Giới hoạt động nghĩ gì về Giải Nobel Hòa Bình năm nay?

Diễm Thi, RFA
2021.10.13
Giới hoạt động nghĩ gì về Giải Nobel Hòa Bình năm nay? Hai nhà báo Maria Ressa (Philippines) và Dmitry Muratov (Nga).
AFP

Hôm 8 tháng 10 năm 2021, Viện Nobel Na Uy ở thủ đô Oslo tổ chức lễ công bố giải Nobel Hòa Bình năm 2021 cho hai nhà báo Maria Ressa (Philippines) và Dmitry Muratov (Nga). 

Ủy ban trao giải cho biết, hai nhà báo này “đại diện cho tất cả các nhà báo dám bảo vệ lý tưởng trong một thế giới mà dân chủ và tự do báo chí phải đối mặt với những điều kiện ngày càng bất lợi”. Nhà báo Maria Ressa đã sử dụng quyền tự do ngôn luận để vạch trần việc lạm dụng quyền lực, sử dụng bạo lực và chủ nghĩa độc tài ngày càng gia tăng ở quê hương bà. Nhà báo Dmitry Andreyevich Muratov đã bảo vệ quyền tự do ngôn luận ở Nga trong nhiều thập kỷ với những điều kiện ngày càng khó khăn. 

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từng làm tại Tạp chí Cộng sản nêu cảm nghĩ của mình về giải Nobel Hòa Bình năm nay: 

“Trước hết tôi cũng rất mừng cho giới báo chí nói chung và công cuộc đấu tranh cho tự do ngôn luận trên thế giới. Tôi cảm thấy được động viên tinh thần vì cũng cùng nghề báo với nhau.  

Thực ra thì đối với thế giới, những điểm nóng và gay cấn thì người ta chú ý nhiều hơn. Ở Việt Nam thì cũng có nhiều đàn áp về tự do ngôn luận nhưng nó diễn ra từ quá lâu và kéo dài nên nó không còn tính ‘đột biến’ dù những năm qua rất khắc nghiệt.

Việt Nam chưa có tự do ngôn luận nhưng có sự phát triển của mạng xã hội, cho nên cái bức bối về tự do ngôn luận cũng giảm đi vì thực tế người dân cũng bày tỏ được phần nào đó trên mạng xã hội.” 

Với giải Nobel Hòa Bình năm nay, tôi cảm thấy hổ thẹn vì tôi không bao giờ nghĩ là đến một ngày nào đó, Việt Nam có một vài nhà báo được vinh dự nhận giải này bởi nhiều lý do... Đó là một cảm nhận khá buồn khi thấy một giải Nobel Hòa Bình như vậy có thể nói là xa xôi đối với giới báo chí độc lập trong cũng như ngoài nước là người Việt hoặc người gốc Việt. - Nhà báo tự do Nguyễn Ngọc Già

Tại Việt Nam, Điều 25 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định... không ai được lạm dụng các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích Nhà nước, tập thể và công dân. 

Hôm 20 tháng 4 năm 2021, Tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) công bố bảng xếp hạng Tự do báo chí năm 2021. Việt Nam đứng thứ 175 trên tổng số 180 quốc gia được xếp hạng, trên Trung Quốc nhưng dưới Lào. 

Trong khi đó, tại lễ công bố giải Nobel Hòa Bình 2021 diễn ra hôm 8 tháng 10, đại diện Ủy ban Nobel Na Uy nói rằng: “Nếu không có tự do ngôn luận và tự do báo chí, sẽ khó có thể thúc đẩy thành công tình huynh đệ giữa các quốc gia, giải trừ quân bị và một trật tự thế giới tốt đẹp hơn trong thời đại của chúng ta. Do đó, việc trao giải Nobel Hòa bình năm nay được gắn với các quy định trong di chúc của Alfred Nobel.” 

Nhà báo tự do Nguyễn Ngọc Già, người từng bị kết tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN VN với mức án ba năm tù giam và ba năm quản chế từ ngày 27 tháng 12 năm 2014, nói với RFA cảm nghĩ của ông về giải Nobel Hòa Bình năm nay: 

“Với giải Nobel Hòa Bình năm nay, tôi cảm thấy hổ thẹn vì tôi không bao giờ nghĩ là đến một ngày nào đó, Việt Nam có một vài nhà báo được vinh dự nhận giải này bởi nhiều lý do.  

Lý do thứ nhất là tình hình chính trị Việt Nam quá phức tạp. Tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam bằng con số 0 với việc ngày càng thắt chặt lãnh vực này của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Lý do thứ hai (tôi không đề cập tới giới làm báo quốc doanh), là trong giới làm báo độc lập có quá nhiều xung đột nội tại trong họ. Thêm vào đó là trình độ chuyên môn và đức nghề nghiệp của những nhà báo độc lập đó có quá nhiều điểm đen và điểm tối. 

Đó là một cảm nhận khá buồn khi thấy một giải Nobel Hòa Bình như vậy có thể nói là xa xôi đối với giới báo chí độc lập trong cũng như ngoài nước là người Việt hoặc người gốc Việt.”  

000_8Y76GR.jpg
Hai nhà báo Nguyễn Tường Thụy và Phạm Chí Dũng tại tòa vào ngày 5 tháng 1 năm 2021. AFP

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, người được Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới trao tặng giải thưởng Netizen năm 2013 nói với RFA suy nghĩ của mình khi giải Nobel Hòa Bình được trao cho hai nhà báo nỗ lực bảo vệ tự do ngôn luận: 

“Hai nhà báo Nga và Philippines được nhận giải Nobel Hòa Bình năm nay là hai người đang đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận, cái đang rất thiếu ở đất nước Việt Nam. Cũng có thể hai nhà báo đó ở trong hai chế độ gần như độc tài. Nga thì giả hiệu dân chủ còn Philippines thì dân chủ bị độc tài hóa. Tuy vậy họ có tự do ngôn luận nhiều hơn, họ dễ làm báo hơn so với Việt Nam. Ở Việt Nam, tất cả báo chí đều trong tay Đảng và Nhà nước. Do đó, tất cả nhà báo đều là cán bộ nhà nước và phải nói theo ý của nhà nước và của Đảng. 

May mắn là Việt Nam còn có mạng xã hội nên nhiều công dân diễn đạt được ý kiến của mình. Đó là ngôn luận chứ không phải báo chí. Cho nên tôi nghĩ giải Nobel Hòa Bình năm nay là một khuyến khích, động viên rất lớn cho những nhà báo chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư để tiếp tục đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận.”  

Mạng xã hội hiện được coi là nơi duy nhất người dân có thể lên tiếng bày tỏ những bất công trong xã hội, dù những tiếng nói như vậy có thể bị coi là hành vi “vu khống”, có thể bị bắt giam. Chính mạng xã hội Facebook tại Việt Nam cũng phải tuân theo chính sách của Nhà nước Việt Nam khi xoá bài hoặc đóng tài khoản của một số người Việt trong và ngoài nước, nhất là những đề tài liên quan đến Tự do, Dân chủ và Nhân quyền. 

Hôm 21 tháng 9 năm 2021, nhà báo Lê Trung Khoa tại Đức đã mời Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới cùng hợp tác biểu tình cho quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam, ngay trước trụ sở của Facebook ở Berlin.

Hai nhà báo Nga và Philippines được nhận giải Nobel Hòa Bình năm nay là hai người đang đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận, cái đang rất thiếu ở đất nước Việt Nam... Ở Việt Nam, tất cả báo chí đều trong tay đảng và nhà nước. Do đó, tất cả nhà báo đều là cán bộ nhà nước và phải nói theo ý của nhà nước và của đảng. -Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh

Ông Lê Trung Khoa cho biết, ông có trong tay danh sách hàng ngàn người Việt bị Facebook khóa tài khoản theo báo cáo của đội ngũ dư luận viên trong nước. Lực lượng dư luận viên 47 là một lực lượng tác chiến trên mạng của quân đội Việt Nam được thành lập vào năm 2016 với quân số lên đến hàng ngàn người. Lực lượng này có nghiệm vụ theo dõi, đăng tải nội dung lên các nhóm Facebook để bảo vệ quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Anh Trần Ngọc Tuấn, một người thường xuyên lên tiếng cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam trên mạng xã hội, nói với RFA từ Cộng hòa Czech về cảm nghĩ của mình ngay khi biết tin hai nhà báo đấu tranh cho tự do nhân quyền vừa được Ủy ban Nobel vinh danh: 

“Tôi nghĩ ngay đến Việt Nam và thấy tự do ngôn luận là một trong những chỉ số để biểu hiện cho một quốc gia, một dân tộc, một thể chế văn minh mà ở Việt Nam chưa có. Quyền tự do báo chí có thể nói là gần như không có. Tôi nghĩ đến những bạn đồng nghiệp trong nước và tôi biết họ cũng có những trăn trở giống tôi. Trong môi trường như vậy mà cất lên tiếng nói của mình thì họ sẽ bị trù dập và điều đó thì không cần phải chứng minh.  

Thế giới văn minh họ rất coi trọng tự do ngôn luận và nhà báo chính là sứ giả của tự do ngôn luận. Thú thật với chị là tôi cảm thấy rất tủi thân, đau đớn cho những nhà báo ở trong nước.” 

Trong khi thế giới văn minh cổ xúy cho quyền tự do ngôn luận thì ngay tại Việt Nam, nhiều người bị tù vì lên tiếng đòi hỏi cho quyền lợi chính đáng này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Nguyễn Tuấn Anh
13/10/2021 17:19

"Trong khi thế giới văn minh cổ xúy cho quyền tự do ngôn luận thì ngay tại Việt Nam, nhiều người bị tù vì lên tiếng đòi hỏi cho quyền lợi chính đáng này"

Không sao cả . Không phải chỉ có trong nước Việt Nam mới tôn trọng tự do ngôn luận, hễ dính tới tiếng Việt là có chuyện để nói về tự do ngôn luận . Bây giờ hễ ai có ý kiến cho rằng Việt Nam cần quan tâm phát triển chủ nghĩa xã hội hoặc nên chú trọng tới mối quan hệ với Trung Quốc cũng bị lên bờ xuống ruộng về ngôn luận .

Duy Hữu, USA
14/10/2021 12:36

Trao giải thưởng Nobel Hoa Bình 2021 cho các nhà báo chân chính và can đảm vì...

Muốn có Hòa Bình chân chính, muốn bảo vệ Hòa Bình chân chính, muốn duy trì Hòa Bình chân chính,
thế giới ngày nay, nhân dân thế giới, các tổ chức thế giới, các quốc gia, chính quyền, chính phủ chân chính,
cần phải có, phải can đảm bảo vệ, can đảm duy trì quyền Tự do Báo chí và Ngôn luận chân chính,

can đảm tôn trọng, bảo vệ, duy trì ... Sự thật,
can đảm tôn trọng, bảo vệ, duy trì ... Công lý, Công bằng, Công tâm,
can đảm tôn trọng, bảo vệ, duy trì ... Tình thương, Tình người, Tình nhân loại, Tình dân tộc chân chính,
can đảm tôn trọng, bảo vệ, duy tri ... Tự do, Dân chủ... Dân quyền, Nhân quyền.