Liệu tình trạng thiếu xăng dầu dịp Tết có lập lại?

Diễm Thi
2024.01.02
Liệu tình trạng thiếu xăng dầu dịp Tết có lập lại? Một cây xăng ở Hà Nội. Ảnh minh họa.
AP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây ký ban hành Công điện số 1437/CĐ-TTg ngày 30/12/2023 về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.

Ông Chính yêu cầu tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán dù công điện nêu rõ, tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến giá xăng dầu và nguồn cung xăng dầu cho thị trường thế giới và trong nước.

Cảnh báo

Giáp Tết 2023, “điệp khúc” thiếu xăng dầu đã khiến không chỉ người dân mà các doanh nghiệp lâm vào cảnh khốn đốn.

Mặc dù trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời trên truyền thông khẳng định đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu trong dịp Tết. Tuy nhiên, trong thực tế, thị trường bán lẻ Tết Nguyên đán 2023 đã gặp tình trạng thiếu xăng dầu; nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, treo bảng ngưng bán.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Công thương đăng đàn giải trình rằng việc thiếu xăng dầu cục bộ là “điều rất đáng tiếc và bất thường”. Liệu tình hình cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trong dịp Tết Giáp Thìn 2024 sẽ khả thi?

Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả thuộc Bộ Tài Chính nói với RFA sáng 2/1/2024:

Rút kinh nghiệm qua vụ thiếu năng lượng năm 2023, cả điện lẫn xăng dầu thì tôi thấy rằng, thiếu xăng dầu là do mình dự báo không đúng. Lúc giá cao nhất thì mình lại mua nhiều. Mà điều quan trọng là giá cả lại do Nhà nước định. Nhà nước tính toán chi phí có đúng, có đủ nhưng không kịp thời nên dẫn đến chuyện đó thôi.

Tất cả những điều này nhà nước đã cảnh báo và phòng ngừa chặt chẽ. Năm nay Nhà nước giao cho Bộ Công thương chịu quản lý và chịu trách nhiệm nếu có vấn đề gì. Bài học cũ rồi.

Một số nhà quan sát trong nước cho rằng, việc thiếu xăng dầu ở Việt Nam, nguyên nhân là mức chiết khấu cho những đại lý bán lẻ xăng không hợp lý khiến cho các đại lý không bán xăng nữa. Điều này cũng được Bộ Công thương nói đến và Bộ này cũng đưa ra kiến nghị nên để cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu và doanh nghiệp phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán lẻ, bán buôn. Đây là một trong những điểm mới được nêu trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Những cản ngại có thể xảy ra

Theo Công điện mới nhất của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ dự báo trong thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, xung đột tại Ukraine, dải Gaza có thể còn kéo dài, nguy cơ xung đột tại khu vực Biển Đỏ… tiềm ẩn đứt gãy chuỗi cung ứng, gây gián đoạn thương mại quốc tế và dòng chảy năng lượng toàn cầu và việc OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ; kho dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm…

Tất cả những diễn biến đó cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho Việt Nam. Giáo sư Đặng Hùng Võ nói với RFA sáng 2/1/2024:

“Hiện nay thì chưa thấy có biểu hiện khan hiếm xăng dầu, nhưng đến Tết thì chưa biết như thế nào, vì không hiểu Nhà nước dự trữ xăng dầu ra sao. Tôi nghĩ Bộ Công thương phải chuẩn bị kỹ lưỡng một phương thức để đừng xảy ra tình trạng thiếu xăng ngày Tết. Những thay đổi địa chính trị trên thế giới cũng làm thay đổi nguồn cung ứng xăng dầu cho Việt Nam. Bộ Công thương phải dự đoán việc này.

Theo ông Đặng Hùng Võ, Việt Nam là quốc gia khai thác dầu thô, xuất khẩu dầu thô nhưng vẫn phải nhập một lượng dầu thô rất lớn về để lọc. Nguyên nhân là do chủng loại dầu thô trong nước không hoàn toàn phù hợp với các nhà máy hiện có. Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sử dụng 100% dầu thô nhập khẩu.

Hiện việc quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia đang bị Bộ Tài chính và Bộ Công thương đùn đẩy cho nhau.

Cụ thể, theo thông tin từ truyền thông, Bộ Công thương có đề xuất Chính phủ chuyển nhiệm vụ quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia cho Bộ Tài chính với lý do để thống nhất đầu mối quản lý. Theo Bộ Công thương, Bộ Tài chính đang trực tiếp quản lý dự trữ quốc gia với các mặt hàng thiết yếu, dân sinh như gạo. Xăng dầu cũng là hàng thiết yếu nên cần thiết chuyển mặt hàng này cho Bộ Tài chính quản lý dự trữ trong giai đoạn 2024 - 2025.

Tuy vậy, theo Bộ Tài chính, việc Chính phủ phân công Bộ Công thương quản lý mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và phù hợp năng lực, điều kiện thực tế về tổ chức bộ máy quản lý của Bộ Công thương. Trong báo cáo Chính phủ cuối năm 2023, Bộ Tài chính không đồng tình với đề xuất chuyển nhiệm vụ quản lý mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia sang Bộ Tài chính.

Trước đây, tại họp báo thường kỳ chiều 16/6/2022, bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), từng cho rằng “nguồn lực Nhà nước hiện có hạn nên việc nâng dự trữ xăng dầu quốc gia sẽ thực hiện theo lộ trình từ nay đến năm 2025. Trước mắt chưa đủ kho thì tiếp tục thuê kho của các doanh nghiệp, nhưng lộ trình tiến tới sẽ xây dựng, đầu tư kho riêng của Nhà nước”.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Ngô Trí Long cho hay, cơ cấu dự trữ xăng dầu của Việt Nam đến từ ba nguồn: dự trữ thương mại tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; dự trữ sản xuất tại hai nhà máy lọc dầu; dự trữ quốc gia. Nguồn đầu tiên ưu tiên sử dụng là dự trữ thương mại của doanh nghiệp, sau đó tới là nguồn dự trữ sản xuất tại các doanh nghiệp lọc dầu, cuối cùng mới dùng tới nguồn dự trữ quốc gia.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.