Đến bao giờ việc thu hồi đất không khiến dân phản đối?
2023.08.28
Tại buổi thảo luận về thu hồi đất trong dự án Luật Đất đai sửa đổi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 25/8/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần ngăn chặn tình trạng thu hồi đất ngay sau khi điều chỉnh quy hoạch. Theo ông Huệ, thực tế đã xảy ra tình trạng vừa điều chỉnh quy hoạch, vừa điều chỉnh mục đích sử dụng đất, lại đồng thời ra quyết định thu hồi đất.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này hôm 28/8/2023 cho rằng:
“Chủ tịch Quốc hội nói thế là đúng, cần phải quy hoạch xong rồi mới tính cái nào thuộc diện thu hồi đất. Chứ không nên thu hồi đất mà không dựa vào quy hoạch, để tránh trường hợp các địa phương tự quyết định thu hồi đất không phù hợp quy hoạch. Nhiều địa phương trước đây đã xảy ra tình trạng lộn xộn, các đại gia có những dự án lớn thì thường quyết định thu hồi luôn. Nhưng bây giờ nói chung là các địa phương phải thực hiện theo quy định của pháp luật, tức là có kế hoạch và nếu phải điều chỉnh thì phải nghiên cứu điều chỉnh theo đúng quy định pháp luật, rồi bấy giờ mới xem ở đâu là thu hồi đất.”
Đúng luật pháp là như vậy, nhưng người ta toàn né. Ví dụ ngày hôm đó ban hành luật thì người ta ký quyết định thu hồi đất lùi lại trước đó mấy ngày.
-Ông Cao Thăng Ca
Với ý kiến của một số đại biểu cho rằng cần công khai trong việc thu hồi đất… Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nếu lựa chọn cách thức liệt kê các trường hợp dự án Nhà nước thu hồi đất thì không thể thực hiện đầy đủ được. Do đó, chỉ cần ngăn chặn được tình trạng thu hồi đất ngay sau khi điều chỉnh quy hoạch.
Ông Cao Thăng Ca, một dân oan Thủ Thiêm, hôm 28 tháng 8 năm 2023 nói với Đài Á Châu Tự Do:
“Đúng luật pháp là như vậy, nhưng người ta toàn né. Ví dụ ngày hôm đó ban hành luật thì người ta ký quyết định thu hồi đất lùi lại trước đó mấy ngày. Đó là chuyện thường xuyên xảy ra ở Việt Nam, như Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Luật Đất đai 2003 có hiệu lực thì TPHCM vội vàng ban hành quyết định thu hồi đất vào tháng 5 năm 2002 để né. Họ biết trước ngày luật có hiệu lực, rồi lùi lại trước mấy ngày thì mình chịu thua thôi. Ông Huệ nói ngăn chặn, nhưng những thế lực lấy đất của dân là thế lực ăn cướp, chính ông Trọng nói đó là lợi dụng đất đai để ăn cướp, cái đó không ai ngăn cản được.”
Cũng tại buổi thảo luận hôm 25/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ý kiến, việc chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để có đất thực hiện dự án là thỏa thuận mang tính dân sự, việc Nhà nước can thiệp bằng biện pháp thu hồi đất đối với các trường hợp không thỏa thuận được là không phù hợp. Liên quan vấn đề này, Ông Cao Thăng Ca nhận xét:
“Cái đó luật pháp quy định từ trước, bây giờ ông Huệ chỉ lặp lại thôi, ổng muốn nhắc lại kỷ cương phép nước, nhưng người ta có thực hiện hay không mới là quan trọng. Nói thì hay lắm, nhưng người ta chuyên môn lách luật và né luật. Họ nhắc như vậy để chứng tỏ trung ương quan tâm đến quyền lợi của người dân, nhưng thực chất người dân chả được gì.”
Trước đó, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã bổ sung quy định tại khoản 7 Điều 127 quy định Nhà nước thu hồi đất đối với phần diện tích còn lại của dự án chưa thỏa thuận trong các trường hợp: Nhà đầu tư đã thỏa thuận được với từ 80% số người sử dụng đất trở lên. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung có liên quan. Quy định này được cho là sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn khi triển khai cơ chế thỏa thuận để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất do không thể thỏa thuận hết diện tích.
Liên quan vấn đề này, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nhận định:
“Rất nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, đối với một số dự án có tầm quan trọng nhất định ở địa phương, thì được phép sử dụng cơ chế sau khi thỏa thuận ít nhất 70% (PV-80%) số lượng chủ sử dụng đất thì phần còn lại nhà nước thu hồi đất. Đây là cơ chế ở nhiều nước áp dụng, hiệu quả cao, đỡ cho người sử dụng đất cũng như chủ đầu tư. Nhưng đến nay nhiều ý kiến ở Việt Nam không chấp nhận cơ chế 70% (PV-80%) này trong luật đất đai. Bởi vì như thế là trộn lẫn hai cơ chế với nhau, tức đã thỏa thuận thì phải thỏa thuận 100 %, còn nếu được thu hồi đất thì nhà nước thu hồi đất 100 %.”
Nói thì hay lắm, nhưng người ta chuyên môn lách luật và né luật. Họ nhắc như vậy để chứng tỏ trung ương quan tâm đến quyền lợi của người dân, nhưng thực chất người dân chả được gì.
-Ông Cao Thăng Ca
Theo Báo cáo của Chính phủ công bố vào giữa tháng 9/2022, số lượt người đến cơ quan hành chính Nhà nước các cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 67,6% trong năm năm qua. Trong đó các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp chủ yếu thuộc lĩnh vực hành chính có nội dung khiếu nại liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện theo các quy định của pháp luật về đất đai trước thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực.
Khi nhìn nhận về Dự thảo Luật đất đai có sửa đổi của Việt Nam, tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy, cho rằng:
“Khi mà còn quy định đất đai thuộc sở hữu của toàn dân, tức quyền sở hữu cá nhân của người dân với mảnh đất tài sản của mình không tồn tại, thì chính nó đã ngầm tước đi quyền sở hữu, làm yếu đi quyền bảo vệ tài sản đất đai của người dân. Điều luật quy định 80% hộ dân đồng ý thì chính quyền mới được thu hồi đất nó chưa phải là điều luật hoàn hảo nhưng chí ít nó cũng cho phép số đông người dân bảo vệ được mảnh đất của mình trong hoàn cảnh hiện nay. Còn ngược lại, nếu không có một cơ chế luật hoá rõ ràng để bảo vệ quyền sở hữu đất của người dân, nó dễ dàng khiến cho đất đai trở thành cơ hội trục lợi của các nhóm lợi ích khác nhau.”
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, việc chính quyền can thiệp để giải tỏa đất đai hầu như ở các nước đều làm, nhưng việc giải toả hay thu hồi phải vì mục đích ích lợi cộng đồng, chứ không phải làm giàu túi tiền của một nhóm nào đó. Ông Vũ cho rằng, một chính sách đất đai đúng đắn phải quy định rõ như thế nào là vì mục đích ích lợi cộng đồng và đền bù ra sao. Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nói tiếp:
“Bên cạnh đó, trong bối cảnh mà đất đai của Việt Nam cần quy hoạch lại để tối ưu nguồn lực đất đai, chính quyền cần phải có những bộ luật trong đó bảo vệ quyền sở hữu đất của người dân và cho phép họ góp vốn bằng đất vào các dự án phát triển bất động sản.”
Có như vậy theo ông Vũ thì cả những doanh nghiệp bất động sản và người sở hữu đất đều được lợi, quốc gia cũng được lợi vì nguồn lợi đất đai được sử dụng tối ưu, xã hội vì vậy cũng sẽ ổn định không còn xung đột.