Việt Nam sẽ nằm trong danh sách Hoa Kỳ mở rộng căn cứ quân sự ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương?
2019.02.14
Trong buổi điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, diễn ra vào ngày 12 tháng 2, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương, Đô đốc Philip Davidson nhấn mạnh Mỹ cần chú trọng hơn nữa trong việc hợp tác với đồng minh và đối tác trong bối cảnh Trung Quốc “quân sự hóa” ở Biển Đông.
Đài RFA ghi nhận ý kiến của giới chuyên gia liên quan đến Việt Nam sẽ có chọn lựa gì trước thông tin vừa nêu khi hai nước ngày càng gia tăng hợp tác về quốc phòng và an ninh?
Mỹ tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông
Tại buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương, Đô đốc Philip Davidson nói rằng hành vi mở rộng lãnh thổ và ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc là mối đe dọa to lớn và lâu dài trong việc duy trì tự do thương mại và tự do di chuyển trong khu vực.
Đô đốc Philip Davidson nhấn mạnh “Bằng đe dọa và cưỡng ép, Bắc Kinh đang nỗ lực mở rộng tư tưởng của mình để bẻ cong, phá vỡ và thay thế trật tự quốc tế dựa trên pháp luật hiện có. Với vị thế của mình, Bắc Kinh tìm cách tạo ra một trật tự mới, trật tự với ‘bản sắc Trung Quốc’, do Trung Quốc lãnh đạo, thay thế cho sự ổn định và hòa bình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã tồn tại hơn 70 năm qua”.
Việt Nam cho rằng nếu trở thành một căn cứ quân sự nào đó hoặc là đặt căn cứ quân sự của một quốc gia nào đó tại Việt Nam thì sẽ tiềm ẩn rất nhiều sự đe dọa. Thế thì bây giờ Việt Nam phải cân nhắc việc nếu đặt căn cứ quân sự, Hoa Kỳ chẳng hạn thì Trung Quốc sẽ gây sự với Việt Nam rất nhiều và nếu có xảy ra chiến tranh ở Biển Đông chẳng hạn thì Hoa Kỳ có thể bảo vệ cho Việt Nam hay không? Câu trả lời là còn lâu lắm
-Thạc sĩ Hoàng Việt
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương của Hoa Kỳ nêu lên minh chứng rõ ràng nhất của việc Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng là quốc gia này sử dụng các đảo ở Biển Đông để biện minh cho các yêu sách mở rộng lãnh thổ; đồng thời Đô đốc Philip Davidson khẳng định luật pháp quốc tế không công nhận những động thái đó của Trung Quốc và hoạt động tự do hàng hải (FONOPS) là phương cách để Trung Quốc nhận biết cộng đồng quốc tế không chấp nhận những tuyên bố liên quan của Bắc Kinh.
Trình bày trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Đô đốc Philip Davidson cho rằng Hoa Kỳ phải chấp nhận môi trường ở Biển Đông đang thay đổi rất nhanh chóng nên đòi hỏi những cách tiếp cận mới. Đô đốc Philip Davidson cho biết thêm Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương đang có những cuộc thương thảo với các đối tác và đồng minh về những cơ hội có thể ở đó cũng như tăng cường hợp tác trong diễn tập quân sự, trong tuần tra ở Biển Đông và trong đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) với Trung Quốc.
Chọn lựa hợp tác của Việt Nam
Việt Nam, một quốc gia láng giềng của Trung Quốc và mặc dù hai đảng lãnh đạo có cùng ý thức hệ nhưng Hà Nội được nói là bị yếu thế hơn so với Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông.
Trước những thông tin mới nhất về quan điểm của Hoa Kỳ qua cuộc điều trần diễn ra tại Quốc Hội Mỹ vào ngày 12 tháng 2, Đài RFA nêu vấn đề với giới chuyên gia rằng Việt Nam sẽ lựa chọn hợp tác với Hoa Kỳ như thế nào trong thời gian tới, liên quan vấn đề Biển Đông khi mà Việt Nam và Mỹ được truyền thông quốc nội ghi nhận hai nước ngày càng gia tăng trong hợp tác quốc phòng và an ninh qua sự kiện hồi năm ngoái đương kim Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis có hai chuyến viếng thăm đến Việt Nam.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà quan sát độc lập làm việc tại Singapore nhận định nhân chuyến đến Hà Nội trong hai ngày cuối tháng 2 tới đây cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhì với Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-Un, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chắc chắn sẽ có cuộc nói chuyện với giới chức Việt Nam về hợp tác chung giữa hai nước, trong đó có hợp tác trong các vấn đề ở khu vực Biển Đông.
Xin được nhắc lại trong những năm gần đây, truyền thông trong nước không ít lần nhắc đến địa thế và tầm quan trọng chiến lược của cảng Cam Ranh đối với vấn đề căng thẳng ở Biển Đông, kể từ hồi tháng 3 năm 2015 khi Mỹ lên tiếng yêu cầu VN ngưng cho phép Nga sử dụng căn cứ Cam Ranh để tiếp nhiên liệu cho các máy bay ném bom tại khu vực Thái Bình Dương, với lý do những hoạt động đó có thể làm tăng căng thẳng trong khu vực. Và sự kiện lịch sử lần đầu tiên sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ USS Carl Vinson thăm cảng Đà Nẵng hồi đầu tháng 3 năm 2018 được truyền thông quốc tế đặc biệt chú ý.
Thạc sĩ Hoàng Việt, một chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông nêu lên quan điểm của ông với RFA rằng phía Mỹ có thể cân nhắc xem xét tái lập căn cứ quân sự ở Việt Nam trong tương lai bởi vì yếu tố Việt Nam có vị trí địa lý quan trọng tại khu vực Biển Đông, đồng thời Việt Nam là quốc gia có lịch sử lâu đời chống lại tham vọng của Trung Quốc nên Việt Nam có lập trường kiên quyết, nhất định trong vấn đề Trung Quốc “quân sự hóa” ở Biển Đông. Thế nhưng, Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng Việt Nam sẽ tuân thủ Chính sách Quốc phòng 3.0, bao gồm không tham gia các liên minh quân sự, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam, không dựa vào nước này để chống lại nước kia và do đó Hà Nội sẽ không đồng ý để cho Hoa Kỳ tái lập căn cứ quân sự ở Việt Nam, một khi Washington ngỏ lời.
Dẫn chứng các bằng chứng lịch sử mà Thạc sĩ Hoàng Việt nêu ra như trong trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 giữa Hải quân Việt Nam Cộng Hòa và Hải quân Trung Quốc thì lúc bấy giờ Hoa Kỳ không có hỗ trợ nào cho phía Việt Nam và trong cuộc thảm sát ở Gạc Ma, Trường Sa do Trung Quốc gây ra hồi năm 1988 thì mặc dù Nga thuê hải cảng Cam Ranh làm căn cứ hải quân nhưng cũng không giúp đỡ cho Việt Nam. Thạc sĩ Hoàng Việt nhấn mạnh:
Trong một tương lai gần thì Việt Nam chưa thể thành đồng minh của Mỹ được. Bây giờ chỉ có cách làm sao hai nước Việt Nam và Mỹ hợp tác tốt hợn với nhau về cả mặt chính trị, kinh tế, quân sự, an ninh. Ví dụ như hợp tác về an ninh thì chọn những khu vực đặc trưng; ví dụ như trao đổi thông tin như là giúp nhau về các thông tin liên quan sự vận chuyển của các lực lượng Trung Quốc ở ngoài biển hoặc là sự vận chuyển của tàu ngầm để Việt Nam có điều kiện chủ động tự vệ cho tốt. Thứ hai, Việt Nam cũng cần phải mua vũ khí và thiết bị quân sự quan trọng cho việc phòng thủ đất nước Việt Nam, rồi tiến tới các hoạt động khác như tập trận chung. Trước hết là tập đa phương và sau đó là song phương Việt Nam và Mỹ. Làm như thế thì mặc dù Trung Quốc sẽ không thích, nhưng họ sẽ không làm gì được và họ cũng sẽ chùn bước
-Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp
“Cho nên phía Việt Nam cho rằng nếu trở thành một căn cứ quân sự nào đó hoặc là đặt căn cứ quân sự của một quốc gia nào đó tại Việt Nam thì sẽ tiềm ẩn rất nhiều sự đe dọa. Đặc biệt là đe dọa đến từ Trung Quốc. Cho nên, Chính sách 3.0 nói cho cùng là chỉ để nói với Trung Quốc mà thôi. Thế thì bây giờ Việt Nam phải cân nhắc việc nếu đặt căn cứ quân sự, Hoa Kỳ chẳng hạn thì Trung Quốc sẽ gây sự với Việt Nam rất nhiều và nếu có xảy ra chiến tranh ở Biển Đông chẳng hạn thì Hoa Kỳ có thể bảo vệ cho Việt Nam hay không? Câu trả lời là còn lâu lắm.
Chính vì vậy, Việt Nam phải cân nhắc và tôi nghĩ theo cách Việt Nam chọn sẽ đúng nguyên tắc của Chính sách 3.0. Có thể bây giờ Việt Nam đang bàn thảo nên giữ hay bỏ Chính sách 3.0 này. Nhưng cá nhân tôi cho rằng cho đến hiện nay thì lãnh đạo cao nhất của Việt Nam vẫn kiên quyết và duy trì Chính sách 3.0.”
Đồng quan điểm với Thạc sĩ Hoàng Việt, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp phân tích:
“Nếu nói là Mỹ quay lại đặt căn cứ quân sự ở Cam Ranh thì vô cùng khó xảy ra. Bởi vì Việt Nam tuyên bố không cho đặt căn cứ quân sự của nước ngoài rồi và đã xây một khu dịch vụ quốc tế cho bất kỳ một tàu quân sự của nước ngoài nào cũng có thể đến đó để hưởng dịch vụ. Tôi nghĩ có thể gần giống như ở Singapore là tàu Mỹ vào neo đậu vài tháng rồi lại đi ra và tàu khác vào và như thế thì không nước nào, kể cả Trung Quốc có thể nói Mỹ đặt quân sự ở Việt Nam.
Thứ hai nữa, người Mỹ thích vùng Đà Nẵng hơn Cam Ranh vì trước đây gần như người Mỹ không sử dụng ở Cam Ranh nhiều. Người Mỹ biết nhiều về Đà Nẵng hơn. Có thể Mỹ sẽ nói với Việt Nam trước hết để cho họ lập kho hậu cần ở Đà Nẵng, chứa đồ quân sự, thực phẩm, thuốc men…và sẽ đi đến việc cho tàu và máy bay neo, đậu lâu hơn.”
Trả lời câu hỏi của RFA Việt Nam sẽ có những lựa chọn hợp tác như thế nào khi Hoa Kỳ gia tăng hoạt động quân sự ở khu vực Biển Đông trong thời gian tới, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng:
“Trong một tương lai gần thì Việt Nam chưa thể thành đồng minh của Mỹ được. Bây giờ chỉ có cách làm sao hai nước Việt Nam và Mỹ hợp tác tốt hợn với nhau về cả mặt chính trị, kinh tế, quân sự, an ninh. Ví dụ như hợp tác về an ninh thì chọn những khu vực đặc trưng; ví dụ như trao đổi thông tin như là giúp nhau về các thông tin liên quan sự vận chuyển của các lực lượng Trung Quốc ở ngoài biển hoặc là sự vận chuyển của tàu ngầm để Việt Nam có điều kiện chủ động tự vệ cho tốt. Thứ hai, Việt Nam cũng cần phải mua vũ khí và thiết bị quân sự quan trọng cho việc phòng thủ đất nước Việt Nam, rồi tiến tới các hoạt động khác như tập trận chung. Trước hết là tập đa phương và sau đó là song phương Việt Nam và Mỹ. Làm như thế thì mặc dù Trung Quốc sẽ không thích, nhưng họ sẽ không làm gì được và họ cũng sẽ chùn bước.”
Tại buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ vào ngày 12 tháng 2, Đô đốc Philip Davidson nhắc đến Việt Nam và Mỹ chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến luật pháp quốc tế như tự do hàng hải và Việt Nam là một trong những quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất trong tranh chấp ở Biển Đông. Đô đốc Philip Davidson còn cho biết Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương do ông chỉ huy ưu tiên củng cố năng lực hàng hải của Việt Nam qua việc hỗ trợ Việt Nam mua máy bay trinh sát không người lái-Scan Eagle UAV và máy bay huấn luyện T-6 và thêm chiếc tàu thứ hai của Lực lượng Tuần duyên Mỹ.
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương nói trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ rằng Việt Nam nổi lên như là một đối tác chính trong việc thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và an ninh ở khu vực Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương.
Trong khi đó, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia ở trong nước cho rằng Việt Nam cần thiết thay đổi quan điểm trong hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ, bởi vì theo như nhận định của nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng rằng “Nếu như Việt Nam có căn cứ quân sự của Mỹ thì Việt Nam sẽ có thể trở thành một đối tác quân sự nằm trong chiến lược liên minh về quân sự và lúc đó Trung Quốc sẽ không thể làm gì được Việt Nam.”