Gói cứu trợ 26.000 tỷ: Thử thách niềm tin của dân?

2021.07.14
Gói cứu trợ 26.000 tỷ: Thử thách niềm tin của dân? Cuộc sống của hàng triệu người lao động tự do vốn đã chật vật lại càng thêm khó khăn trong đợt dịch bệnh lần thứ 4
Ảnh: AFP

Nếu triển khai chậm là có lỗi với dân, để xảy ra tiêu cực hay trục lợi chính sách là có tội với dân” – đó là câu mà các lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh – Xã hội liên tục nhấn mạnh trong những ngày gần đây khi nói về việc triển khai gói cứu trợ COVID 26.000 tỷ đồng. Liệu gói cứu trợ mới này có thực sự nhanh chóng đến với người cần, đặc biệt là người lao động tự do – đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của dịch bệnh? RFA ghi nhận ý kiến của người dân và các chuyên gia trong phần sau:

Sẽ phải làm khác lần một

Ngay sau khi gói cứu trợ 26.000 tỷ được thông báo, nhiều lao động tự do đã gửi các câu hỏi liên quan trong phần bình luận tại các tờ báo lớn như Tuổi trẻ TPHCM, VnExpress …, chúng tôi trích dẫn một vài câu sau đây để thấy rằng, người dân đang rất trông chờ vào đợt cứu trợ lần này từ Chính phủ Việt Nam:

Em bị khuyết tật hai chân, làm hàng gia công tại nhà, giờ công ty cho tạm nghỉ, vậy em có được nhận gói hỗ trợ 26 tỷ không ạ?”

“Người ở tỉnh vào TP.HCM đang điều trị ung thư ngoại trú, đang vào thuốc hóa trị. Vậy có được hưởng trợ cấp COVID không ạ?

“Vợ chồng em đều là lao động tự do.... Hộ khẩu thường trú của hai vợ chồng em là ở phường 14, Gò Vấp nhưng đã bán nhà mấy năm nay, hiện trọ ở phường 8, Gò Vấp. Tổ trưởng tổ dân phố không nhận đơn [xin trợ cấp] mà kêu em phải về phường 14 nộp. Cho em hỏi vậy em có thể nộp đơn xin hỗ trợ ở phường 14 được không?”

Dân đi làm thủ tục rồi chưa thấy tiền đâu. Vậy cho hỏi trường hợp này hỏi ai?”

000_99M9EC.jpg
Hàng bánh mỳ thời COVID vắng khách - Hà Nội ngày 10/5/2021. Ảnh: AFP

Gói hỗ trợ 26.000 tỷ là gói cứu trợ thứ hai của Việt Nam dành cho người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID, tiếp sau gói cứu trợ thứ nhất trị giá 62.000 tỷ đồng của năm ngoái.

Nhiều chuyên gia và giới quan sát kinh tế lên tiếng cho rằng Chính phủ Việt Nam phải triển khai gói cứu trợ này thật nhanh và sáng tạo vì người lao động tự do, vốn yếu thế và thu nhập thấp nay đã kiệt quệ.

Trao đổi với RFA, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói:

“Lần này cần phải làm thật nhanh. Đợt dịch này là đợt thứ tư rồi, có những người chưa kịp hồi phục qua những đợt trước thì giờ đã có đợt này. Khó khăn chồng lên khó khăn, lần này cái khó của họ còn nhiều hơn những lần trước. Về cách làm thì thực sự phải làm rất khẩn trương, không thể nào không khẩn trương được. Chậm từng nào thì khó thêm cho người ta chừng ấy”.

Bà Chi Lan cho rằng đây là lúc người dân cần nhất sự hỗ trợ của nhà nước vì vậy, hỗ trợ phải đến sớm và đến nhanh nhất. Đây cũng là lúc niềm tin của người dân vào Chính phủ được thử thách.

Gói này làm không tốt thì chắc chắn không thể nào thuyết phục được người dân. Kể cả những người không trực tiếp nằm trong những đối tượng đó, họ cũng quan sát để xem cách ứng xử của Nhà nước với người dân gặp khó khăn nhất như thế nào. Niềm tin chung trong xã hội, không chỉ phải mỗi niềm tin của nhóm gặp khó khăn kia đâu, sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nhất là trong khi vẫn còn những chuyện rộ lên trong thời gian vừa qua như vấn đề tượng đài chẳng hạn” – bà Lan nói và nhấn mạnh thêm rằng, tuy tiền cứu trợ là tiền ngân sách nhưng nói cho cùng vẫn là tiền thuế của người dân và doanh nghiệp, bây giờ dùng trở lại để hỗ trợ cho người dân mà lại làm chậm hoặc làm kém thì sẽ rất phản cảm.

Trong gói cứu trợ này, Chính phủ cần ưu tiên mức độ triển khai nhanh và kịp thời. Nếu đặt tiêu chí là phải chính xác, ngăn chặn tối đa gian lận thì sẽ có khả năng gây hại cho người đang rất cần hỗ trợ. Tôi nghĩ trong trường hợp này, mình nên đặt tiêu chí ngăn cản người lợi dụng xuống thấp hơn tiêu chí là sự hỗ trợ phải đến rất nhanh, đến ngay bây giờ với những người cần nó - TS Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (CECODES) trong một trao đổi với RFA 

Nên cắt giảm thủ tục, tăng giám sát

Theo con số thống kê mới nhất của Bộ LĐTBXH, gói cứu trợ đầu tiên trị giá 62.000 tỷ của Chính phủ tính đến tháng 5/2021 mới giải ngân được 22%, tương đương với hơn 13.000 tỷ đồng. Lẽ dĩ nhiên việc thực hiện gói cứu trợ lần một được báo giới VN cho biết đã phát sinh nhiều tiêu cực tại nhiều địa phương và trên hết là thủ tục tiếp cận tiền hỗ trợ quá rườm rà.

Rút kinh nghiệm từ lần một, ngay trong ngày 14/7, Bộ trưởng Lao động Đào Ngọc Dung cho rằng các địa phương cần phải cắt bớt điều kiện, thủ tục để đẩy nhanh gói cứu trợ đến người dân và doanh nghiệp.

SGGP.jpg
Người lao động tự do nhận tiền hỗ trợ theo gói cứu trợ 886 tỷ đồng - gói hỗ trợ riêng theo nghị quyết 09 của TP.HCM. Ảnh: Báo Sài gòn Giải phóng

Đến thời điểm này, tại TPHCM, theo báo cáo của Sở LĐTBXH có gần 131 ngàn lao động tự do được nhận hỗ trợ với số tiền gần 196 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số đó không nằm trong gói hỗ trợ 26.000 tỷ mà từ gói 886 tỷ (gói hỗ trợ riêng thực hiện theo Nghị quyết số 09 ngày 25/6/2021 của TP).

Trực tiếp về việc hỗ trợ lao động tự do trong khuôn khổ gói hỗ trợ đợt hai này của Chính phủ, con số thống kê đến ngày 14/7 cho thấy Hà Nội, Đà Nẵng chỉ mới thực hiện ký quyết định và họp bàn triển khai gói cứu trợ; tỉnh Bắc Giang, một tỉnh có số ca nhiễm cao, nhưng thiếu ngân sách, phải đợi cân đối nguồn hỗ trợ lao động tư do; còn Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh... chỉ mới trong giai đoạn rà soát, tổng hợp các nhóm người lao động cần hỗ trợ.

Do đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, đối với lao động tự do, tuy giao cho địa phương làm nhưng để tiền hỗ trợ nhanh chóng tới tay người dân, nhà nước nên giao cho một lực lượng khác, nhạy bén và hiệu quả hơn thực hiện. Bà Chi Lan lý giải:

Không nên phải là cơ quan nọ, cơ quan kia có trách nhiệm chính thức mới là người được đứng ra để phân phối [tiền hỗ trợ] vì để họ làm thì lại diễn ra tình trạng của gói 62.000 tỷ năm ngoái, tốc độ giải ngân rất chậm, số người thực sự nhận được là rất thấp so với quỹ đó. Trông chờ vào các cơ quan Nhà nước, nghĩa là những người làm công ăn lương trong bộ máy của chính quyền thì tôi sợ sẽ không thể nào kịp được”.

Với kinh nghiệm của mình, bà Chi Lan e ngại rằng bộ máy hành chính của các sở, ngành ở các quận, huyện chỉ làm giờ hành chính lại thường xuyên kêu thiếu nhân lực. Thêm nữa, cán bộ nhà nước luôn có tâm lý sợ trách nhiệm, “muốn chắc cho mình” nên thường yêu cầu nhiều thủ tục, giấy tờ, gây mất thời gian và làm nản lòng người dân. 

Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, các địa phương nên tận dụng mạng lưới mặt trận tổ quốc, hội phụ nữ, cán bộ tổ dân phố … vì họ “sát dân nhất” và cũng thường đi thu tiền ủng hộ đồng bào bị bão lụt, tiền quỹ COVID…của dân nên có thể trao tiền hỗ trợ, yêu cầu ký nhận vào danh sách in sẵn để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Bà nói:

Tôi nghĩ hệ thống ở Việt Nam hoàn toàn dễ dàng để làm được việc này. Chỉ có là có làm hay không thôi. Các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm phải đặt niềm tin vào hệ thống đó để người ta làm”.

“Tôi nghĩ hệ thống ở Việt Nam hoàn toàn dễ dàng để làm được việc này. Chỉ có là có làm hay không thôi. Các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm phải đặt niềm tin vào hệ thống đó để người ta làm” – Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Ở một góc nhìn khác từ kinh nghiệm của TP.HCM trong việc thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 09 (hay còn gọi là gói 886 tỷ đồng), Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM trong một trao đổi với RFA cho rằng: Vẫn có thể giao cho chính quyền địa phương phụ trách việc triển khai hỗ trợ cho người dân vì họ đã có được những kinh nghiệm từ việc thực hiện gói cứu trợ lần thứ nhất và cũng đã nắm được danh sách người lao động yếu thế (trong đó có người lao động tự do), giờ chỉ phải rà soát và cập nhật.

000_APH2001110767529.jpg
Ảnh minh họa: Còn rất nhiều người lao động tự do tại Việt Nam chưa nhận được hỗ trợ từ cả hai gói cứu trợ đợt 1 và 2 của Chính phủ. Ảnh: AFP

Tuy vậy, LS Hậu lưu ý khi để chính quyền làm, các địa phương cần phải thiết lập các tổ hay đoàn giám sát nhằm tạo sức ép cho chính quyền địa phương đảm bảo được tiêu chí công bằng và nhanh chóng trong việc thực hiện.

Tôi nghĩ có một đơn vị giám sát như vậy, đại diện cho dân thì sẽ khách quan, vô tư hơn. Để cho chính quyền làm thì phải có người đứng kiểm tra. Họ có quyền thì phải có người đứng ra kiểm tra giám sát cái đối tượng để họ coi phát có đúng không, có hỗ trợ kịp thời không” - LS Hậu nói với RFA.

Chúng ta cần gắn trách nhiệm và đánh giá kết quả thực hiện công việc cuối năm của các bộ ngành, của các địa phương, của người đứng đầu các đơn vị này vào kết quả của giải ngân mà phần vốn đã được giao. Đây phải là tiêu chí để đánh giá kết quả thực hiện công việc thì chúng ta mới mong tốc độ giải ngân gói hỗ trợ mới tăng lên được.” - Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam

Ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, khi được hỏi về vấn đề này, cho rằng việc giải ngân hết và hiệu quả gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng trong năm nay sẽ làm tăng tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam trong sáu tháng cuối năm 2021 đồng thời mang lại những lợi ích về cả kinh tế lẫn xã hội.

Chúng ta cần gắn trách nhiệm và đánh giá kết quả thực hiện công việc cuối năm của các bộ ngành, của các địa phương, của người đứng đầu các đơn vị này vào kết quả của giải ngân mà phần vốn đã được giao. Đây phải là tiêu chí để đánh giá kết quả thực hiện công việc thì chúng ta mới mong tốc độ giải ngân gói hỗ trợ tăng lên được.” – ông Bình nhấn mạnh.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Bùi Minh Đức
31/07/2021 01:47

Thật sự trả dám mong đợi nhận được tiền trợ cấp gì cả. Với cách làm việc của chính quyền thì chỉ gọi là con số tượng trưng. Tôi làm việc tại nhà hàng rồi trải qua năm covid 2020 thì nghỉ việc do đóng cửa thường xuyên phait cắt giảm nhân sự, sau đó làm việc tự do, đến nay lại giãn cách cấm ra đường. Hiện giờ trong nhà ngoài 5kg gạo thì chẳng còn chút thực phẩm nào. Đến giờ phút này Tôi cũng chỉ nghĩ đến vay mượn người thân bạn bè để gồng gánh chứ chưa bao giờ đặt 1 chút hy vọng vào sự trợ giúp của nhà nước. Mong dịch bớt đi xóa bỏ giãn cách còn mưu sinh thôi. Vậy nên chính quyền đừng nói nhiều đến trợ cấp, thật lòng chúng tôi không mong chờ đâu, vì đến lúc may mắn được gọi tên chắc chúng tôi cũng chết vì đói rồi. Hãy dùng tiền mà các vị nói là trợ cấp để dồn hết sức khóa cửa Biên Giới, nhanh chóng dập dịch , để người dân chúng tôi được sống và sinh hoạt bình thường. Còn câu chuyện hỗ trợ cứu trợ, thì nhà nước không làm triệt để được đâu.