những trường hợp bị đánh trực tiếp và người đấy một tháng sau thì chết nhưng lại tung tin đồn ra là chết vì bị SIDA/AIDS
-Cựu tù nhân trại giam Xuân Nguyên, Hải Phòng

“Chín tháng ở trại giam, chỗ ăn chỗ nằm chỗ ngủ chật chội, thiếu nước. Chế độ ăn uống vẫn phát theo đợt trong tuần vào thứ Hai và thứ Sáu. Mỗi người được 2 miếng thịt to hơn ngón chân cái một tí, có lúc được cá. Mỗi đợt chế độ, gia đình đến thăm gặp không được gửi đồ ăn bên ngoài, không cho gửi vào bất cứ cái gì, bắt buộc em phải mua những đồ trong trại giam thì đắt quá. Em ví dụ, 10 ngàn đồng mua 3 quả cà chua to hơn đầu gón chân cái một tí thôi mà đôi lúc còn bị dập, bị nát.”

Cựu tù nhân lương tâm, Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải kể lại thời gian đầu ông bị chuyển đến trại giam Cái Tàu-Cà Mau hồi năm 2009:

“Lúc đầu tôi bị chuyển đến trại Cái Tàu, Cà Mau thì không có nước. Rất thiếu nước. Cả một cái trại lớn như thế, có khoảng 2000 tù nhân mà chỉ có một cái giếng nước khoan thôi. Mỗi lần tù nhân lấy nước thì họ phải ghé miệng vào trong vòi nước để hút, tại vì nước không chảy. Họ phải hút thật lâu thì mới nghe tiếng ọc ọc của nước rồi mới hứng cái ca nhựa vào và nước chảy ra độ được nửa ca. Rồi họ đổ vào trong cái thùng sơn để chứa nước. Khoảng 5, 6 người ăn cơm thì phải cử một người ra hứng nước. Tuy nhiên, không phải phạm nhân nào cũng đến gần vòi nước được. Chính vì thế, khi ở đó, tôi đã liên tục đấu tranh, trong gần hai tháng liền. Mỗi lần đấu tranh thì tôi lại đưa thông tin ra ngoài. Cho nên, cuối cùng trại Cái Tàu, Cà Mau khoan thêm hai giếng nước nữa cho tù nhân.”

Những cựu tù nhân mà Đài Á Châu Tự Do có dịp trao đổi cho biết các phạm nhân trong nhà tù ở Việt Nam còn bị ngược đãi, hành hạ tàn khốc, mà nhất là bị tra tấn. Một cựu tù nhân ở trại giam Xuân Nguyên, Hải Phòng nhớ lại:

“Còn có những trường hợp bị trận đòn thật căng, đánh trước mặt những tù nhân khác. Chúng tôi chứng kiến có những trường hợp bị đánh trực tiếp và người đấy một tháng sau thì chết nhưng lại tung tin đồn ra là chết vì bị SIDA/AIDS”.

Tù nhân lương tâm, Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình trong thời gian 6 năm tù đày, anh cũng từng tận mắt thấy qua tình cảnh phạm nhân thường phạm bị công an và an ninh dùng dùi cui đánh và cùm hai chân, chỉ vì thông báo cho gia đình qua điện thoại biết mình bị đàn áp mà người phạm nhân này gọi cán bộ trại giam là “tụi nó”. Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình nói với RFA về chế độ tù khắc nghiệt tại Việt Nam:

“Sức khỏe của tù nhân trong các trại giam tại Việt Nam đa số đều bị ảnh hưởng rất nặng nề. Khi chế độ dinh dưỡng không đầy đủ thì hơi lạnh, hơi nóng của thời tiết theo mùa cũng gây ảnh hưởng. Còn tù thường phạm thì họ bị ngược đãi còn tệ hơn một con thú vật. Tù nhân chính trị như chúng tôi, mặc dù chúng tôi lên tiếng phản đối và những lời phản đối đó đến tận Trung ương, nhưng họ vẫn làm ngơ và luôn trù dập chúng tôi, đàn áp theo kiểu này kiểu kia, từ tinh thần đến cả vật chất. Trong khi luật của nhà cầm quyền Cộng sản là hạn chế quyền công dân, nhưng thực tế chúng tôi phải đối diện với cái sống và cái chết trong tích tắc.”

Hôm 08/12/18, Ủy ban Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc ban hành một văn bản “Quan sát Kết Luận” về Việt Nam để đánh giá việc thực hiện Công ước chống tra tấn của Việt Nam và nêu ra các vấn đề mà Ủy ban thấy quan ngại, đồng thời đưa ra các khuyến nghị để Việt Nam thực hiện.

Trong văn bản công bố vừa nêu, Ủy ban Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc nêu lên quan ngại liên quan tỷ lệ tù nhân tại Việt Nam tăng cao trong một thập niên qua cũng như các điều kiện giam giữ không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh, đồ ăn thức uống không đầy đủ và không đảm bảo, các buồng giam quá đông và không đủ ánh sáng, lỗ thông hơi, chăm sóc y tế không đầy đủ và thích hợp, tù nhân bị cưỡng bức lao động trong môi trường độc hại… Ủy ban Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc đặc biệt lưu ý đến tình trạng tù nhân bị biệt giam và bị đưa vào buồng kỷ luật, bị tra tấn, bị giam chung với các tù nhân có bệnh truyền nhiễm. Ủy ban Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc còn nhấn mạnh về trường hợp những tù nhân lương tâm tại Việt Nam tố cáo họ bị tra tấn tinh thần và bị cho uống những loại thuốc mà gây hại cho sức khỏe của họ.

Đại diện Bộ Công An Việt Nam trước Liên Hiệp Quốc vào hôm 15/11 cho biết hiện ở Việt Nam, Bộ Công An quản lý 54 trại giam, quân đội quản lý 3 trại giam, ngoài ra còn có 82 trại tạm giam. Mỗi tù nhân được đảm bảo 2 mét vuông đầu người. Các trại có thể chứa từ 2.000 đến 5.000 phạm nhân.

Theo số liệu trên Wikipedia, trại giam Z-30D, ở Bình Thuận là trại giam lớn nhất, chứa hơn 8000 phạm nhân, tính đến thời điểm năm 2016.

Cư dân Lộc Hưng xin được đi tù sau khi bị Chính quyền quận Tân Bình cưỡng chế trong hai ngày 04&08/01/19.
Cư dân Lộc Hưng xin được đi tù sau khi bị Chính quyền quận Tân Bình cưỡng chế trong hai ngày 04&08/01/19.
Courtesy: Netizen photo

Người dân vẫn muốn đi tù?

Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm, tại phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, lên tiếng cảnh báo có thể sẽ xảy ra tình trạng người dân cố tình vi phạm pháp luật để được xử đi tù vì các quy định về quyền của phạm nhân là quá cao, và nếu như thế thì sẽ gây ra nhiều khó khăn về mặt xã hội.

Trong lúc Bộ trưởng Tô Lâm cho biết bản thân ông rất suy nghĩ khi nhận được những phản ánh liên quan như vừa nêu thì không ít người dân Việt Nam, thuộc trong số hàng ngàn dân oan là nạn nhân mất nhà mất đất do bị cưỡng chế, thu hồi sai pháp luật kêu than rằng họ xin được đi tù vì tình cảnh “sống dở chết dở”.

Bất kỳ một quốc gia nào, một chế độ nào thì nhà tù là nơi khổ ải vì người ta nói là ‘tù đày’ mà. Nhà tù của nhà cầm quyền Cộng sản thì còn khổ đến cỡ nào. Đến ngày hôm nay, dân oan nói chung và dân oan tại vườn ra Lộc Hưng, họ chọn vào tù thì hoàn cảnh của con người ta là sống không ra sống mà chết không ra chết. Tôi dám dùng từ đó là cảnh sống khốn cùng, khốn cùng tột đỉnh của một con người
-Cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Anh Tú

Một cư dân ở vườn rau Lộc Hưng, cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Anh Tú chia sẻ với Đài RFA rằng 200 hộ dân vừa bị Chính quyền quận Tân Bình cưỡng chế trong những ngày 4/1 và 8/1/2019 mong mỏi được vào tù, vì hiện tại công an, an ninh lập chốt chặn không cho cư dân Lộc Hưng bước chân vào khu vực vườn rao bị đổ nát để tìm chút gì còn sót lại mà họ có thể quơ quào trong cảnh màn trời chiếu đất. Ông Huỳnh Anh Tú nghẹn ngào cho biết các cư dân Lộc Hưng dừng chân cầu nguyện tại đền Đức Mẹ, mà “hàng ngũ công an, an ninh chĩa camera soi rọi bà con chúng tôi như là những tội phạm sắp sửa bị truy nã”.

Cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Anh Tú nói thêm:

“Bất kỳ một quốc gia nào, một chế độ nào thì nhà tù là nơi khổ ải vì người ta nói là ‘tù đày’ mà. Nhà tù của nhà cầm quyền Cộng sản thì còn khổ đến cỡ nào. Đến ngày hôm nay, dân oan nói chung và dân oan tại vườn ra Lộc Hưng, họ chọn vào tù thì hoàn cảnh của con người ta là sống không ra sống mà chết không ra chết. Tôi dám dùng từ đó là cảnh sống khốn cùng, khốn cùng tột đỉnh của một con người.”

Những người dân mà Đài RFA tiếp xúc nói rằng trước lời cảnh báo của Bộ trưởng Bộ Công An về tình trạng người dân muốn phạm pháp để được xử tù, thì Quốc Hội cần lắng nghe nguyện vọng muốn vào tù của dân chúng là vì đâu? Và nếu như quan ngại của Bộ trưởng Tô Lâm rằng người dân muốn vào tù do quy định về phạm nhân là quá cao thì liệu rằng 54 trại giam ở Việt Nam sẽ chứa nổi các tù nhân tự nguyện?

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.