Những món nợ của Quốc hội khóa XIV đối với dân
2021.03.16
“Chúng ta khiêm tốn không nói là thành công nhất hay là quá thành công mà là một nhiệm kỳ thành công và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu như vừa nêu tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hôm 15/3/2021.
Quốc hội khóa XIV nợ nhân dân những gì?
Quốc hội khóa XIVcó hoàn thành nhiệm vụ của đất nước và nhân dân như lời bà Nguyễn Thị Kim Ngân? Hay chỉ hoàn thành nhiệm vụ đảng giao phó? Trong thực tế có vụ án oan của tử tù Hồ Duy Hải mà Quốc Hội cần giải quyết sau phiên Giám đốc thẩm, vụ Đồng Tâm với quá nhiều khuất tất, những dự luật như Luật Biểu Tình, Luật Lập hội … vẫn chưa được thông qua...
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ đảng ở Hà Nội, người đã nộp đơn tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, nhận định với RFA hôm 16/3:
“Quốc hội khóa 14 sắp kết thúc, để lại hai món nợ lớn đối với nhân dân. Món nợ thứ nhất thuộc chức năng lập pháp, đó là không thông qua được hai đạo luật mà dân rất cần: Luật biểu tình và Luật lập hội. Điều này xảy ra do Quốc hội bị lệ thuộc vào độc quyền của cơ quan đăng ký soạn thảo. Đó là một thiếu sót quan trọng, Quốc hội không có khả năng làm dự thảo luật mà chỉ quen việc thông qua luật, chưa làm tròn chức năng, rồi đổ lỗi cho khách quan.
Món nợ thứ hai thuộc chức năng giám sát. Vừa qua có hai vụ án gây bất bình trong một số tầng lớp nhân dân, đó là vụ án Đồng Tâm và vụ án Hồ Duy Hải. Dư luận cho rằng tòa án đã nhân danh Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam để chà đạp lên công lý. Thực ra Quốc hội có phản ứng nhưng quá yếu ớt, không đưa ra thảo luận đến nơi đến chốn, để cho những việc làm trái luật pháp, phản đạo lý công nhiên hoành hành.”
Quốc hội khóa 14 sắp kết thúc, để lại hai món nợ lớn đối với nhân dân. Món nợ thứ nhất thuộc chức năng lập pháp, đó là không thông qua được hai đạo luật mà dân rất cần: Luật biểu tình và Luật lập hội. Món nợ thứ hai thuộc chức năng giám sát.
-Giáo sư Nguyễn Đình Cống
Vụ án được nhiều người quan tâm là vụ án Hồ Duy Hải kêu oan hơn hàng chục năm qua. Anh Hải ở Long An bị bắt giữ và bị tuyên án tử hình dưới tội danh ‘giết người, cướp tài sản’ tại cả ba phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm và cả giám đốc thẩm. Tuy nhiên, hàng loạt những sai phạm trong quá trình điều tra, trong các phiên tòa được các luật sư và các nhà quan sát chỉ ra nhưng các chủ tọa đã không quan tâm, và giữ nguyên bản án đã tuyên trước đó.
Trả lời RFA từ Hà Nội hôm 16/3, Tiến sĩ Nguyễn Quang A - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, nhận định:
“Tôi nghĩ họ còn nợ nhân dân rất nhiều thứ, không chỉ những luật mà chính Hiến pháp của họ đã nêu ra, để cho người dân thực hiện những quyền như là biểu tình, hay lập hội... mà trong việc giám sát của họ với tư pháp cũng còn nợ rất lớn, không chỉ vụ Hồ Duy Hải mà tôi nghĩ như vụ án Đồng Tâm thì quốc hội là người có quyền chỉ định các thẩm phán, chánh án Tòa án Tối cao, rồi có quyền đặc biệt rất nhiều nhưng họ không làm được.”
Trong phiên xử sơ thẩm vụ Đồng Tâm diễn ra vào ngày 14/9/2020, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội ra phán quyết đối với 29 người trong vụ án “Giết người” và “chống người thi hành công vụ” diễn ra vào rạng sáng ngày 9/1/2020 ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Hà Nội. Trong đó, có 2 người bị tuyên tử hình là ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức, một người nhận án chung thân. Các bị cáo còn lại nhận án từ 15 tháng tù treo đến 16 năm tù giam.
Tòa phúc thẩm tại Hà Nội vào ngày 9 tháng 3 năm 2021 tuyên y án đối với sáu người có kháng cáo các bản án sơ thẩm. Trong số này có hai người bị y án tử hình là ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức.
Các Luật sư cho rằng vụ án Đồng Tâm, mặc dù không phải vụ án chính trị nhưng cũng có thể coi đó là vụ án oan sai, thậm chí ở mức độ khá nặng nề khi khá nhiều quy định tố tụng đã không được bảo đảm về việc thực hiện điều tra.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Cuông, người từng là nguyên Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, khi nhận xét về nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV với RFA hôm 16/3 lại cho rằng, cũng có những việc Quốc hội nhiệm kỳ vừa qua đổi mới theo hướng tốt:
“Phải nói là nhiệm kỳ vừa qua Quốc hội có nhiều đổi mới, từ việc đại biểu chỉ phát biểu thuyết trình đổi mới sang tranh luận trực tiếp. Điều này khiến các đại biểu tập trung và có nhiều ý kiến sắc sảo tham gia nhiều vấn đề quốc hội quan tâm. Tuy nhiên, một trong những hạn chế trong hoạt động của quốc hội là hoạt động của các đại biểu chưa đồng đều, có người hoạt động rất tích cực được cử tri ghi nhận, nhưng cũng có những đại biểu hoạt động mờ nhạt nên cử tri cũng chưa thật sự hài lòng.”
Tại phiên họp thứ 37 sáng ngày 11/9/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo báo cáo 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013 (2014-2019), ông Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu lên câu hỏi: ‘Tại sao chưa ban hành được Luật biểu tình?’
Theo ông Uông Chu Lưu, trong báo cáo của Chính phủ có 3 luật đã nằm trong kế hoạch nhưng sao vẫn chưa được ban hành, đó là Luật về hội, Luật biểu tình và Luật hiến máu, ông Lưu đề nghị Chính phủ cần xác định lộ trình ban hành chứ không nên để tình trạng này kéo dài. Tuy nhiên cho đến những ngày cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, những vấn đề ông Uông Chu Lưu nêu lên vẫn chưa được giải quyết một cách trọn vẹn.
Cái quan trọng nhất quốc hội không làm được là lẽ ra họ phải sửa đổi chính cái luật về tổ chức quốc hội, về bầu cử quốc hội để làm sao để người dân thật sự có thể tham gia vào sự quản lý của nhà nước.
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Theo Đại biểu Quốc hội, Sử gia Dương Trung Quốc, vấn đề cần thiết về luật biểu tình được đặt ra từ rất lâu rồi. Ngay sau khi nước Việt Nam giành độc lập năm 45 thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh liên quan luật biểu tình, lúc đó được đặt dưới góc nhìn là luật Tự do hội họp và trong Hiến pháp đầu tiên cũng đã được đề cập tới. Qua một thời gian rất dài, từ ngày còn chiến tranh cho đến mãi năm 2013, khi thông qua Hiến pháp, ai cũng cảm thấy luật Biểu tình sắp được ban hành. Nhưng rồi khi nhiệm kỳ thứ 14 gần trôi qua với việc luật vẫn chưa thực hiện được. Ông nói tiếp:
“Điều đó thể hiện sự lưỡng lự trong việc thực hiện cái luật vốn là rất cơ bản và rõ ràng nó làm cho người ta rất là khó có thể kiểm soát được. Người ta thường e ngại rằng biểu tình có thể dẫn đến sự hỗn loạn, không kiểm soát được nhưng ngược lại không có luật biểu tình thì rõ ràng là nó gây khó cho người dân thực hiện quyền của mình và khó cho cả cơ quan giữ gìn trật tự an ninh vì không có cơ sở pháp luật nào để xử lý cho đúng luật. Do vậy nó rất dễ đi đến việc lạm quyền và vì thế nó làm cho tình hình trở nên căng thẳng mà không đáng có.”
Hiến pháp Việt Nam qui định biểu tình là một quyền cơ bản và quan trọng nhất của người dân. Căn cứ trên Hiến pháp nhiều nhà hoạt động tại Việt Nam cho rằng Nhà nước không thể lấy lý do này, lý do khác để trì hoãn vô thời hạn. Xét về mặt tích cực, biểu tình cũng là động lực để góp phần hoàn thiện một nhà nước dân chủ, văn minh, góp phần phát triển kinh tế, xã hội...
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, vấn đề quan trọng nhất mà Quốc hội không làm được là lẽ ra phải sửa đổi Luật về Tổ chức Quốc hội, về Bầu cử Quốc hội để làm sao để người dân thật sự có thể tham gia vào sự quản lý của nhà nước. Ông A cho rằng có như thế Quốc hội mới không trở thành một công cụ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo ông, Quốc hội hiện nay không phải của nhân dân nhưng lại luôn nói là của nhân dân. Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng đó chính là món nợ lớn nhất mà Quốc hội khóa XIV còn mắc đối với nhân dân và đất nước Việt Nam.