Tân TBT Tô Lâm sẽ tiếp tục di sản 'dở dang' của người tiền nhiệm thế nào? (Phần hai)

Bài bình luaận của Huỳnh Trần
13-8-2024
Tân TBT Tô Lâm sẽ tiếp tục di sản 'dở dang' của người tiền nhiệm thế nào? (Phần hai) Ông Tô Lâm viếng ông Nguyễn Phú Trọng hôm 25/7/2024
AFP

Tân Tổng bí thư Tô Lâm sẽ duy trì chế độ “kiểu Putin”?

Không là người kế vị chính thức nhưng một số động thái thể hiện ban đầu của Tân Tổng bí thư Tô Lâm được quan sát với những sự kiện diễn ra đồng thời cho thấy ông ấy sẽ nỗ lực “kiểu Putin” để bảo vệ chế độ toàn trị.

Ngày 20/6/2024 với tư cách Chủ tịch nước, ông Tô Lâm chủ trì lễ long trọng đón chính thức Tổng thống LB Nga V. Putin thăm cấp Nhà nước tới Hà Nội theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (lúc đó bệnh tình đã rất nặng).  Tiếp theo, ngay sau khi nhậm chức TBT đảng, ông Tô Lâm đã thể hiện quan điểm cầm quyền là phát huy cao nhất tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc."[1] Nguyên thủ quốc gia đầu tiên mà ông ấy điện đàm, được truyền thông trong và ngoài nước đưa tin rộng rãi, là Tổng thống Putin, trong đó nhấn mạnh rằng hai nước có mối quan hệ truyền thống hữu nghị và nay Nga có ‘tầm quan trọng chiến lược’ với Việt Nam.[2]

Một cơ sở quan trọng cho nhận định trên là hai nhân vật Tô Lâm và Putin lên nắm quyền tối cao với xuất thân từ ngành an ninh. Một sự tương đồng thú vị có ảnh hưởng lớn trong sự nghiệp cầm quyền của họ trong thời hiện tại và cung cấp cơ sở ngoại suy trong tương lai. Lưu ý rằng, dưới chế độ toàn trị hay chuyên chế (dictatorship) các lãnh tụ đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối nội và đối ngoại. Hơn thế, hãy cùng xem xét một số sự kiện chủ yếu khi hai nhân vật này trong bối cảnh những ngày đầu tiên kế vị.

Trước tiên là câu chuyện tóm tắt về V. Putin ở nước Nga. Năm 1999 cố Tổng thống Nga Boris Eltsin đã nhiều lần cân nhắc người kế vị. Các ông Anatoly Chubais, Boris Nemtsov, Sergei Stepashin hoặc Nikolai Aksenenko – các chính trị gia quan trọng dưới quyền được B. Eltsin ‘để ý’ nhưng cuối cùng V. Putin đã được lựa chọn. Vì sao một cựu điệp viên KGB (Ủy ban An ninh Quốc gia, tiếng Nga: Комитет государственной безопасности - KГБ) thay thế mình?

Lý do quan trọng Putin được lựa chọn, ngoài những phẩm chất cần có ở người lãnh đạo, theo tiết lộ của ông chánh văn phòng Tổng thống Nga, Valentin Yumashev trong cuộc phỏng vấn với hãng BBC, rằng xuất thân từ KGB Putin cứng rắn đến ‘lạnh lùng’ để “sẵn sàng cho những nhiệm vụ khó khăn hơn."[3]  Còn điều không thể ‘tiết lộ’ nhưng ai cũng hiểu là Putin cam kết ‘bảo vệ’ cho gia đình Eltsin sau khi rời chức vụ.

Tất cả những gì diễn ra sau đó với chế độ Putin như chúng ta đã chứng kiến. Khi trở thành tổng thống, ông ấy tập hợp xung quanh mình những người đồng hương từ St. Petersburg, điển hình là D. Medvedev để tạo thành bộ đôi cầm quyền suốt một phần ba thế kỷ. Ngoài ra, các đồng nghiệp an ninh từ KGB cũng được ưu tiên bố trí vào các vị trí chủ chốt trong guồng máy nhà nước, thay đổi luật pháp để có thể cai trị suốt đời… Trong tình huống khó khăn, chẳng hạn khi sa lầy trong cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, ông ấy đã biến nước Nga thành nhà nước cảnh sát (Police State)[4]  đối địch với phương Tây.

Ở Việt Nam trong những năm tháng cuối đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xảy ra những “diễn biến trời long đất lở trên chính trường Việt Nam”,[5] trong đó Bộ Công an và cá nhân Bộ trưởng Tô Lâm, uỷ viên Bộ Chính trị đóng vai trò nổi bật. Điều này giúp ông giành quyền lực và thăng tiến nhanh trở thành chủ tịch nước và tân tổng bí thư. Trước hết, trong thời gian ngắn các lãnh đạo trong “ngũ trụ” bị mất chức. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc “thôi giữ mọi chức vụ đảng, nhà nước và nghỉ hưu” vào ngày 17/1/2023; Sự kiện tương tự cũng xảy ra ngày 21/3/2024 đối với ông chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, người lên thay ông Phúc; Với ông chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mất chức vào ngày 2/5/2024; Tương tự với bà Bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban bí thư, việc “từ nhiệm” xảy ra ngày 16/5/2024. Đảng không nêu rõ cụ thể lý do nhưng “suy đoán” có liên quan đến tham nhũng…

Hai là, “nhanh chóng kiện toàn” một số “ghế trống” trên của đảng và nhà nước, lần lượt theo thời gian thực, trong đó: Ông Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, được phân công thay bà Trương Thị Mai làm thường trực Ban Bí thư ngày 16/5/2024; Tất cả các nhân sự bổ sung vào Bộ Chính trị là từ các ban đảng; Tại Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 Ông Tô Lâm, được Đảng cử và Quốc hội bầu làm chủ tịch nước ngày 22/5, thay cho ông Võ Văn Thưởng mất chức…

Ba là, một số nhân vật thân tín với ông Tô Lâm từ ngành an ninh được đề bạt nhanh chóng vào các vị trị quan trọng trong bộ máy đảng như Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, thứ trưởng Bộ Công an, ngày 3/6/2024 “nhận quyết định” làm chánh văn phòng Trung ương Đảng; Ngày 6/6, Thượng tướng Lương Tam Quang, thứ trưởng Bộ Công an, được bầu làm tân bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ khoá 13;

Bốn là, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời, Chủ tịch nước Tô Lâm được bầu làm tổng bí thư tại Hội nghị bất thường của Ban chấp hành Trung ương (BCHTƯ) Đảng CS Việt Nam vào sáng ngày 3/8/2024…

Những biến cố “long trời lở đất” chắc chắn không chỉ giới hạn trong danh sách trên và sẽ tiếp tục trong quá trình tân Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm theo đuổi quyền lực tuyệt đối để “kiện toàn” bộ máy lãnh đạo đảng. Mới đây, ngày 8/8 thiếu tướng Vũ Hồng Văn, người đồng hương của ông Tô Lâm, vừa được Bộ Chính trị điều động giữ chức phó chủ nhiệm Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ông này nguyên là Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ thuộc Bộ Công an…

Chính thức khép lại thời cố TBT Trọng, tân tổng bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm cầm quyền và bắt đầu giai đoạn “khó lường” trên chính trường Việt Nam. Trong những tháng cuối đời điều trị bệnh của TBT Trọng đã có những tin đồn rằng ông liệu ấy có thể đã bị tiếm quyền.[6]  Giả sử như vậy thì việc “tiếm quyền” này là hệ quả tất yếu của quá trình tăng cường an ninh chế độ,[7] mà nguồn gốc xuất phát từ “bài học từ sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu” trước đây.[8]  Trong quá trình áp dụng kinh tế thị trường giới cầm quyền luôn “đề phòng” sự “tự chuyển hoá, tự diễn biến” trong nội bộ trước những  ảnh hưởng của các giá trị tự do dân chủ phương Tây. Thể chế hoá, xây dựng và áp dụng các luật, như Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật Phòng thủ dân sự…,  để tăng quyền lực cho an ninh đồng thời với bố trí ê-kíp lãnh đạo chủ chốt của hệ thống này từ cương vị cao nhất như tổng bí thư, chủ tịch nước và quá trình kiện toàn nhân sự đảng theo hướng “cảnh sát hoá” đang được nỗ lực thúc đẩy.

Với những “ưu thế” quyền lực rõ ràng thuộc về phái ‘công an’ như nêu trên, tân Tổng bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm đã sẵn sàng thể hiện là lãnh đạo quyền lực “vô đối” trong đảng. Trong Hội nghị bất thường ngày 3/8/2024  ông  ấy đã được bầu với số phiếu tuyệt đối 100%! Cũng ngay tại Hội nghị này đã có 4 (bốn)  uỷ viên bị loại khỏi BCHTƯ, đồng nghĩa với việc mất chức với những hình thức kỷ luật khác nhau sau này: phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và hai Bí thư tỉnh uỷ là là ông Nguyễn Xuân Ký của tỉnh Quảng Ninh và Chẩu Văn Lâm của tỉnh Tuyên Quang…  

Quá trình thâu tóm quyền lực ban đầu đã diễn ra “thuận lợi” và việc củng cố sẽ tiếp tục cho đến và từ Đại hội 14. Tuy nhiên, cai trị nhờ bạo lực bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi không khi nào được coi là giải pháp bền vững, nhưng có tác dụng trong tình huống cấp bách để bảo vệ chế độ. Hệ thống chính trị chỉ có thể duy trì ổn định khi nó được thiết lập và vận hành để phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả. Nếu thất bại, nguy cơ về một nhà nước cảnh sát sẽ là một cảnh báo. Trước mắt, liệu ông Tô Lâm có thể đóng vai trò nhất thể hoá hai chức trong “tứ trụ” của chính trị Việt Nam, kéo dài cho đến khi nào vẫn “rào cản” trong bối cảnh nguyên tắc tập thể lãnh đạo, dựa vào “đồng thuận chung”, về hình thức, vẫn còn dưới thời ông Trọng. Bởi vậy, câu hỏi lớn vẫn là liệu tân Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có thể cải cách thể chế lâu nay của Việt Nam hay không và thế nào? Trong đó, những thách thức thực sự đối với ông ấy và ê-kíp, cả về đối nội và đối ngoại, đến từ các vấn đề hiện hữu trong giai đoạn thoái trào của chế độ[9] do tích tụ những mâu thuẫn giữa “thượng tầng” chính trị và “hạ tầng” kinh tế, trong đó chống tham nhũng và bảo vệ hệ tư tưởng đảng là hai di sản dở dang có liên quan mật thiết tới tăng trưởng kinh tế và đời sống xã hội…

(Còn tiếp) 

* Bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á châu Tự do

Tham khảo:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.