Cố vấn Mỹ sang Việt Nam và triển vọng nâng tầm quan hệ Việt - Mỹ
2022.04.05
Cố vấn cấp cao của Ngoại trưởng Mỹ vừa có chuyến công du Việt Nam từ ngày 31/3 đến 1/4 vừa qua trong nỗ lực nhằm tái khẳng định cam kết của Mỹ với đối tác của Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Trang web Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 28/3 thông báo Cố vấn cấp cao của Ngoại trưởng Mỹ, ông Derek Chollet sẽ công du Philippines, Việt Nam và Nhật Bản từ ngày 28/3 đến ngày 2/4 (1).
Thông báo cho biết chuyến thăm của ông Chollet nhằm tái khẳng định cam kết của Mỹ với các đồng minh và đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời tham gia cùng với các bên liên quan chính về các vấn đề song phương và khu vực, gồm các nỗ lực nhằm khôi phục hòa bình cho nền dân chủ ở Myanmar. Cố vấn Chollet cũng thảo luận về tác động của cuộc tấn công của Nga ở Ukraine.
Trả lời báo chí Việt Nam kết thúc chuyến thăm, ông Chollet cho biết Mỹ hy vọng sẽ có cơ hội để nâng tầm quan hệ hai nước lên một tầm mới.
Đây không phải là lần đầu tiên giới chức Mỹ đề nghị với phía Việt Nam nâng tầm quan hệ từ “đối tác toàn diện” lên cao hơn, tức đối tác chiến lược.
Vấn đề nâng cấp quan hệ
Trong lần gặp các lãnh đạo Việt Nam mới đây, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - Marc Knapper cũng nhắc lại quan điểm, đó là: “Hoa Kỳ mong muốn trở thành đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong lĩnh vực an ninh năng lượng, lương thực, khí hậu. Đây là lĩnh vực Việt Nam có thể hợp tác với Chính phủ Hoa Kỳ, tư nhân của Hoa Kỳ.” (2)
Cho đến nay, Việt Nam đã thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” với hai ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Trung Quốc và Nga, “quan hệ đối tác chiến lược” với hai nước Anh và Pháp. Ngoài ra, Việt Nam có quan hệ “đối tác chiến lược” với 17 quốc gia.
Việt Nam và Mỹ có mối quan hệ sâu sắc hơn, đa diện hơn so với một số quốc gia ở cấp cao hơn trong hệ thống thứ bậc quan hệ ngoại giao của Hà Nội. Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ 11 của Việt Nam với gần 10 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam. Quan hệ quốc phòng cũng tiến triển đáng kể trong những năm gần đây. Trong khi các thỏa thuận vũ khí quy mô lớn rất khó xảy ra do Việt Nam có quan hệ quốc phòng chặt chẽ với Nga, nhưng hợp tác Việt-Mỹ vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định. Trong khi đó, lập trường ngày càng vững chắc của Washington về các tranh chấp ở Biển Đông đã mang lại lợi ích cho Hà Nội và các bên tranh chấp khác ở Đông Nam Á. Trong khi phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về an ninh nguồn nước và lương thực do các đập lớn trên sông Mekong gây ra, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ các sáng kiến của Washington về sông Mekong nhằm giúp thúc đẩy nghề cá bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học.
Vì sao Việt Nam chần chừ?
Sở dĩ Hà Nội vẫn chần chừ, chưa đáp ứng kỳ vọng lâu nay của Washington là do Hà Nội cho rằng thực chất của mối quan hệ quan trọng hơn hình thức. Khi phát triển quan hệ với Mỹ trong hai thập kỷ qua, Hà Nội rất cố gắng không tỏ ra đứng về bên nào hoặc được coi là cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc. Việt Nam quá hiểu về hàng loạt công cụ mà Bắc Kinh sử dụng để áp chế Hà Nội, gồm các hành động ở Biển Đông, các biện pháp trừng phạt thương mại và đầu tư, tin tặc và chiến tranh mạng, chưa nói đến việc kiểm soát thượng lưu sông Mekong và sông Hồng để Trung Quốc có khả năng điều phối lũ lụt và hạn hán ở Việt Nam.
Ngoài ra, việc nâng cấp mối quan hệ trong tương lai cũng được kỳ vọng sẽ trở thành một động lực ngoại giao. Việt Nam đã nỗ lực hơn bất kỳ quốc gia nào khác để được gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), song đã rất “đau lòng” trước việc Trump rút khỏi hiệp định. Bất chấp những hứa hẹn về một hiệp định thương mại song phương, các cuộc đàm phán vẫn chưa thể bắt đầu. Tổng thống Biden không có vốn chính trị cũng như ý định sớm gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tiền thân là TPP. Điều này tiếp tục gây khó chịu cho Hà Nội. Do đó, bất kỳ sự nâng cấp nào cho quan hệ song phương Việt-Mỹ sẽ phải được đảm bảo trên một nền tảng kinh tế vững chắc.
Sự không chắc chắn về tình hình chính trị nội bộ của Mỹ cũng là một trong những rào cản đối với việc nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ. Việt Nam, giống như tất cả các nước, nhận thức được rằng trong vòng chưa đầy ba năm nữa, Mỹ có thể có một tổng thống khác và điều này có thể gây hỗn loạn và phá vỡ hệ thống quốc tế. Với những bất ổn này, Hà Nội khó có thể thực hiện bước nâng cấp quan hệ với Mỹ lên tầm “chiến lược”.
Nói cách khác, nếu hoàn cảnh của Hà Nội đòi hỏi phải nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược với Washington, thì những lợi ích phải vượt trội so với rủi ro có thể thấy trước. Đối với Washington, việc nâng cấp quan hệ với Hà Nội có ý nghĩa về tín hiệu đa phương. Chính quyền Biden không chỉ tìm kiếm đột phá về chính sách đối ngoại, mà họ đang cố gắng cho thấy Washington hết sức đề phòng Bắc Kinh, thể hiện qua việc thu hút các đồng minh và đối tác khu vực, đồng thời dành đủ nguồn lực để đương đầu với thách thức.
Đối với Mỹ, Việt Nam thực sự là lựa chọn duy nhất trong khu vực. Về mặt ngoại giao, với tư duy chiến lược và sắc sảo, Việt Nam đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong ASEAN và cũng là một trong những quốc gia duy nhất trong khu vực thường xuyên kháng cự hành vi gây hấn của Trung Quốc. Quân đội Việt Nam là một trong những quân đội trong khu vực tập trung vào các mối đe dọa từ bên ngoài. Quá trình hiện đại hóa quân sự của Việt Nam rất ấn tượng, và dù không thể sánh được với tốc độ phát triển quân sự của Trung Quốc, song giờ đây Việt Nam có đủ khả năng quân sự để khiến các nhà hoạch định quốc phòng Trung Quốc phải “đoán già, đoán non”. Vì vậy, việc Hà Nội nâng cấp quan hệ với Mỹ lên quan hệ “đối tác chiến lược” hoặc “chiến lược toàn diện” sẽ gửi tín hiệu rõ ràng tới Bắc Kinh về sự bác bỏ hoàn toàn quan điểm của Trung Quốc về trật tự khu vực. Đó là điều mà Mỹ có vẻ rất muốn thấy, dù trên thực tế, họ hiểu rằng điều này có thể phản tác dụng.
Triển vọng việc nâng cấp quan hệ này ra sao?
Dù chưa nâng cấp quan hệ với Mỹ lên quan hệ đối tác chiến lược, Hà Nội đã thiết lập quan hệ ngoại giao cấp cao hơn với nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ, đồng thời tham gia vào một loạt cơ chế hợp tác an ninh và quốc phòng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Với việc cả hai bên đều có thể và có khả năng tăng cường cam kết thông qua các diễn đàn đa phương như ASEAN và “Bộ tứ”, Việt Nam cũng đã thể hiện ý định và vai trò của mình trong các chiến lược của Hoa Kỳ đã đưa ra.
Một trong những lý do khiến Việt Nam e ngại việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ, chính là sự phản đối từ Bắc Kinh. Trong thời gian qua, Việt Nam đã cố gắng “đu dây” để cân bằng quyền lực giữa hai cường quốc này. Chính vì vậy, Việt Nam luôn đặt ra phương châm là tăng cường các hoạt động thực tế, chứ không chỉ là tên gọi cho quan hệ giữa đôi bên, thực chất là Việt Nam không muốn làm mích lòng Trung Quốc. Với sự kiện cuộc chiến Ukraine mới xảy ra gần đây, lại thêm lý do cho Việt Nam lo ngại khi không muốn “chọc giận” anh hàng xóm khổng lồ, giống như Ukraine đã làm với Nga.
Điều đó cho thấy, khả năng trong thời gian vài năm tới, Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng cho việc nâng cấp quan hệ như ý muốn của Washington.
___________
Tham khảo:
1. https://www.state.gov/counselor-chollets-travel-to-the-philippines-vietnam-and-japan/
2. https://www.vietnamplus.vn/hoa-ky-muon-tro-thanh-doi-tac-quan-trong-cua-viet-nam/779319.vnp
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.