Liệu đến năm 2045 Sài Gòn có thể trở thành trung tâm kinh tế- tài chính Châu Á?
2021.05.06
“Đến năm 2045, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) sẽ trở thành trung tâm kinh tế tài chính của châu Á, chất lượng đời sống cao, thu nhập bình quân đầu người khoảng 37.000 USD/năm, là điểm đến của toàn cầu.”
Đó là kỳ vọng mà ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) TP.HCM - đưa ra tại Hội thảo khoa học định hướng phát triển TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra vào ngày 5/5/2021.
Khi trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 6/5, Tiến sĩ Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế TPHCM, nhận định:
“Điều đó phụ thuộc vào sự đồng bộ của cơ chế và sự sáng tạo đột phá của người dân. Có thể nhanh hoặc chậm hơn, nhưng ở đây cần nhấn mạnh một điểm, đó là tạo lòng tin của nhà đầu tư và sự đóng góp của người dân vào sự nghiệp chung của TP.HCM. Chúng ta thấy, nếu cơ chế đủ thoáng, sức sáng tạo của người dân được giải phóng đầy đủ, thì mục tiêu đó không phải là ghê gớm. Có thể ông Chủ tịch thấy trong thời gian tới có thể đáp ứng được, thì mục tiêu đó cũng không có gì là ghê gớm, nhưng nếu không đáp được các điều kiện cần và đủ thì nó sẽ lâu hơn.”
Tôi thấy mức sống người dân Sài Gòn giữa cái nghèo và cái giàu chênh lệch nhau lớn lắm. Người nghèo thì nghèo lắm, người giàu thì giàu lắm... Nhưng anh Phong nói ba mươi mấy ngàn đô một năm thì xa vời lắm.
-Anh Đệ
Tuy nhiên khi trao đổi với RFA hôm 5/5 về mục tiêu người dân Sài Gòn sẽ có thu nhập bình quân đầu người khoảng 37.000 USD/năm vào năm 2045, anh Đệ - một người dân hiện sinh sống tại TP.HCM cho biết đây là ước mơ quá xa vời đối với người dân Sài Gòn:
“Tôi thấy mức sống người dân Sài Gòn giữa cái nghèo và cái giàu chênh lệch nhau lớn lắm. Người nghèo thì nghèo lắm, người giàu thì giàu lắm... Nhưng anh Phong nói ba mươi mấy ngàn đô một năm thì xa vời lắm. Muốn có ba mươi mấy ngàn đô thu nhập trên một người dân, thì sản phẩm làm ra phải từ chất xám. Mà hầu hết dân nhập cư tại Sài Gòn, rồi dân tại Sài Gòn vẫn lao động chân tay thì lấy đâu ra ba mươi mấy ngàn đô la. Giống như một bác nông dân chở một xe lúa mười mấy tấn bán được bao nhiêu? Trong khi một con chip chỉ nặng có mấy gram thôi tương đương một xe tải mười tấn lúa... Mình phải thấy rõ chứ sao tuyên bố như vậy được, điều đó là vô lý.”
Cũng tại buổi Hội thảo hôm 5/5/2021, Chủ tịch UBND TP.HCM - Nguyễn Thành Phong còn cho biết, thành phố đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 là đô thị thông minh, dịch vụ công nghiệp theo hướng hiện đại, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt - văn minh - hiện đại, thu nhập bình quân đầu người đạt 8500 USD/năm. Và đến năm 2030 thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt 13.000 USD/năm.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời RFA hôm 6/5 từ Hà Nội, nhận định:
“Đấy là mục tiêu đầy tham vọng và rất đáng khích lệ. Tuy vậy tôi nghĩ để thực hiện cần có một chương trình rất rõ ràng, cải cách và xây dựng, đầu tư như thế nào? Trong đó điều rất quan trọng là thể chế bộ máy và chất lượng nguồn nhân lực sẽ phải được nâng cao lên như thế nào? Tôi rất mong sẽ có các chương trình, sẽ có các kế hoạch hành động để từng bước thực hiện mục tiêu đó.”
Lâu nay, nhiều vị lãnh đạo của Đảng và Chính phủ thường hay phát biểu, đưa ra mục tiêu Việt Nam sẽ sớm trở thành cường quốc về một lãnh vực nào đó. Đơn cử như tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X hôm 28/3/2010, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khi phát biểu bế mạc hội nghị, từng nói mục tiêu năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp, hiện đại. Đến nay mục tiêu đó cũng chưa đạt được.
Nguyên Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khi còn tại chức cũng đã từng quyết xây dựng các tập đoàn Nhà nước lấy ý tưởng từ mô hình Chaebol của Nam Hàn để trang bị cho nền kinh tế những 'cú đấm thép'; tức áp dụng chính sách chủ động công nghiệp hóa để phát triển nhanh, trong đó có vai trò của các tập đoàn trụ cột.
Tuy nhiên, ước mơ của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi quyết xây dựng những 'quả đấm thép' dạng Cheabol Hàn Quốc đã để lại hậu quả là những tổng công ty như Vinalines, Vinashin... với những món nợ khổng lồ lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Trong những năm trước 2020, VN tăng trưởng trung bình khoảng 6 cho đến 7% mỗi năm. Còn bây giờ trong vòng 25 năm nữa mà muốn tăng trưởng 30% mỗi năm thì đây là mức tăng trưởng rất tham vọng.
-Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu
Trở lại với mục tiêu của Chủ tịch UBND TP.HCM - Nguyễn Thành Phong đưa Sài Gòn trở thành trung tâm kinh tế tài chính của châu Á, thu nhập bình quân đầu người khoảng 37.000 USD/năm... Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập, với hơn 30 năm kinh nghiệm làm trong ngành tài chính ngân hàng tại Mỹ, Đức và Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 6/5, cho rằng với mức thu nhập bình quân đầu người của TPHCM hiện nay thì để đạt như mục tiêu của ông Phong thì phải tăng trưởng mỗi năm khoảng 30%:
“Trong những năm trước 2020, VN tăng trưởng trung bình khoảng 6 cho đến 7% mỗi năm. Còn bây giờ trong vòng 25 năm nữa mà muốn tăng trưởng 30% mỗi năm thì đây là mức tăng trưởng rất tham vọng. Nhưng không có gì là không thể xảy ra, nhưng cần những bước rất đột phá. Nhưng nếu muốn TP.HCM tăng như thế thì cả nước cũng phải tăng ở mức tối thiểu là 20%/năm... đây là tham vọng rất lớn.”
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm, Đại hội Đảng vừa qua cũng có đặt mục tiêu 2030 VN là nước có thu nhập trung bình cao, và năm 2045 là nước công nghiệp hàng đầu thế giới. Theo ông Hiếu, mục tiêu quốc gia này cũng tương tự mục tiêu của TP.HCM. Ông nói tiếp:
“Vấn đề của VN là phải có mô hình tăng trưởng đột phá được đặt trong hai bối cảnh. Thứ nhất là nền kinh tế toàn cầu phải phục hồi sau đại dịch, điều này có thể xảy ra vào năm 2023-2024. Thành ra việc tăng trưởng 30%/năm phải đặt trong bối cảnh này. Ngoài ra nền kinh tế VN phải phát triển bền vững, không chỉ tận thu khai thác tài nguyên thiên nhiên mà phải dùng trí tuệ con người. VN thì có may mắn có 100 triệu người được cho là thông minh, giỏi về toán học, thành ra kết luận của tôi là không có gì là không thể, nhưng phải có mô hình đột phá... Nhưng cần lưu ý, khi VN tăng trưởng thì các nước khác cũng vậy chứ không đứng yên, do đó VN sẽ đi vào một môi trường cạnh tranh rất khốc liệt với các nước trên thế giới.”
Chính phủ Việt Nam trước đây cũng đã đề ra ba khâu đột phá quan trọng: một là nỗ lực vượt bậc thiết lập thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; thứ hai là xây dựng kết cấu hạ tầng; thứ ba là nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực. Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cả ba khâu đột phá đó cho đến nay mới làm được rất khiêm tốn. Ngoài ra, những việc chính yếu của Nhà nước như bảo đảm luật pháp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô thì theo Tiến sĩ Doanh cũng làm kém hiệu quả.