Nga cân nhắc việc cho Edward Snowden tỵ nạn

RFA 13.07.2013
000_TS-Par7613394-305.jpg Cựu nhân viên CIA Edward Snowden tại cuộc gặp với các nhà hoạt động nhân quyền ở sân bay Sheremetyevo, Nga hôm 12/07/2013.
AFP

 

Nga hôm nay đang cân nhắc liệu có cho tỵ nạn cựu nhân viên an ninh quốc gia Hoa Kỳ đang bị truy nã Edward Snowden hay không sau khi ông này cho biết muốn tỵ nạn tại Nga – diễn biến có thể tạo nguy cơ thêm nữa cho mối quan hệ giữa Matxcơva và Washington.

Hôm qua, Snowden yêu cầu những nhà hoạt động nhân quyền đến khu vực quá cảnh thuộc phi trường quốc tế Sheremetyevo ở Matxcơva mà ông ta đang bị kẹt ở đó trong 3 tuần nay sau khi từ Hong Kong bay đến, giữa lúc hộ chiếu Mỹ của Snowden đã bị vô hiệu hoá.

Lên tiếng với những người hoạt động nhân quyền, Snowden, 30 tuổi, xuất hiện công khai lần đầu tiên kể từ khi đến Matxcơva, cho biết ông ta muốn xin tỵ nạn tại Nga cho tới khi có thể di chuyển an toàn để sống luôn tại Châu Mỹ La tinh.

Snowden cho hay đã nộp đơn xin tỵ nạn hôm qua, dù các viên chức Nga chưa xác nhận.

Đài truyền hình Nga, tối hôm qua, cho chiếu một đoạn phim về cuộc gặp gỡ này, trong đó, Snowden, trông khoẻ mạnh và tự tin, đọc bản công bố trong khi bên cạnh là một thông dịch viên và nhân viên Sarah Harrison của tổ chức Wikileaks.

Trong khi đó, các lãnh đạo Châu Mỹ La Tinh biện minh về quyền cho tỵ nạn, thể hiện sự phẫn nộ của họ trước những công bố về việc Hoa Kỳ bí mật thu thập thông tin trong khu vực.

Washington muốn Snowden bị đưa trở lại Hoa Kỳ trong khi các nước Venezuela, Bolivia và Nicaragua – tất cả đều dưới chính quyền tả khuynh – đã đề nghị cho Snowden tỵ nạn.

Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela kêu gọi có biện pháp an ninh chặt chẽ hơn trong khu vực sau khi những tài liệu do Snowden tiết lộ cho thấy Washington do thám mạng của nhiều nước Châu Mỹ La Tinh.

Các lãnh đạo Châu Mỹ La Tinh vừa nói bác bỏ mọi áp lực, đe doạ hoặc lên án của một nước hay phe thứ ba nào đối với quyết định của họ cho Snowden tỵ nạn.

Họ cũng dự tính áp dụng luật lệ Internet chú trọng tới an ninh mạng để bảo vệ hoạt động thông tin cũng như chủ quyền quốc gia.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.