Thu hút đầu tư nước ngoài

Trong bối cảnh lương bổng đang tăng tại Trung Quốc, doanh gia thế giới nói đến cơ hội của nhiều quốc gia đang phát triển khác để thu hút được đầu tư nhờ lợi thế công nhân rẻ hơn.
Việt Long & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2010.06.23
Chi nhánh City Bank tại Hà Nội, ảnh chụp hôm 25/04/2010. Chi nhánh City Bank tại Hà Nội, ảnh chụp hôm 25/04/2010.
RFA Photo/Tyler Chapman

Qua phần trao đổi sau đây cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về các cơ hội này, với bài học rút tỉa riêng cho Việt Nam. Xin mời quý vị cùng Việt Long trình bày vấn đề như sau.

Làm giàu từ tiền “người”

Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Kỳ trước, khi tìm hiểu về các biến động trên thị trường lao động Trung Quốc, ta có thấy rằng doanh nghiệp đầu tư quốc tế có thể kết luận là Trung Quốc đang mất dần lợi thế lao động rẻ, mà Trung Quốc gọi là dân công, nên quốc tế bắt đầu nói tới việc đầu tư vào quốc gia khác. Trong hoàn cảnh đó và như đã yêu cầu kỳ trước, chúng tôi đề nghị là chương trình kỳ này sẽ phân tích những điều kiện thuận lợi cần thiết để thu hút đầu tư của nước ngoài làm phương tiện cho phát triển. Ông nghĩ sao về đề mục này?

Xứ này có thể dùng tư bản xứ khác làm phương tiện phát triển quốc gia. Đó là trường hợp thu hút đầu tư từ nước ngoài vào để làm giàu cho nước mình.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa: Người ta hay nói đùa theo một ngạn ngữ Pháp, từ câu nói của nhà văn Alexandre Dumas, rằng "kinh doanh là làm giàu cho ta bằng tiền của người!". Điều ấy cũng không sai với thực tế kinh tế, vì xứ này có thể dùng tư bản xứ khác làm phương tiện phát triển quốc gia. Đó là trường hợp thu hút đầu tư từ nước ngoài vào để làm giàu cho nước mình.

Mà nói đến đầu tư, ta nên phân biệt hai loại. Loại gián tiếp là khi mình mua cổ phiếu kiếm lời trên thị trường chứng khoán, là hùn vốn vào một công ty ở nước khác mà không trực tiếp quản lý việc kinh doanh đó. Loại thứ hai mà ta chú ý ở đây chính là đầu tư trực tiếp.

Đó là khi chủ đầu tư đem tiền vào lập ra một cơ sở sản xuất hoàn chỉnh trước đó chưa hề có, hoặc hùn vốn liên doanh với một cơ sở có sẵn, hay bành trướng hoạt động qua tiến trình sát nhập doanh nghiệp khác, hoặc bơm thêm vốn vào một chi nhánh có sẵn của mình... Trong loại hùn hạp đầu tư và theo định nghĩa thông thường của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, khi phần hùn chiếm tỷ lệ từ 10% trở lên thì mới gọi là đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, thay vì chỉ dựa trên cảm quan, chúng ta cần tỉnh táo tìm hiểu xem vì sao xứ khác lại đầu tư vào nước mình. Mà nêu câu hỏi ấy thì ta thấy ngay một sự trái ngược về động lực và về dòng đầu tư, một sự thật thường bị lãng quên trong các nước đang phát triển, kể cả Việt Nam.

Việt Long: Xin hỏi ngay rằng ông gọi là trái ngược về động lực đầu tư là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi xin được nói về bối cảnh trước và sẽ trình bày sự trái ngược ấy sau. 

Nói chung, không chỉ có các xứ tân hưng, tức là mới nổi lên như Đài Loan hay Nam Hàn, hoặc các nước đang bắt đầu phát triển, như Việt Nam, mới nghĩ đến việc gọi là "mượn sức người" mà xứ nào cũng vậy. Vì thế mới có hiện tượng "đầu tư nước ngoài", là đem tiền qua xứ khác đầu tư để kiếm lời nhiều hơn. Quy luật kinh tế tiềm ẩn bên dưới quyết định đầu tư ấy là đi tìm "lợi thế tương đối". Cụ thể là đôi khi việc đầu tư để sản xuất lấy ở nhà lại không có lợi bằng đem tiền đi đầu tư ở xứ khác vì nơi khác ấy lại có lợi thế cao hơn. Đấy là về bối cảnh chung.

Khi tư bản được tự do chuyển dịch từ nơi ít lợi đến nơi có lợi cao hơn thì kết quả tổng hợp là cả chủ đầu tư lẫn nước nhận đầu tư đều lợi. Từ hai chục năm trở lại đây, vì quyền tự do chuyển dịch tư bản ấy có mở rộng nên đã làm bùng phát lưu lượng đầu tư ra nước ngoài.

Phòng trưng bày xe Ford lắp ráp tại Việt Nam, ảnh chụp hôm 26/04/2010 ở Hà Nội. RFA Photo / Tyler Chapman.
Phòng trưng bày xe Ford lắp ráp tại Việt Nam, ảnh chụp hôm 26/04/2010 ở Hà Nội. RFA Photo / Tyler Chapman.

Động lực đầu tư

Việt Long: Ông vui lòng nói rõ hơn về động lực đầu tư của chủ đầu tư hay lợi thế tương đối của nơi tiếp nhận đầu tư, ông cũng  nói đến một sự thật trái ngược cứ bị các nước lãng quên, thì điều đó là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Động lực đầu tư là tìm lợi thế tương đối mà xứ mình không có bằng xứ khác. Các nước nghèo thì chỉ nhìn vào trong và nghĩ rằng lợi thế tương đối của mình là có nhiều tài nguyên thiên nhiên hoặc có nhân công rẻ. Trong khi ấy, người có tiền đầu tư thì nhìn vấn đề rộng lớn hơn là chỉ chú ý đến yếu tố nhân công rẻ hoặc tài nguyên khoáng sản dồi dào.

Sự thật bị lãng quên là các nước công nghiệp chủ yếu đầu tư vào thị trường của nhau! Trong dòng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, đến 60% lại tập trung vào ba khối kinh tế công nghiệp hóa là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Âu Châu. Chỉ có 40% là vào các nước đang phát triển. Và quốc gia nhận đầu tư của nước ngoài nhiều nhất thế giới chính là Hoa Kỳ, gấp ba số đầu tư vào các nước đang phát triển! Tính đến cuối năm 2008 thì Mỹ nhận được tổng cộng hơn 2.000 tỷ Mỹ kim đầu tư trực tiếp, bằng 15% Tổng sản lượng nội địa GDP. Trong khi ấy doanh nghiệp Mỹ vẫn đầu tư ra ngoài, nhiều nhất là vào Âu Châu hay Nhật. Như vậy, động lực chính của đầu tư là đem tiền vào sản xuất cho các thị trường có khả năng tiêu thụ cao, có môi trường kinh doanh ổn định, luật lệ minh bạch thông thoáng, chứ không chỉ đơn giản là tìm nơi có nhân công rẻ. 

Việt Long: Ông nêu ra một nhận xét có thể là bất ngờ cho nhiều người. Như thế phải chăng lưu lượng đầu tư trực tiếp lại tập trung chảy vào các nước giàu với nhau?

Người có tiền đầu tư thì nhìn vấn đề rộng lớn hơn là chỉ chú ý đến yếu tố nhân công rẻ hoặc tài nguyên khoáng sản dồi dào.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa: Xưa kia, lượng đầu tư trực tiếp bên trong ba khối kinh tế giàu nhất đã lên tới gần 80% và nay vẫn chiếm 60% tổng số đầu tư trực tiếp của thế giới. Sau đó, các nước công nghiệp mới chú ý đến thị trường tân hưng, hay các nước đang phát triển như Trung Quốc.

Rồi các nước tân hưng bắt đầu có tiền thì mới nghĩ đến việc đầu tư vào xứ khác nên lượng đầu tư này đang có hướng gia tăng trên thế giới, nhưng chưa thể bằng ba khối công nghiệp hóa ở phương Bắc là Mỹ, Âu và Nhật. Lồng bên dưới sự thật này là một lầm lẫn tai hại của các nước nghèo và của lý luận Mác-xít lạc hậu. Đó là các nước giàu đem tiền đầu tư để bóc lột sức lao động của dân nghèo túng ở xứ khác. Thật ra, các nước nghèo và lạc hậu mới dễ bóc lột nhau bằng nhiều thủ thuật được chính nhà nước các nước nghèo này bao che với lý cớ là tạo ra công ăn việc làm.

Ta thấy luật lệ các nước công nghiệp hóa đều đặt tiêu chuẩn lao động và môi sinh rất cao, báo chí của họ lại có tự do nên phanh phui mọi sự lạm dụng có thể làm giảm uy tín của thương hiệu. Ngược lại, chính các nước tân hưng vừa leo lên bậc thang cao hơn của phát triển mới ngó qua xứ khác tìm nhân lực rẻ hơn nên thường áp đặt điều kiện lao động khắc nghiệt hơn, với sự dễ dãi tai hại về môi sinh.  Dân Việt Nam đã thấy như vậy tại các doanh nghiệp có chủ đầu tư từ các nước tân hưng Đông Á, và sẽ còn thấy nhiều hơn với các doanh nghiệp đầu tư của Trung Quốc.

Việt Long: Đúng vậy, khi ta nhìn vào vụ công ty Vedan và sông Thị Vải, thưa ông!  Nói vắn tắt, là doanh nghiệp Mỹ chẳng hạn có thể đầu tư vào châu Âu để sản xuất và bán hàng tại chỗ vì có lợi hơn là sản xuất tại Mỹ rồi chở qua đó. Sau đấy thì mới đẩy tiền vào các nước châu Á tân hưng hay đang phát triển để sản xuất cho thị trường đó hoặc xuất cảng ngược về thị trường Hoa Kỳ. Nhưng động lực chính vẫn là tìm thị trường tiêu thụ có tiềm năng trong môi trường đầu tư ổn định minh bạch, chứ không chỉ là tìm nơi có lương rẻ nhất. Có phải như vậy không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng vậy vì bài toán của nhà đầu tư vẫn là sản xuất cái gì và ở đâu thì có lợi nhất. Đó là quy luật "lợi thế tương đối" cho từng loại sản phẩm.

Trụ sở ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tại Hà Nội, ảnh chụp hôm 26/04/2010. RFA Photo / Tyler Chapman.
Trụ sở ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tại Hà Nội, ảnh chụp hôm 26/04/2010. RFA Photo / Tyler Chapman.
Thí dụ như hàng tinh chế cao cấp và lời nhiều, như cơ phận hay thiết bị tinh vi thì sản xuất ở các nước công nghiệp có năng suất và sức tiêu thụ cao. Còn hàng tiêu dùng cần giá rẻ như áo quần giày dép thì sản xuất ở nơi có nhân công rẻ như Á châu. Ta không quên 60% lượng xuất khẩu của một xứ nổi tiếng thế giới về khả năng xuất khẩu, là Trung Quốc, lại do các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Hoa lục tạo ra.

Tuần qua, khi ngân hàng xuất nhập khẩu US Exim Bank của Chính phủ Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam 500 triệu Mỹ kim để phát triển hạ tầng cơ sở thì mục tiêu phát triển ấy cũng nhắm vào việc mở rộng thị trường nội địa Việt Nam cho xuất cảng của Mỹ và cho doanh nghiệp đầu tư Mỹ.

Khai thác cơ hội

Việt Long: Bây giờ ta mới nói đến yếu tố lương bổng và năng suất. Khi lương tại Trung Quốc bắt đầu tăng, giới đầu tư bèn nhìn qua nơi khác, như Ấn Độ hay Việt Nam. Trong trường hợp đó, Việt Nam cần làm những gì để khai thác cơ hội chiêu dụ việc đầu tư?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi xin lấy một thí dụ thời sự: các doanh nghiệp quốc tế đang cân nhắc lợi hại khi đầu tư vào việc chế biến và xuất khẩu áo quần tại Trung Quốc hay tại Việt Nam. Về lương bổng, bình quân thì lương giờ bên Tầu hiện là một đô la 84 xu, tăng 14% so với năm ngoái. Tại Việt Nam, lương giờ mới chỉ là 49 xu, tăng rất ít. Nhưng trong ngành này, chi phí về lương bổng chỉ chiếm từ 15 đến 22% giá thành sản xuất, mà vật liệu và tiếp vận lại tốn đến 60%. Công nhân Việt Nam còn rẻ, nhưng có năng suất thấp, Việt Nam thiếu cơ xưởng cung cấp và tồn trữ hàng dệt sợi nên phải nhập từ xứ khác vào, mà luật lệ lại bất trắc và tham nhũng tràn lan.

Đó là tính toán của chủ đầu tư. Nhìn từ giác độ của nơi tiếp nhận đầu tư, thì ngoài lương bổng và năng suất, nếu có hạ tầng cơ sở vật chất và luật lệ thuận tiện, ta sẽ càng dễ thu hút đầu tư. Suy rộng ra thì Việt Nam cần cải thiện hạ tầng cơ sở vật chất và luật lệ vì bề nào cũng cần thiết cho sinh hoạt kinh tế quốc dân. Sau đó mới là nghĩ đến chuyện lương lậu, nhưng phải biết rằng lương bổng chỉ là một phần của bài toán năng suất thôi. Mà năng suất ấy chính là giáo dục và đào tạo, một nhược điểm then chốt, thậm chí một sự khủng hoảng của Việt Nam.

Việt Long: Câu hỏi cuối thưa ông, Việt Nam nên tránh sai lầm gì khi muốn chiêu dụ đầu tư?

Việt Nam cần cải thiện hạ tầng cơ sở vật chất và luật lệ vì bề nào cũng cần thiết cho sinh hoạt kinh tế quốc dân.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước tiên là tầm nhìn. Trong đà tiến hóa chung của cả thế giới, xứ nào cũng muốn leo lên bậc thang cao hơn của tiến trình sản xuất để tạo ra phẩm vật có giá trị hơn. Khi lên tới nấc trên rồi thì họ bèn gạt xuống dưới, qua xứ khác, việc sản xuất loại hàng có giá trị thấp hơn, hoặc gây ô nhiễm nhiều hơn.

Lãnh đạo Việt Nam mắc chứng vĩ cuồng khi nghĩ đến dự án làm đường xe lửa cao tốc đầy lãng phí mà không nhìn thấy sự phá sản của giáo dục và đào tạo nên Việt Nam khó leo lên bậc thang cao hơn của tiến trình sản xuất. Thật ra, Việt Nam đang có hiện tượng "tỵ nạn giáo dục", là các gia đình khá giả đưa con qua xứ khác để có nền giáo dục khá hơn. Như vậy sẽ càng thiếu người có chuyên môn cao. Đa số còn lại vẫn có năng suất thấp, làm quốc gia chỉ nhận được loại đầu tư thấp kém mà thiên hạ không thèm làm nữa và thải xuống cho mình cùng rất nhiều uế vật tai hại. Rồi vì tầm nhìn quá ngắn nên cứ nghĩ tới nhân công rẻ, vô hình chung, nhà nước là đồng lõa cho nạn bóc lột lao động và hủy hoại môi trường sinh sống.

Muốn phá vòng luẩn quẩn thì phải cấp tốc cải cách giáo dục và đào tạo để sau này nhân công Việt Nam có khả năng đóng góp và tổ chức cao hơn trong tiến trình sản xuất và tất nhiên là sẽ có lợi tức cao hơn. Ngay trước mắt thì nên ưu tiên cải thiện hạ tầng cơ sở giao thông vận tải và luật lệ kinh doanh vì đấy là điều kiện cần thiết về môi trường đầu tư mà thiên hạ rất chú ý.

Và sau cùng, cần giải trừ nguy cơ bóc lột lao động nhờ báo chí có quyền tự do thông tin, công nhân có quyền tự do nghiệp đoàn để tranh đấu cho quyền lợi thiết thực của họ. Phải tránh cho công nhân cái nạn một cổ hai tròng, là thứ nhất, chủ đầu tư Đông Á hay Trung Quốc và thứ hai, là quan chức nhà nước.

Việt Long: Xin cám ơn Ông Nguyễn Xuân Nghĩa.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.