Miến Điện cấm báo chí đến đảo có người tị nạn

Tàu tuần duyên của quân đội Miến Điện không cho phép các nhà báo đến một hòn đảo gần bờ là nơi đang tạm giữ những thuyền nhân được cho là người thuộc sắc tộc Rohyngia theo đạo Hồi.

Tàu tuần của quân đội Miến đã xua đuổi các nhà báo, bắt họ xóa bỏ hình ảnh âm thanh ghi nhận được và còn bắt ký giấy cam kết là sẽ không quay trở lại.

Các nhà báo đã tìm cách lên hòn đảo Thamee Hla sau khi nhà chức trách thông báo là có 727 thuyền nhân, trong đó có 74 phụ nữ và 45 trẻ em được cứu nạn ngoài biển và đưa về hòn đảo này. Nhưng trong thông báo của chính quyền Miến Điện họ không sử dụng tên gọi Rohyngia cho nên cũng không rõ là những thuyền nhân đến từ đâu.

Thảm họa thuyền nhân Rohyngia bị một số khôi nguyên Nobel hòa bình lên án tại thủ đô Oslo của Na Uy vào hôm qua là sự diệt chủng.

Chính quyền Miến nói là lời buộc tội này không công bằng vì người ta không nhìn thấy những nổ lực của nước này trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng.

Có khoảng 1 triệu 300 ngàn người Rohyngia sống tại ban miền Tây Miến Điện là Rakhine. Chính quyền Miến không công nhận những người này là cư dân bản địa mà là dân nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh sang.

Trong khi đó thì chính quyền Bangladesh cũng từ chối nhận những người này về nước mình.

Do sự phân biệt đối xử của những kẻ quá khích theo Phật giáo, người Rohyngia đã bỏ Miến điện ra đi đến những vùng có người đồng đạo sinh sống như Malaysia, Nam Thái Lan, Indonesia. Trong thời gian ngắn vừa qua đã có đến 3500 người đến được các vùng này, và người ta ước tính còn 2500 người đang lênh đênh ngoài biển.

Ngoài ra người ta còn biết được là người tị nạn cũng bị bọn buôn người lợi dụng sau khi cảnh sát Thái phát hiện ở miền Nam nước này những hố chôn người tập thể.