Bên ngoài đều là “đối tác chiến lược toàn diện” nhưng trong ruột khác nhau
2021.11.14
Kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39, ASEAN đã nhất trí nâng cấp bang giao song phương với Úc lên thành quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” (CSP) và cũng làm tương tự như vậy với Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực chất các mối bang giao, đặc biệt nhìn vào những động thái mới đây nhất trong các quan hệ ngoại giao đa – song phương ấy, chúng ta thấy, tuy cùng là “đối tác chiến lược toàn diện” cả, nhưng trong nội hàm của mối quan hệ, chúng hoàn toàn khác nhau.
Với Trung Quốc, bang giao vẫn căng thăng
ASEAN thông báo nâng cấp bang giao với Trung Quốc lên “đối tác chiến lược toàn diện” (CSP) chỉ một ngày sau khi đạt thỏa thuận tương tự với Úc. Quyết định này được nêu trong điều 4 Tuyên bố của Chủ tịch sau Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc ngày 26/10, nhưng chỉ được đăng tải trên website của ASEAN ngày 28/10. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ kế hoạch chi tiết của quan hệ đối tác này. Vẫn theo Tuyên bố của Chủ tịch Brunei, “Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn của ASEAN từ năm 2009. Trong năm 2020, lần đầu tiên ASEAN và Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhau, với tổng trị giá trao đổi mậu dịch đạt 516,9 tỉ đô la, tăng 1,8%. Trung Quốc đã đầu tư vào thị trường Đông Nam Á 7,6 tỉ đô la trong năm 2020, chiếm 5,5% tổng số vốn đầu tư nước ngoài và giữ vị trí nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 4 vào ASEAN” [1].
Trong khi đó, những căng thẳng ở Biển Đông với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc được nêu trong hai điểm cuối 26 và 27 của Tuyên bố Chủ tịch. Hai bên nhắc lại “tầm quan trọng của việc áp dụng đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố 2002 về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực để “nhanh chóng đúc kết Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982”. Năm nay, những các hoạt động và các sự cố nghiêm trọng trong vùng, kể cả những hậu quả đối với môi trường biển, đều được các bên đề cập trong Hội nghị. Một lần nữa, Tuyên bố lại nhắc đến tầm quan trọng của việc phi quân sự và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Cả trên lời nói lẫn hành động, rõ ràng, ASEAN, trong đó đặc biệt là Việt Nam hẳn nhiên là coi trọng quan hệ kinh tế – thương mại với Trung Quốc. Còn những căng thẳng do các hành động lấn lướt và bắt nạt của Trung Quốc trên Biển Đông thì cả Việt Nam lẫn ASEAN tiếp tục đấu tranh bằng con đường ngoại giao. Nhẫn nhịn nhưng vẫn nhìn thẳng được hạn chế của CSP khi cả Việt Nam lẫn ASEAN đánh giá những hành động và chính sách an ninh của Trung Quốc “đang làm xói mòn niềm tin, làm gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh, ổn định trong vùng”. Liệu sang năm 2022, khi Campuchia làm chủ tịch ASEAN, đoạn này trong Tuyên bố của Chủ tịch Brunei có được ông Hun Sen nhắc lại hay không? Sự bấp bênh này cho thấy, CSP giữa ASEAN và Trung Quốc chủ yếu là để nhấn mạnh tầm quan trong về kinh tế chứ không hy vọng giải quyết vấn đề an ninh trong quan hệ song – đa phương này.
Ngày 9/11, những gì tại Hội nghị chuyên đề về Hợp tác Hàng hải và Quản trị Đại dương Toàn cầu 2021 theo hình thức trực tuyến tại thành phố Tam Á (Hải Nam, Trung Quốc) càng bộc lộ ý đồ của Trung Quốc muốn chia rẽ ASEAN cũng như đẩy Mỹ và phương Tây ra khỏi khu vực. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố rằng nước này cam kết hợp tác với các nước trong khu vực để mở rộng hợp tác hàng hải, bảo vệ các chuỗi cung ứng hàng hải toàn cầu và đối phó vấn đề biến đổi khí hậu để xây dựng Biển Đông trở thành “vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác”. Phát biểu tại sự kiện thu hút khoảng 800 đại diện đến từ 30 quốc gia và khu vực, Ngoại trưởng Trung Quốc còn nói rằng “chúng ta cần ủng hộ chủ nghĩa đa phương để cùng bảo vệ trật tự hàng hải. Những đại dương và lục địa không phải là trò chơi cạnh tranh có tổng bằng không” [2].
Trung Quốc nói và làm ngược nhau
Ông Vương Nghị tiếp tục nhấn mạnh: “Chúng ta cần cùng nhau thúc đẩy các kết nối hàng hải và tự do thương mại để duy trì sự ổn định của vận tải biển và các chuỗi công nghiệp, đồng thời chúng ta cần phát triển và sử dụng các nguồn tài nguyên biển một cách có trật tự và cùng nhau làm việc để giải quyết những thách thức toàn cầu như tình trạng ấm lên toàn cầu và mực nước biển dâng cao”. Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc cũng cho rằng không nên lợi dụng các đại dương như một công cụ để tìm kiếm quyền lực toàn cầu đơn phương và Trung Quốc “phản đối việc các nước phô trương sức mạnh trên biển, hình thành các bè phái và xâm phạm những quyền lợi hợp pháp của các nước khác để duy trì sự bá chủ hàng hải”.
Tuy nhiên, trước hội nghị nói trên, một số đại diện của các nước ASEAN đã bày tỏ quan ngại về tình hình bất ổn trong khu vực. Còn nhớ hồi tháng 3 năm nay, quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng khi hơn 200 tàu cá Trung Quốc bao vây khu vực Đá Ba Đầu. Hồi đầu tháng 6, Malaysia đã phải triển khai máy bay chiến đấu khi phát hiện 16 máy bay vận tải quân sự của Trung Quốc bay gần không phận của Malaysia mà không thông báo trước. Sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah ngày 20/10 phải khẳng định: “Chừng nào Petronas còn làm việc tại Kasawari, chúng tôi có thể khẳng định Trung Quốc sẽ xâm phạm khu vực đó thường xuyên hơn. Chúng tôi đã luôn luôn phản đối sự xâm lấn ấy. Không thể đếm được số công hàm phản đối mà chúng tôi đã gửi đến Trung Quốc. Song, chúng tôi sẽ kiên định và tiếp tục phản đối thông qua con đường ngoại giao [3].
Đầu tháng 9 năm nay, tàu Hải Dương Địa Chất 10 của Trung Quốc được hộ tống bởi ít nhất sáu tàu quân sự khác, trong đó bao gồm cả tàu khu trục Côn Minh 172, đã xâm phạm trong EEZ của Indonesia. Philippines đã lại phản đối tàu Trung Quốc tái xuất hiện tại khu vực Đá Ba Đầu lần nữa. Còn Việt Nam mới đây cũng lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút tàu cá khỏi các vùng biển trên, tôn trọng chủ quyền Việt Nam. Các hành động này của Trung Quốc cho thấy dã tâm thực sự của Trung Quốc đối với biển Đông, cho thấy sự dai dẳng của Bắc Kinh trong việc thách thức các hoạt động dầu khí của các nước láng giềng trong vùng đặc quyền kinh tế của họ… Bắc Kinh sẵn sàng tiến hành một cuộc leo thang song song để gây áp lực buộc các bên tranh chấp khác phải lùi bước.
Úc triển khai nội dung CSP mới
Chuyến thăm Việt Nam và ba thành viên khác trong ASEAN của Ngoại trưởng Úc từ 5/11 cho thấy, nước Úc sau AUKUS đã bắt tay triển khai ngay “mũi xung kích” trong chính sách đối với khu vực Đông Nam Á. Chuyến công du này với các điểm dừng chân là Malaysia, sau đó là Campuchia, nước sẽ đóng vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm sau, tiếp đến là Việt Nam và cuối cùng là Indonesia. Một số nhà quan sát cho rằng việc đạt được thỏa thuận nâng cấp quan hệ CSP này là một thắng lợi mang tính biểu tượng đối với Canberra trong việc “đi trước Bắc Kinh một bước” để có được một thỏa thuận đầu tiên như vậy với Đông Nam Á, khu vực đang tăng trưởng năng động nhưng cũng đang trở thành đấu trường chiến lược giữa Bắc Kinh và Washington [4]
Trên trang web chính thức, bà Ngoại trưởng Marise Payne cho biết chuyến đi này nhằm mục đích “thúc đẩy mối quan hệ của Úc với các đối tác quan trọng, bao gồm tăng cường công việc chung nhằm phục hồi kinh tế và vấn đề y tế của khu vực trước Đại dịch COVID-19.” Chuyến đi này của bà Marise Payne còn thể hiện ý muốn của Úc trong việc phát triển thị trường tại khu vực này, để thay thế thị trường Trung Quốc đã bị mất. Đồng thời, Úc cũng muốn xoa dịu và trấn an các nước Đông Nam Á trước thoả thuận AUKUS. Mặt khác, Úc cũng muốn tìm những sự ủng hộ từ các quốc gia này đến chiến lược an ninh của mình. Trong đó, chắc hẳn sẽ nhắc tới vấn đề biển Đông. Trong một tuyên bố mới đây với tư cách Chủ tịch ASEAN, Brunei đã đề cập đến các vấn đề Biển Đông sau hội nghị thượng đỉnh với Trung Quốc.
Tuyên bố có đoạn: “Một số nhà lãnh đạo ASEAN đã nêu vấn đề liên quan đến các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực, bao gồm thiệt hại đối với môi trường biển, làm xói mòn lòng tin và sự tự tin, làm gia tăng căng thẳng và có nguy cơ phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”. Tuyên bố không nêu tên Trung Quốc, song các hình ảnh vệ tinh và các nhà quan sát khu vực đều nhắm về phía Trung Quốc. ASEAN đang cố gắng cân bằng quan hệ với tất cả các cường quốc, cho dù, cuộc đối đầu Mỹ – Trung càng lúc càng gay gắt. Sự đối đầu này đã lan sang cả mối quan hệ Úc – Trung, khi hai quốc gia này cáo buộc lẫn nhau gây ra cuộc chiến thương mại giữa hai bên. Trước mối đe doạ nhiều mặt từ Trung Quốc, Úc đã đứng về phía đồng minh truyền thống của mình là Mỹ, khiến Anh, Mỹ và Úc đã thành lập liên minh AUKUS. [5].
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Marise Payne tới Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng hai nước vừa đưa ra Chiến lược Tăng cường hợp tác kinh tế Australia-Việt Nam (EEES), nhằm giúp hai nước trở thành đối tác thương mại hàng đầu của nhau và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều. Trong chuyến thăm này, bà Ngoại trưởng không chỉ gặp các lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, mà còn tham dự và đồng chủ trì Đối thoại Phụ nữ, Hòa bình và An ninh ASEAN – Úc lần thứ hai. Trước đó, trong thông cáo báo chí phát đi hôm 3/11, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết ông và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc thảo luận hiệu quả vào ngày 1/11 bên lề Hội nghị COP26 ở Glasgow, Vương quốc Anh. Hai Thủ tướng thông báo về việc hoàn tất Chiến lược EEES Úc – Việt nhằm củng cố cam kết chung của hai nước về tự do hóa thương mại và kết nối kinh tế, đồng thời sẽ giúp cả hai nước tận dụng các cơ hội thị trường mới nổi, bao gồm năng lượng và nền kinh tế xanh, tiếp tục phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Thay kết luận
Sáng ngày 9/11/2021, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne. Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Marise Payne nhất trí về việc tiếp tục duy trì, thúc đẩy các hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp; triển khai các cơ chế hợp tác hiện có theo nhiều hình thức linh hoạt, thực hiện hiệu quả Chương trình hành động giai đoạn 2020 – 2023 và Chiến lược EEES nhằm sớm tăng gấp đôi kim ngạch thương mại hai chiều, đưa hai nước trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau. Chiến lược cũng nêu bật tiềm năng to lớn của mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia, thông qua việc xác định các lĩnh vực then chốt mà Việt Nam và Australia có thế mạnh riêng để xây dựng nhằm làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ thương mại và đầu tư, bao gồm giáo dục, kỹ năng và đào tạo; tài nguyên và năng lượng; nông, lâm, ngư nghiệp; chế tạo; du lịch; khoa học, công nghệ và đổi mới; kinh tế kỹ thuật số và các dịch vụ khác. [6].
Trong khi đó, với Trung Quốc, Việt Nam tiếp tục phản đối tầu cá Trung Quốc hoạt động ở cụm Sinh Tồn. Khoảng vài chục tầu cá Trung Quốc trở lại hoạt động ở đá Ba Đầu (Whitsun Reef), thuộc cụm đảo Sinh Tồn (Union Banks), quần đảo Trường Sa, mà Việt Nam khẳng định chủ quyền. Theo hình ảnh của Planet Labs, được trang RFA trích đăng ngày 3/11, hàng chục tầu cá Trung Quốc hoạt động ở phía Bắc cụm Sinh Tồn. Trước đó, Tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI) nhận thấy số tàu Trung Quốc đến khu vực này ngày càng tăng, khoảng 40 tầu vào tháng 8/2021 lên thành hơn 150 tầu vào tháng 10, theo hình ảnh vệ tinh chụp ngày 17/10. Theo AMTI, dường như đó là những tầu dân quân biển Trung Quốc, vì không nhận thấy hoạt động đánh bắt.
Trả lời họp báo trực tuyến ngày 4/11/2021, phó phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Phạm Thu Hằng tuyên bố: “Việc các tàu Trung Quốc hoạt động trong phạm vi lãnh hải Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”. Một lần nữa, bà Phạm Thu Hằng khẳng định “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”, đồng thời yêu cầu Trung Quốc rút hết số tầu này khỏi cụm Sinh Tồn. [7].
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
__________________
Tham khảo:
1. https://baotintuc.vn/long-form/emagazine/phat-trien-thinh-vuong-asean-20211102092932289.htm
2. https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/china-sweet-talks-other-scs-claimants-11112021122138.html