Tự do Tôn giáo tại Việt Nam theo phúc trình của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ
2014.07.31
Hôm thứ Hai ngày 28 Bộ Ngoại Giao Mỹ công bố phúc trình thường niên về tình hình tự do tôn giáo thế giới năm 2013, trong đó có tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ đã có ý kiến về bản phúc trình này phần đề cập đến Việt Nam trong bài phỏng vấn do Thanh Trúc thực hiện. Ông Nguyễn Bá Tùng, trưởng ban phối hợp Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, nhận xét tổng quát:
Bản báo cáo năm này theo nhận xét sơ khởi của chúng tôi thì giọng điệu điệu cũng như những sự kiện đưa ra đã làm cho vấn đề sự thực về tự do tôn giáo ở Việt Nam có vẻ nhẹ nhàng hơn.
Chẳng hạn trong phần dẫn nhập, trước đây tên Việt Nam được nêu lên trong những quốc gia có vi phạm tự do tôn giáo, thì năm này tìm trong phần dẫn nhập đó không thấy tên Việt Nam. Năm 2006, tên Việt Nam được lấy ra khỏi danh sách những quốc gia đáng quan tâm vì thiếu tự do tôn giáo, dù vậy tên Việt Nam vẫn được nhắc đến trong phần dẫn nhập tổng quát của bản báo cáo như một trong những quốc gia có vấn đề, nhưng năm này thì không, đó là nhận xét sơ khởi của chúng tôi.
Báo cáo nói rõ cố gắng của chính quyền Mỹ làm sao thúc đẩy nhà nước VN tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tôn trong hoạt động của các tổ chức tôn giáo, qua việc họ thường xuyên gặp gỡ lãnh đạo các tôn giáo và những người đấu tranh cho tự do tôn giáo.
Ông Nguyễn Bá Tùng
Thanh Trúc: Qua nhận xét sơ khởi đó phải chăng Bộ Ngoại Giao Mỹ đã không còn liệt Việt Nam vào những quốc gia cần được nhắc đến vì thiếu tự do tôn giáo ?
Ông Nguyễn Bá Tùng: Đúng, bản báo cáo nói rõ có những tiến bộ về tự do tôn giáo, cái đó là có giấy trắng mực đen. Tuy nhiên khi đọc chúng tôi cũng thấy có những điểm tích cực chẳng hạn báo cáo nói đến những khó khăn mà nhà nước đặt ra cho các tổ chức tôn giáo qua vấn đề pháp luật. Chẳng hạn Nghị Định 92 được nêu lên, trong đó báo cáo đưa ra nhận xét của các tổ chức tôn giáo, của những người đấu tranh tôn giáo, đối với Nghị Định này.
Điểm thứ hai, báo cáo nói rõ cố gắng của chính quyền Mỹ làm sao thúc đẩy nhà nước Việt Nam tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tôn trong hoạt động của các tổ chức tôn giáo, qua việc họ thường xuyên gặp gỡ lãnh đạo các tôn giáo và những người đấu tranh cho tự do tôn giáo, cũng như họ không bỏ lỡ cơ hội nào khi tiếp xúc với nhà cầm quyền Việt Nam để đặt lại vấn đề. Đó là những điểm tích cực, thể hiện qua bản báo cáo về tự do tôn giáo thế giới năm này, đặc biệt phần của Việt Nam.
Thanh Trúc: Thế những điểm tiêu cực hay là chưa trung thực cần phải nói cho rõ hơn, thưa ông Nguyễn Bá Tùng?
Ông Nguyễn Bá Tùng: Dĩ nhiên có những điểm mà chúng tôi cảm thấy hoặc không đúng sự thực hoặc là thiếu sót. Chẳng hạn như bản báo cáo nói rõ không hề có vấn đề giao dục chủ nghĩa vô thần trong các trường học công. Cái đó hoàn toàn sai sự thực là vì chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam dựa trên duy vật vô thần. Chủ nghĩa duy vật vô thần bài bác tôn giáo, là chủ thuyết dẫn đạo của chế độ họ phải chấp nhận và bị nhồi sọ bởi chủ nghĩa đó. Không thể nói rằng không có vấn đề giáo dục về chủ nghĩa vô thần trong các trường học công lập ở Việt Nam.
Bản báo cáo nói rõ không hề có vấn đề giao dục chủ nghĩa vô thần trong các trường học công. Cái đó hoàn toàn sai sự thực là vì chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam dựa trên duy vật vô thần.
Ông Nguyễn Bá Tùng
Một chi tiết nhỏ thứ hai, báo cáo khi nói về vấn đề tự do thờ phượng của các tù nhân họ lại nói là có trường hợp các tù nhân được hành xử quyền tự do tôn giáo của mình trong các trại giam. Họ đơn cử trường hợp linh mục Nguyễn Văn Lý được phép cử hành thánh lễ và trao bánh thánh cho các bạn đồng tù. Chúng tôi có liên lạc với linh mục Phan Văn Lợi ở Việt Nam hôm qua. Linh mục Phan Văn Lợi, là người bạn chiến đấu của linh mục Nguyễn Văn Lý, xác nhận rằng linh mục Nguyễn Văn Lý hiện đang bị biệt giam thì làm sao mà có bạn tù để trao Mình Thánh Chúa?
Đó là những chi tiết nhỏ nhưng điều quan trọng hơn hết là ở chương thứ 3, họ nói rằng không hế có vấn đề phân biệt đối xử đối với những người có niềm tin tôn giáo. Nhận xét này hơi quá đáng và sai sự thực. Trong bản báo cáo của Mạng Lưới Nhân Quyền năm nay chúng tôi đã nói đến sự phân biệt đối xử dựa trên ba yếu tố: thứ nhất là chính trị, rồi phân biệt dựa trên yếu tố sắc tộc đối với đồng bào thiểu số, và quan trọng hơn hết là họ đã phân biệt đối xử với người dân dựa trên niềm tin tôn giáo của các người dân đó.
Ví dụ ở những nơi, chẳng hạn như ở tỉnh Đồng Nai, nơi tập trung cao số người theo Thiên Chúa giáo. Có đến 850,000 giáo dân tại tỉnh Đồng Nai tức một phần ba dân số của tỉnh đó, mà thử hỏi có người Công giáo nào làm đến chức cao hơn là chủ tịch ủy ban nhân dân xã hay không? Như vậy không phải vì vấn đề họ là người Công giáo họ không được tham dự vào chính quyền, không được tham dự vào guồng máy nhà nước, thì làm sao mà nói không có sự phân biệt đối xử dựa trên niềm tin tôn giáo? Đó là những điều sai sự thực.
Bản báo cáo của Mạng Lưới NQ chúng tôi cũng như nhiều bản báo cáo khác về vấn đề tự do tôn giáo tại VN 2013 đã được công bố trước đó một thời gian khá dài. Như vậy rõ ràng không phải những người làm báo cáo không biết nhưng mà họ không đưa vào trong bàn báo cáo của Bộ Ngoại Giao HK... Sự bỏ sót này là sự bỏ sót cố ý.
Ông Nguyễn Bá Tùng
Thanh Trúc: Bây giờ nói về những vấn đề ông gọi là thiếu sót trong báo cáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về tự do tôn giáo thế giới. Phần riêng về Việt Nam ông thấy thiếu sót ở chỗ nào?
Ông Nguyễn Bá Tùng: Thiếu sót hoặc bất cập trước hết là khi họ đề cập đến các vụ đàn áp tôn giáo, họ bỏ qua hai vụ chúng tôi cho là lớn nhất trong năm 2013 tại Việt Nam. Thứ nhất, vụ đàn áp giao dân Công giáo tại Giáo xứ Mỹ Yên ở Giáo phân Vinh, trong đó có đến mấy chục người phải nhập viện vì bị thương do công an và các lực lượng an ninh khác gây nên.
Vụ án quan trọng nhất về tự do tôn giáo ở Việt Nam năm 2013 là vụ Hội Đồng Công Luật Công Án Bia Sơn ở Phú Yên. Có đến 22 người thuộc giao phái Hội Đồng Công Luật Công Án Bia Sơn bị xử án rất nặng nề. Đó là hai vụ mà chúng tôi cho rằng thể hiện sự đàn áp tự do tôn giáo tại Việt Nam rõ rệt nhất mà báo cáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ năm này không đề cập đến một chi tiết nào cũng không nhắc đến tên.
Nhưng, một thiếu sót quan trọng nhất là khi đề cập đến các phương thức nhà nước dùng để kiểm soát các sinh hoạt tôn giáo, thì bản báo cáo chỉ nói đến các luật lệ mà bỏ quên hoạt động mà các tổ chức nhà nước dùng để kiểm soát các giáo hội.
Tôi muốn nói đến Ủy Ban Tôn Giáo Nhà Nước, Mặt Trận Tổ Quốc và các tổ chức lệ thuộc chẳng hạn như ủy ban Công giáo yêu nước hay ủy ban Phật giáo yêu nước vân vân…Đứng đầu tổ chức của Ủy Ban Tôn Giáo Nhà Nước là ai? Hiện bây giờ là trung tướng Phạm Dũng, từng là tổng cục trưởng Tổng Cục An Ninh 2 thuộc Bộ Công An. Một ông tướng công an đứng đầu một tổ chức lo về tôn giáo thì điều đó có nghĩa gì? Đặt câu hỏi như vậy thì đã có câu trả lời.
Báo cáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố ngày 28 tháng Bảy 2014. Bản báo cáo của Mạng Lưới Nhân Quyền chúng tôi cũng như nhiều bản báo cáo khác về vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam 2013 đã được công bố trước đó một thời gian khá dài. Như vậy rõ ràng không phải những người làm báo cáo không biết nhưng mà họ không đưa vào trong bàn báo cáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Theo chúng tôi nhận xét sự bỏ sót này là sự bỏ sót cố ý.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn ông Nguyễn Bá Tùng.