Lao động mất việc hàng loạt, nghiệp đoàn độc lập là giải pháp
2023.05.01
Thị trường lao động khởi sắc nhưng một số ngành nghề tiếp tục giảm lao động do thiếu đơn hàng, là tựa đề một bài báo nhưng cũng là nhận định được đưa ra bởi một tạp chí thuộc khối hiệp hội dân sự tại Việt Nam, trong tuần lễ nước này đánh dấu ngày Quốc tế lao động 1/5.
“Dự báo trong quý 2/2023, một số ngành may trang phục, sản xuất đồ gỗ vẫn tiếp tục giảm việc làm do thiếu đơn hàng… Trong khi đó, một số ngành tăng nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động như sản xuất sản phẩm điện tử máy tính, sản xuất chế biến thực phẩm,” Tạp chí “Nhân lực nhân tài Việt” thuộc một Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam hôm thứ Năm, 27/4 viết.
Dẫn nguồn từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội của Việt Nam, tạp chí này cho hay:
“Mặc dù có sự khởi sắc, song Bộ LĐTBXH nhận định thị trường lao động vẫn còn nhiều thách thức trong quý II. Bên cạnh một số ngành tăng tuyển dụng thì sẽ có những nhóm tiếp tục sụt giảm việc làm.”
Buộc phải cắt giảm lao động do thiếu đơn đặt hàng
Vẫn nguồn này cho biết theo dự báo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội của Việt Nam, sẽ có khoảng 51,2 triệu người có việc làm trong quý II, tăng thêm 150.000 người so với quý I, tương đương 51,1 triệu người có việc làm. Và các ngành sản xuất sản phẩm điện tử máy tính, và sản phẩm quang học dự kiến tăng thêm 28.200 việc làm, sản xuất chế biến thực phẩm tăng thêm 18.600 việc làm; sản xuất đồ uống tăng thêm 4.700 người.
“Trong khi đó, dự báo các ngành may trang phục sẽ tiếp tục giảm 38.100 việc làm; sản xuất giường tủ bàn ghế giảm 38.000; in, sao chép bản ghi các loại giảm 37.800 người…,” vẫn theo tạp chí.
Dẫn nguồn từ một Báo cáo về tình hình thị trường lao động, việc làm quý I năm 2023 được Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố mới, tạp chí “Nhân lực nhân tài Việt” cho biết:
“Mặc dù thị trường lao động quý I tiếp tục duy trì đà phục hồi khi lực lượng lao động, số người có việc làm tăng, song vẫn còn thực trạng nhiều doanh nghiệp ở một số ngành thâm dụng lao động như dệt may - da giày; điện- điện tử... buộc phải cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tình hình lao động việc làm trong nước trong thời gian tới.”
Trước đó, hôm thứ sáu, 21/4/2023, trong bài báo có tựa đề “Giải ‘cơn khát’ việc làm”, báo Nhân dân điện tử cuối tuần, cơ quan thuộc Trung ương ĐCSVN cho hay:
“Số lao động bị mất việc làm trong quý I/2023 tiếp tục tăng, tỷ lệ thuận với số đơn hàng mà doanh nghiệp bị giảm. Bài toán việc làm đòi hỏi những biện pháp căn cơ, toàn diện, xét từ cả góc độ hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động cũng như cơ chế tiền lương, đào tạo nghề...”
Theo nguồn này, từ cuối năm 2022, tình trạng mất việc làm tại Việt Nam đã diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố. Đến đầu năm 2023, số người mất việc làm là khoảng 149 nghìn người.
Dẫn thông tin từ Vụ thống kê dân số và lao động, thuộc Tổng cục Thống kê của Việt Nam, báo Nhân Dân điện tử cuối tuần cho biết thêm:
“Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, số lao động nghỉ hoặc bị giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý I năm 2023 là gần 294 nghìn người, trong đó phần lớn ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 83,8%); đứng đầu là ngành da giày với 44,2%, tiếp theo là dệt may với 18,8%. Lao động nghỉ, giãn việc chủ yếu tập trung ở một số tỉnh, như: Bắc Giang (16 nghìn người), Hải Dương (9,8 nghìn người), Ninh Bình (19,7 nghìn người), Thanh Hóa (62,4 nghìn người), Nghệ An (12,6 nghìn người), Bình Dương (khoảng 36,4 nghìn người), Đồng Nai (khoảng 35 nghìn người), TP Hồ Chí Minh (khoảng 19,8 nghìn người)”…
Vẫn theo bài báo trên, theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2023 là khoảng 1,05 triệu người, giảm 34,6 nghìn người so quý trước và giảm 65,1 nghìn người so cùng kỳ năm trước.
“Doanh nhân đóng cửa, tẩu tán tài sản, công nhân bị quỵt lương”
Hôm 01/5, từ Paris, nhà hoạt động vận động cho thành lập nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam, bà Ca Dao nêu bình luận thêm trên quan điểm riêng với đài Á Châu Tự Do về một số diễn biến gần đây trên với thị trường lao động đối với một bộ phận người lao động tại Việt Nam:
“Thời gian gần đây, có rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam phá sản, theo thông tin từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam, từ đầu năm 2023 đến nay, đã có hơn 60.000 doanh nghiệp Việt Nam phải đóng cửa và hơn một triệu công nhân bị thất nghiệp và rất nhiều doanh nhân đóng cửa, hoặc tẩu tán tài sản và dĩ nhiên một số thông tin ở đây không được công bố chính thức, mà chúng tôi nghe được là nhờ qua những công nhân.
Các doanh nhân đóng cửa và tẩu tán tài sản đó khiến công nhân bị quỵt lương, thông tin mà tôi mới nghe được là ngày 29/4/2023 mới đây, một công ty bán gạo ở Huế đóng cửa và không trả tiền cho công nhân, và có rất nhiều công ty hành xử như thế. Trong khi đó, những tai nạn lao động cũng xảy ra rất nhiều với những công nhân làm việc ở nhà máy mà có máy móc, công nghệ.
Ngay cả đối với các công nhân ở trong những nhà máy lắp ráp điện tử mà theo một nguồn tin mới đây từ một công ty của Samsung, có bốn chi nhánh của hãng này ở Việt Nam, mà chi nhánh lớn nhất là ở Bắc Ninh được thông tin là rất ô nhiễm, và theo một báo cáo của một nguồn chuyên theo dõi về ô nhiễm môi trường gây ra bởi những công ty lắp ráp, môi trường ở đó ô nhiễm rất trầm trọng.
Có nhiều công nhân bị bệnh vì ô nhiễm môi trường tuy suốt ngày phải đeo khẩu trang, nhưng ngay cả những chiếc khẩu trang đó cũng không thể ngăn cản được những chất độc hại.”
Dẫn nguồn từ tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về con số thất nghiệp tại Việt Nam, bà Ca Dao cho biết thêm:
“Ngoài ra báo cáo của ILO cũng cho biết có hơn một triệu công nhân thất nghiệp từ đầu năm 2023 đến nay và tổ chức quốc tế này cũng cho thấy rằng có khoảng 83% những người công nhân tối thiểu không đủ sống.
Cho nên tình trạng của công nhân Việt Nam, nhất là ở những khu công nghiệp lớn như khu công nghiệp Bình Dương, hoặc là Đồng Nai, hay là khu Lăng Cô – Chân Mây ở Huế v.v…, thì tình trạng của công nhân khá bi đát.
Ngoài ra còn một vấn đề nữa mà nhiều người chúng ta không quan tâm, nhưng điều đó gần đây đã xảy ra rất là nhiều, đó là có một thống kê mới nhất cho thấy là có khoảng 40.000 người tự tử do trầm cảm, thường chúng ta vẫn nghĩ rằng bệnh trầm cảm là bệnh của nhà giàu hay xảy ra ở các nước tây phương, nhưng bây giờ ở Việt Nam cũng có rất nhiều người tự tử vì bệnh trầm cảm do những áp lực về kinh tế, xã hội, công ăn, việc làm v.v…”
Báo Tuổi Trẻ, cơ quan thuộc thành đoàn TP. Hồ Chí Minh của Việt Nam, về vấn đề trầm cảm này, dẫn lời một số chuyên gia từ Việt Nam, hôm 26/4/2023 cho hay nhìn chung “có nhiều nguyên nhân có thể gây căng thẳng nơi làm việc như tiếng ồn, hóa chất, yếu tố tâm sinh lý lao động”, ngoài ra điều kiện sống, nhất là thu nhập, cũng được cho là một trong các yếu tố có liên quan, do đó, vẫn theo báo này ý kiến chuyên gia cho rằng nhìn chung “pháp luật phải quy định lương tối thiểu là lương đủ sống… và cần có chính sách cân bằng công việc và cuộc sống”.
“Công đoàn có thể thành lập các đường dây tư vấn kiểm soát căng thẳng nơi làm việc và hỗ trợ người lao động,” Tuổi trẻ online dẫn ý kiến chuyên gia đề nghị.
Nghiệp đoàn lao động độc lập, giải pháp chìa khóa cho vấn đề
Nhân đây, bà Ca Dao đề cập một nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc tình cảnh của nhiều người lao động ở một số khu vực của nền kinh tế Việt Nam, cũng như trên một số lĩnh vực ngành nghề trên thị trường lao động ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn:
“Ngoài một số nguyên nhân khác tùy thuộc vào từng cơ chế, từng công ty và từng địa phương nữa, chúng ta biết rằng công nhân là một tầng lớp thấp nhất trong xã hội và họ không có một cơ chế nào để bảo vệ quyền lợi của họ nữa, là một người hoạt động thành lập nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam từ năm 2006, cho tới hôm nay tôi thấy nghiệp đoàn độc lập là giải pháp duy nhất để có thể bảo vệ cho công nhân, người lao động có thể đấu tranh bảo vệ cho quyền lợi của chính họ mà thôi.
Tôi sống ở Pháp, và tại đây có tám nghiệp đoàn lớn nhất và tiếng nói của các nghiệp đoàn rất là mạnh. Quý vị chắc cũng nghe qua về những phong trào biểu tình “áo vàng”, rồi gần đây là hàng chục cuộc biểu tình để phản đối việc thay đổi trong lĩnh vực hưu trí của chính phủ Pháp, qua đó thấy tiếng nói của nghiệp đoàn vô cùng mạnh.
Trong khi đó tại Việt Nam chỉ có một ‘liên đoàn lao động’ duy nhất là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mà thôi, mà ngay một vị cựu Giám đốc của Văn phòng của tổ chức lao động quốc tế ILO tại Việt Nam từng phát biểu trước đây rằng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam “từ lúc thành lập, chưa bao giờ tổ chức cho công nhân một cuộc đình công nào cả”.
Theo nhà hoạt động vận động nghiệp đoàn độc lập này, tiếng nói của công nhân và người lao động ở Việt Nam rất yếu ớt, bà nói tiếp:
“Do đó, nếu họ không có một tổ chức nghiệp đoàn, để thay cho họ đấu tranh cho quyền lợi cho họ, thì bản thân họ sẽ không bao giờ tự đấu tranh thành công cho quyền lợi của họ được.
Do vậy, tất cả những điều vừa nêu ra, chẳng hạn con số 60.000 doanh nghiệp đóng cửa, hay con số trên một triệu công nhân thất nghiệp, bao nhiêu người trầm cảm v.v…, thì đó là những hậu quả đưa đến của những nguyên nhân như điều kiện làm việc không ổn định, lương thấp, môi trường làm việc không tốt v.v…, nhưng một khi những hậu quả đó xảy ra, thì phải làm gì để thay đổi, tôi nghĩ tổ chức duy nhất có thể đấu tranh cho quyền lợi của người lao động là nghiệp đoàn.
Và đó phải là một nghiệp đoàn độc lập. Độc lập thì mới có thể đứng về phía công nhân và đấu tranh cho quyền lợi của họ, bởi vì chúng ta biết, ngân khoản của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mà vốn gồm có lệ phí đóng góp từ lương công nhân, người lao động thành viên, hỗ trợ của Chính phủ, thì còn có sự đóng góp từ các doanh nghiệp nữa.
Vậy một tổ chức nghiệp đoàn mà nhận tiền từ doanh nghiệp, thì làm sao có thể có tiếng nói độc lập với giới chủ doanh nghiệp được, do đó nó phải là một nghiệp đoàn thực sự độc lập với doanh nghiệp và với chính phủ, như thế mới có thể đại diện chân chính cho tiếng nói của người lao động.”
Về khía cạnh sửa đổi luật pháp và hỗ trợ thi hành, bà Ca Dao nói thêm:
“Cho tới năm 2009, Quốc hội Việt Nam đã có thay đổi Bộ Luật lao động, trong bộ luật mới đó có chương 13 về tổ chức đại diện người lao động. Đó là kết quả của việc Chính phủ Việt Nam đã ký kết các hiệp định như CPTPP và với Liên Âu là EVFTA. Để ký kết được hai hiệp định quan trọng đó, Việt Nam bắt buộc phải cho thành lập liên đoàn độc lập và vì thế năm 2019 đã có thay đổi về luật như vậy. Thế nhưng đến nay đã hơn mấy năm qua đi, vẫn chưa có một tổ chức độc lập đại diện người lao động nào.”
Khi được hỏi lý do, bà Ca Dao nói:
“Bởi vì Việt Nam thay đổi Luật lao động, nhưng không đưa ra những nghị định, văn bản dưới luật để cho công nhân biết rằng làm sao có thể có được tổ chức đại diện cho người lao động, ở đây quý vị đưa ra một luật, nhưng không hướng dẫn người ta làm cụ thể thế nào, chẳng hạn điều kiện ra sao, phải có bao nhiêu người, và phải có cơ cấu như thế nào, phải có điều lệ ra sao, rồi muốn hoạt động chính thức thì phải đăng ký ở đâu.
Như thế, tới ngày nay, sau mấy năm thay đổi Luật lao động, Chính phủ Việt Nam vẫn chưa đưa ra được một hướng dẫn dưới luật nào để thực hiện điều luật đó và theo một cuộc điều tra riêng của chúng tôi, từ 80-90% công nhân không hề biết về sự thay đổi này, bởi vì chính phủ không hề phổ biến, và dĩ nhiên Tổng Liên đoàn Việt Nam cũng không hề phổ biến điều này đến với công nhân. Cho nên công nhân không hề biết là họ có quyền đó, và một khi anh không biết được quyền của mình, thì anh không thể thực hiện được quyền đó.”
Trở lại với những vấn đề khó khăn mà nhiều người lao động, trong đó có công nhân ở Việt Nam đang gặp phải trên thị trường lao động, tại một số ngành nghề và trong đời sống thường nhật trong quá trình mưu sinh, khi được hỏi đâu có thể là giải pháp ưu tiên để giải quyết, xử lý thấu đáo và khả thi những vấn đề trên, bà Ca Dao nói:
“Đối với tôi giải pháp ưu tiên, mà cũng phải nói là giải pháp duy nhất, để có thể giải quyết được những tình trạng đó, là phải có một nghiệp đoàn độc lập đại diện cho tiếng nói của người dân để nói chuyện với giới chủ để giải quyết những vấn đề như là quỵt lương, hay là chậm lương, hay những vấn đề đơn giản, thí dụ như công nhân đi vệ sinh cá nhân. Đi tiểu thì phải báo cáo, và phải trong thời gian bao nhiêu, và với một người phụ nữ mà có bầu mà thường phải đi tiểu nhiều, thì họ có được phép đi tiểu nhiều hơn những quy định đó hay không v.v…
Đại khái những vấn đề như thế, nếu công nhân muốn cầu cứu, thì họ cầu cứu ai? Câu trả lời đó là nghiệp đoàn và muốn như vậy mỗi công ty, mỗi cơ sở kinh doanh phải có một nghiệp đoàn riêng của họ, và những nghiệp đoàn ấy phải thực sự độc lập, mà cho tới bây giờ Việt Nam vẫn chưa có. Còn khả thi hay không, thì tôi nghĩ điều này hoàn toàn khả thi với điều kiện là chính quyền, Chính phủ đừng xem nghiệp đoàn là một tổ chức đối lập, mà phải xem nó như một tổ chức bảo vệ quyền lợi lao động của người dân, đơn giản chỉ có vậy!
Mà tổ chức đó không thể là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vì Tổng Liên đoàn là một tổ chức chính trị, thực hiện chính sách của chính quyền, còn nghiệp đoàn đơn giản chỉ là một tổ chức bảo vệ quyền lợi cho công nhân như đã nói, tuy nhiên cho đến bây giờ chính quyền Việt Nam vẫn coi những nghiệp đoàn độc lập như là một tổ chức đối lập, chống đối chính quyền v.v…, bởi vì những tổ chức nào không thuộc nhà nước Việt Nam, không thuộc về ĐảngCcộng sản thì đều bị nhìn bằng một cặp mắt nghi ngờ, do thế cho đến hôm nay quyền lợi của công nhân, của người lao động ở Việt Nam mới không được bảo vệ một cách triệt để, bởi vì không có nghiệp đoàn độc lập này.”
Được biết, Chương 13, Bộ luật Lao động của Việt Nam năm 2019, với đầu đề “Tổ chức Đại diện người lao động tại cơ sở,” tại điều 170 về “Quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở”, quy định:
“1. Người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn; 2. Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định tại các điều 172, 173 và 174 của Bộ luật này; 3. Các tổ chức đại diện người lao động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động…”
Đầu tháng trước, một bản tin trên Báo Điện tử của Chính phủ Việt Nam, có tựa đề “Thị trường lao động việc làm duy trì đà phục hồi” hôm 06/4/2023, dẫn nguồn từ đại diện lãnh đạo Tổng Cục Thống Kê của Việt Nam trong một họp báo về về tình hình lao động quý I năm nay, cho hay:
“Sự gia tăng thu nhập của người lao động trong quý này không diễn ra ở tất các ngành kinh tế. Trong khi thu nhập bình quân của người lao động một số ngành kinh tế tăng, một số ngành kinh tế khác có sự sụt giảm thu nhập bình quân so với quý trước…
Cụ thể, thu nhập bình quân của lao động ngành hoạt động kinh doanh bất động sản là 10,5 triệu đồng, giảm 2,6%, tương ứng giảm 275.000 đồng; thu nhập bình quân của lao động ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước là 9,8 triệu đồng, giảm 1,3%, tương ứng giảm 125.000 đồng; ngành xây dựng lao động có thu nhập bình quân là 7,8 triệu đồng, giảm khoảng 1%, tương ứng giảm 41.000 đồng…
So với quý trước và cùng kỳ năm trước, quy mô lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đều giảm lần lượt là 285.600 người và 53.600 người; lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 360.900 người so với quý trước và tăng 566.900 người so với cùng kỳ năm trước; lao động trong ngành dịch vụ tăng 38.100 người so với quý trước và tăng 599.300 người so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý I năm 2023 là khoảng 885.500 người, giảm 12.400 người so với quý trước và giảm 443.100 người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I năm 2023 là 68,9%, không thay đổi so với quý trước và tăng 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới là 62,9% và nam giới là 75,3%. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 65,2%, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 71,3%.”
Và trong ngày Quốc tế lao động năm nay, một bài báo có tựa đề “Việt Nam khẳng định là điểm sáng trong tăng trường kinh tế”, đăng hôm 01/5/2023 trên báo Lao động, cho biết Chính phủ đã có kịch bản về tăng trưởng trong quý tiếp theo ở nửa đầu năm 2023:
“Theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, để đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 6,5% thì quý I và quý II cần phải đạt được mức tăng lần lượt là 5,6% và 6,7%. Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế cả nước quý I năm 2023 chỉ ước đạt 3,32%, không đạt mức tăng đề ra, chủ yếu do các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo giảm; xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo như linh kiện điện tử, dệt may, da giày… sụt giảm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022.
Để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, trong 9 tháng còn lại của năm 2023, kinh tế cả nước cần phải tăng khoảng 7,5%. Đây là mức tăng khá cao, trong bối cảnh các khó khăn, thách thức của nền kinh tế vẫn còn tồn tại; những biến động từ kinh tế thế giới còn tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam…,” báo Lao động, cơ quan của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho hay.