Việt Nam tuần qua

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi Trung Quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đón tiếp lãnh đạo chính phủ Đức – những hoạt động ngoại giao nhộn nhịp của các nhà lãnh đạo Việt Nam đã thu hút không ít sự quan tâm của dư luận cả trong và ngoài nước.
RFA 16.10.2011
angela-merkel-ng-tan-dung-11oct2011-305.jpg TT Đức Angela Merkel và TT Nguyễn Tấn Dũng ký kết “Tuyên bố chung Hà Nội: Việt Nam và Đức – Đối tác chiến lược vì tương lai” tại nhà khách chính phủ ở Hà Nội vào ngày 11 tháng 10 2011.
AFP photo/Hoang Dinh Nam

Gia tăng hợp tác với thế giới

Theo dõi các chuyến đi con thoi chưa từng có tiền lệ trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam, Tiến Sĩ Ngô Vĩnh Long, giáo sư môn Lịch sử Châu Á, tại đại học Maine, Hoa Kỳ, cho rằng:

“Việc hai ông Chủ tịch nước và lãnh đạo Đảng sang thăm hai nước lớn như vậy, tôi nghĩ là tốt thôi. Đây là tiến trình tìm kiếm giải pháp, nếu căn cứ vào những ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc, cứ theo đó mà làm thì Việt Nam sẽ bị thiệt hại rất lớn”.

Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Đỗ Hiếu của RFA, Tiến sĩ Ngô Vĩnh Long cho rằng với bối cảnh tranh chấp căng thẳng hiện nay ở Biển Đông, không chỉ tăng cường các mối giao hảo với Ấn Độ, Trung Quốc, mà Việt Nam cần phải theo đuổi chính sách đa phương hóa để bảo vệ các quyền lợi quốc gia. Ông nói:

Đây không phải là chuyện chỉ đi dây giữa hai nước, mà Việt Nam cần vận động nhiều nước khác trên thế giới, tất nhiên là quốc tế hóa và đa phương hóa vấn đề tranh chấp với Trung Quốc.

TS Ngô Vĩnh Long

“Thật ra đây không phải chỉ là vấn đề giữa Ấn Độ với Trung Quốc, mà Việt Nam cần phải vận động sự ủng hộ của các nước trong khu vực, các nước ASEAN, đặc biệt là các nước có dính líu tới vấn đề Biển Đông, ngoài ra còn cần sự ủng hộ của Mỹ. Đây không phải là chuyện chỉ đi dây giữa hai nước, mà Việt Nam cần vận động nhiều nước khác trên thế giới, tất nhiên là quốc tế hóa và đa phương hóa vấn đề tranh chấp với Trung Quốc.”

Về thành quả của hai chuyến công du này:

Với Trung Quốc, Việt Nam đạt được thỏa thuận 6 điểm về giải quyết tranh chấp Biển Đông, trong đó đáng chú ý nhất là việc hai phía cam kết tôn trọng Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông, cũng như công ước về luật Biển 1982 của Liên Hiệp Quốc.

Với Ấn Độ, hai nước Việt - Ấn ký kết thỏa thuận hợp tác khai thác dầu khí tại Biển Đông, bất chấp tình trạng tranh chấp kéo dài giữa Hà Nội và Bắc Kinh về chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Thỏa thuận đạt được giữa Tập đoàn dầu khí Nhà nước Ấn Độ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bao gồm các khoản đầu tư mới, cũng như khai thác và cung cấp dầu thô và khí đốt cho hai nước.

truong-tan-sang-indian-pm-12oct2011-250.jpg
Chủ tịch nước VN Trương Tấn Sang (T) bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Manmmohan Singh khi ông sang thăm New Delhi vào ngày 12 Tháng 10 năm 2011. AFP photo.
Như vậy, có thể nói, một mặt Việt Nam tiếp tục đàm phán với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền trên biển; một mặt Việt Nam vẫn tiếp tục hợp tác với Ấn Độ trong các dự án khai thác dầu khí tại Biển Đông, bất chấp các phản đối của Bắc Kinh.

Cùng lúc với hai chuyến công du của lãnh đạo cao cấp nhất Việt Nam đến hai người khổng lồ Á Châu, ngay trong nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp đón nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel, trong chuyến viếng thăm nhằm thúc đẩy các quan hệ song phương cả về thương mại, đầu tư, lẫn chính trị, ngoại giao, giáo dục, khoa học...

Được biết, trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Việt Nam, ngoài việc ký kết các thỏa thuận song phương, vấn đề nhân quyền tại Việt Nam cũng được nữ Thủ tướng Đức đề cập đến.

Theo dõi chuyến thăm Việt Nam của nữ Thủ tướng Đức, Tiến sĩ Âu Dương Thệ, thuộc Hiệp hội Dân chủ và Phát Triển Việt Nam tại Đức trả lời Gia Minh của Đài Á Châu Tự Do:

“Như chúng ta biết bà Merkel xuất thân và trưởng thành dưới chế độ cộng sản Đông Đức, nên bà Merkel có nhiều kinh nghiệm về việc này. Bà hiểu rất rõ những chính sách của nhà cầm quyền chà đạp nhân quyền tại Đông Đức trước đây cũng như ở Việt Nam hiện nay.

Về điểm này trong cuộc họp báo ngày hôm qua ở Hà Nội với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bà Merkel cũng nói công khai với nhà cầm quyền Việt Nam cần phải tôn trọng tự do chính kiến, tự do tôn giáo, tự do báo chí, và phải có nền luật pháp công bằng.

Bà nhấn mạnh đây là những điều kiện cơ bản để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, cũng là điều kiện của sự hợp tác Đức- Việt. Mới đây cả Đức và EU công khai lên tiếng chống lại những biện pháp giam giữ nhiều người khác chính kiến ở Việt Nam. Điều này vi phạm những công ước quốc tế về các lãnh vực mà Việt Nam đã từng ký kết.”

Vận động đưa VN trở lại CPC

Cũng trong lĩnh vực nhân quyền, tuần này một nhóm các nhà lập pháp Mỹ vừa gởi thư yêu cầu Thủ tướng VN trả tự do ngay tức khắc và vô điều kiện 13 nhà đấu tranh cho nhân quyền tại VN.

Qua bức thư, nhóm dân biểu này bày tỏ thất vọng và quan ngại sâu xa về tình cảnh bị biệt giam của số thanh niên, các bloggers và giáo dân thuần thành, phần lớn từ Giáo phận Vinh.

Trả lời Thanh Quang của Đài Á Châu Tự Do, nữ Dân biểu Loretta Sanchez, nhân vật lâu nay đấu tranh mạnh mẽ cho nhân quyền VN, lên tiếng:

Điều quan trọng là chúng ta phải chú trọng tới vấn đề quyền con người để VN thấy là họ phải cam kết với Điều 69 trong Hiến Pháp và Điều 19 trong Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị.

DB Loretta Sanchez

"Điều quan trọng là chúng ta phải chú trọng tới vấn đề quyền con người để VN thấy là họ phải cam kết với Điều 69 trong Hiến Pháp và Điều 19 trong Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị."

Cũng theo các nhà lập pháp Mỹ thì hành động bắt bớ giam cầm các tiếng nói đối kháng tại Việt Nam cho thấy Hà Nội tiếp tục vi phạm tự do tôn giáo, tiếp tục giam giữ những người hoạt động chỉ vì Đức Tin chứng tỏ rằng VN phải bị đưa trở lại danh sách những nước cần quan tâm đặc biệt vì đàn áp tôn giáo, gọi tắt là danh sách CPC.

Điều này cũng được ông Brad Adams, giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, chia sẻ, nhân dịp ông đến thăm Đài Á Châu Tự Do vào sáng ngày thứ Năm 13 tháng 10:

"Tôi nghĩ có một vấn đề cơ bản của quốc tế với Việt Nam bây giờ, phần lớn mọi người chỉ tập trung vào những thành tựu kinh tế Việt Nam đạt được, tôi muốn nói là cấm vận của Mỹ sau chiến tranh là không hợp lý, nó làm cho sự phát triển của Việt Nam chậm lại đến cả thập kỷ, cho nên Mỹ và các nước khác liên quan đến cấm vận này đã cố gắng sửa đổi bằng cách có quan hệ tốt với Việt Nam.

brad-adams-250.jpg
Ông Brad Adams. RFA photo
Ông Brad Adams. RFA photo
Nhưng tôi nói với Mỹ là các anh đã không làm điều tốt cho người Việt Nam bằng cách thay đổi tức là đưa cho Việt Nam những trợ giúp không có điều kiện, và điều đó chỉ làm chính phủ hiện thời tiếp tục đàn áp người dân của mình. Cho nên điều quan trọng là khi anh muốn thay đổi, sửa sai, thì đó không phải là với chính phủ Việt Nam mà với người dân Việt Nam.

Cách tốt nhất là thúc đẩy dân chủ, minh bạch hóa, cởi mở, để người Việt Nam có thể có tiếng nói của chính mình, bởi bây giờ nếu họ lên tiếng thì họ sẽ bị đi tù. Cho nên tôi nghĩ là thế giới đang quá nhẹ tay với Việt Nam, Mỹ thì chỉ nghĩ đến Trung Quốc đang lớn mạnh và cố gắng thiết lập đồng minh với Việt Nam để chống lại Trung Quốc và do đó họ để vấn đề nhân quyền của Việt Nam sang một bên. Chúng tôi cho rằng đó là cách tiếp cận không đúng và thực tế càng ngày càng có nhiều người đồng ý với chúng tôi."

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.