Hàng năm, ngày 12 tháng Sáu, Ngày Thế giới Chống nạn Lao động Trẻ em do Tổ chức Lao động Quốc tế tức International Labour Organization (ILO) khởi xướng, được kỷ niệm tại khoảng 60 quốc gia hầu nhắc nhở thế giới về vấn nạn lao động thiếu nhi.
Từ trước đến nay vấn đề trẻ bị buộc phải làm việc khi còn thơ dại, phải làm việc trong những điều kiện khắc nghiệt, hoặc bị ép vào quân đội, hay bị buôn bán vào đường dây mãi dâm luôn được các tổ chức nhân đạo đề cập thường xuyên.
Lao động trẻ em kéo theo học vấn thấp
Nhân Ngày Thế giới Chống nạn Lao Động Trẻ em 2008, Tổ chức ILO đặt ra tiêu đề "Giáo dục: Đáp ứng đúng cho vấn đề lao động trẻ em". Đặc biệt chú trọng đến khía cạnh giáo dục năm nay, tổ chức này nhận định rằng lao động trẻ em liên hệ chặt chẽ đến tình trạng đói nghèo.
Phúc trình cập nhật của ILO, khảo sát về vấn đề lao động trẻ em tại 34 nước thuộc mọi khu vực trên thế giới, đang có khoảng 165 triệu trẻ trong độ tuổi 5 – 14 nằm trong lực lượng lao động. Nhiều trẻ phải làm việc dài giờ, thường trong những điều kiện nguy hiểm.
Theo báo cáo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc UNESCO, trong năm 2006 khoảng 75 triệu trẻ thế giới phải đi làm từ khi còn thơ ấu và không có cả trình độ tiểu học. Con số này giảm so với 103 triệu trẻ trong năm 1999, tuy nhiên cho thấy lao động trẻ em vẫn tồn tại.
Tổ chức Lao động Quốc tế cho biết nhiều gia đình nghèo, không có khả năng chi trả các phí khoản trường lớp cho con đã phải dựa sức lao động của trẻ để tăng thu nhập cho gia đình và xem điều này nặng hơn học vấn của trẻ. Lao động thiếu nhi làm giảm số trẻ em đến trường, tăng số trẻ thất học, mù chữ trong thành phần thanh thiếu niên. Chứng cớ xác đáng cho thấy khi các em phải vừa làm vừa học, số giờ làm việc càng tăng thì số giờ dành cho việc học càng giảm.
Trong báo cáo về chương trình giúp giảm số lao động trẻ em ở các đồn điền cacao tại xứ Cameroon ở Châu Phi và giúp các trẻ này trở lại trường, ILO nhắc lại quan điểm rằng đầu tư vào giáo dục là điều tốt cho tương lai, và buộc trẻ rời trường lớp thật sự làm ảnh hưởng đến tương lai của trẻ, đồng thời dẫn đến tình trạng đói nghèo.
Theo dõi hiện tình lao động trẻ em ở Việt Nam
Việt Nam lâu nay không có thống kê chính thức về số trẻ em bị cưỡng ép lao động. Tuy nhiên, hình ảnh những trẻ nhỏ giúp việc vất vả họăc bị ngược đãi trong các hàng quán hay cơ sở sản xuất nhỏ, bán hàng rong trên đường phố, làm nô lệ tình dục trong các ổ mãi dâm, hay nhặt nhạnh trong các bãi rác, họăc bị buộc phải xin ăn trên đường là những điều thường được thấy.

Theo bà Mai Thị Bích Vân, viên chức Liên đoàn Lao động Thành Phố Hồ Chí Minh, luật pháp Việt Nam buộc rằng trẻ lao động phải từ 15 tuổi trở lên, và môi trường cũng như điều kiện làm việc phải theo qui định của luật lao động.
Đài Á Châu Tự Do tìm hiểu hiện trạng lao động thiếu nhi ở Việt Nam qua Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc Trẻ em, thuộc Bộ LĐ-TB-XH:
"Hiện nay vấn đề lao động trẻ em do Cục Lao động-Việc làm phụ trách. Cục này đang thực hiện đề án về Quyết định 19 về phòng, ngăn ngừa các bóc lột về lao động trẻ em. Cục chúng tôi thực hiện việc bảo vệ, giám sát. Việt Nam đã cam kết trong các công ước quốc tế về trẻ em, bảo vệ trẻ khỏi các ngược đãi."
Tổ chức UNICEF tại Việt Nam liên tục có các hoạt động hỗ trợ thiếu nhi liên can đến vấn đề lao động tuổi thơ, theo như lời của ông Trịnh Anh Tuấn, Phòng Truyền thông UNICEF ở Hà Nội:
"Lao động trẻ em là quan tâm rất lớn của UNICEF, vì vậy UNICEF có các chương trình bảo vệ trẻ em trước những lạm dụng, bóc lột sức lao động của các em. Tuy nhiên các chương trình này chỉ mới ở mức khởi đầu nên chưa có số liệu kết quả cụ thể."
Trong thời gian gần đây Việt Nam xảy ra tình trạng cả chục ngàn học sinh phải bỏ học đi làm, mà một trong những nguyên nhân là vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó.
Tổng giám đốc ILO Juan Somavia tuyên bố rằng các quốc gia phải tranh đấu cho quyền được đi học của mỗi trẻ em, để không còn một trẻ nào phải làm việc mới có thể sống còn, ông và nhắc nhở rằng một nền giáo dục chất lượng cho thiếu nhi là một trong Các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc mà các quốc gia từng cam kết thực hiện.