Xã hội của mọi loại tin đồn
2014.09.03
Xã hội Việt Nam hiện nay tràn ngập tin đồn từ kinh tế cho đến chính trị mà trong nhiều trường hợp gây nhiều hoang mang hoặc thiệt hại vật chất lớn lao. Vì thiếu thông tin chính xác, thông tin bị che giấu hay trình độ dân trí thấp khiến cho các loại tin đồn có đất sống.
Việt Nam có hệ thống truyền thông rất lớn với 800 cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình nhưng thông tin được định hướng. Do vậy người dân ít tìm thấy những thông tin chính trị kinh tế nhạy cảm trên truyền thông lề phải. Với những người quan tâm, các mạng xã hội, blog, facebook hiện nay là nguồn thông tin thay thế, qua kênh thông tin này những tin đồn loan truyền với tốc độ chóng mặt. Tin đồn thì có thể gần đúng hoặc vẫn chỉ là đồn thổi và rồi thời gian sẽ làm cho nó đi vào quên lãng.
Tại sao xã hội Việt Nam tràn ngập tin đồn, nhất là những tin đồn nhạy cảm chính trị? Nhà báo Lê Phú Khải từng nhiều năm phục vụ truyền thông nhà nước từ TP.HCM phát biểu:
“Theo tôi mọi sự nó đều là không có thật…chỉ có mỗi một sự thật ở đất nước Việt Nam này đó là sự dối trá.”
Gần đây nhất, dư luận Hà Nội râm ran tin ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng Trưởng ban Nội chính Trung ương bị ung thư máu vì nhiễm phóng xạ và qua đời hôm 29/8. Tin đồn này tràn lan trên mạng và râm ran ở quán cà phê, len lỏi vào mọi ngõ ngách ở các đô thị lớn. Đến thời điểm ngày 29/8/2014 tức sau hai tuần im lặng, lúc ấy báo chí Việt Nam mới khéo léo xác nhận ông Nguyễn Bá Thanh đang ở Hoa Kỳ để chữa bệnh, mặc dù không nói là ông Thanh bị bệnh gì, mục đích chỉ để khẳng định là ông còn sống.
Một số ý kiến cho rằng, ông Nguyễn Bá Thanh là một cán bộ cao cấp Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội Chính, Phó ban chỉ đạo chống tham nhũng Trung ương, như vậy ông là một nhân vật chính trị một người của công chúng. Việc ông đi nước ngoài chữa bệnh nếu loan báo ngay từ khi ông lên đường sẽ tránh được những lời đồn thổi; đặc biệt trong trường hợp ông Thanh vốn được dư luận cho là không thuộc nhóm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và không được vào Bộ Chính trị.
Nên công bố, cũng là có cái lợi để người ta biết tại vì nhiều người quan tâm… người bình thường thì không ai để ý nhưng người của công chúng nhiều người quan tâm hơn thì nên công bố, nó đỡ đồn đại, đỡ bị bóp méo.
- Tiến sĩ Bác sĩ Đinh Đức Long
Trả lời chúng tôi, Tiến sĩ Bác sĩ Đinh Đức Long người vừa công khai rời bỏ Đảng Cộng sản từ Saigon cho rằng, vấn đề công bố thông tin cán bộ đi nước ngoài chữa bệnh không nằm trong Luật. Tuy vậy ông góp ý:
“Nên công bố, cũng là có cái lợi để người ta biết tại vì nhiều người quan tâm… người bình thường thì không ai để ý nhưng người của công chúng nhiều người quan tâm hơn thì nên công bố, nó đỡ đồn đại, đỡ bị bóp méo. Nhiều người cho rằng nên cung cấp thông tin chủ động, tôi nhớ ông John McCain ứng cử Tổng thống Mỹ, người ta cũng đồn là ông ấy bị bệnh nọ bệnh kia và phải công khai hồ sơ về y khoa. Công khai ra ông này bệnh đã chữa khỏi rồi không ảnh hưởng gì và vẫn đủ điều kiện để trở thành ứng cử viên tổng thống mặc dù ông ấy không trúng. Nhưng tôi nghĩ ở Việt Nam chưa có luật.”
Nhắc lại năm 2013, khi ông Nguyễn Bá Thanh thuyên chuyển từ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng về làm Trưởng ban Nội chính Trung ương, tin tức ngoài luồng râm ran việc ông Bá Thanh và ông Vương Đình Huệ tân trưởng Ban Kinh tế Trung ương bị phe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngăn trở không cho vào Bộ Chính trị dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cử. Tin đồn này sau đó tỏ ra là chính xác và hai người vào Bộ Chính trị là ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Lúc đó nhà phản biện TS Nguyễn Quang A đã nói với truyền thông nước ngoài là đáng lẽ Đảng nên công khai các nội dung tranh luận.
Những thông tin được cho là nhạy cảm chính trị liên quan đến đảng Cộng sản Việt Nam luôn bị che giấu. Phải mãi đến năm 2012, lần đầu tiên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới hé lộ kiểu thông tin nửa chừng khi ông nói với người dân rằng, Trung ương Đảng đã không kỷ luật một Ủy viên Bộ Chính trị mà ông gọi là đồng chí X. Khi thông tin như thế, đây là một dịp cho các loại tin đồn phát triển. Dư luận sôi nổi về việc nhận diện đồng chí X là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Hậu quả từ tin đồn
Trong vài năm gần đây, bên cạnh tin đồn chính trị nở rộ qua Internet, tình trạng tin đồn liên quan đến kinh tế-tài chính- ngân hàng nhiều khi đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng nói chung và một số ít người trục lợi. Nhắc lại, vào ngày 21/2/2012 có tin đồn Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV bị bắt, cùng lúc có tin đồn tăng giá xăng. Hai thông tin không đúng sự thật này đã làm sàn gia dịch chứng khoán TP.HCM bốc hơi 34.000 tỷ đồng trong ngày hôm đó. Tình trạng hoạt động kinh tế tài chính ngân hàng thiếu công khai minh bạch là cơ hội cho các loại tin đồn thổi có đất sống. Ngoài ra pháp luật chế tài chưa đủ nghiêm minh đối với những kẻ đạo diễn tung tin đồn thổi để mưu lợi riêng.
Tiến sĩ Bác sĩ Đinh Đức Long nhận định:
“Nó phụ thuộc nhiều yếu tố lắm, nói cho cùng là trình độ dân trí, trình độ của dân chúng và trình độ của người cầm quyền. Ở Việt Nam nhiều khi có tâm lý bày đàn liên quan tới dân trí. Tại sao anh tin một cách dễ dàng như thế. Theo tôi đầu tiên nhà nước pháp quyền phải có luật, trị dân bằng luật chứ không bằng nghị quyết của Đảng mà phải bằng luật. Đã là luật thì nhà nước và nhân dân cùng bình đẳng đều chấp hành như nhau và nếu ai sai thì cứ theo luật mà xử.”
Dân trí thấp thì tin đồn dễ được nghe theo, ngoài ra chính quyền cai trị đất nước trong vai trò của mình phải loại bỏ những nguy cơ có thể phát sinh tin đồn, bất kể là tin đồn chính trị hay các lĩnh vực khác. Để làm được điều đó, thì mọi cấp mọi ngành phải cung cấp thông tin minh bạch và kịp thời. Rõ ràng trong trường hợp ông Nguyễn Bá Thanh đi chữa bệnh ở Hoa Kỳ, các Ban Đảng và Chính quyền đã không làm công việc phải làm.