Từ thiện và phẩm giá người vùng lụt

Huỳnh Nhơn
2020.10.31
  ttt Hình minh hoạ. Một người dân vùng lũ nhận tiền từ người tình nguyện ở Quảng Bình hôm 23/10/2020
Reuters

Đây sẽ là một bài viết không có nhiều con số từ các nghiên cứu chính thức về bản chất của cứu trợ, công tác xã hội, tính bền vững của cứu trợ xã hội và phẩm giá của người được cứu trợ.

Vì tôi sẽ nói về cảm xúc của mình khi nhìn những đôi tay xòe ra, ánh mắt van vỉ, cử chỉ xin xỏ và thái độ nằn nì của khá nhiều người dân miền Trung, các vùng ngập lụt bão lũ, thể hiện qua các video live stream mà nhóm của ca sĩ Thủy Tiên đang trực tiếp đến phát tiền.

Tôi sẽ ăn gạch đá đủ cho bài viết này.

-Người ta đang đói còn đòi giữ thể diện à? Mất não.

-Người miền Trung chất phác như vậy thôi, không lẽ phải mặc đồ đẹp lên nhận tiền cứu trợ à?

-Nhà cửa tài sản cả đời người ta trôi hết mất rồi, quá khổ nên mới vậy. Thớt có cho được ngàn nào hay ngồi đó cào phím?

-ĐHS ( x hiểu sao) giờ này vẫn có thằng sân si dòm ngó từng cái chuyện nhỏ của người ta. Giỏi thì đi làm phụ chị Thủy Tiên đi không ai mượn làm thánh phán nha cha nội.

Đại loại phản ứng của đại đa số người đọc Việt Nam sẽ là như vậy.



Trên các video của ca sĩ Thủy Tiên, hôm qua đã bắt đầu có náo loạn. Người dân được phát tiền theo phiếu nhưng vẫn có nhiều người chen hàng, kéo theo người khác, trình bày kể khổ. Cô cũng dễ dàng rút thêm tiền đưa một số người có vẻ ngoài đáng thương. Trước đó, một ông cụ ở Hà Tĩnh vay ngân hàng 200 triệu đồng và bị nước cuốn mất gia súc cũng nằn nì xin thêm tiền, ngoài số 10 triệu Thủy Tiên phát cho mỗi hộ. Nghe xong ông cụ trình bày và hỏi vài câu với người dân địa phương, cô quay người rút ngay 200 triệu đồng đưa lập tức.


“Chị Thủy Tiên tốt lắm. Cứ thấy người già là chị cho thêm tiền à”-fans của Thủy Tiên bắt đầu bùng nổ comments (cmt).

Vài lời cảnh báo, lo ngại sự cảm tính trong hành động này chìm nghỉm trong đại dương tung hô “Chị Thủy Tiên đúng là tiên giáng trần cứu giúp dân miền Trung” “Chị là Phật sống chị ơi”. Sự rộng lượng của dân mạng nhanh chóng lây qua chồng cô-cựu danh thủ Công Vinh: “Bàn thắng lớn nhất trong đời của Công Vinh chính là Thủy Tiên”.

Và vô số cmts bộc phát: “Chị ơi xin ghé nhà em, xóm em, đau lòng lắm, không còn gì ăn, sắp chết đói, 12 ngày rồi không một đoàn nào cứu trợ”…

Và cũng rất nhanh, có những cmts an ủi: “Bạn ơi chờ đi thế nào chị Tiên cũng đến mà”.

Rồi cũng bắt đầu có những cmts: “Gia đình tôi ở đây đóng đủ hết tiền mà xã không phát phiếu nhận tiền, thật sự không công bằng”.

Thực tế, ngay sau đó tại vài nơi Thủy Tiên đi phát tiền đã có những người dân sau khi nhận tiền thì quay lại thắc mắc tại sao người ít người nhiều.

Những người có chuyên môn về hoạt động xã hội đã lo lắng tình trạng này.

Phạm Trường Sơn, Giám đốc các chương trình NPO của Trung tâm LIN (một tổ chức phi chính phủ) viết một status được nhiều người trong nghề đồng tình.

“VÀI CÂN NHẮC KHI TRAO QUÀ TỪ THIỆN (hoạt động sau cứu trợ khẩn cấp)

Từ thiện là công việc của nhân đạo cần sự tử tế và bao dung, công việc sẽ chắc chắn nhiều nhóm làm hậu thiên tai. Số lượng hay chất lượng của món quà chỉ là phần nhỏ mà tấm lòng người trao mới là phần quan trọng. Vì vậy cần tránh:

1. Quy tụ một số đông người ở Ủy ban xã và mang tới một đống quà để bà con xếp hàng phát. Việc làm này hoàn toàn không đúng vì nó không thể hiện có giao tiếp và rất cao thấp. ĐÂY LÀ BỐ THÍ.

Cần làm: khi quy tụ nhiều người cần tổ chức như 1 buổi họp mặt bà con như hội chợ mua sắm, nếu được có văn nghệ phục vụ và phân nhiều quầy để bà con nhận nhiều loại quà. Nếu cẩn thận thì tìm hiểu trước xem bà con cần gì và chuẩn bị quà phù hợp.

2. Khi đến từng nhà trao thì không nên thực hiện cho nhanh để đi trao tiếp nhà khác vì ĐÓ LÀ ĐI CHO CÓ LỆ.

Cần làm: dành 5-10 phút vào nhà ngồi trò chuyện, hỏi thăm bà con. Xin phép được chụp hình hay quay phim và lễ phép trao chút tấm lòng, nhấn mạnh là quà này của nhiều người nhờ mình trao tặng lại và chúc sức khỏe bà con.

3. Cần dẹp bỏ THÁI ĐỘ BỀ TRÊN cao thấp hay trịch thượng xem mình là thánh nhân đến trao quà từ thiện. Việc như vậy rất thường xảy ra ở cả những người đi làm từ thiện nhiều hay ít gặp phải.

Cần làm: từ thiện sử dụng thêm lý trí và lòng bao dung, nếu tặng trẻ em, người già cần cúi chút người xuống để mình bằng với họ và nâng hai tay trao món quà của mình cũng là tấm lòng thành của nhiều người gởi gắm.

Nho nhỏ thế nhưng thực hành rất khó khăn, tuy nhiên khi đã làm được như vậy, bảo đảm người nhận và người trao đều cảm thấy ấm lòng.”

Chúng tôi từng đến khá nhiều ngôi nhà nuôi những người già bán vé số. Thoạt nhìn, ai cũng đáng thương đến tức tim. Cái gì họ cũng cần, cái gì cũng thiếu. Nhưng lân la qua lại một thời gian dài, cộng với tìm hiểu thêm ở những người xung quanh, chúng tôi vỡ ra một sự thật. Ngôi nhà bẩn thỉu, gãy vỡ từng được một người hảo tâm đề nghị sơn sửa cho sạch sẽ, nhưng chính các cụ không đồng ý. Tặng áo quần đã mặc qua nhưng còn mới đến 80%, các cụ không mặc. Tặng xe lăn, các cụ không dùng. Thậm chí chính quyền đã đề nghị mua lại chính ngôi nhà các cụ đang ở chung rồi giao cho họ quản lý, các cụ không đồng ý nốt. Vì khi mặc quần áo trông khổ sở, sống trong ngôi nhà tăm tối, chống nạng hay lê lết đi trên đôi tay hay chiếc ghế thì các cụ mới bán được nhiều vé số nhất, hay được nhiều nhóm từ thiện tặng nhất, mỗi lần tặng nhiều quà nhất. Đấy mới là nguồn lợi lâu dài và lớn nhất của các cụ.

Hình minh hoạ. Người dân ở Mỹ Thượng Lộc, Quảng Bình nhận hàng cứu trợ hôm 26/10/2020
Hình minh hoạ. Người dân ở Mỹ Thượng Lộc, Quảng Bình nhận hàng cứu trợ hôm 26/10/2020
Reuters

Tôi từng đi tặng quà đêm Giáng sinh với các bạn trẻ trong nhà thờ. Trước khi đi trao quà, chúng tôi được dạy kỹ: Phải tìm đến những người vô gia cư, người lang thang vỉa hè thật sự. Khi trao, phải giữ cơ thể bằng độ cao với họ (ví dụ họ đứng thì mình đứng, họ đang ngồi hay nằm thì mình phải ngồi hẳn xuống), xin chào, tự giới thiệu và trao quà bằng hai tay. Trao xong phải gửi một lời chúc chân thành.

Khó thực hiện như thế lắm. Chúng tôi đi trao quà trong khi dòng thanh niên bằng tuổi lên quần áo lộng lẫy đi chơi. Khi tìm đến một người vô gia cư, ngồi xuống với họ là đối mặt với hàng chục, hàng trăm ánh mắt tò mò từ dòng người nhìn ngó. Mình cũng là thanh niên như họ thôi, không khỏi có chút e ngại, ngượng ngùng.

Nhưng sau khi gặp ba bốn người, tôi hiểu vì sao các tu sĩ dặn kỹ như vậy. Vì chỉ khi ngồi xuống ngang bằng với những người vô gia cư rách rưới nhem nhuốc, nhìn thẳng vào mắt họ và cuối cùng cũng có thể nói ra một câu chúc chân thành từ đáy lòng, chúng tôi đã thấu được thêm một tầng ý nghĩa của câu nói có trong kinh của tất cả các đạo “Chúng ta đều là anh chị em”.

Hôm qua ca sĩ Phương Thanh có một status gây bão dư luận.

Cô viết: “Sáng nay Chanh đi từ thiện 1 làng bị cô lập ở miền núi. Nhiều người dân trên bờ chỉ bị ảnh hưởng nhẹ không nằm trong vùng lũ cũng canh me, đồn: đoàn Thuỷ Tiên tới cho tiền kìa 10 triệu.Toàn canh me 10 triệu. Không bị lũ lụt lắm cũng canh me tiền. Vô tình tính tham của con người cũng bắt đầu trỗi dậy.

Tiền đi trước có lợi trước, nhưng về hậu sẽ gây ra nhiễu loạn vì ai cũng nhắm vào tiền và đồ nhu yếu phẩm bị vứt bỏ (tấm lòng của biết bao người mua ngày thức làm đêm cực khổ). Người đang cần thì không có, người không cần thì bị phát dư thừa xong đem vứt bỏ”.

Nhà báo Nguyễn Thế Thịnh (báo Thanh Niên) cũng viết trên facebook:

Mình đi phát quà từng nhà, theo khảo sát trước, mỗi nhà 500 ngàn. Định mức này do người tài trợ yêu cầu.

Phát cho ai phải ghi vào biên nhận, có họ tên, địa chỉ, số CMND, số điện thoại từng người.

Đang phát, tự nhiên mọi người bỏ chạy rần rật. Vừa chạy vừa la: Thủy Tiên, Thủy Tiên!

Chờ mãi rồi họ cũng về, mặt mày rạng rỡ, xòe tiền ra bảo: 3 triệu.”

Nên nghĩ gì đây?

***

Trong một nghiên cứu năm 2015 của Viện nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường tại Việt Nam mang tên “Nhận thức của người dân về hoạt động từ thiện”, 75% người được hỏi nói một trong những động cơ khiến họ làm từ thiện là để tích đức, tạo phúc cho chính mình và con cháu. Động cơ này khiến người làm từ thiện không cần biết về hoàn cảnh hay tương lai của người được nhận từ thiện. Và sẽ có cuộc tranh giành từ thiện, “từ thiện du lịch”, “từ thiện úp phây”, “từ thiện quảng cáo”, “từ thiện giải nghiệp”… chỉ làm hèn đớn người nhận từ thiện. Những người gặp hoàn cảnh khó khăn đang vô thức tự nguyện và bị biến thành ăn mày.

Sự không may mắn có thể đến với bất cứ ai trong chúng ta bất cứ khi nào. Nhưng nếu người được giúp đỡ có cảm nhận về sự thua thiệt vật chất càng sâu (dù vô thức), thì người trao tặng càng phải chân thành, trân trọng hơn để tránh cứa lên vết thương tinh thần đó.

Trao con cá hay cần câu đều quý giá, nhưng quý giá và bền vững hơn hết là khơi được sự tự tin vào chính bản thân của người đang trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Có như vậy họ mới có thể quật cường thực hiện tâm niệm “sau cơn mưa trời lại sáng”.
Dân miền Trung có một câu tục ngữ nói về từ thiện rất chính xác: “
Được mùa thì siêng hơn nhác, mất mùa thì nhác lại hơn siêng". Nhác là lười biếng. Ý nghĩa câu này là khi mất mùa, thiên tai thì những người lười biếng sẵn có cuộc sống khổ sở rách rưới sẽ được bố thí nhiều hơn những nhà chăm chỉ làm ăn, bình thường khá giả, sáng sủa hơn.
Do vậy, khi tình hình khẩn cấp không còn, việc cứu trợ phải được thực hiện bởi những người chuyên nghiệp, theo chiều sâu. Nếu không nó hoàn toàn trở thành phát chẩn. Nhưng tương lai của phát chẩn thì chỉ là sự tăng cấp của những căn nhà lụp xụp, những tấm lưng còng rạp, gương mặt khổ sở, hoàn cảnh bi đát.

Và sự xuống cấp thảm thương của ý thức xã hội.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
31/10/2020 03:35

" Một miếng khi đói bằng một gói khi no "

Người giúp công, người giúp của, người giúp lời khen... và bớt lời chê... để thêm người có hứng giúp thêm người.

Chê quá... mất hứng luôn đó bà con...!

Anonymous
31/10/2020 10:22

Bài viết RẤT hay, nhưng cũng còn vài điều (trong bài) nhất thiết phải nói (giải thích) thêm để tránh hiểu lầm.

Tôi ít học, không khả năng viết viết diễn giải... Mong rằng có ai đó cùng cảm nhận và viết ra...

Anonymous
01/11/2020 14:38

Phẩm giá con người vùng bão lụt... còn thua-kém xa bầy đàn Cá Chép vàng , được nuôi-nấng chăm-sóc hàng ngày ở ao-cá Bác Hồ, BA ĐÌNH- HÀ NỘI!😥

Anonymous
01/11/2020 14:51

"Đừng , đừng nói yêu dân" như loài chim trời biết nói.. Đừng nói yêu dân , như đùa vui trên môi.. Đừng nói thương dân , như người gian thường nói dối! 😪

Anonymous
02/11/2020 10:48

Người hiểu biết thì giới hạn. Cái thứ khốn nạn thì thừa . Chữ TÂM bằng 3 chữ TÀi .

Anonymous
02/11/2020 11:55

noi de lam kho .Hay tran trong tam long va su hy sinh cua nguoi bo cong . dieu quan trong nhat la so tien cua cac manh thuong quan khong bi cat xen va lam dung

Anonymous
04/11/2020 16:53

Trong Hiến pháp của CHLB Đức, Điều 1, Mục 1: "Phẩm giá của con người là bất khả xâm phạm. Toàn bộ quyền lực của nhà nước phải có nghiã vụ tôn trọng và bảo vệ nó." Họ có tự do, dân chủ.
Khác với VN.
Giữ được phẩm gía con người, ở VN thật khó. Đừng mong nhà nước VN (của cái Đảng tiếm quyền làm chủ đất nước của nhân dân) tôn trọng phẩm giá, tôn trọng nhân quyền!
Nhà nước ấy chỉ mong muốn, bằng lừa bịp, bắt nhân dân phải khuất phục, biết ca ngợi nó, tức là phải hèn.
Đã nghèo thì phải hèn - dân ta có "phẩm giá" ấy, ở VN mới không nổ ra "cách mạng vô sản", mới có "ổn định chính trị" cho đảng cầm quyền thống trị nhân dân.