Việt Nam cần làm gì để phát triển điện gió ngoài khơi?

RFA
2021.07.27
Việt Nam cần làm gì để phát triển điện gió ngoài khơi? Một dự án điện gió tại tỉnh Bạc Liêu.
AFP PHOTO

Theo GWEC, để có thể trở thành quốc gia đi đầu về điện gió ngoài khơi tại khu vực Đông Nam Á trong thập kỷ tới, Việt Nam cần giải quyết một số thách thức về chính sách và quy định bảo vệ nguồn đầu tư và phát triển các dự án điện gió.

Việt Nam có tiềm năng phát triển năng lượng gió mang đẳng cấp thế giới tuy nhiên nước này đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng về chính sách năng lượng tái tạo và cần hành động ngay bây giờ để đẩy nhanh việc phát triển năng lượng gió ngoài khơi trong thập kỷ này - GWEC nhận định.

Đồng thời, GWEC cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam khẩn trương áp dụng giai đoạn chuyển tiếp đối với điện gió ngoài khơi, đồng thời kết hợp một quá trình tham vấn có hệ thống và cởi mở trong việc thiết kế mua sắm và đấu thầu trong tương lai.

Tại Việt Nam thì giới khoa học rất ủng hộ, rất quan tâm điện gió ngoài khơi. Thế nhưng đường lối chính sách của Việt Nam thì lại chưa coi điện gió ngoài khơi là một mũi chủ lực cho tương lai.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên -Môi trường, khi trả lời RFA hôm 27/7, nhận định:

“Tôi cho rằng đấy là khuyến nghị điện gió ngoài khơi rất đúng, tôi cho rằng Việt Nam cần có các chính sách hoạch định rất cụ thể để phát triển điện gió ngoài khơi. Chuyện năng lượng tái tạo biển hiện nay là vấn đề trọng tâm trên thế giới. Ngoài chuyện lợi dụng mặt nước biển ở những khu vực nhất định có thể tạo ra sức gió rất tốt và công suất thu được năng lượng tái tạo rất cao... Đồng thời người ta cũng lo ngại điện mặt trời để lại rác thải từ những tấm pin mặt trời, đặc biệt là các tấm pin chất lượng không cao, đời sống ngắn tạo áp lực môi trường rất lớn. Ngoài ra người ta còn khuyến khích những năng lượng khác từ biển như sóng biển, thủy triều...”

Giáo sư Đặng Hùng Võ nói thêm về những vấn đề liên quan điện gió ngoài khơi ở Việt Nam:

“Tại Việt Nam thì giới khoa học rất ủng hộ, rất quan tâm điện gió ngoài khơi. Thế nhưng đường lối chính sách của Việt Nam thì lại chưa coi điện gió ngoài khơi là một mũi chủ lực cho tương lai. Về việc chuyển sang các năng lượng tái tạo gắng với biển, tôi cho rằng Việt Nam cần phải làm mạnh hơn nữa về chuyển đổi phương thức sửa dụng năng lượng tái tạo. Phát triển điện gió trong bờ có thể tốn mặt đất, hiệu quả không cao. thế nhưng ngoài khơi xa có nhiều năng lượng tái tạo có thể giải quyết vấn đề điện tốt hơn rất nhiều.”

GWEC đồng thời cũng khuyến nghị Việt Nam cần giải quyết khẩn cấp một số chính sách như nâng mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi, từ mức 2GW vào năm 2030 của Quy hoạch điện 8 đang được Bộ Công thương soạn thảo, lên mức 10GW nhằm tối đa hóa lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường... Đồng thời giải quyết vấn đề biểu giá ưu đãi FIT cho điện gió ngoài khơi hết hạn vào tháng 11/2021.

Liên quan vấn đề này, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nhận định:

“Tôi thấy hoàn toàn đúng, tôi ủng hộ... Để phát triển một cái gì đó, một công nghệ, hay một quá trình sản xuất nào đó... thì luôn luôn phải tính đến chuyện ưu đãi... để bước đầu tạo được sự phát triển, khi số lượng người đầu tư ít, cách thức đầu tư chưa quen thuộc. Cách hỗ trợ tốt nhấn vẫn là tiền, như giá mua, miễn giảm thuế... khuyến nghị tiếp tục biểu giá ưu đãi cho điện gió ngoài khơi thì tôi cho rằng rất đúng và Việt Nam nên xem xét và thực hiện.”

068ae076-2080-4c32-a84c-6cf4fb6d0cdb.jpeg
Điện mặt trời và điện gió tại tỉnh Bình Thuận, ảnh minh họa. AFP.

Trong ngày 26/7/2021, trang tin Geopolitical Monitor cũng có bài viết cho rằng Việt Nam đã nhận thấy việc chuyển đổi sang năng lượng xanh chưa bao giờ cấp bách hơn bao giờ hết. Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, hành trình công nghiệp hóa của Việt Nam đã để lại một lượng khí thải carbon khổng lồ và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Với việc người dân Việt Nam chìm trong ô nhiễm hàng ngày, các vấn đề biến đổi khí hậu nghiêm trọng và mức độ cao hơn của bệnh hô hấp, nhu cầu quan trọng là phải tăng cường năng lượng sạch.

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng khi trả lời RFA bày tỏ quan điểm ủng hộ sử dụng năng lượng tái tạo tại Việt Nam:

“Chỉ một năm vừa qua, chủ trương tư nhân hóa vào làm năng lượng gió, mặt trời phát triển quá nhanh, theo như Thủ tướng nói đề nghị có 8.000 MW của năng lượng mặt trời đem vào nhưng đã đem vào vận hành được 5.000 MW, tức bằng năm nhà máy nhiệt điện than cỡ lớn. Nhưng có những nhà máy điện tái tạo dù có điện nhưng không thể truyền đi nên Nhà nước đã cho tư nhân làm đường dây này, trước đây chưa bao giờ có. Độc quyền Nhà nước là không ai được làm nhưng có chủ trương cho phép tư nhân được quyền đầu tư xây dựng đường dây tải điện này.”

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cũng đồng ý khó khăn của năng lượng tái tạo là có, bởi vì đưa năng lượng tái tạo vào trong khi hệ thống truyền tải chưa đảm bảo vận hành đầy đủ, lưới điện thông minh chưa tốt mà đưa điện tái tạo vào thì không tốt cho hệ thống lưới. Trong khi việc tích trữ năng lượng điện tái tạo thì chưa có, cho nên phát triển điện mặt trời mà điều kiện kỹ thuật và truyền tải chưa có thì chỉ nên phát triển ở mức nhất định, nhưng trong tương lai thì phải xem xét lại:

“Sau 2025 thì phải có xem xét, vì tiềm năng năng lượng gió Việt Nam rất nhiều, mà tỷ lệ sử dụng gió và mặt trời có thể đưa lên nữa. Bởi vì nguồn vốn tư nhân vào điện gió và mặt trời đã đăng ký nhiều, không sử dụng thì lãng phí.”

Cách hỗ trợ tốt nhấn vẫn là tiền, như giá mua, miễn giảm thuế... khuyến nghị tiếp tục biểu giá ưu đãi cho điện gió ngoài khơi thì tôi cho rằng rất đúng và Việt Nam nên xem xét và thực hiện.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ

Trả lời trang tin Geopolitical Monitor hôm 26/7, ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết, năng lượng tái tạo sẽ sớm vượt qua than đá để trở thành nguồn sản xuất điện lớn nhất trên toàn cầu.

Hiện thị trường năng lượng của Việt Nam được kiểm soát bởi các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Petro Vietnam (PVN), Petrolimex và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (VINACOMIN). Theo ông Fatih Birol, sáu năm trước, cơ cấu điện năng của Việt Nam chủ yếu là thủy điện (46%), than đá (29%) và khí đốt tự nhiên (22%)... Nhưng đến cuối năm 2019, năng lượng gió và mặt trời đã chiếm gần 5.700 MW công suất lắp đặt, chiếm gần 10% tổng nguồn cung.

Tuy nhiên ông Fatih Birol cho rằng, điều này không có nghĩa là các nhà quản lý năng lượng của Việt Nam đã rời bỏ các cam kết về nhiên liệu hóa thạch của họ... mặc dù sản lượng điện chạy bằng than bẩn, tăng 72% từ năm 2010-2017.

Theo trang tin Geopolitical Monitor, một số nhà quan sát cho rằng còn quá sớm để khẳng định rằng điện tái tạo đã trở thành xu hướng phổ biến ở Việt Nam. Hiện tại, khu vực ven biển Đông của Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long có thể cung cấp sự kết hợp phù hợp giữa năng lượng gió và năng lượng mặt trời để làm tươi sáng tương lai năng lượng tái tạo của Việt Nam, nếu các nhà quản lý có những chính sách phù hợp giúp phát triển lãnh vực này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.