Huyền thoại Á Châu

Phát biểu trong đại lễ mừng 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam hôm mùng 2 tháng 2 tại Hà Nội , Tổng bí thư Nông Đức Mạnh ngợi ca sự chọn lựa đúng đắn của Đảng, rằng "Tiến lên chủ nghĩa xã hội là con đường phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam đã được đề ra từ Cương lĩnh đầu tiên của Đảng".
Việt Long, phóng viên đài RFA
2010.02.03
80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam hôm mùng 2 tháng 2 tại Hà Nội 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam hôm mùng 2 tháng 2 tại Hà Nội
RFA photo from YouTube

Ông cũng nhấn mạnh đến nhu cầu gọi là “bảo vệ an ninh chính trị,kinh tế, xã hội, an ninh tư tưởng và văn hoá, giữ vững ổn định chính trị, ngăn ngừa, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”. Nhân dịp này, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về những chọn lựa của lãnh đạo Hà Nội, theo nhãn quan kinh tế,  trong bối cảnh chung của khu vực Á châu. Việt Long thực hiện cuộc trao đổi với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa về đề mục này. 

Tiến lên xã hội chủ nghĩa là con đường tất yếu?

Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Sau 10 năm đầu tiên mà đầy biến động kinh tế của thế kỷ 21, chúng ta vừa kết thúc thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ thứ ba. Tại Hà Nội, ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh vừa chào mừng 80 năm thành lập đảng Cộng sản Việt Nam và nói đến sự chọn lựa đúng đắn của đảng là tất yếu tiến lên chủ nghĩa xã hội như đã đề ra từ Cương lĩnh đầu tiên của Đảng.

Trong chương trình chuyên đề kỳ này, và cũng vào dịp cuối năm Sửu, chúng tôi xin đề nghị là chúng ta cùng tìm hiểu về những chọn lựa đó dưới nhãn quan kinh tế. Câu hỏi đầu tiên, thưa ông, cảm nghĩ tổng quát của ông như thế nào về bài phát biểu này của người lãnh đạo một đảng duy nhất đang cầm quyền tại Việt Nam?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng đây chỉ là một bài diễn văn chính trị và như mọi bài diễn văn chính trị, người ta thường nhồi nhét vào trong mọi ý tưởng ăn khách mà bất chấp nội dung thực tế là có nhiều mâu thuẫn. Thứ hai nữa, như một bài diễn văn hay báo cáo chính trị của đảng độc quyền, nội dung vẫn chỉ có ba phần là một chuỗi ngợi ca thành tích, một vài phê phán và hứa hẹn rồi rất nhiều khẩu hiệu sách động. Tôi thiển nghĩ rằng mình cần trừ bì, gia giảm về nội dung linh tinh như vậy mà chú ý đến sự chọn lựa của đảng Cộng sản Việt Nam, như ông vừa nói tới.

Tôi nghĩ rằng đây chỉ là một bài diễn văn chính trị và  người ta thường nhồi nhét vào trong mọi ý tưởng ăn khách mà bất chấp nội dung thực tế là có nhiều mâu thuẫn. Thứ hai nữa, như một bài diễn văn hay báo cáo chính trị của đảng độc quyền, nội dung vẫn chỉ có ba phần là một chuỗi ngợi ca thành tích, một vài phê phán và hứa hẹn rồi rất nhiều khẩu hiệu sách động.
Ô.Nguyễn Xuân Nghĩa

Việt Long: Nếu như vậy, ông thấy sự chọn lựa này thế nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Sau 80 năm thành lập đảng mà những người lãnh đạo vẫn cho rằng đảng có lý y như đã đề ra trong bản Cương lĩnh đầu tiên vào năm 1930 thì có lẽ ta đang gặp trường hợp "siêu hiện thực", là vượt lên thực tế mà nói chuyện ảo về việc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thực chất thì đảng Cộng sản Việt Nam đã có những chọn lựa tai hại cho quyền lợi Việt Nam trong thế kỷ 20 khiến xứ sở bị tụt hậu oan uổng sau nhiều hy sinh đẫm máu.

Bước vào thế kỷ 21, đảng Cộng sản chỉ đang áp dụng một mô thức lạc hậu của Á châu mà nhiều người lại không nhìn ra, cũng như chẳng nhìn ra nhiều sự lạc hậu của châu Á. Nếu nhìn ra thì người ta đã có sự chọn lựa khác. Sau rất nhiều tổn thất cả xương máu lẫn kinh tế của thế kỷ 20 mà Việt Nam vẫn còn như vậy thì quả là một điều đáng tiếc, và vô cùng đáng sợ.

Việt Long:  Ông nói rằng đảng Cộng sản Việt Nam đang áp dụng một mô thức lạc hậu của châu Á.  Mô thức ấy là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Đó là sự kết hợp giữa tư tưởng Khổng nho, phương pháp tư bản và chủ nghĩa cộng sản dưới sự lãnh đạo độc tôn của một đảng xưng danh cách mạng. Việt Nam học mô thức này của Trung Quốc mà không nhìn ra sự lạc hậu của nó và sẽ thua kém nhiều nước Á châu khác. Tôi xin được giải thích về chuyện này.

- Nhân danh kỷ cương gia đình và ổn định xã hội, và vẫn còn ảnh hưởng tại Đông Á, tư tưởng Khổng nho có mặt trái của nó. Đó là tinh thần gia trưởng, trọng nam khinh nữ, e ngại rủi ro, nghi ngờ sáng kiến, và tột cùng của nó là biện minh cho ách độc tài, tham ô. Đây là một trong những huyền thoại phổ biến nhất tại Á châu, khi người ta nói đến các "giá trị tư tưởng của châu Á".

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh
Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. AFP photo
- Thứ hai, mô thức này áp dụng phương pháp tư bản trong sản xuất nên chấp nhận một số quyền tự do về kinh tế, rồi gọi đó là kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường không chỉ phát triển nhờ quyền tự do kinh tế có hạn chế mà còn đòi hỏi nhiều quyền tự do khác, dễ hiểu nhất là tự do thông tin và tư tưởng. Chủ nghĩa tư bản cũng thế, nó không thể phát triển nếu không có dân chủ chính trị.

Sau 80 năm thành lập đảng mà những người lãnh đạo vẫn cho rằng đảng có lý y như đã đề ra trong bản Cương lĩnh đầu tiên vào năm 1930 thì có lẽ ta đang gặp trường hợp "siêu hiện thực", là vượt lên thực tế mà nói chuyện ảo về việc tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Ô.Nguyễn Xuân Nghĩa

- Thứ ba, lý do mà Việt Nam hay Trung Quốc áp dụng phương pháp tư bản nửa vời như vậy là vì chủ nghĩa cộng sản, hay cái gọi là "định hướng xã hội chủ nghĩa". Nó cho phép đảng cầm quyền lấy những quyết định kinh tế hệ trọng nhất mà bất chấp quy luật kinh tế. Trong giai đoạn đầu của việc áp dụng phương pháp tư bản - và gọi đó là "đổi mới" - Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn trước nhưng vẫn chưa thể có phát triển vì phẩm chất quá kém của tăng trưởng. Và kết quả của sự kết hợp tam giác đó là hiện tượng tư bản thân tộc của những kẻ có chức có quyền, là nạn bất công xã hội và tham nhũng trong một nước tự xưng xã hội chủ nghĩa, là nạn hủy hoại môi sinh lẫn đạo đức xã hội. Sau một giai đoạn tăng trưởng ban đầu, mô thức này sẽ tất yếu dẫn tới khủng hoảng.

Có thực Châu Á là biểu tượng cho thế kỷ 21?

Việt Long:  Có một số ý kiến phản biện đối với ba điểm ông vừa nói, tôi xin trình bày nơi đây.  Trong vụ khủng hoảng và suy trầm toàn cầu vừa xảy ra, các nước châu Á đã bị nhẹ nhất và hồi phục nhanh nhất, mà đi đầu là Trung Quốc và cả Việt Nam, nếu nhìn trên khía cạnh tốc độ tăng trưởng. Cũng vì vậy mà nhiều nhà nghiên cứu đã gọi thế kỷ 21 là Thế kỷ của châu Á, vào  khi châu Âu co cụm, Hoa Kỳ bị khủng hoảng. Thậm chí nhiều người còn nêu vấn đề về giá trị của chủ nghĩa tư bản và đề cao vai trò can thiệp của nhà nước vào kinh tế...

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi rất hiểu các lập luận phản biện ấy và chính vì vậy mà mình cần làm sáng tỏ vấn đề để xoá bỏ một số huyền thoại về Á châu. Có khi đây mới là nội dung chính khi ta cần tìm hiểu về những chọn lựa của Việt Nam.

- Thứ nhất, trong trận suy trầm toàn cầu vào các năm 2008-2009, một số quốc gia của khu vực Á châu không bị ảnh hưởng nặng như người ta đã báo động, đó là trường hợp của Úc Đại Lợi, của Indonesia, Nam Hàn, hay Đài Loan và Ấn Độ. Trung Quốc và cả Việt Nam đã trả cái giá rất đắt cho việc kích thích kinh tế để ra khỏi suy trầm mà, theo thói quen, người ta chỉ đếm ra cái được mà không nhìn thấy cái mất, nhất là những rủi ro chính trị sau này xuất phát từ nạn bất công xã hội và tham nhũng. Nhìn xa hơn, trong ngần ấy vụ khủng hoảng hay suy trầm kinh tế, chỉ có hai nước Trung Quốc và Việt Nam là nhân danh an ninh kinh tế chính trị mà thẳng tay đàn áp người dân. Khi so sánh tình hình các nước, ta không thể chỉ nói đến con số của đà tăng trưởng mà cần phải nhìn vào thân phận của người dân ở đằng sau các con số đó.

- Thứ hai, nói về thế kỷ 21 là "Thế kỷ Á châu", ta cũng nên tự hỏi là Á châu nào? Các nước Đông Á và phần duyên hải của Trung Quốc thì còn ảnh hưởng Khổng nho nhưng hoàn toàn khác hẳn khu vực còn lại, và khác hẳn Ấn Độ. Các nước Á châu cũng có loại dân chủ là phổ biến mà độc tài là thiểu số, ngẫu nhiên sao cũng lại là Trung Quốc và Việt Nam. Và cái tập hợp Á châu phức tạp ấy lại không thể bằng tập hợp Âu châu khi sống chung với nhau. Á châu là nơi có nhiều nguy cơ xung đột mà các nước trong vùng không thể tự giải quyết được như Âu châu, và phải trông đợi vào thế lực quân sự của một siêu cường nằm bên kia Thái bình dương, là Hoa Kỳ.

Á châu đã đánh mất khả năng sáng tạo. Những sáng kiến kỹ thuật của hai xứ tiên tiến nhất là Nhật Bản và Nam Hàn - nhiều gấp trăm lần Trung Quốc nếu kể về bằng sáng chế - chủ yếu vẫn chỉ là sao chép và ứng dụng sáng kiến Âu-Mỹ.
Ô.Nguyễn Xuân Nghĩa

- Thứ ba, nhìn về dài, Á châu đã đánh mất khả năng sáng tạo. Những sáng kiến kỹ thuật của hai xứ tiên tiến nhất là Nhật Bản và Nam Hàn - nhiều gấp trăm lần Trung Quốc nếu kể về bằng sáng chế - chủ yếu vẫn chỉ là sao chép và ứng dụng sáng kiến Âu-Mỹ. Một số quốc gia Á châu đã vươn lên và đạt nhiều tiến bộ thì cũng chỉ là nhờ áp dụng một số tư tưởng xuất phát từ bên ngoài, từ Tây phương.

Việt Long:  Xin hỏi ngay, những tư tưởng của Tây phương đó là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa nếu phải kể ra thì có rất nhiều. Đó là chủ nghĩa tư bản, là quyền tự do của cá nhân, của công dân, là nguyên tắc nam nữ bình quyền, là việc tách rời tôn giáo ra khỏi chính trị, là sự bình đẳng của mọi người dân trước hệ thống luật pháp do người dân lập ra, một điều kiện cần thiết của dân chủ. Quan trọng nhất, tôi nghĩ là có quyền tự do phê phán và hoài nghi mọi chủ thuyết. Nhờ học được mấy điều này của Âu châu và Hoa Kỳ, một số quốc gia châu Á đã bắt kịp thế giới và tự giải phóng khỏi tinh thần ổn định giả tạo mà thực chất là ách độc tài.

- Cũng cần nói thêm rằng các quốc gia tiên tiến này đã tự động áp dụng tư tưởng khai phóng ấy chứ không do sức ép của bên ngoài. Thí dụ cụ thể là trường hợp Ấn Độ, là Đài Loan, Nam Hàn hay cả Indonesia. Các quốc gia này, dù có ảnh hưởng Khổng giáo hay không, đã chủ động tự chuyển hoá theo chế độ dân chủ trước hoặc sau khi áp dụng chế độ kinh tế thị trường. Họ chọn lựa những điều ấy vì lợi ích của người dân hơn là vì quyền lợi của lãnh đạo.

Á châu có thể vươn lên trong thế kỷ 21 nhưng với điều kiện là học được các bài học hay dở của Âu châu sau mấy thế kỷ lụn bại của mình. Bài học nên tránh nhất chính là hiện đại hoá chủ nghĩa cộng sản theo phương thức Á châu như Karl Marx đã nói!
Ô.Nguyễn Xuân Nghĩa

- Chúng ta đều hiều rằng Âu châu đã thống trị thế giới từ năm 1492 đến 1991 khi xâm lược và chi phối các nước khác, nhất là các nước Á châu. Nhưng Âu châu có thể tàn lụi với dân số co cụm mà vẫn sống với nhau trong hoà bình, thịnh vượng và khá công bằng.  Á châu có thể vươn lên trong thế kỷ 21 nhưng với điều kiện là học được các bài học hay dở của Âu châu sau mấy thế kỷ lụn bại của mình. Bài học nên tránh nhất chính là hiện đại hoá chủ nghĩa cộng sản theo phương thức Á châu như Karl Marx đã nói!

Việt Long: Câu hỏi cuối, thưa ông, Việt Nam nên chọn lựa chiều hướng nào trong thế kỷ 21 này?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Việt Nam nên tự giải ảo khỏi những huyền thoại không có về Á châu và về chủ nghĩa cộng sản. Nếu nhìn vào xã hội Nam Hàn và so sánh với Bắc Hàn, ta thấy Nam Hàn là một quốc gia tiên tiến, có dân chủ, đã công nghiệp hoá và tự cải sửa nhiều đợt để xây dựng một xã hội thật sự hài hòa. Trường hợp Đài Loan cũng thế. Mà nói về công bằng xã hội, họ thực tế là đã xây dựng chủ nghĩa xã hội mà có cần ách độc tài đâu? Quan trọng nhất, dù cả hai thường xuyên bị các chế độ hung đồ chung quanh đe dọa về an ninh, không khi nào ta thấy lãnh đạo của họ tố cáo "thế lực thù nghịch" nào đó ở bên ngoài để đàn áp người dân ở bên trong. Lãnh đạo của họ thực tâm yêu nước và không sợ mất quyền nên không sợ cả ngoại xâm lẫn dân chủ. Sau một thế kỷ 20 đầy oan uổng, Việt Nam xứng đáng được một tương lai khác hơn là để đàn bà trẻ em của mình phải đi phục vụ người dân Đài Loan hay Hàn quốc như ta đang thấy ngày nay.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.