Ông Peter Jenning, Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Úc nói rằng việc Trung Quốc dựng hệ thống hỏa tiễn ở đảo Phú Lâm, Hoàng Sa không chỉ là một mối lo về mặt chiến lược, mà còn đe dọa tất cả máy bay quân sự và dân sự hoạt động trong khu vực.
Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh Úc ABC, chuyên gia Jennings cho hay hỏa tiễn của Trung Quốc đặt trên đảo Phú Lâm có tầm hoạt động tới 200km, nhắc đến nguy cơ từng xảy ra với chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines, khi chiếc phi cơ này bị bắn rơi khi bay qua bầu trời của Ukraine hôm 17 tháng Bảy năm 2014, tất cả 298 hành khách và nhân viên phi hành đoàn đều tử nạn.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Jennings cũng nói rằng cả thế giới đều nghĩ năm ngoái khi sang thăm Nhà Trắng, Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình có hứa không quân sự hóa Biển Đông, nhưng ông nghĩ có thể lời hứa đó chỉ được áp dụng ở khu vực Trường Sa là nơi Trung Quốc đang tranh chấp với một số nước, chứ không áp dụng ở Hoàng Sa, là khu vực mà Trung Quốc đã làm chủ trong hơn 40 năm qua.
Về câu hỏi phải làm gì trước các hành động của Trung Quốc, ông Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Úc nói rằng các nước cần phải hợp tác chặt chẽ và hữu hiệu hơn, đòi Trung Quốc phải rút các dàn hỏa tiễn đang đặt trên đảo Phú Lâm cũng như nhăn chặn, không để Bắc Kinh tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không.
Một trong những biện pháp ông đề nghị các quốc gia như Hoa Kỳ, Úc và Nhật phải liên tục làm là đưa tàu chiến và máy bay tới tuần tra ở biển Đông.