TT Obama sắp gặp gỡ CT Tập Cận Bình tại Washington DC

RFA
2016.03.29
000_Was8965575-622.jpg Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng hôm 25/9/2015.
AFP

Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ gặp Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày thứ Năm tuần này, nhân dịp ông Tập đến Washington DC dự Thượng Đỉnh An Ninh Nguyên Tử Toàn Cầu do Hoa Kỳ tổ chức.

Tin từ Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận với nhau về tình hình an ninh thế giới, bao gồm cả vấn đề an ninh khu vực bán đảo Triều Tiên và căng thẳng đang xảy ra ở Biển Đông, nơi Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với một số nước Đông Nam Á.

Tin tức ghi nhận được từ những giới chức hành pháp cho biết trong cuộc gặp, Tổng Thống Obama sẽ yêu cầu Trung Quốc thực hiện những quy định cấm vận đối với Bắc Hàn mà Hội Đồng Bảo An vừa thông qua. Ngược lại, lãnh tụ Bắc Kinh cũng yêu cầu Hoa Kỳ nối lại cuộc đàm phán 6 bên, để giải quyết những căng thẳng đang có liên quan đến chương trình hạt nhân mà chính phủ Bình Nhưỡng tiếp tục theo đuổi.

Cuộc đàm phán 6 bên, quy tụ Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản cùng Nam và Bắc Hàn bị gián đoạn từ nhiều năm qua, sau khi Bình Nhưỡng không thực hiện đúng những cam kết đã đồng ý với các nước tham gia, đồng thời còn cho nổ thử nghiệm hạt nhân cũng như bắn thử các loại võ khí để đe dọa an ninh của Nam Hàn và Nhật Bản.

Mới chiều hôm nay, Bắc Hàn vừa bắn hỏa tiễn tầm ngắn vào vùng biển phía Đông của họ, đồng thời nhắc lại lời đe dọa sẵn sàng sử dụng võ khí hạt nhân để tấn công Hoa Kỳ, biến nước Mỹ thành biển lửa.

Vấn đề Bắc Hàn và an ninh bán đảo Triều Tiên cũng là đề tài được nói đến trong cuộc họp tay ba giữa nhà lãnh đạo Hoa Kỳ với Tổng Thống Nam Hàn Park Geun-Hye và Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Nhà Trắng cho biết trong cuộc thảo luận cũng diễn ra vào ngày thứ Năm tuần này, 3 nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn sẽ bàn thảo về chính sách, chiến lược chung, để đối phó với Bình Nhưỡng.

Cũng cần nói thêm trong bản tin được truyền thông nhà nước Bắc Hàn  đồng loạt phổ biến ngày hôm nay, chính quyền Bình Nhưỡng gọi thượng đỉnh hạt nhân do Washington tổ chức là trò đạo đức giả, giải thích thêm mục tiêu mà Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn muốn nhắm tới là tăng mức độ cấm vận đối với Bắc Hàn, và tìm cách ngăn cản không để Bắc Hàn có võ khí hạt nhân.

Bản tin cũng nói rằng là một quốc gia luôn luôn bị Hoa Kỳ đe dọa, Bắc Hàn phải có loại võ khí này để bảo vệ an ninh quốc phòng, chống âm mưu xâm lăng mà Hoa Kỳ vẫn theo đuổi.

Trở lại với cuộc gặp riêng sẽ diễn ra vào ngày thứ Năm tới đây giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình, một trong những đề tài cũng được người lãnh đạo nói đến là tình hình biển Đông.

Các nhà quan sát chính trị tại Washington cho hay đây là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất, vì Hoa Kỳ đòi hỏi Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế, không được ỷ thế cường quốc để đe dọa, ép buộc những nước nhỏ trong vùng Đông Nam Á.

Các nhà quan sát cũng tin là lập luận mà ông Tập Cận Bình đưa ra sẽ không thay đổi, tức Trung Quốc có bằng chứng lịch sử xác nhận chủ quyền khu vực tranh chấp ở Biển Đông thuộc về họ, và Hoa Kỳ không có lý do gì để can dự vào chuyện Biển Đông.

Trước khi cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung diễn ra, ông Jeffrey Bader, cựu cố vấn an ninh Đông Á-Thái Bình Dương của Tổng Thống Obama, có viết một bài bình luận, trong đó cho hay điều Hoa Kỳ quan tâm là phản ứng của Bắc Kinh đối với phán quyết mà Tòa Trọng Tài Quốc Tế sẽ đưa ra trong những ngày tới, để giải quyết đơn kiện của chính phủ Philippines cho rằng Trung Quốc vi phạm chủ quyền của họ ở biển Đông.

Bài viết cảnh báo rằng dưới những hình thức khác nhau, Trung Quốc có thể làm áp lực quân sự với Philippines, do đó, Tổng Thống Hoa Kỳ sẽ nhắc cho Chủ Tịch Tập Cận Bình biết rằng Phi là một đồng minh chiến lược của Mỹ, tất cả mọi hành động mà Trung Quốc có thể làm để tạo căng thẳng với Phi đều là những hành động không có lợi.

Tin tức cho hay phán quyết quan trọng này sẽ được Tòa Trọng Tài công bố trễ nhất là vào giữa năm nay. Theo nhiều dự đoán, phán quyết sẽ có lợi cho Philippines, tức Tòa công nhận Trung Quốc xâm chiếm chủ quyền lãnh hải của Phi.

Cũng xin nhắc lại ngay từ ban đầu, Trung Quốc đã nói không tham gia vụ kiện và không công nhận kết quả mà Tòa Trọng Tài Quốc Tế đưa ra, cho dù nhiều quốc gia lên tiếng đòi hỏi cả Bắc Kinh lẫn Manila nên tôn trọng phán quyết của Tòa.

Tháng Chín năm ngoái khi đến thăm Washington và thảo luận với Tổng Thống Obama, ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc không có ý định quân sự hóa ở Biển Đông, nhưng trong thời gian gần đây tin tức lại cho thấy Bắc Kinh đang làm điều ngược lại.

Các viên chức cao cấp của chính phủ Hoa Kỳ, kể cả Ngoại Trưởng John Kerry và ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Ash Carter đều lên tiếng nói việc làm của Trung Quốc khiến tình hình khu vực biển Đông trở nên căng thẳng hơn.

Hôm qua, bài bình luận được đăng tải trên tờ Trung Quốc Nhật Báo xuất bản tại Bắc Kinh viết rằng chính sách quay trục về Châu Á và tăng cường sự hiện diện quân sự ở Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ cho thực hiện là nguyên nhân gây nên căng thẳng ở Biển Đông.

Bài bình luận mang tựa đề “Biển Đông Không Phải Là Sân Chơi Của Mỹ” của chuyên gia Lưu Hải Dương có đoạn rằng viết trong thời gian gần đây, Washington cố tình chỉ trích Bắc Kinh quân sự hóa ở Biển Đông cũng như bày tỏ quan ngại về quyền tự do hàng hải ở khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á, trong khi chính Hoa Kỳ liên tục đưa tàu chiến và phi cơ vào khu vực tranh chấp để tạo thêm căng thẳng.

Bài bình luận còn viết rằng điều Washington cần phải biết là nước Mỹ càng có những thái độ gây hấn với Trung Quốc nhiều bao nhiêu thì Trung Quốc sẽ có phản ứng mạnh mẽ bấy nhiêu.

Một điểm cũng cần nói tới là những cuộc thảo luận diễn ra ở Nhà Trắng vào hôm thứ Năm tuần này cũng là lần cuối cùng Tổng Thống Obama đón tiếp các nhà lãnh đạo 3 cường quốc Đông Á tại Washington, trước khi nước Mỹ có tổng thống mới.

Các cuộc gặp gỡ quan trọng này diễn ra vào đúng thời điểm ông tỷ phú Donald Trump, ứng viên dẫn đầu cuộc đua bên đảng Cộng Hòa lên tiếng nói rằng nếu được cử tri tín nhiệm để trở thành tân lãnh đạo nước Mỹ, ông sẽ rút quân ra khỏi Nhật Bản và Nam Hàn, nếu 2 chính phủ đồng minh này không góp tiền trang trải các chi phí mà Hoa Kỳ đang gánh để bảo vệ an ninh cho họ.

Cuối tuần trước khi trả lời phỏng vấn dành cho nhật báo the new York Times, ông Trump cũng nói rằng ông ủng hộ để Nhật và Nam Hàn có võ khí nguyên tử, gọi đó là giải pháp giúp Tokyo và Seoul tự bảo vệ an ninh quốc gia, thay vì phải trông chờ vào Mỹ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.