Trung Quốc và giấc mộng Đại Đông Á: Tai họa tại Nhật là thời cơ

Chúng ta không thể ngây thơ để tin rằng Trung Quốc sẽ không khai thác lợi thế trong hoàn cảnh Nhật bị suy yếu vì thiên tai và đe doạ phóng xạ. Câu hỏi đặt ra chỉ là sớm hay muộn, kín đáo hay lộ liễu, nông nổi hay khéo léo.
Đoàn Hưng Quốc
2011.03.24
000_Hkg4685965-305.jpg Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan nêu ra những nguy cơ thiếu điện và nhu cầu tiết kiệm năng lượng sau khi đóng cửa các nhà máy điện nguyên tử, tại cuộc họp báo ở Tokyo vào ngày 13 tháng 3 năm 2011.
AFP photo

Ngay trong lúc này người dân Hoa Lục còn xúc động trước những thảm cảnh của các gia đình Nhật nên tích cực đóng góp cứu trợ. Bắc Kinh cũng bận rộn một mặt sốt sắng gởi trang thiết bị cùng các toán cứu cấp sang giúp đỡ, mặt khác lo xét lại độ an toàn của các lò nguyên tử trong nước. Tuy vậy lịch sử cho thấy cung cách hành xử của các nước lớn nói chung và của Trung Quốc nói riêng rằng thiện chí sẽ không kéo dài, thay vào đó họ sẽ khai thác các nhược điểm của đối phương để chiếm lĩnh ưu thế về kinh tế, chính trị, quân sự và ngoại giao.[i]

Trước năm 2008 Hoa Lục đã hành xử khéo léo và mềm mỏng trong khi phát triển giao thương ra trường quốc tế. Nhưng từ đó nhiều sự kiện đã khiến Bắc Kinh đổi thái độ trở nên tự tin, xác quyết, đôi khi kiêu ngạo hay trịch thượng[ii] nhất là đối với các nước lân bang:

•    Trước hết là niềm tự hào vì đã tổ chức thành công rực rở Thế Vận Hội năm 2008

•    Nhưng trong 6 tháng trước kỳ Thế Vận Hội đã có nhiều cuôc biểu tình lớn nhất là taị Âu Mỹ phản đối chính sách đối với Tây Tạng khiến Bắc Kinh kết luận có sự đồng tình để triệt hạ uy tín của Trung Quốc

•    Khủng hoảng kinh tế tại Mỹ 2007-09 và Âu Châu 2010 trong lúc Hoa Lục tiếp tục tăng trưởng nhảy vọt từ 8-10% mỗi năm khiến nhiều người nghĩ rằng mô hình thị trường tự do của Tây Phương đã thất bại trong lúc tổ chức tư bản nhà nước của Trung Quốc mới thành công.

•    Nền kinh tế qua mặt Nhật Bản năm 2010 và có thể vượt trội Hoa Kỳ trong vòng 10-20 năm nữa.

000_Hkg4720085-250.jpg
Người mua hàng kiểm tra rau tại một siêu thị ở Tokyo vào ngày 22 tháng 3 năm 2011, sau khi chính phủ ra lệnh ngưng bán các loại thực phẩm gần nhà máy hạt nhân tỉnh Fukushima. AFP photo
Người mua hàng kiểm tra rau tại một siêu thị ở Tokyo vào ngày 22 tháng 3 năm 2011, sau khi chính phủ ra lệnh ngưng bán các loại thực phẩm gần nhà máy hạt nhân tỉnh Fukushima. AFP photo
•    Hoa Lục tích tụ trữ lượng ngoại tệ lớn nhất thế giới 3000 tỷ USD, trong lúc Mỹ đứng hàng đầu với gần15000 tỷ USD tiền nợ.

•    Trung Hoa bành trướng thế lực ra nước ngoài để tăng trưởng mậu dịch và thu mua khoáng sản nhiên vật liệu, trong lúc Mỹ bị sa lầy tại Iraq, A Phú Hãn và trong cuộc chiến chống khủng bố không thấy ngày kết thúc.

Bắc Kinh có thể chọn những phương thức dưới đây có thể xảy ra vào những năm tháng tới để gây khó khăn cho nước Nhật:

1.    Thả bóng thăm dò quyết tâm và khả năng của Nhật bằng cách cho tàu đánh cá, tàu chiến hay trực thăng vũ trang tiến gần vào quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, trong hoàn cảnh dân chúng và chính quyền Tokyo dồn nỗ lực tái thiết. Tuỳ theo phản ứng có thể tiếp tục bằng các toán nghiên cứu khai thác tài nguyên, hay cho ngư dân đổ bộ lên hải đảo cấm cờ.

2.    Sách nhiễu các công ty Nhật bằng cách giới hạn hay chậm trễ cung cấp đất hiếm.

3.    Gây khó khăn cho sự phục hồi của ngành điện lực vốn dĩ thiết yếu cho nền kinh tế Nhật qua các đòi hỏi quốc tế kiểm tra ngặt nghèo những nhà máy điện hạch nhân với mục tiêu an toàn tuyệt đối cho toàn khu vực Đông Á.

4.    Cùng với Nam Hàn & Đài Loan đòi bồi thường các thiệt hại do phóng xạ gây ra để tạo sự hiềm khích giữa các nước.

5.    Tiếp tục tăng trưởng sức mạnh không và hải quân trong hoàn cảnh Nhật phải mang gánh nặng tái thiết.

6.    Tăng áp lực lên nền kỹ nghệ của Nhật bằng cách cho phép nhân công Trung Hoa đình công đòi tăng lương như đã từng làm tại hảng Honda vào năm 2010.

7.    Gây khó khăn qua việc kiểm tra hàng hoá nhập cảng từ Nhật không bị nhiểm phóng xạ.

8.    Dùng Nhật để áp lực Mỹ không hạ giá đồng đô-la vì Nhật hiện là chủ nợ hạng nhì (886 tỷ USD) của Mỹ - chỉ sau Trung Quốc (1154 tỷ USD)[iii]. Nhật lại cần đồng Yen rẻ hỗ trợ cho xuất cảng và phục hồi kinh tế.

Bắc Hàn là một ẩn số đầy bất trắc. Cả Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật, Nam Hàn và Nga đều không muốn có thêm một cuộc khủng hoảng quân sư lúc này – hay tệ hại hơn nữa nếu có liên quan đến hạch nhân - ở vùng Đông Bắc Á. Nhưng bù lại Bắc Hàn dù nương tựa nhưng lại không hoàn toàn lệ thuộc vào Bắc Kinh. Bình Nhưỡng có thể có những động thái bất ngờ như thử nghiệm bom nguyên tử hay bắn phi đạn ngang qua nước Nhật như họ đang ráo riết chuẩn bi trước khi động đất và sóng thần xảy ra, cho dù mục tiêu chỉ để gây uy tín cho người kế nhiệm hay tăng sự chú ý nhằm đạt thêm nhân nhượng trong đàm phán.

000_Par6158891-250.jpg
Một cư dân nhìn vào ngôi nhà bị phá hủy vì sóng thần ở thành phố Rikuzentakata, hôm 22 tháng 3 năm 2011. AFP PHOTO
Một cư dân nhìn vào ngôi nhà bị phá hủy vì sóng thần ở thành phố Rikuzentakata, hôm 22 tháng 3 năm 2011. AFP PHOTO
Người ta không thể loại bỏ khả năng Bắc Kinh dùng quyền lực mềm để giúp đỡ, và sau đó là thuyết phục Nhật Bản ra khỏi quỹ đạo của Mỹ[iv]. Tuy nhiên theo người viết giả thuyết này khó có thể xảy ra vì (1) giữa hai nước còn nhiều mối nghi kỵ và bất đồng lịch sử (2) tham vọng của Bắc Kinh ngày càng lớn (3) Nhật - giống như nước Anh – là một quốc gia hải đảo nên cần dựa vào một thế lực lớn như Hoa Kỳ để cân bằng với sức hút từ phía lục địa.

Nhưng so ra các tranh giành nói ở phần trên chỉ là cục bộ. Điều quan trọng hơn cả là nhà cầm quyền Bắc Kinh vốn đã tự hào về các thành quả đã qua, nay càng thêm phấn khởi khi Nhật bị một đòn rất nặng. Người viết sẽ không ngạc nhiên khi các nhà lãnh đạo và một số thành phần tại Hoa Lục xem rằng thiên thời đã đến để tái sinh chủ thuyết Đại Đông Á[v] - lần này dưới sự lãnh đạo của Bắc Kinh.

Nếu Trung Quốc tạo được một quỹ đạo gồm các nền kinh tế phát triển ở Đông Bắc Á (Nhật Bản – Nam Hàn – Đài Loan) cùng tài nguyên và nhân lực của vùng Đông Nam Á thì sẽ bỏ xa Hoa Kỳ và Âu Châu. Kế hoạch này tuy khó nhưng không phải ngoài tầm tay và tham vọng.

[i] Trường phái chính trị thực tiễn được trình bày trong quyển sách The Tragedy of Great Power Politics của tác giả John J. Mearsheimer (01-2003)
[ii] Tiêu biểu là lời tuyên bố của ngoại trưởng Dương Khiết Trì tại Hội nghị ngoại trưởng các nước Asean mở rộng vào tháng 07-2010:  "Trung Quốc là một nước lớn, đó là một thực tế"
[iii] Tài liệu của cơ quan Ngân Khố Hoa Kỳ 01-2011: http://www.treasury.gov/resource-center/data-chart-center/tic/Documents/mfh.txt
[iv] In Japanese Quake Disaster, a Chinese Opportunity. tác giả MAX FISHER, báo  Atlantic 3-11-2011
[v] Xem tài liệu về Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á trên Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.