Ngành tòa án được gì sau hơn 3 năm dạy viết câu chữ, chính tả?
2021.03.12
“Trong năm 2017, ngành tòa án sẽ mở lớp tập huấn để viết bản án theo mẫu định sẵn. Lớp học này sẽ mời các giáo viên dạy văn đến dạy về chính tả, ngữ pháp và từng dấu chấm, dấu phẩy.” Đó là phát biểu của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (TAND) Nguyễn Hòa Bình tại Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2017.
Ông Nguyễn Hòa Bình đưa dẫn chứng cần phải làm như vậy vì khi đó nhiều trường hợp viết bản án có lỗi về chính tả, thậm chí ‘án viết một đằng tuyên một nẻo’. Hoặc có trường hợp 2 bản án cùng số, cùng ngày nhưng khác nội dung khiến dư luận đặt câu hỏi về thẩm phán: “ok thì nhẹ, không ok thì nặng”...
Vậy sau hơn 3 năm ngành Tòa án dạy viết câu chữ, chính tả cho cán bộ tư pháp thì có gì thay đổi? Vấn nạn ‘án viết một đằng tuyên một nẻo’ có còn?
Đến nay, đã quá 3 năm kể từ ngày ông chánh án phát biểu. Chúng tôi không rõ sự “tái đào tạo” như thế nào? Nhưng trong thực tế, các án văn viết sai chính tả, ngữ pháp, tối nghĩa ... vẫn còn khá phổ biến. Chưa kể đến khả năng “án một đàng tuyên một nẻo”.
-Luật sư Đặng Đình Mạnh
Luật sư Đặng Đình Mạnh, khi trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 12/3/2021, cho biết, vào thời điểm năm 2017, công chúng đã hết sức bất ngờ khi nghe ông Chánh án tòa án tối cao Nguyễn Hoà Bình thừa nhận về thực trạng rất đáng lo ngại đối với đội ngũ thẩm phán ‘nhiều trường hợp viết bản án cũng có lỗi về chính tả thậm chí viết một đằng tuyên một nẻo’, ông cũng nói rõ về giải pháp ‘Lớp học này sẽ mời các giáo viên dạy văn đến dạy về chính tả, ngữ pháp và từng dấu chấm, dấu phẩy…’
Nếu căn cứ theo tiêu chuẩn hiện tại, thì theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, cán bộ tòa án gồm các thư ký và thẩm phán đều phải là cử nhân luật. Nhưng sự tuyển dụng cẩu thả đã làm “lọt sổ” vào trong ngành tòa án cả những người mà khả năng viết lách chưa qua được bậc tiểu học. Vì lẽ, người học trên bậc tiểu học thì không còn đặt ra những vấn đề căn bản như viết chính tả cũng như ngữ pháp nữa. Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết thực tế hiện nay khi ông làm việc tại Tòa án:
“Đến nay, đã quá 3 năm kể từ ngày ông chánh án phát biểu, chúng tôi không rõ sự “tái đào tạo” như thế nào? Nhưng trong thực tế, các án văn viết sai chính tả, ngữ pháp, tối nghĩa ... vẫn còn khá phổ biến. Chưa kể đến khả năng “án một đàng tuyên một nẻo”.
Gần đây nhất, khi tôi bào chữa trong vụ án hình sự Đồng Tâm tại Tòa án Cấp cao tại Hà Nội, đến phần tuyên án, vị chủ tọa đã đọc những đoạn khá dài nhưng lại không nhìn vào án văn. Có lẽ đó là những đoạn tuyên “khống” nhờ văn thức quen thuộc. Thế nên, có lúc ông dừng lại cho biết, khi đánh máy sẽ chỉnh lại câu chữ cho hoàn chỉnh. Như thế, khả năng bản án đã tuyên đọc chính thức tại tòa và bản án trên bản giấy chắc chắn sẽ có sự sai biệt.”
Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, điều đó rất nguy hiểm, thiếu chuẩn mực và thật sự không nên khuyến khích.
Tuy nhiên, khi trả lời RFA hôm 12/3 từ Sài Gòn, Luật gia Phạm Công Út cho biết, ngoài những trường hợp vừa nêu, cũng có những nơi mà gần đây các bản án có sự tiến bộ rõ rệt về câu, chữ, nội dung vụ án được phân tích khá tỉ mỉ, so với trước đây thì cũng có sự thay da đổi thịt. Nghĩa là theo ông Phạm Công Út, từng bước ngành tòa án đã chuẩn hóa đội ngũ cán bộ của mình. Nhưng ông Út cho rằng, đó lại là áp lực khiến không ít cán bộ ngành tòa án, bao gồm cả các thẩm phán, nhất là ở phía Nam đã xin nghỉ việc khá nhiều. Ông nói tiếp:
“Do gần đây, các máy điện thoại thông minh có chức năng ghi âm lén khi tòa tuyên án. Trước đây có không ít vụ bản án được phát hành không giống như bản án mà tòa đã tuyên. Đương sự bức xúc nên làm đơn khiếu nại, tố cáo và làm đơn xin Giám đốc thẩm lại vụ án kèm theo file ghi âm và bản án đã tuyên. Do khi cầm được bản án trong tay thì họ đã mất quyền kháng cáo phúc thẩm, nếu là án sơ thẩm, do hết thời hạn kháng cáo.”
Luật gia Phạm Công Út cho biết, hiện nay trường hợp ‘án một đàng, tuyên một nẻo’, riêng ông không còn thấy nữa.
Vào năm 2017, khi Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình tuyên bố sẽ mời các giáo viên dạy văn đến dạy về chính tả, ngữ pháp và từng dấu chấm, dấu phẩy... cho cán bộ tòa án, nhiều luật sư đã cho rằng, điều này là cần thiết. Lý do vì ai có dịp đọc các bản án của toà Việt Nam, từ địa phương đến tối cao, đều nhận ra rằng các án văn thường viết sai chính tả, sai văn phạm, thậm chí nhiều câu tối nghĩa đến mức ngu ngơ, khiến người đọc phải đoán ý.
Dư luận khi đó cho rằng, thực trạng bê bối của toà án Việt Nam là có thật. Điều đó cũng dễ hiểu, thay vì trau dồi kiến thức pháp luật và năng lực xét xử, đa phần thẩm phán chỉ đọc những bản án bỏ túi, hay chỉ chú trọng moi tiền từ người vô phúc đáo tụng đình.
Chị Huỳnh Hằng, một người dân sinh sống ở Đà Nẵng, nhận xét với RFA hôm 12/3:
“Thật ra tất cả cũng bởi một chế độ, khi anh đã ngồi tại ngành toà án tất nhiên anh đã phải học hết mọi thứ kể cả chính tả. Điều này cho thấy rõ cả một hệ thống đang chấp nhận kiểu nhảy cóc, nghĩa là lấy bằng và không hề có được nền móng vững chắc, đây cũng có thể là nguyên nhân mà án oan sai quá nhiều chẳng??? Chị không tin là dạy chính tả sẽ thay đổi được... mà phải là chấp nhận xoá từ gốc... thôi khó quá... bỏ qua.”
Việc Tòa án tuyên những bản án tử hình có tính truy sát trong vụ Đồng Tâm, làm người ta rùng mình nghĩ đến những cái án ‘tru di tam tộc’ của thời xưa, tưởng như rằng Việt Nam quay trở lại cái thời phong kiến cũ.
-Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng
Trở lại với việc vì sao cán bộ Tòa án mà phải học viết chính tả, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ thuộc trường Đại học Sư phạm TP.HCM, vào tối ngày 12/3 cho RFA biết nhận định của mình:
“Việc mời người dạy những chuyện mà ai cũng nghĩ rằng nó thuộc về kiến thức và kỹ năng của một người vừa tốt nghiệp phổ thông xong phải có, cho thấy đến lúc nhà nước phải thừa nhận trình độ của cán bộ tư pháp, tức những người có thể nắm sinh mạng của người dân trong tay mình, ở mức thấp không thể tưởng tượng được. Những người trình độ thấp như vậy khó mong họ hoàn thành công việc một cách tử tế. Tuy nhiên, việc nâng cao trình độ của cán bộ tư pháp, việc họ đi chữa lỗi chính tả tất nhiên cũng tốt.”
Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, việc nâng cao trình độ cán bộ tư pháp không phải chỉ những chuyện như thế, mà ngay cả những người mặc dù viết thạo, ăn nói có vẻ rành rọt lắm, thì việc ứng xử, việc vận dụng pháp luật vẫn là có vấn đề. Ông giải thích:
“Cái đó thật ra không phải vấn đề trình độ mà là vấn đề thể chế, tư pháp không độc lập... Tư pháp đã không độc lập thì nó chỉ là công cụ của một người nào đó, hay một số người nào đó... bằng chứng rất rõ qua hai vụ tử tù Hồ Duy Hải và Đồng Tâm. Các luật sư đã đưa ra những chứng cớ có thể nói là khó lòng, nhưng tòa án không thèm ra xem, chứ đừng nói rằng có cân nhắc về những lập luận như vậy. Trong một nền tư pháp tử tế, khi có một yếu tố mới, sinh mạng của một người có nguy cơ có thể gây oan sai thì ứng xử được chờ đợi là họ phải rất cẩn trọng xem xét yếu tố mới như thế nào trước khi đi đến quyết định tử hình ai. Đằng này ta thấy người ta lạnh lùng ra những cái bản án tử hình, thậm chí có tính chất truy sát, như trong vụ Đồng Tâm.”
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, việc Tòa án tuyên những bản án tử hình có tính truy sát như trong vụ Đồng Tâm, làm người ta rùng mình nghĩ đến những cái án ‘tru di tam tộc’ của thời xưa, tưởng như rằng Việt Nam quay trở lại cái thời phong kiến cũ.
Trong phiên xử sơ thẩm vụ Đồng Tâm diễn ra vào ngày 14/9/2020, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội ra phán quyết đối với 29 người trong vụ án “Giết người” và “chống người thi hành công vụ” diễn ra vào rạng sáng ngày 9/1/2020 ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Hà Nội. Trong đó, có 2 người bị tuyên tử hình là ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức, một người nhận án chung thân. Các bị cáo còn lại nhận án từ 15 tháng tù treo đến 16 năm tù giam.
Tòa phúc thẩm tại Hà Nội vào ngày 9 tháng 3 năm 2021 tuyên y án đối với sáu người có kháng cáo các bản án sơ thẩm. Trong số này có hai người bị y án tử hình là ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức.