Tòa Bảo Hiến có ích gì khi tư pháp không độc lập?

RFA
2020.05.27
000_NV3W7-960 Ảnh minh họa: Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
AFP

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng hôm  26 tháng 5 năm 2020, khi giải trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội cho biết, có một số ý kiến đề nghị đổi tên Ủy ban Pháp luật thành Hội đồng/Ủy ban Bảo hiến hay còn gọi là Tòa Bảo Hiến.

Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 27 tháng 5 năm 2020 liên quan vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Miếng, nhận định:

“Nếu như có một Tòa Hiến Pháp thì chỉ để phân định dự luật nào đúng, dự luật nào sai, chẳng hạn điều đó chúng ta căn cứ Hiến Pháp xem nó hợp pháp hay không hợp pháp, thì tòa sẽ phán xét dự luật đó, trên cơ sở quốc gia. Còn nếu đi về chi tiết về việc thành lập Hội đồng Tòa Bảo Hiến như thế nào thì tôi chưa quan tâm, nên tôi chưa thể trả lời được.”

Theo tự điển pháp luật, Tòa án Hiến pháp hay Tòa Bảo Hiến là một tòa án có liên chủ yếu đến luật hiến pháp. Thẩm quyền chính của nó là quyết định các luật bị vi phạm hoặc vi hiến hay không, ví dụ chúng có xung đột với các quyền và quyền tự do do hiến pháp thiết lập hay không.

ĐBQH như Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân còn bị đe dọa thì họ mới thấy nguy hiểm khi trao quyền một cách tuyệt đối cho chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, nên họ mới muốn lập một Tòa Bảo Hiến là như vậy.
-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già

Nhiều nước không có Tòa Bảo Hiến độc lập, nhưng thay vào đó họ phân bổ quyền tư pháp về hiến pháp cho Tòa án tối cao. Tuy nhiên, những tòa án như vậy thường cũng được gọi là ‘Tòa án Hiến pháp’. Khác với nhiều nước dân chủ trên thế giới, Quốc Hội Việt Nam ban hành Luật không để các cơ quan hành pháp thi hành trực tiếp mà để các cơ quan này giải thích và công bố những văn bản dưới luật.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 27 tháng 5 năm 2020 liên quan vấn đề này, giải thích:

“Trước đây Tòa Hiến Pháp và Tòa Bảo Hiến chủ yếu liên quan luật pháp, thẩm quyền chính là quyết định luật bị vi phạm hoặc vi hiến hay không. Ví dụ, có xung đột quyền tự do của Hiến pháp thiết lập hay không. Thoạt đầu, cơ quan Quốc hội Việt Nam có quyền lập pháp, và cơ hành pháp và lập pháp được họ trao quyền, nên rất khó xảy ra chuyện vi hiến... Cho nên lúc xây dựng hiến pháp năm 2013 có nhiều ý kiến cho rằng không cần xây dựng Tòa Bảo Hiến... Rất nhiều nước họ xây dựng nhà nước pháp quyền, thì Việt Nam lúc đó tôi nhớ, quyền lực thống nhất, trong quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp thì lúc đó Hiến pháp Việt Nam có bổ sung hai chữ mà tôi thấy ‘được’... tức là quyền lập pháp và hành pháp là những quyền phối hợp với nhau nhưng có sự kiểm soát lẫn nhau.”

Vì hiện nay Việt Nam không có Tòa án Hiến pháp, nhiều dự luật trở thành vi hiến và trái với bản chất ban đầu là nhằm củng cố và phát huy tinh thần thượng tôn luật pháp của xã hội. Do đó, một số ý kiến cho rằng nhà nước Việt Nam nên lập Tòa án Hiến pháp để ngăn chặn việc vi hiến xảy ra.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng hôm  26 tháng 5 năm 2020, khi giải trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội cho biết, có một số ý kiến đề nghị đổi tên Ủy ban Pháp luật thành Hội đồng/Ủy ban Bảo hiến hay còn gọi là Tòa Bảo Hiến.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng hôm 26 tháng 5 năm 2020, khi giải trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội cho biết, có một số ý kiến đề nghị đổi tên Ủy ban Pháp luật thành Hội đồng/Ủy ban Bảo hiến hay còn gọi là Tòa Bảo Hiến.
Courtesy quochoi.vn

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, việc thành lập Tòa Bảo Hiến phải cần một thời gian nữa, tức là phải sửa Hiến Pháp. Ủy ban Pháp luật Quốc hội là một cơ quan giám sát các quy định của pháp luật, kiểm soát các luật đưa ra có đúng với hiến định hay không, và khi làm luật, Ủy ban này sẽ kiểm soát các hoạt động đó, Ủy ban sẽ thẩm tra các ý kiến của chính phủ về chương trình làm luật và pháp luật, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng việc này là cần thiết. Ông nói tiếp:

“Ủy ban này nếu muốn đổi tên, phải tổng kết lại tại sao phải thay đổi tên, vì luật Việt Nam thì hay thay đổi mà nếu không có một cơ quan thẩm định để phản biện các luật đó. Cho nên vừa rồi Quốc hội có nói là phải xây dựng từ 40 đến 50 % các đại biểu Quốc hội là các đại biểu chuyên trách, chuyên gia, đây là điều hay. Vì vậy để sửa tên thành Tòa Bảo Hiến phải có thời gian để xem xét lại.”

Tại buổi Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng, việc thành lập Hội đồng hay Ủy ban Bảo hiến như đề nghị của các Đại biểu Quốc hội, cần phải có thêm nhiều nghiên cứu, tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng để xác định rõ vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cũng như mô hình của cơ quan này.

Dưới một góc nhìn khác, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 27 tháng 5 năm 2020 cho biết, có 3 vấn đề cần xem xét:

“Thứ nhất, qua vụ án Hồ Duy Hải, cho thấy lỗ hổng pháp lý rất lớn, đó là điều 404, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ có quyền yêu cầu xem xét lại một vụ án đã giám đốc thẩm, nhưng chuyện xem xét lại như thế nào vẫn do Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao quyết định. Nên họ mới giật mình là đã trao quyền sanh sát vào trong tay của chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Bởi vì ngay cả những ông Đại biểu Quốc hội như Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân còn bị đe dọa thì họ mới thấy nguy hiểm khi trao quyền một cách tuyệt đối cho chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, nên họ mới muốn lập một Tòa Bảo Hiến là như vậy.”

Tòa Bảo Hiến chỉ có hiệu quả, giá trị, ý nghĩa khi tư pháp độc lập, nó không phục vụ đảng phái hay đấu đá tranh giành quyền lực, mà chỉ đúng nghĩa bảo vệ Hiến pháp.
-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già

Thứ hai, theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, Tòa Bảo Hiến chưa bao giờ có tiền lệ ở Việt Nam, mà do học theo nước ngoài. Tuy nhiên Tòa Bảo Hiến phải căn cứ vào Hiến pháp, trong khi đó, Hiến pháp đã được mặc định ngay từ lời nói đầu rất quan trọng, là thể chế hóa cương lĩnh của đảng cộng sản Việt Nam. Vì vậy việc lập Tòa Bảo Hiến bắt buộc phải thông qua Bộ Chính Trị, có cho phép hay không mới được thành lập. Điều đó khẳng định thêm rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hiện nay cũng chỉ là hình thức, không có quyền lực. Mặc dù trên Hiến pháp nơi đây giữ quyền tuyệt đối về giải thích pháp luật. Nhưng đứng trước thực tế của quá trình thực hiện pháp luật thì đã bày ra lổ hổng chết người qua vụ án Hồ Duy Hải. Ông nói tiếp:

“Thứ ba, Tòa Bảo Hiến chỉ có hiệu quả, giá trị, ý nghĩa khi tư pháp độc lập, bởi vì vị chánh án theo thông lệ quốc tế từ trước đến nay là vị chánh án được bổ nhiệm trọn đời, đến khi nào chết mới thay đổi, mới bầu một người khác. Nó không phục vụ đảng phái hay đấu đá tranh giành quyền lực, mà chỉ đúng nghĩa bảo vệ Hiến pháp. Quay trở lại Hiến pháp của Việt Nam là một Hiến pháp phản khoa học, chống lại nhân loại. Bởi vì không có một Hiến pháp của một quốc gia nào mà thể chế hóa cương lĩnh của đảng nào hết. Tóm lại, việc thành lập Tòa Bảo hiến hay không, chỉ mang tính hình thức. Nói về cặp phạm trù triết học, đó là hình thức và nội dung, tức là hình thức không thể thay thế nội dung.”

Vì vậy, nói một cách khác theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, hiện tượng thay đổi hay không, thì bản chất cũng vậy, cho tới khi nào Việt Nam buộc phải có tư pháp độc lập, muốn vậy quốc hội phải thật sự độc lập do dân bầu ra. Nhưng hiện nay điều đó chưa có.

Có thể nói rằng, Tòa Bảo Hiến là ước mong của tất cả mọi người, đặc biệt là trong giới luật gia ở Việt Nam. Người ta trông chờ có tòa Bảo Hiến để có thể loại bỏ những bản văn luật pháp vi hiến. Tuy nhiên cho đến nay, đây vẫn chỉ là mong ước.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.