“Rơi Xuyên Vào Lòng Đất”

Kinh nghiệm đầu từ đất nước và con người Việt Nam sau cuộc chiến giúp nữ văn sĩ Mỹ xoa dịu nỗi dằn vặt từ hệ quả chiến tranh cho chính gia đình cựu quân nhân của mình.
Phương Anh, phóng viên đài RFA
2008.05.27
Danielle Trussoni_book cover2.jpg Hình bìa tiểu thuyết-hồi ký "Xuỵên Rơi Lòng Đất" của Danielle Trussoni
photo courtesy of Danielle Trussoni
Ba mươi ba năm sau chiến tranh Việt Nam, mọi chuyện tưởng chừng như đã trôi qua, quá khứ đã khép lại. Thế nhưng cho đến bây giờ, đối với một số gia đình của những người lính Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, hậu quả của cuộc chiến vẫn còn vương lại như một di sản cho con cái họ.  

Cụ thể là trường hợp của nhà văn nữ Danielle Trussoni, con gái của một cựu chiến binh Hoa Kỳ.  Sau nhiều năm ấp ủ, năm 2006 cô đã hoàn tất cuốn tiểu thuyết - hồi ký đầu tay của mình với tựa đề “Falling Through The Earth: A Memoir ”, xin tạm dịch “Rơi Xuyên Vào Lòng Đất”, kể lại câu chuyện của gia đình cô.

Ngay sau khi xuất bản, cuốn sách của cô được đón nhận nồng nhiệt, và được nhật báo New York Times bình chọn là một trong 10 cuốn sách hay nhất trong năm. Ngoài ra, cô còn được giải thưởng của Hội Michener Copernicus Society of America.  Trong chuyên mục Phụ Nữ tuần này, Phương Anh gửi đến quí thính giả đôi nét về nhà văn nữ Danielle Trussoni và cuốn tiểu thuyết- hồi ký “Rơi Xuyên Vào Lòng Đất”.

Cô Danielle Trussoni sinh năm 1973, tại quận La Crosse, bang Wisconsin. Sau khi tốt nghiệp đại học University of Wisconsin-Madison, cô được học bổng về viết văn Maytag và Callen của Iowa Writers' Workshop. Tuổi thơ của cô là những ngày chứng kiến cảnh cha mình, ông Dan Trussoni, say sưa rượu chè; rồi cha mẹ ly dị, anh chị em ly tán.  Khi sống với cha, cô thường được nghe ông nhắc đến những năm tháng nơi chiến trường Việt Nam, những kỷ niệm với đồng đội, cùng những công việc ở dưới lòng đất để truy tìm các địa đạo của quân Cộng Sản.

Danielle Trussoni
tác phẩm “Falling Through The Earth: A Memoir” đã được dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Rơi Xuyên Lòng Đất”
tác phẩm “Falling Through The Earth: A Memoir” đã được dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Rơi Xuyên Lòng Đất”. Hình từ tác giả
Những kỷ niệm đau thương của tuổi thơ, những gì đã chứng kiến trong thời niên thiếu đã đeo chặt lấy cô cho đến mãi sau này.  Nó thúc đẩy cô phải đi tìm hiểu sự thực về cha mình, về cái quá khứ đã ám ảnh cha cô và khiến cho gia đình cô phải đổ vỡ.  Cuối cùng, cô quyết định viết lại những gì đã xảy ra cho cha mình, cho gia đình. Cô nói:    
 
“Đây là cuốn sách đầu tay của tôi, tựa đề của cuốn sách này là ý tưởng từ một cuốn truyện thiếu nhi kể về cô bé Alice, rời khỏi nhà,  đi thật xa và bị rơi vào một cái hang sâu ở dưới đất. Cô bé cứ rơi, rơi mãi và cô tưởng tượng rằng cô bị rơi vào tận lòng đất. Tôi đã chọn tựa đề “Falling Through The Earth”, xin tạm dịch “Rơi Vào Lòng Đất”, vì trong cuốn sách này tôi viết về quá khứ của cha tôi, một người lính Mỹ đã tham dự trong chiến tranh Việt Nam, từng đóng quân ở gần Củ Chi, miền Nam Việt Nam. Trong thời gian phục vụ, phần nhiều, cha tôi đã ở dưới hầm. Chính vì vậy, tưạ đề rất hợp với hoàn cảnh của cha tôi trước kia.

Cô kể lại về hoàn cảnh gia đình mình lúc bấy giờ:

“Những năm từ 11 đến 15 tuổi, tôi sống với cha tôi vì cha mẹ tôi ly thân. Chị tôi và em trai tôi thì sống với mẹ.  Chính vì thế, tôi được nghe cha tôi kể rất nhiều chuyện về thời gian ông tham chiến bên Việt Nam. Tôi dành nhiều thời gian bên ông và tôi hiểu rõ ông hơn.  Tôi tin rằng cha tôi đã bị nhiều ám ảnh khi ông trở về từ chiến trường Việt Nam, và sau này, khi ông đi bác sĩ tâm lý, thì bác sĩ nói ông mang căn bệnh “post traumatic stress disorder” - xin tạm dịch là bệnh rối loạn tâm thần do chấn thương vì chiến tranh.

Khi ấy, tôi còn quá nhỏ để hiểu nó là chứng bệnh gì, chuyện gì đã xảy ra với ông, và tại sao ông lại bị như vậy. Nhưng tôi còn nhớ rất rõ là ông uống rượu nhiều lắm, ông không thể hội nhập với cuộc sống bình thường như mọi người. Tôi chỉ đoán rằng ông có nỗi buồn chiến tranh rất sâu đậm, ông nhớ đến những người bạn đã mất trong cuộc chiến. Hàng ngày, tôi chứng kiến ông uống rượu để giải sầu. Không những chỉ một mình tôi mà các bạn của tôi, có cha từng tham chiến bên Việt Nam về cũng bị như thế.”

Cô cũng tâm sự rằng, thuở bé, hai chữ Việt Nam đối với cô thật xa lạ, nếu không nói là “đáng ghét”. Vì nó mà cha cô đã thay đổi tâm tính, vì nó mà gia đình cô đổ vỡ. Nhưng, khi trưởng thành, cô quyết định tìm đến Việt Nam, đến với những địa đạo trước đây, và cô đã nhìn thấy sự thực khác hẳn với những gì cô suy nghĩ. Cô nói:    
    
“Tôi không nhớ rằng tôi đã được nghe cha tôi nói về Việt Nam như thế nào nữa, tôi chỉ được nhìn thấy Việt Nam qua những tấm hình mà cha tôi chụp khi ông phục vụ ở bên đấy. Nhưng, lúc bấy giờ, có thể nói rằng hai chữ “Việt Nam” đối với tôi là một nơi đầy nguy hiểm, ghê tởm và phải nên tránh xa. Khi tôi được 24 tuổi, năm 1999, tôi đã đến Việt Nam, và tôi đã thấy rằng đó là một đất nước xinh đẹp, khác hẳn những gì mà tôi từng nghĩ trước đây.     
Tôi đã đến Việt Nam trước khi  viết cuốn sách này. Tôi ở Việt Nam 3 tuần một mình. Thời gian đó, tôi đã hiểu hơn về nguyên nhân nào đã khiến cha tôi trở nên tồi tệ khi trở về sau chiến tranh Việt Nam, giúp tôi cảm thông hơn với người dân Việt Nam, với những gì mà họ đã phải trải qua. Khi tôi học đại học, tôi đã từng được học về những gì xảy ra trong chiến tranh, tôi đã đọc rất nhiều sách về chiến tranh Việt Nam, tôi biết rõ những con số, những thực tại. Nhưng điều làm tôi xúc cảm hơn cả là tôi đã trực tiếp nhìn thấy những gì còn sót lại trong chiến tranh Việt Nam khi tôi đến thăm bảo tàng viện ở Sàigòn.”

Bên cạnh đó, cô nhận ra rằng chiến tranh Việt Nam đã ảnh hưởng không phải chỉ riêng cha cô, với gia đình cô, mà ngay cả những gia đình người Việt:  

“Chắc chắn là cuộc chiến đã ảnh hưởng đến gia đình của tôi rất nhiều, đã khiến cho cha mẹ tôi phải ly dị, nhưng điều quan trọng là ảnh hưởng trên ba tôi, ông đã không phục hồi được chính bản thân mình. Nỗi ám ảnh về cuộc chiến đã theo ông suốt cuộc đời còn lại và cuối cùng ông đã chết vì chứng ung thư. Bác sĩ nói rằng ông đã uống quá nhiều rượu. Sau khi đi Việt Nam về, tôi đã có cái nhìn khác hơn và nhận ra rằng, không phải chỉ một mình cha tôi, gia đình tôi bị ảnh hưởng mà còn hàng trăm ngàn gia đình khác, Việt Nam cũng như Mỹ, đều có chung một hậu quả của cuộc chiến cách nay 33 năm. Có thể nói, chuyến đi Việt Nam đã giúp tôi vỡ ra rất nhiều  điều mà tôi nghĩ rằng trước đây, tôi không thể tha thứ và chấp nhận được.”
                        
Phần nào đó, cô cho rằng, cuộc đời của cha cô, một người cựu chiến binh Hoa Kỳ, sau khi từ chiến trường trở về, đã không thể hội nhập với cuộc sống bình thường như những người khác, ngay trên chính quê hương của mình là một điều vô cùng đau xót.  Chính những mẩu chuyện mà cha cô kể lại bên những ly rượu mà cô ghi nhớ lại, là những di sản mà vô hình chung, cô phải kế thừa. Cô nói:     

“Tôi nghĩ rằng, câu chuyện của ba tôi, và những gì tôi ghi chép lại được khi còn bé, đã phần nào trở thành di sản của cha tôi để lại.  Bên cạnh đó, tôi cho rằng những ai sinh sau cuộc chiến, người Việt hay Mỹ, những gì để lại từ chiến tranh Việt Nam đều là di sản chung.  Người dân Việt Nam thì lo xây dựng lại đất nước của họ,, còn người dân Mỹ thì xây dựng hy vọng cho tương lai và gia đình của họ.”

Được hỏi cô có dự định trở lại Việt Nam và viết thêm cuốn thứ hai liên quan đến chiến tranh Việt Nam hay không, cô cho hay:

“Tổ chức xã hội bất vụ lợi Đông Tây - East West Foundation hiện đang có mặt ở Việt Nam có mời tôi về và hy vọng rằng trong tương lai, tôi sẽ quay lại Việt Nam lần nữa. Tôi không nghĩ rằng tôi sẽ viết thêm cuốn thứ hai về đề tài này. Tôi đã mất 6 năm trời mới hoàn tất, tốn rất nhiều thời gian. Lòng tôi thật khó chịu khi viết lại những gì đã xảy ra cho cha tôi, viết lại những gì tôi đã chứng kiến hậu quả chiến tranh đã để lại cho cha tôi, những gì đã khiến cho cha mẹ tôi phải chia lìa, gia đình đổ vỡ, phải thú thật là viết những điều ấy thật khó. Nhưng, tôi đã nghĩ về những điều ấy suốt cuộc đời tôi, tôi tự nhủ rằng, mình phải viết và cuối cùng nó đã hoàn tất trong 6 năm trời.”

Thưa qúi thính giả và các bạn, gần đây tác phẩm “Falling Through The Earth: A Memoir” đã được dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Rơi Xuyên Lòng Đất” và do nhà xuất bản Văn Hoá Thông Tin ấn hành.  Nhà văn Danielle Trussoni cho biết cảm tưởng:            

“Tôi rất vui vì một trong những lý do tôi viết cuốn sách này, mặc dù là viết về cha tôi, là hy vọng một ngày nào đó, Việt Nam và Hoa Kỳ có thể hoà giải lại với nhau, và cho những độc giả Việt Nam thấy rằng sau cuộc chiến, người lính Mỹ từng tham chiến bên Việt Nam cũng có những nỗi thống khổ không thua kém gì người lính Việt Nam. Tôi hy vọng độc giả ở Việt Nam sẽ đón nhận cuốn sách của tôi, và mong rằng quá khứ phải nên khép lại để xây dựng một tình bạn mới giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.”  

Giờ đây, sau khi đã hoàn thành tâm nguyện của mình, Danielle Trussoni hiện sống hạnh phúc với chồng, cũng là nhà văn, và hai con nhỏ ở Wisconsin. Hiện cô đang cộng tác với các tờ báo nổi tiếng của Hoa Kỳ như The New York Times, Glamour, and The New York Times Book Review.  

Cuốn tiểu thuyết - hồi ký đầu tay với giọng kể chân thật, đầy tình người, cộng với những kinh nghiệm bản thân mà cô đã trải qua, đã đem lại cho người đọc nhiều ngậm ngùi, thương cảm về số phận không được may mắn của những cựu chiến binh Hoa Kỳ và gia đình của họ cho dù họ có sống sót trở về.  

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.