Nhược Điểm của Trung Quốc
2018.10.10
Trong trận thương chiến đang bùng nổ với Hoa Kỳ, Trung Quốc lại có những nhược điểm nội tại khiến lãnh đạo Bắc Kinh phải nhìn xa hơn biện pháp trả đũa. Những nhược điểm ấy là gì, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu sau đây...
Chặn đứng bành trướng
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bùng nổ và mâu thuẫn giữa hai nước còn trở nên gay gắt hơn như người ta có thể thấy qua cuộc gặp gỡ của hai Ngoại trưởng hôm Thứ Hai mùng tám vừa qua trong khi kinh tế Trung Quốc lại có dấu hiệu đình trệ khiến Bắc Kinh phải ra biện pháp kích thích lần thứ tư nội trong năm nay. Nếu như vậy, tình hình có thể xoay chuyển như thế nào, thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng Hoa Kỳ muốn chặn đứng sự bành trướng của Trung Quốc chứ không chỉ có nhu cầu khôi phục khu vực chế biến của mình, và ngược lại Trung Quốc có nhiều nhược điểm lớn trong cơ cấu kinh tế chính trị nên sẽ bị nhiều tổn thất hơn người ta dự đoán trước đây. Nhìn cách khác thì Bắc Kinh có thể chịu đựng nổi nhiều thiệt hại kinh tế vì trận thương chiến nhưng sẽ bị đẩy lui vì những nhược điểm sẵn có trong cơ cấu kinh tế chính trị của họ. Chúng ta nên nhìn ra những nhược điểm ấy trong trường kỳ chứ không chỉ đếm sự tổn thất sẽ có trong vài ba năm sắp tới mặc dù Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF vửa nhận định rằng kinh tế Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nhiều hơn kinh tế Hoa Kỳ.
Bắc Kinh có thể chịu đựng nổi nhiều thiệt hại kinh tế vì trận thương chiến nhưng sẽ bị đẩy lui vì những nhược điểm sẵn có trong cơ cấu kinh tế chính trị của họ.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Nói về tổn thất, việc Hoa Kỳ có thể áp thuế nhập nội thêm 10% hay 25% trên một lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc có trị giá tương đương với hơn 500 tỷ đô la, tức là cao hơn số xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ, nên tất nhiên là gây khó khăn cho Bắc Kinh. Nhưng dường như ông còn thấy ra nhiều vấn đề khác nữa. Thưa ông, những vấn đề ấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Kinh tế Trung Quốc vẫn lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu, lên tới 20% của Tổng sản lượng GDP, và dù có tìm ra thị trường khác thay cho thị trường Hoa Kỳ thì cũng bị thất thâu trong nhiều năm tới. Chưa ai có thể tính ra mức thiệt hại một cách chính xác vì mỗi loại hàng hóa lại có sự đàn hồi hay co giãn khác nhau về cung và cầu, nhưng với đà tăng trưởng chỉ còn ở khoảng 6,5% một năm, là chỉ tiêu khó đạt cho năm nay, kinh tế Trung Quốc có thể mất thêm tới 1% của GDP và đấy là thất nghiệp gia tăng lẫn tiêu thụ suy giảm. Bắc Kinh có thể chống đỡ được sự tổn thất ấy, nhưng nhìn về dài thì sẽ không thể vượt nổi những thách đố vốn đã có sẵn ở bên trong.
Những thách đố đối với Bắc Kinh
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày cho những thách đố Bắc Kinh đang phải đối đầu như ông vừa nói.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta sẽ khởi đi từ địa dư hình thể là yếu tố gần như bất biến là khó thay đổi. Tôi cứ hay nói đến hiện tượng “nhất quốc tam kinh” là một quốc gia có ba nền kinh tế của xứ này. Tại vùng duyên hải ở miền Đông là các tỉnh tương đối trù phú và mở ra thế giới bên ngoài làm dư luận hiểu lầm như sự thịnh vượng của cả nước. Kế đó là các tỉnh bị khóa trong lục địa và khó thông thương với bên ngoài nên còn chậm tiến và kém phát triển. Sau cùng là các vùng phiên trấn do Bắc Kinh lấn chiếm của các sắc tộc khác thành những đặc khu tự trị về hành chính và trại tù khổng lồ. Con Đường Tơ Lụa Mới mà Tổng bí thư Tập Cận Bình đề xướng qua sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ từ năm năm trước, sẽ tốn tiền bạc và thời gian thực hiện để khai thông sự ách tắc này. Nhưng kế hoạch đó chưa thành thì đã gây phản ứng từ nhiều quốc gia như chúng ta đã thấy.
- Bây giờ, trận thương chiến bùng nổ sẽ gây thiệt hại cho các tỉnh duyên hải, nặng nhất là Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang và thành phố Thượng Hải vì khu vực này sống nhờ buôn bán với bên ngoài và xuất khẩu hơn phân nửa số hàng hóa của Trung Quốc cũng là do đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp ngoại quốc vào đây. Khi các nơi trù phú nhất lại là chiến trường của trận đấu mậu dịch thì Bắc Kinh tính sao, có thể làm gì? Mà đấy không là thách đố duy nhất vì còn các khu vực lạc hậu kia ở bên trong. Lẽ hợp tan trong lịch sử Trung Quốc nằm tại đó.
- Khi lên lãnh đạo, Tập Cận Bình thấy ra sự thiếu cân đối và thiếu phối hợp nên thâu tóm quyền lực để trung ương tái phân lợi tức cho các địa phương đói kém. Bây giờ, các tỉnh khá giả vùng duyên hải lại mất nguồn lợi từ bên ngoài thì sẽ nghĩ sao về việc tái phân đó? Đấy là một bài toán chính trị cho nỗ lực chuyển hướng kinh tế lồng trong việc tranh đoạt quyền lực và giải trừ tham nhũng!
Nguyên Lam: Ông nêu ra thách đố đầu tiên và có lẽ thuộc về trường kỳ vì liên hệ tới địa dư và lịch sử Trung Hoa. Xưa nay, các tỉnh duyên hải đều hướng ra ngoài và cần trung ương yểm trợ để chạy theo kịp thế giới nhưng cũng vì vậy mà tách rời khỏi các tỉnh bên trong. Bây giờ mâu thuẫn âm ỉ đó có thể gia tăng khi khu vực duyên hải lại bị tổn thất nặng trong trận thương chiến với Hoa Kỳ. Ngoài ra, thưa ông, Bắc Kinh còn bị những thách đố nào khác nữa?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta chưa biết các tỉnh duyên hải phản ứng thế nào với trung ương vì hai bài toán là 1/ chia sẻ lợi tức cho các tỉnh ở trong rồi 2/ bị thiệt vì trận thương chiến Mỹ-Hoa, nhưng hẳn là họ phải có phản ứng và chưa chắc là đã đồng ý rằng chấp nhận tổn thất trong ngắn hạn thì sẽ đạt kết quả khả quan hơn cho cả nước trong dài hạn. Việc Tập Cận Bình ngày càng có chỉ dấu thiên về xu hướng sùng bái cá nhân như Mao Trạch Đông không hẳn là điều hay. Ông ta đang phải đối phó với hai trận đánh, ở bên trong và với bên ngoài. Đã vậy, Trung Quốc đang ở vào khúc quanh chiến lược sau vài chục năm tăng trưởng cao.
- Nền kinh tế bị chìm dưới một núi nợ, khi môi sinh bị hủy hoại và Trung Quốc có thể trôi vào cái “bẫy xập của lợi tức trung bình”. Chúng ta biết các nước kém mở mang đều có một giai đoạn tăng trưởng cao sau khi áp dụng quy luật thị trường, rồi bị đình trệ nếu không tìm ra một hướng phát triển để thay cho lợi thế nhân công nhiều và rẻ. Hướng phát triển đó phải nhắm vào năng suất, với đà tăng trưởng có phẩm hơn lượng và trình độ sản xuất có trị giá cao hơn để theo kịp các nước tiên tiến. Nếu không lên tới đó thì Trung Quốc vẫn chỉ là một nước nghèo, có lợi tức trung bình thấp khi dân số lại bị lão hóa vì chính sách mỗi hộ một con ban hành 40 năm về trước.
Ta về ta tắm ao ta
Nguyên Lam: Thưa ông, phải chăng vì vậy mà Bắc Kinh đã có kế hoạch chủ động công nghiệp hóa gọi là “Chế tạo tại Trung Quốc năm 2025”?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa đúng vậy. Nhưng kế hoạch “Made in China 2025” nhằm tìm bước nhảy vọt vượt mặt Hoa Kỳ về công nghệ chỉ là sao chép và thậm chí ăn cắp kiến năng hay “know how” của các nước tiên tiến và đang bị các nước Tây phương than phiền. Trong trận thương chiến hiện nay, Hoa Kỳ còn đặc biệt nhắm vào kế hoạch đó và huy động hậu thuẫn của nhiều xứ khác vì thực chất của kế hoạch này là gì? Là đảng và nhà nước Bắc Kinh thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ tân tiến của thiên hạ, như vật liệu bán dẫn, trí thông minh nhân tạo, robotics, hay thuật lý sinh học là bio-technology, v.v... cho hệ thống quốc doanh để áp dụng cho cả hai lĩnh vực dân sự lẫn quân sự. Trong khi đó, tương lai xứ này tùy thuộc vào tiềm năng của doanh nghiệp tư nhân, loại nhỏ và vừa chứ không nằm trong các tập đoàn kinh tế nhà nước kém hiệu năng mà đầy quyền lực. Các doanh nghiệp tư nhân hiện cũng bị thiệt hại nhất vì không được nhà nước bảo vệ.
Nguyên Lam: Nếu vậy, lãnh đạo Bắc Kinh đang gặp bài toán thứ nhì là tìm ra một chiến lược phát triển khác để vươn lên trình độ sản xuất cao hơn tương tự như Nhật Bản, Nam Hàn hay Đài Loan khi dân số lao động lại thu hẹp. Nhưng đúng vào lúc sinh tử này, họ lại bị tấn công trong trận thương chiến, có phải như vậy không, thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta nên hiểu lời phát biểu của Tập Cận Bình trong ý đó, khi ông nói rằng “Về mặt quốc tế, Trung Quốc ngày càng khó tiếp nhận công nghệ tiên tiến và kiến năng cao cấp. Chủ nghĩa hành động đơn phương và bảo hộ mậu dịch gia tăng khiến chúng tôi phải tự lực cánh sinh và đấy không là điều dở!” Nôm na là không bám thiên hạ để bơi ra biển thì ‘ta về ta tắm ao ta”! Như vậy, Bắc Kinh đành tìm lấy chiến lược phát triển với nhiều khó khăn hơn và chưa chắc đã thoát khỏi cái bẫy của thu nhập trung bình.
Tổn thất kinh tế của trận thương chiến chỉ là chuyện nhỏ, tổn thất chính trị mới là điều ta nên theo dõi trong nhiều năm tới...
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Như vậy, Bắc Kinh còn bị nhược điểm gì khác nữa, thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nếu đi từ xa tới gần, ta thấy ra ba vấn đề. Thứ nhất là dị biệt về lợi tức và nhận thức giữa các địa phương; thứ hai là tìm một chiến lược phát triển bền vững, hơn là chỉ cậy vào hệ thống quốc doanh và nghề ăn cắp. Thứ ba, gần hơn cả, là giải quyết những bài toán ngay trước mắt. Trung Quốc không thể nào tìm lại đà tăng trưởng 10% như trong 30 năm đầu của thời cải cách sau Đặng Tiểu Bình và hết còn lợi thế nhân công nhiều và rẻ, cứ đầu tư dư thừa và xuất khẩu dưới giá thị trường. Ngày nay, xứ này cần tìm ra lực đẩy khác là sức tiêu thụ nội địa.
- Nhưng mô hình tăng trưởng nhờ chắt bóp và trưng thu tiết kiệm của người dân lại gây hậu quả bất lợi là đánh sụt khả năng tiêu thụ trong khi các hộ gia đình ngày nay lại mắc nợ nhiều hơn, nhất là sau trận Tổng Suy Trầm toàn cầu năm 2008-2009. Để ứng phó, Bắc Kinh đã tăng chi và ào ạt bơm tín dụng vào dự án xây dựng hạ tầng và các khu phố ma lẫn các công ty vỡ nợ, những xác chết chưa chôn, trong khi 60% sản lượng lại xuất phát từ các tiểu doanh thương không được bảo vệ và nay đang khốn đốn vì trận thương chiến. Bài toán kinh tế sẽ là vấn nạn chính trị cho lãnh đạo!
Nguyên Lam: Nếu như vậy, nhìn từ chuyện xa đến gần thì phải chăng trận thương chiến hiện nay bùng nổ vào lúc bất lợi nhất cho Bắc Kinh, thưa ông có phải như thế không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi không nghĩ Hoa Kỳ dự tính chuyện này tử trước để chọn thời điểm tấn công, nhưng các nhược điểm kinh tế chính trị của Trung Quốc cũng chẳng do Hoa Kỳ gây ra. Ba chục năm trước, Nhật Bản đã có sản lượng kinh tế bằng 17% của thế giới rồi suy sụp và phải chuyển hướng trong hai thập niên vửa qua mà chưa xong, khi sản lượng ngày nay chỉ còn là 7% của thế giới. Đi sau thiên hạ, Trung Quốc có sản lượng bằng 15% của toàn cầu, đã vượt nước Nhật để đứng hạng nhì thế giới nhưng cũng phải chuyển hướng với ba nhược điểm tôi vừa tóm lược ở trên. Tổn thất kinh tế của trận thương chiến chỉ là chuyện nhỏ, tổn thất chính trị mới là điều ta nên theo dõi trong nhiều năm tới...
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích những nhược điểm của của Trung Quốc ngay giữa trận thương chiến này.