‘Quốc hội họp bất thường’ có bình thường không vào lúc này?
2022.01.03
Sáng ngày 4 tháng 1 năm 2022, Quốc hội Việt Nam khai mạc kỳ họp bất thường đầu tiên để xem xét, thông qua một số dự án luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Ngoài ra, kỳ họp bất thường này còn xem xét, thông qua ba dự thảo nghị quyết gồm: Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ có báo cáo liên quan tới việc sử dụng ngân sách trong việc mua sắm các trang thiết bị, vật tư y tế để phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có vụ Công ty Việt Á.
Do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên Quốc hội họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kỳ họp bất thường này dự kiến bế mạc vào ngày 11 tháng 1 năm 2022.
Theo ban tổ chức, việc tổ chức kỳ họp đã cho thấy sự chủ động, tích cực của Quốc hội trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, với mục tiêu tối thượng là phục vụ nhân dân, sự phát triển của đất nước. Còn theo nhận định của một số người mà RFA trò chuyện, lý do để tổ chức cuộc họp bất thường không thuyết phục.
Trung tá quân đội Đinh Đức Long nêu quan điểm của ông:
“Mình không trong cuộc. Lý do cụ thể thì mình không biết được nhưng chuyện bất thường hay không nằm trong thẩm quyền của người ta. Họ cho là bất thường thì nó là bất thường chứ nguyên nhân thì họ không nói ra.
Họp bất thường thì lúc nào họ cũng triệu tập được. Có những lý do tế nhị, còn lý do họ nêu ra thì nhiều khi không thuyết phục. Tôi lấy ví dụ ‘cưới chạy tang’. Không ai nói rõ là nhà có người sắp chết nên phải cưới vội cả!
Theo quy định thì một năm Quốc hội chỉ họp hai lần, nhưng khi có việc bất thường thì họ vẫn họp. Cái đó nó nằm trong luật của Quốc hội rồi. Nó có tiêu chuẩn của nó, ví dụ bao nhiêu đại biểu đề nghị, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Thủ tướng đề nghị hoặc ủy ban nào đó đề nghị thì họ tổ chức họp. Ví dụ, nếu thông qua chủ trương làm đường sắt Bắc Nam thì có thể vay vốn Ngân hàng Thế giới, và phải vay trước ngày bao nhiêu chẳng hạn… Mình không biết rõ nhưng chắc chắn có lý do bất thường thì họ mới họp bất thường.”
Theo Luật Tổ chức Quốc hội, Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu yêu cầu thì Quốc hội sẽ tổ chức họp bất thường.
Giữa tháng 12 năm 2021, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường công bố một số nghị quyết được thông qua tại phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký chứng thực ban hành, trong đó có nội dung về kỳ họp bất thường của Quốc hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, những nội dung trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội có tính cấp bách, đột xuất, rất quan trọng cho quốc kế dân sinh, nhưng cũng là vấn đề khó, phức tạp, cần tích cực chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy trình, quy định của pháp luật.
Trao đổi với truyền thông Nhà nước về việc tổ chức kỳ họp bất thường, ông Bùi Văn Cường cho biết: “Cái tên bất thường ấy cũng gắn với yếu tố cấp bách. Trong đổi mới hoạt động Quốc hội, chúng ta cũng phải xem cách thức vận hành và hoạt động của nghị viện các nước cũng thế. Khi cần phải họp để thông qua thì họ đã có những hình thức như vậy”.
Nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản, nhận định về phiên họp bất thường của Quốc hội vào ngày 4 tháng 1 năm 2022:
“Họ nói những cái chung chung và có tính cấp bách một chút thôi chứ họ không nói rõ chủ đề. Ví dụ để xử lý vụ nọ vụ kia thì họ không nói ra đâu, nhưng đã họp bất thường tức là có chuyện bất thường rồi.
Cái Quốc hội này chỉ là cơ quan cây cảnh. Vấn đề quan trọng là họ có cái gọi là Thường vụ Quốc hội có thể quyết định thay cho Quốc hội.
Cái đặc biệt của các nước cộng sản là Thường vụ Quốc hội có thể thay mặt Quốc hội. Đấy là cái đặc biệt của Quốc hội Việt Nam. Khi cần thì một nhóm người có thể quyết định thay cho cả quốc hội. Không một nước dân chủ nào trên thế giới làm vậy cả. Không được phép.”
Quốc hội của một nước là một cơ quan thực hiện quyền lập pháp quan trọng, là cơ quan đại biểu cao nhất của người dân. Cơ quan này có ba chức năng là lập hiến, lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước. Người dân ở các nước dân chủ có quyền vào thăm trụ sở Quốc hội.
Ở Việt Nam, từ trước đến nay chưa hề có quy định, chưa có tiền lệ tổ chức cho người dân vào dự Quốc hội dù chi phí xây dựng được lấy từ ngân sách do người dân đóng thuế. Tòa nhà Quốc hội Việt Nam được khởi công xây dựng vào năm 2009 và chính thức đưa vào sử dụng trực tiếp từ ngày 20 tháng 10 năm 2014 tại Buổi lễ khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Việt Nam khóa XIII.
Cái Quốc hội này chỉ là cơ quan cây cảnh. Vấn đề quan trọng là họ có cái gọi là Thường vụ Quốc hội có thể quyết định thay cho Quốc hội. Cái đặc biệt của các nước cộng sản là Thường vụ Quốc hội có thể thay mặt Quốc hội. Đấy là cái đặc biệt của Quốc hội Việt Nam. - Nhà báo Nguyễn Vũ Bình
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc từng nói: “Tôi rất mong rằng một ngày không xa người dân được vào nhà Quốc hội, không những để tham quan mà còn được quan sát, theo dõi hoạt động của Quốc hội.”
Trong buổi họp Quốc hội ngày 26 tháng 3 năm 2021, đại biểu Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng người dân sẽ chịu trách nhiệm giám sát Quốc hội. Tuy nhiên, ông Hùng nêu lên thực tế rằng thời lượng trực tiếp các hoạt động của Quốc hội là quá khiêm tốn trong khi Quốc hội có hẳn một kênh truyền hình Quốc hội.
Trước Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban tuyên giáo Trung ương cho ra đời một trang tin với mục đích được nói nhằm giúp người dân hiểu đúng hơn đường lối, quan điểm xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát triển đất nước. Đồng thời đó cũng là nơi trao đổi, tiếp nhận và phản hồi ý kiến của các tổ chức chính trị - xã hội, các cán bộ lão thành, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, kiều bào, các tầng lớp nhân dân.
Song song đó, báo Quân đội Nhân dân đã đăng loạt bài “Vạch trần chiêu trò đòi “dân chủ” vô nguyên tắc trong bầu cử” ở chuyên mục “Làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”.