Trong chương trình đầu tiên của năm mới, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về hoàn cảnh tranh tối tranh sáng đó. Cuộc trao đổi với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa sẽ do Việt Long thực hiện sau đây....
Kinh tế Hoa Kỳ và khối kinh tế Ấu Châu
Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Chúng ta đã vừa vượt qua một năm mà ông đã gọi là "hú vía" vì không bị tổng khủng hoảng kinh tế mà chỉ bị suy trầm toàn cầu. Qua năm mới, tình hình có vẻ khả quan hơn dù là việc phục hồi vẫn còn nhiều bất trắc ở một số khu vực. Riêng với Việt Nam, thống kê mới nhất cho thấy tốc độ tăng trưởng của quý bốn đã lên tới 6,9% so với năm ngoái và bình quân toàn năm có thể là hơn 5%, tức là cũng không đến nỗi tệ. Như vậy, triển vọng 2010 có đáng cho chúng ta lạc quan hơn không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng ta sẽ nói về viễn ảnh chung trước khi đề cập tới hy vọng và thách đố cho các nước Đông Nam Á và của riêng Việt Nam.
- Trước hết, hầu hết các nhà kinh tế đều đồng ý rằng năm 2009 là năm suy trầm toàn cầu xuất phát từ những biến động tài chính bùng nổ tại Hoa Kỳ vào năm 2008. Vì kinh tế Hoa Kỳ suy trầm từ cuối năm 2007 nên đã tuột dốc trước tiên nhưng cũng đụng đáy sớm nhất, kể từ giữa năm ngoái và đã bắt đầu hồi phục dù không mạnh. Những chỉ dấu tiên báo ngày càng nhiều hơn cho thấy là Mỹ đang ra khỏi nạn suy trầm.
Vì kinh tế Hoa Kỳ suy trầm từ cuối năm 2007 nên đã tuột dốc trước tiên nhưng cũng đụng đáy sớm nhất, kể từ giữa năm ngoái và đã bắt đầu hồi phục dù không mạnh. Những chỉ dấu tiên báo ngày càng nhiều hơn cho thấy là Mỹ đang ra khỏi nạn suy trầm.
Ô.Nguyễn Xuân Nghĩa
Một chỉ dấu rõ rệt nhất là thị trường chứng khoán với chỉ số tiêu biểu là Standard and Poor's 500 đã tăng 50% kể từ dưới đáy vào tháng Ba - từ dưới 700 điểm nay đã lên tới hơn ngàn mốt. Một số chỉ dấu khác như hàng bán lẻ và tồn kho hay hóa đơn đặt hàng cũng đều báo hiệu điều ấy. Một chỉ dấu thuộc loại hậu kiểm tức là xác nhận điều tiên báo là số người khai báo thất nghiệp lần đầu cũng bắt đầu giảm.
Trên cơ sở đó, người ta dự đoán là kinh tế Mỹ sẽ hồi phục năm nay. Điều bất trắc còn lại là tâm lý thị trường, khi ngân hàng chưa dám cho vay và giới tiêu thụ chưa dám đi vay. Vì vậy, sự hồi phục tại Hoa Kỳ đã có, sẽ còn yếu ớt nhưng vẫn là khá hơn các nước công nghiệp khác.
Việt Long: Như vậy thì nếu cho rằng nguyên do hay thủ phạm là kinh tế Hoa Kỳ thì nền kinh tế này đang vươn dậy? Còn các khối kinh tế công nghiệp khác thì lại không được như thế?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Hoa Kỳ bị khủng hoảng tài chính giữa cơn suy trầm nên tất nhiên gây hậu quả cho xứ khác. Nhưng các xứ khác cũng có vấn đề nội tại bên trong và bị chấn động chậm hơn nên chưa có hy vọng đụng đáy và hồi phục nhanh như Mỹ. Trường hợp điển hình là khối kinh tế Ấu Châu, sẽ chật vật hơn và thất nghiệp còn tăng khi đã bắt đầu giảm tại Mỹ.
Riêng một vài quốc gia Âu châu thì chưa ra khỏi bão. Đó là các nước miền Nam như Italy hay Tây Ban Nha, miền Bắc như Ireland và Latvia, ở miền Đông như Romania và Hungary. Sáu nước này còn bị sóng gió vì mắc nợ cao và phải thắt lưng buộc bụng, cần được Liên hiệp Âu châu và Ngân hàng Trung ương Âu châu cấp cứu. Biện pháp tăng chi để kích cầu sẽ khiến họ phải trả giá rất đắt sau này. Các nước đó hy vọng là kinh tế Mỹ mà hồi phục thì sẽ kéo họ ra khỏi hố sâu, nhưng điều ấy hơi khó nên bất ổn xã hội sẽ là viễn ảnh của năm nay.
Âu châu có một sai lầm lớn là chỉ đổ lỗi cho Hoa Kỳ mà không rà lại bản thân với những nhược điểm riêng, nhất là sổ sách tài sản của hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng Âu châu có vấn đề trầm trọng hơn hệ thống ngân hàng Mỹ mà đến nay vẫn chưa kiện toàn chấn chỉnh.
Ô.Nguyễn Xuân Nghĩa
- Nói chung, Âu châu có một sai lầm lớn là chỉ đổ lỗi cho Hoa Kỳ mà không rà lại bản thân với những nhược điểm riêng, nhất là sổ sách tài sản của hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng Âu châu có vấn đề trầm trọng hơn hệ thống ngân hàng Mỹ mà đến nay vẫn chưa kiện toàn chấn chỉnh. Thí dụ như có khoảng hơn ngàn tỷ Euro tài sản là loại bất trắc mà mới phân nửa là được kiểm tra và xác định bị lỗ. Tức là Âu châu còn một cái hố sâu đến hơn 700 tỷ đô la trước mắt nên năm nay sẽ còn bị một đợt sóng dữ dập vào hệ thống ngân hàng và gây hậu quả tai hại cho trị giá đồng Euro.
Tình hình Châu Á
Việt Long: Còn đầu máy thứ ba là Nhật Bản thì dường như vẫn còn nằm ỳ tại chỗ, có phải như vậy không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nhật Bản coi như mất đứt hai chục năm kể từ vụ bể bóng đầu tư năm 1990 và cho đến nay vẫn chưa hồi phục. Riêng năm nay thì sẽ có tăng trưởng rất thấp, chỉ dưới 1%, và với cái giá là lại phải tăng chi ngân sách để bơm tiền vào kinh tế. Kết quả là Nhật mắc nợ nhiều nhất thế giới, quốc trái của Nhật đã vượt quá 200% của Tổng sản lượng GDP, là điều chưa từng thấy bao giờ. Trong hoàn cảnh đó, các nước khó trông cậy gì vào đầu máy này.
Việt Long: Thành ra, có phải là phục hồi mạnh nhất năm nay chính là các nền kinh tế ở châu Á?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Các nền kinh tế đang phát triển đều bậy dậy mạnh hơn cả, với bình quân có thể là 6,5%. Trong nhóm này, Á châu ngoài Nhật có đà tăng trưởng mạnh nhất, dẫn đầu là Trung Quốc với 10%, Ấn Độ với 8%, Indonesia đạt 6,5% và Nam Hàn chừng 6%. Việt Nam ở mức trung bình trong nhóm này. Tuy nhiên, và đây là vấn đề đang quan tâm trong năm nay: Trung Quốc đạt mức tăng trưởng cao nhất nhưng bằng biện pháp giả tạo nên sẽ phải trả giá sau này. Ba nước Ấn Độ, Indonesia và Hàn Quốc bị ảnh hưởng suy trầm nhẹ nhất và có nền móng lành mạnh hơn nên sẽ ổn định hơn.
Các nền kinh tế đang phát triển đều bậy dậy mạnh hơn cả, với bình quân có thể là 6,5%. Trong nhóm này, Á châu ngoài Nhật có đà tăng trưởng mạnh nhất, dẫn đầu là Trung Quốc với 10%, Ấn Độ với 8%, Indonesia đạt 6,5% và Nam Hàn chừng 6%. Việt Nam ở mức trung bình trong nhóm này.
Ô.Nguyễn Xuân Nghĩa
- Trường hợp Trung Quốc đáng chú ý là xứ này lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu, khi các thị trường xuất khẩu đều co cụm mà họ vẫn đạt mức tăng trưởng cao vào năm ngoái thì đến 95% động lực tăng trưởng là do lượng đầu tư bằng tăng chi và gần một ngàn tỷ rưỡi là tín dụng trong đó có rất nhiều khoản vay bất trắc. Vì vậy, xứ này sẽ bị nguy cơ khủng hoảng ngân hàng vì nợ xấu, bị nguy cơ bong bóng đầu tư vì tiền bơm vào chỗ trũng. Qua năm 2010 này, khi các nền kinh tế công nghiệp hóa còn èo uột và thị trường xuất khẩu chưa đủ mạnh mà Trung Quốc vẫn muốn đạt mức tăng trưởng cao thì họ phải nghĩ đến giải pháp khác.
Việt Long: Và giải pháp ấy là tìm các thị trường khác, có phải không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng năm nay, Trung Quốc sẽ mở chiến dịch chinh phục và khuynh đảo các nền kinh tế Đông Nam Á. Đã vậy, các quốc gia trong khu vực này cũng muốn xuất cảng nhiều hơn. Vấn đề chính trong năm nay sẽ là tìm ra thị trường xuất khẩu khi mà thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ còn èo uột và giới tiêu thụ Mỹ còn ngần ngại. Yêu cầu xuất khẩu ấy từ các nước Á châu xưa nay vẫn lấy ngoại thương làm lực đẩy có thể dẫn đến hai chuyện. Xứ nào cũng ráo riết sản xuất và cạnh tranh với nhau để bán ra ngoài, hàng họ sẽ giảm giá đáng kể và hy vọng đẩy lui nguy cơ lạm phát. Thứ hai là vì thị trường xuất khẩu còn hạn chế, nên Á châu sẽ không có tốc độ tăng trưởng cao như người ta trông đợi. Tình hình 2010 vì vậy có khả quan hơn mà chưa hẳn là rực rỡ và rủi ro tranh chấp về mậu dịch sẽ gia tăng, nhất là với Trung Quốc và Âu châu.
Vì thị trường xuất khẩu còn hạn chế, nên Á châu sẽ không có tốc độ tăng trưởng cao như người ta trông đợi. Tình hình 2010 vì vậy có khả quan hơn mà chưa hẳn là rực rỡ và rủi ro tranh chấp về mậu dịch sẽ gia tăng, nhất là với Trung Quốc và Âu châu.
Ô.Nguyễn Xuân Nghĩa
Việt Long: Vấn đề ấy đưa chúng ta trở lại một chuyện nhiều lần được đề cập tới. Đó là các nước châu Á sẽ phải nghĩ tới thị trường nội địa của mình thay vì cứ quá chú trọng và bị lệ thuộc vào xuất khẩu.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như vậy về nguyên tắc nhưng thực tế thì cũng còn tùy vào hoàn cảnh từng nước. Như Singapore là quốc gia nhỏ xíu nên phải là một trung tâm thương mại trong luồng giao dịch quốc tế và lệ thuộc vào xuất khẩu. Tỷ trọng xuất khẩu xứ này lên tới 185% Tổng sản lượng GDP nên khi các thị trường quốc tế bị co cụm, họ bị suy trầm nặng nhất và biết vậy mà cũng khó phát triển thi trường nội địa quá ít dân của mình.
- Ngược lại, Indonesia với hơn 200 triệu dân lại có tỷ trọng xuất khẩu thấp nhất, chỉ bằng 27% GDP, nên bị hiệu ứng suy trầm nhẹ nhất. Ở giữa hoàn cảnh của hai xứ đó có Malaysia, Việt Nam và Thái Lan hiện vẫn lệ thuộc quá nặng vào thị trường quốc tế, từ 90% đến 64%, mà lại đủ đông dân ở nhà thì quả là nên cải cách để mở rộng thị trường nội địa. Dù có mức tăng trưởng thấp hơn thì cũng vẫn ổn định hơn và ít bị hiệu ứng quốc tế dội vào bên trong. Nhưng đấy là một việc khó thực hiện, nhất là cho trường hợp Việt Nam vốn đã quá lạc quan trông đợi vào viễn ảnh hội nhập sau khi là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới từ đầu năm 2007.
Thị trường nội địa ở Việt Nam
Việt Long: Chúng ta kết thúc chương trình với trường hợp Việt Nam. Quốc gia này có 86 triệu dân, có một số nguyên nhiên vật liệu cần thiết cho sản xuất nên vì sao lại chưa thể phát triển được một thị trường nội địa mạnh hơn?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tất cả là ở cái đầu và phân tích chuyện Việt Nam tôi cứ e là mình trở thành lẩn thẩn vì đã nói đi nói lại nhiều về cùng một loạt vấn đề.
- Thứ nhất là cái đầu hướng ngoại nên cứ cho rằng sự thịnh vượng đến từ việc buôn bán với bên ngoài và ai có quyền mà ngồi canh cửa để trưng thu trên việc buôn bán đó thì làm giàu lẹ nhất. Họ không nghĩ đến đa số dân chúng bên trong và đây là điều đáng tiếc, cũng đáng xấu hổ nữa. Cả hệ thống giáo dục Việt Nam cũng thế, bị khủng hoảng vì không thiết thực nhìn vào nhu cầu của người dân, rồi đào tạo một lớp người chỉ biết làm gia công cho thiên hạ, tưởng đó là tiến bộ.
Cái đầu hướng ngoại nên cứ cho rằng sự thịnh vượng đến từ việc buôn bán với bên ngoài và ai có quyền mà ngồi canh cửa để trưng thu trên việc buôn bán đó thì làm giàu lẹ nhất. Họ không nghĩ đến đa số dân chúng bên trong và đây là điều đáng tiếc, cũng đáng xấu hổ nữa.
Ô.Nguyễn Xuân Nghĩa
- Thứ hai, muốn phát triển thị trường nội địa thì phải cải thiện hạ tầng chuyển vận và phân phối bên trong, là điều được quốc tế và các nước viện trợ khuyến cáo từ cả chục năm nay mà không kết quả. Cũng trong loại hạ tầng ấy, nên nghĩ đến cảo thiện nền tảng luật lệ hành chánh còn quá thô sơ lệch lạc của một chế độ quản lý rất rộng mà nông, là cái gì nhà nước cũng muốn kiểm soát chi phối mà thực tế thì chẳng điều động được gì.
- Thứ ba, phải giải tỏa cho tư doanh nội địa phát triển thay vì tập trung bảo vệ khu vực nhà nước. Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã được khuyến khích và viện trợ để cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà tiến độ thì thường xuyên chậm lụt. Từ hai năm nay, lãnh đạo Việt Nam còn tụt lùi khi lập ra các tổng công ty nhà nước! Thứ tư, không thể có thị trường nếu không có thông tin. Việt Nam đang kiểm soát thông tin còn khắt khe hơn trước thì còn lâu mới có kinh tế thị trường.
- Nói chung, khi khủng hoảng Đông Á bùng nổ năm 1997, Việt Nam đứng ngoài và bị hiểu ứng gián tiếp mà còn tăng trưởng được chừng 5%. Bây giờ, khi vừa bơi ra ngoài lại bị tổng suy trầm mà vẫn tăng trưởng được hơn 5% thì lãnh đạo xứ này cho là mình khôn ngoan. Thực tế là chế độ quản lý vĩ mô rất tồi tệ và đầy thất quân bình, khi khủng hoảng bùng nổ thì áp dụng khí cụ điều tiết thô thiển với cường độ quá mạnh tới mức thô bạo và tự gieo họa cho mình mà chưa thấy hậu quả. Vì vậy, chúng ta còn nên chờ đợi nhiều bẽ bàng trước khi có những thay đổi để thị trường nội địa có thể đóng góp được nhiều hơn cho phát triển.