Thị trường hoá đất đai làm rối loạn chế độ nhưng Luật Đất đai sẽ sửa đổi thế nào?
2021.07.19
Thị trường hoá đất đai như nguồn lực tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời làm rối loạn chế độ. Thực tế đòi hỏi sửa Luật Đất đai 2013, nhưng sửa thế nào đang là câu hỏi lớn.
Điều 4 Luật Đất đai 2013 hiện hành quy định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Quản lý ở đây là “trao quyền sử dụng”, nhưng trong thực tế một cơ chế “Sở hữu toàn dân, tư nhân sử dụng” đã được hình thành khi thực hiện chuyển đổi kinh tế sang thị trường. Trong quá trình này, động lực kinh doanh được khuyến khích đồng thời với thúc đẩy quá trình tư nhân hoá dưới nhiều hình thức đảm bảo cho việc vận hành kinh tế theo các nguyên tắc thị trường.
Ngay trong những năm 1980, thời kỳ đầu của chính sách Đổi mới, “Cơ chế khoán trong nông nghiệp” - giao đất cho nông dân canh tác và họ trực tiếp thụ hưởng kết quả lao động vượt trên mức khoán, không những đã giúp Việt Nam đủ ăn mà còn dần trở thành một trong ít nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới.
Lúc khó khăn “đổi đất lấy hạ tầng”, khi “mở cửa” hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, đất đai trở thành nguồn “vốn góp” để thành lập các công ty liên doanh với tư bản nước ngoài, khởi đầu để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Sau đó, các “khu công nghiệp, khu chế xuất” ở nhiều tỉnh, thành phố cạnh tranh “trải thảm đỏ” cho các nhà đầu tư. Sau 30 năm, khu vực FDI đã đóng góp khoảng trên 30% GDP và 70% vào xuất khẩu.
Cùng với quá trình chuyển đổi kinh tế sang thị trường, trong đó “thị trường hoá” đất đai có ý nghĩa quan trọng đối với tích luỹ tư bản ở trong nước. Tích luỹ tư bản vừa là quá trình vừa là động lực kinh doanh khiến những dự án bất động sản đa dạng như các khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái hay tâm linh và khu chung cư được xây dựng, phát triển ở mọi miền đất nước, đáp ứng nhu cầu của người dân. Phần lớn các dự án bất động sản lớn nhỏ thuộc “quyền sử dụng” của tư nhân.
Các tập đoàn tư nhân lớn, “nhiều đại gia Việt giàu siêu tốc” nhờ đất đai và một tầng lớp “tư sản dân tộc”, doanh nhân được hình thành. Hàng trăm người giàu nhất được nhận diện trên sàn chứng khoán với số vốn từ một vài chục tỷ, tương đương nhiều triệu đô la Mỹ trở lên, trong đó tên của một số đã xuất hiện trên trên Forbes, Tạp chí uy tín hàng đầu thế giới về xếp hạng những người giàu có số tài sản “tỷ đô”. Những năm gần đây, sự dịch chuyển vốn từ lĩnh vực bất động sản sang các lĩnh vực khác như dịch vụ, thương mai, và thậm chí sản xuất, được quan sát là những tín hiệu tích cực.
Giờ đây, đất đai không chỉ còn được sử dụng như phương tiện sống đơn thuần về nhà ở, vườn tược, mà đã trở thành tài sản quý giá cùng với sự phát triển của thị trường, vấn đề sở hữu tư nhân và quyền tài sản là một trong những vấn đề cấp thiết. Trái ngược với vai trò của đất đai như động lực phát triển kinh tế, cải cách chính trị không theo kịp để đáp ứng thực tế. Đất công, tài sản công trở thành “dư địa màu mỡ”cho quan chức trong bộ máy đặc quyền trục lợi và tham nhũng, khi quyền lực công thiếu cơ chế kiểm soát hữu hiệu.
Thị trường hoá đất đai làm rối loạn chế độ, trước hết là quốc nạn tham nhũng. Trước nguy cơ sụp đổ chế độ, chiến dịch “đốt lò” được phát động và tăng cường. Ước tính có khoảng 80% trong số hàng chục nghìn vụ việc bị xử lý kỷ luật đảng và chính quyền đối với các quan chức các cấp từ trung ương đến địa phương về tham nhũng, sai phạm, liên quan tới đất đai. Đảng thừa nhận “một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, đảng viên” suy thoái về tư tưởng đạo đức và lối sống có nguyên nhân từ đất đai. Mới đây, nhiều lãnh đạo cao nhất của các tỉnh uỷ tỉnh Bình Dương, Khánh Hoà, Phú Yên… đã đồng loạt bị kỷ luật đảng và bị truy cứu hình sự do có vi phạm liên quan đến đất đai.
Thất thoát, lãng phí tài sản công, gây bức xúc xã hội và đánh mất niềm tin của người dân vào chế độ là những hậu quả nhãn tiền. Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2019 xác định 98% đơn khiếu nại mà Bộ này nhận được thuộc lĩnh vực đất đai, khoảng 80% các khiếu kiện của người dân đều liên quan đến đất đai. Nhiều thảm cảnh xảy ra đối với dân oan. Các vụ việc như “Đoàn Văn Vươn” ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, “Đồng Tâm” ở Mỹ Đức Hà Nội, “Thủ Thiêm” ở Thành phố Hồ Chí Minh… là điển hình gây nên “bức xúc” tột đỉnh dẫn đến phản ứng tự phát của người dân…
Sửa đổi cơ bản Luật Đất đai đồng thời với bộ máy thực thi đã trở nên cấp thiết. Tại buổi tiếp xúc với cử tri để ‘vận động bầu cử’ hôm 9/5/2021 tại Hải Phòng, ông Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ nói nếu tiếp tục được bầu làm đại biểu Quốc Hội khóa 15 thì ông ấy sẽ chú tâm giải quyết những bức xúc về đất đai. Ông cho biết Luật Đất đai 2013 sẽ dự kiến được xem xét, sửa đổi trong năm 2022.
Tuy nhiên, theo Tờ trình của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/6, về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, không có nội dung xem xét sửa đổi Luật Đất đai 2013 trong các kỳ họp Quốc hội khoá 15 trong hai năm 2021-2022. Sự chuẩn bị đề án cần có sự chỉ đạo của Đảng. Cuối tháng 6 vừa qua, ông Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã khởi động quá trình này. Ban Cán sự đảng của các Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính được yêu cầu tham gia tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 31/10/2012 của Đảng về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Sửa cơ bản Luật Đất đai 2013 đang là câu hỏi lớn. Liệu sửa cơ bản lần này có sa vào “vết xe đổ” của các lần trước vào năm 1993, 2003, coi sở hữu tư nhân là “nhạy cảm” đã dẫn đến bế tắc. Một nghị quyết về đất đai như thế nào sẽ được ban hành.
Mâu thuẫn cơ bản giữa “sở hữu toàn dân” – nền tảng của chế độ và kinh tế thị trường đang làm rối loạn chế độ. Cuộc cải cách ruộng đất năm 1953 khởi đầu cho quá trình quốc hữu hoá đất đai, thì nay thị trường hoá đòi hỏi quá trình ngược lại - tư nhân hoá. Xu hướng thay đổi này cần phải được tôn trọng và thể hiện trong các quy định cụ thể, rõ ràng về các quyền và trách nhiệm, cơ chế công khai minh bạch và giải trình của Nhà nước và của người sử dụng trong Luật Đất đai. Trong đó, quyền sở hữu đất đai và tài sản của công dân cần được coi là quyền “tự nhiên” – quyền mưu cầu sinh tồn của con người mà Nhà nước có nghĩa vụ bảo vệ, chứ không phải ngược lại.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.