Ẩn số Vũ Đình Duy, bị truy nã nhưng tự do tiếp xúc với đại diện của chính quyền?

Kính Hòa RFA
2018.06.05
vu_dinh_duy.jpeg Ông Vũ Đình Duy lại bị truy nã quốc tế lần thứ hai vào ngày 31/5/2018. Ảnh Bộ Công an Việt Nam.
Courtesy of Bộ Công an Việt Nam.

Ông Vũ Đình Duy trước đây là Tổng giám đốc Công ty cổ phần và Xơ sợi Dầu khí (PVtex), thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Ngày 19/6/2017, Công an Việt Nam đã khởi tố vụ án gọi là cố ý làm trái qui định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trước thời điểm đó ông Duy đã ra nước ngoài để trị bệnh và không về. Công an Việt Nam đã phát lệnh truy nã toàn quốc đối với ông Duy. Sau đó, vào ngày 28/6/2017, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát của Công an Việt Nam nói với báo chí rằng cơ quan này đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với ông Vũ Đình Duy.

Vụ án công ty PVtex của ông Duy có liên quan đến vụ án ông Trịnh Xuân Thanh, từng đứng đầu một công ty xây lắp cũng của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam. Ông Thanh cũng bỏ trốn sang Đức và phía Đức cáo buộc là mật vụ Việt Nam đã sang Đức bắt cóc ông Thanh đem về Việt Nam. Phía Việt Nam cho rằng ông Thanh đã về nước đầu thú, và vào đầu năm 2018, ông Thanh bị hai bản án chung thân về tội tham ô tài sản và cố ý làm trái.

Trong khi đó tại Berlin, nước Đức lại diễn ra phiên tòa xử vụ án cáo buộc Việt Nam bắt cóc người trên đất Đức, và vào ngày 7/5/2018, một nhân chứng đặc biệt xuất hiện tại tòa là ông Vũ Đình Duy.

Điều đặc biệt hơn nữa là lời khai của ông Duy tại tòa. Theo nhà báo Lê Trung Khoa, của tờ Thời báo bằng tiếng Việt tại Berlin, có mặt tại phiên tòa, nói với đài RFA vào ngày 21/5/2018:

Trong lời khai ông Duy ông ấy nói rất rõ là ông ấy có tiếp xúc với tòa  đại sứ Việt Nam tại châu Âu, nhưng không nói rõ nước nào, ngoài ra ông ấy vẫn nói là ông ấy vẫn đi lại chơi bời thoải mái với những người bên Ba Lan, bên Praha, Séc.”

Nếu như những lời khai của ông Duy là đúng thì một mặt ông bị chính quyền Việt Nam truy nã, nhưng mặt khác cơ quan đại diện chính quyền Việt Nam tại nước ngoài là tòa đại sứ lại có tiếp xúc với ông, và trong suốt thời gian từ lúc bị truy nã đến nay, người ta không thấy báo chí Việt Nam nói gì về ông Duy, mặc dù trong lệnh truy nã có nói rằng cơ quan chức năng Việt Nam sẽ hợp tác với cảnh sát quốc tế cũng như các nước để truy bắt ông Duy.

Chúng tôi không được phép liên hệ với ông Duy vì ông đang làm nhân chứng tại tòa án Đức.

Trả lời điện thoại của chúng tôi về vấn đề này, Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin nói rằng họ không có thông tin, và đề nghị chúng tôi liên lạc qua email. Email của chúng tôi cũng không được trả lời.

Trong khí đó theo ông Lê Trung Khoa, tại tất cả những phiên tòa diễn ra tại Berlin, đều có mặt từ hai đến ba người của Đại sứ quán Việt Nam tham dự, họ nói với ông Khoa rằng họ đến để bảo hộ công dân, nhưng từ chối trả lời báo chí.

Có lẽ đây là câu chuyện có gì đó mập mờ, hoặc là lời khai ông ấy (Vũ Đình Duy) không chính xác, hay có cái gì đằng sau đấy.
-Cựu nhân viên ngoại giao Đặng Xương Hùng.

Ông Đặng Xương Hùng, cựu nhân viên ngoại giao Việt Nam, hiện cư trú chính trị tại Thụy Sĩ, nhận định về những lời khai của ông Duy tại tòa:

“Không thể có cái câu chuyện rằng là bị truy nã ở Việt Nam rồi tiếp xúc với sứ quán được đâu. Có lẽ đây là câu chuyện có gì đó mập mờ, hoặc là lời khai ông ấy không chính xác, hay có cái gì đằng sau đấy. Chứ còn nếu mà bị truy nã ở Việt Nam, thì ông tình báo, ông an ninh trong sứ quán chả lẽ lại không biết ông Vũ Đình Duy bị truy nã? Nhiệm vụ của các ông ấy là đi theo và bắt ông Duy về mà chả lẽ lại không làm?!”

Theo ông Bùi Thanh Hiếu, một blogger đang sống tại Đức, và có theo dõi vụ án Trịnh Xuân Thanh từ lâu, thì ông Thanh và ông Duy lại là hai anh em họ với nhau. Ông Hiếu cũng có tham dự phiên tòa mà ông Duy làm nhân chứng vào ngày 7/5. Ông nói với chúng tôi vào đầu tháng 6/2018, khi được hỏi là tại sao một người đang bị truy nã mà lại có thể tiếp xúc với sứ quán Việt Nam được:

“Chuyện ấy tôi không biết, mình cứ nghi vấn thôi, chuyện họ là anh em với nhau, anh em con cô con dì với nhau, mình cũng rất là khó hiểu. Mình không biết một đằng nó như thế, một đằng lại như thế kia, nên chưa dám nói gì.”

Trước đây, ngay sau phiên làm chứng của ông Vũ Đình Duy tại tòa án Đức, ông Hiếu có nói rằng những sự việc liên quan đến ông Duy và ông Thanh cho thấy chính quyền Việt Nam thực hiện một tiêu chuẩn kép trong việc đấu đá nội bộ chứ không phải thực sự chống tham nhũng, trong việc bắt ông Trịnh Xuân Thanh.

Ông Lê Trung Khoa kể tiếp về lời khai của ông Vũ Đình Duy tại tòa án:

Trong lời khai ông ấy nói rằng ông ấy bị truy nã vì lý do thua lỗ trong lĩnh vực kinh doanh của thời trước, ông ấy cho rằng đó là quan hệ với chính phủ cũ, rồi hiện nay chính phủ mới lên, họ tìm cách họ phá những kết luận, những công việc mà chính phủ cũ đã làm được, họ phá hết đi, và ông ấy phải chịu những chuyện đó, và đây là cuộc đấu đá quyền lực, của chính phủ mới, muốn dẹp bỏ những người của chính phủ cũ, sau Đại hội 12.”

Chính phủ trước mà ông Duy đề cập là chính phủ của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Có thể là có hai thế lực, một thế lực muốn truy nã Duy, một thế lực lại muốn đẩy Duy ra làm chứng ở tòa án.
-Ông Nguyễn Khắc Mai.

Một nhân vật cao cấp được bổ nhiệm dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng là ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, nguyên Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Ông Thăng từng đứng đầu Tập đoàn dầu khí quốc gia, là cấp trên của hai ông Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đình Duy. Ông Thăng bị xử án chung với ông Thanh và lãnh một bản án hơn 30 năm tù về tội cố ý làm trái, liên quan đến những bê bối ở Tập đoàn dầu khí.

Một nhà quan sát trong nước là ông Nguyễn Khắc Mai, từng giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ nghiên cứu của cơ quan tuyên truyền của đảng nói với chúng tôi sau khi có thông tin về ông Vũ Đình Duy ra làm chứng tại tòa án Đức:

Có một vấn đề có thể đặt ra dấu hỏi là tại sao Duy lại có thể công khai, không thèm trốn tránh, rồi đến sứ quán,… Cái việc mà Duy không sợ truy nã, mà đến sứ quán, rồi ra tòa án làm chứng,… Thì đây là một vấn đề mà mình phải xem xét rằng có gì ẩn giấu đằng sau. Có thể là có hai thế lực, một thế lực muốn truy nã Duy, một thế lực lại muốn đẩy Duy ra làm chứng ở tòa án.”

Trước Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam người ta thường xuyên nói đến hai thế lực chính trị lớn tại Việt Nam kình chống nhau là phe của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và phe của Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng.

Sau Đại hội 12, ông Nguyễn Tấn Dũng về hưu mất hết quyền lực chính trị.

Trở lại chuyện ông Vũ Đình Duy bị truy tố mà vẫn có thể đã tiếp xúc với giới chức Việt Nam tại Châu Âu, một nhà nghiên cứu chính sách trong nước, không muốn nêu danh tánh, nói với chúng tôi rằng có khả năng ông Vũ Đình Duy đã hợp tác với công an Việt Nam để bắt ông Thanh, và vì vậy ông sẽ được công an Việt Nam để yên.

Vào ngày 31/5/2018, Bộ Công an Việt Nam lại một lần nữa phát lệnh truy nã quốc tế đối với ông Vũ Đình Duy.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.