Không chỉ là thất bại của “chính sách ba không”

Chiến Thành
2019.07.17
tuchinh13 Tàu thăm dò địa chấn của Trung Quốc ở ngoài khơi Việt Nam
Courtesy of Twitter Ryan Martinson/ RFA Edited

Mãi cho đến tối 16/7/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam mới nói gần nói xa (vì chẳng qua không dám nói thật!) về sự kiện nóng bỏng suốt mấy tuần qua ngoài bãi Tư Chính. Nhưng tuyên bố của bà Hằng không động chạm gì đến tàu thăm dò địa chấn Hải Dương-8 (Haiyang Dizhi-8), thậm chí hai tiếng “Trung Quốc” cũng không hề được bà nhắc tới.

Tệ hơn kịch bản HD-981

Trong khi đó, từ 3/7/2019, theo các hãng tin quốc tế, do tàu Hải Dương-8 tiến hành cái gọi là “thăm dò địa chấn” trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, nên các tàu có vũ trang của Việt Nam đã đối đầu với các tàu cùng loại của Trung Quốc trên “bồn trũng” Tư Chính – Vũng Mây.

Trong thời gian tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu cảnh sát biển Việt Nam vờn nhau, báo chí chính thống của cả hai nước đều im hơi lặng tiếng. Đây là hiện tượng bất thường, vì bối cảnh bang giao Việt – Trung cũng như quan hệ Việt – Mỹ hiện nay có nhiều biến số khác các giai đoạn lịch sử trước đây.

Sự khác biệt quan trọng nhất, quan hệ Việt – Mỹ hiện được giới quan sát đánh giá là đang đứng trước khúc quanh mới. Nếu sức khoẻ cho phép, Tổng chủ Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm Washington vào mùa Thu này. Mùa thu 1945, Hồ Chí Minh đã đầu tư rất nhiều công sức để trở thành đồng minh của Hoa Kỳ, nhằm đẩy lùi cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Nhưng định mệnh đã không chiều lòng Cụ.

Mùa Thu này, liệu “hậu duệ” của Hồ Chí Minh có tạo dựng được một tư thế để “bẻ ghi chiến lược” khi mà Trung Quốc vốn đang tìm mọi cách hãm phanh Việt Nam trên vòng đua nước rút trở thành “đối tác chiến lược” của Mỹ? Để trả lời câu hỏi này nên mổ sẻ sâu hơn về động cơ “quấy rối” vừa rồi của Trung Quốc.

Mùa Thu này, liệu “hậu duệ” của Hồ Chí Minh có tạo dựng được một tư thế để “bẻ ghi chiến lược” khi mà Trung Quốc vốn đang tìm mọi cách hãm phanh Việt Nam trên vòng đua nước rút trở thành “đối tác chiến lược” của Mỹ? Để trả lời câu hỏi này nên mổ sẻ sâu hơn về động cơ “quấy rối” vừa rồi của Trung Quốc.

Vào lúc này, do mọi chuyện đang bị che đậy một cách đáng ngờ, nên chưa thể xác định là phản ứng của ban lãnh đạo Việt Nam đã đủ mạnh hay chưa, có tương tự như hồi năm 2014 hay không. Bởi theo đánh giá chung, Việt Nam dường như phản ứng dưới mức cần thiết, vì tự nhận thấy lần này không hẳn là bản dạo đầu của một vụ giàn khoan mới theo kiểu HD-981.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia quốc tế, nếu vị trí của HD-8 lần này thực sự được xác nhận ở phía tây đảo Trường Sa Lớn, thuộc quần đảo Trường Sa, thì đợt“quấy nhiễu” vừa rồi là hết sức nhậy cảm đối với Hà Nội. Trường Sa Lớn là đảo lớn nhất mà Việt Nam kiểm soát và cũng là đảo đông dân nhất trong các đảo của Việt Nam tại đây. Năm 2017 và 2018, Trung Quốc đã cáo buộc Việt Nam vi phạm tinh thần hiểu biết lẫn nhau giữa lãnh đạo hai nước.

Một đợt “lấn sân” mới

Những gì diễn ra xung quanh bãi Tư Chính trong những tuần đầu tháng 7 nếu được xác nhận, thì rõ ràng Trung Quốc đang chuẩn bị một đợt “lấn sân” mới, đòi hỏi chủ quyền nhiều hơn trên Biển Đông và buộc Việt Nam phải tiếp tục lùi bước. Trên thực tế, Việt Nam đã lùi trong hai năm 2017 và 2018 khi công ty Repsol (Tây Ban Nha) bị ép phải ngưng khoan thăm dò dầu khí ngay trong vùng thềm lục địa của Việt Nam.

Những gì diễn ra xung quanh bãi Tư Chính trong những tuần đầu tháng 7 nếu được xác nhận, thì rõ ràng Trung Quốc đang chuẩn bị một đợt “lấn sân” mới, đòi hỏi chủ quyền nhiều hơn trên Biển Đông và buộc Việt Nam phải tiếp tục lùi bước.

Và bây giờ là mùa Thu 2019, thời điểm quan hệ Việt – Mỹ đang đứng trước thử thách. Trong khi hai bên đang rục rịch chuẩn bị nâng cấp quan hệ thì vừa qua tổng thống Trump, không phải ngẫu nhiên, đã nổi đoá một cách bất ngờ về vụ các công ty Việt Nam tiếp tay cho công ty Trung Quốc tuồn hàng sang Mỹ trong bối cảnh cuộc thương chiến Mỹ – Trung vào hồi cao trào.

Chưa hết! Nhiều câu hỏi được đặt ra là tại sao cũng vào thời điểm này, các công ty Mỹ làm ăn ở Việt Nam lại đua nhau phàn nàn về những thách thức họ gặp phải trong các hoạt động kinh doanh ở đây. Những thách thức ấy đâu có gì  mới nhưng tại sao được trưng ra lúc này, bao gồm nạn tham nhũng, cơ sở luật pháp yếu kém, cũng như việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ không nghiêm túc…

“Trăm dâu đổ đầu tằm”. Nếu bang giao Mỹ – Việt rồi đây có những bước thụt lùi đáng tiếc, thì trách nhiệm lịch sử thuộc về ai? Muốn làm rõ vấn đề này, ban lãnh đạo ĐCSVN nên cùng nhau làm một cuộc bứt phá về tư duy. Nếu vẫn mắc kẹt trong tư duy coi Mỹ là đối tượng tác chiến thì thật khó có thể thoát khỏi tình trạng “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” về chiến lược.

Đúng là Mỹ đang cần Việt Nam trong chiến lược xoay trục sang châu Á (IPS), nhưng nếu Hà Nội cứ “lửng lơ con cá vàng”, thậm chí để Bắc Kinh “lấn sân” một cách nguy hiểm thì không loại trừ Mỹ phải tính những nước cờ khác! Hãy cùng nhau hình dung kịch bản sau đây: Mỹ sẽ tuyên bố áp thuế nặng lên các hàng hóa của Việt Nam như đối với Trung Quốc.

Cùng với việc áp thuế, Mỹ cũng sẽ không bày tỏ thái độ gì trước những “quậy phá” tiếp theo của Trung Quốc trên Biển Đông theo kiểu “tằm ăn dâu”. Nếu tất cả những điều này xẩy đến cùng một lúc, thì đấy là thất bại nhãn tiền của “chính sách ba không”. Tương tự, nếu ASEAN cũng khoanh tay đứng nhìn mỗi khi Việt Nam bị bắt nạt và bị đe dọa thì rõ ràng ASEAN đã bị phân hoá theo đúng như kịch bản của Bắc Kinh.

Mà đấy cũng không chỉ là thất bại của “chính sách ba không”! Những kịch bản nói trên, nếu xẩy ra, nó còn phản ánh thế “ngõ cụt” về chiến lược của Việt Nam trong một giai đoạn đầy sóng gió trước mắt

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.