Nhược Điểm Trung Quốc

Đánh dấu 60 năm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu tiếp về các vấn đề sinh tử trong hệ thống kinh tế chính trị của quốc gia này.
Việt Long, Biên tập viên đài RFA
2009.09.30

Trung Quốc có thể áp dụng chiến lược kinh tế Đông Á, với một số dị biệt tiêu cực, nhưng chế độ chính trị độc đảng áp đặt trên kinh tế thị trường mới là sự chọn lựa có thể dẫn tới khủng hoảng, nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa phân tách như vậy qua phần trao đổi do Việt Long thực hiện sau đây.

Sự thật về nển kinh tế phát triển của TQ

Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Trong chương trình kỳ trước để đánh dấu một vòng hoa giáp 60 năm của Trung Quốc, chúng ta đã kết thúc với câu hỏi về sự hợp tan của Trung Quốc, là hiện tượng đã từng thấy trong lịch sử rất dài của xứ này. Vì vậy, trong kỳ này, chúng tôi xin đề nghị là ta cùng khai triền hiện tượng đó sau khi tìm hiểu về những vấn đề tiềm ẩn trong hệ thống kinh tế chính trị của họ. Câu hỏi đầu tiên mà tôi cho là mọi người muốn biết là nếu quả như Trung Quốc có vấn đề nghiêm trọng như vậy trong cơ cấu thì tại sao họ đã có những thành tựu vượt bậc về kinh tế khiến cả thế giới đều nói như là khâm phục?

So sánh thành quả tăng trưởng của Trung Quốc với các xứ Đông Á lân cận trong thời kỳ khởi phát của họ để thấy là sự tăng trưởng này không có gì là vĩ đại hay màu nhiệm như nhiều người nghĩ. Tôi xin lấy một thí dụ là từ năm 1950 đến 1980, Nhật đã có đà tăng trưởng bình quân là 8%, tức là còn cao hơn bình quân của Trung Quốc trong ba chục năm từ 1979 đến nay

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nếu cả thế giới đều khâm phục thì tôi thiển nghĩ rằng đó là vấn đề của thế giới! Nó cũng tương tự như nhận thức của nhiều người về sức mạnh của Liên bang Xô viết dưới thời Leonid Brezhnev trước khi hệ thống Xô viết sụp đổ rất nhanh.

- Ta có một lối nhìn khác nếu so sánh thành quả tăng trưởng của Trung Quốc với các xứ Đông Á lân cận trong thời kỳ khởi phát của họ để thấy là sự tăng trưởng này không có gì là vĩ đại hay màu nhiệm như nhiều người nghĩ. Tôi xin lấy một thí dụ là từ năm 1950 đến 1980, Nhật đã có đà tăng trưởng bình quân là 8%, tức là còn cao hơn bình quân của Trung Quốc trong ba chục năm từ 1979 đến nay. Trường hợp Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Hong Kong sau đó cũng thế, thấp là 7,7% của Hong Kong, cao là 8,4% của Đài Loan. Đây là ta chưa nói đến mức độ khả tín, là sự đáng tin, rất thấp của thống kê Trung Quốc vì thuộc tính chính trị của họ. 

- Điểm thứ nhì cũng đáng chú ý mà ít được nói tới là các quốc gia kia đã đạt thành tích đó với phẩm chất tăng trưởng cao hơn về công bằng xã hội hay bảo vệ môi sinh là điều không có và là vấn đề của Trung Quốc. Quan trọng hơn thế, các quốc gia ấy đã đạt thành tích tăng trưởng này với một lượng đầu tư tương đối ít hơn. Nói vắn tắt cho dễ hiểu thì vào các thập niên khởi phát, trong khi Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan phải đầu tư chừng 30% Tổng sản lượng Nội địa GDP là đạt kết quả tăng trưởng xấp xỉ 8% thì Trung Quốc phải đầu tư nhiều hơn 40%, thậm chí gần 50% Tổng sản lượng. Nghĩa là trong cùng một giai đoạn chuyển hướng theo kinh tế thị trường để công nghiệp hoá, xứ này có hiệu năng kinh tế thấp hơn các nước gọi là rồng cọp Đông Á kia.

Sau cùng, cũng nên nhấn mạnh một sự khác biệt nữa là trong nguồn vốn đầu tư của các quốc gia đó, tỷ phần của tư doanh luôn luôn chiếm đa số, từ 70 đến 80%, trong khi đầu tư của Trung Quốc chủ yếu vẫn xuất phát từ khu vực nhà nước, nghĩa là doanh nghiệp nhà nước thu vét phương tiện đầu tư để đạt kết quả thấp hơn. Tổng hợp lại, ta phải kết luận là tư doanh có hiệu năng đầu tư cao hơn quốc doanh - là điều ta đang thấy tại Việt Nam.

Và tại các nước Đông Á kia, tư nhân, tức là người dân, có nhiều quyền hạn hơn trong kinh tế, từ quyền tư hữu đến tự do thông tin và tất nhiên là dân quyền. Thành thử, trường hợp Trung Quốc sở dĩ đáng chú ý chỉ vì so sánh với 30 năm hoang tưởng và lụn bại của thời Mao Trạch Đông và vì dân số quá đông của xứ này mà thôi.

Cũng nên nhấn mạnh một sự khác biệt nữa là trong nguồn vốn đầu tư của các quốc gia đó, tỷ phần của tư doanh luôn luôn chiếm đa số, từ 70 đến 80%, trong khi đầu tư của Trung Quốc chủ yếu vẫn xuất phát từ khu vực nhà nước, nghĩa là doanh nghiệp nhà nước thu vét phương tiện đầu tư để đạt kết quả thấp hơn. Tổng hợp lại, ta phải kết luận là tư doanh có hiệu năng đầu tư cao hơn quốc doanh

Việt Long: Nói về dân số quá đông thì ông so sánh thế nào với một trường hợp khác ở châu Á khác là Ấn Độ, với dân số hiện nay là một tỷ 200 triệu người, chỉ thua Trung Quốc có 150 triệu, và lại theo hệ thống chính trị dân chủ ? Vì sao thế giới không trầm trồ ngợi khen thành quả tăng trưởng của Ấn Độ như khen Trung Quốc?

Nguyễn Xuân Nghĩa:  - Cũng như tại sao thế giới không nói đến vấn đề đàn áp nhân quyền hoặc kỳ thị sắc tộc thiểu số tại Ấn Độ? Câu hỏi đó cho thấy sự khác biệt của hai nước và nhất là khiến ta chú ý đến thể chế dân chủ, đặc tính đa nguyên và tinh thần cởi mở của xã hội Ấn Độ, là điều không có tại Trung Quốc. Nhân câu hỏi, tôi nhớ tới sự đánh giá của một kinh tế gia được coi là có rất nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng và chính sách kinh tế của thế giới là ông Milton Friedman, giải Nobel Kinh tế năm 1976, là người được Bắc Kinh mời qua thuyết giải về kinh tế thị trường.

- Vài tháng trước khi tạ thế, khi nhật báo Wall Street Journal yêu cầu so sánh Trung Quốc với Ấn Độ, ông nói như sau: "Trung Quốc vẫn duy trì chế độ tập thể về chính trị và nhân sự trong khi giải phóng dần nền kinh tế thị trường. Tới nay thì điều đó có thành công, nhưng sẽ dẫn tới xung đột vì không thể dung hợp kinh tế tự do với chính trị tập thể. Ấn Độ thì duy trì chế độ dân chủ chính trị nhưng lại quản lý một nền kinh tế tập thể. Bây giờ họ mới bắt đầu giải phóng kinh tế nên sẽ gia tăng mọi quyền tự do, vì vậy xứ này có vị trí khả quan hơn Trung Quốc". Cũng cần nhắc lại là Ấn Độ chỉ bỏ chủ trương kinh tế bao cấp kiểu xã hội chủ nghĩa từ năm 1991 mà thôi.

Nhược điểm của nền chính trị độc đảng

Việt Long: Bây giờ, chúng ta bước qua phần phân tích các vấn đề của Trung Quốc. Ông nghĩ là đằng sau kết quả tăng trưởng mà thế giới cho là ngoạn mục, Trung Quốc gặp nhiều thách đố nan giải ở bên trong?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trung Quốc có áp dụng chiến lược phát triển kinh tế Đông Á, chủ yếu là học từ Singapore, Nam Hàn và Nhật Bản, với một số dị biệt vì đặc tính riêng của mình, nên cũng gặp loại vấn đề kinh tế thường gặp trong một chu kỳ thịnh suy của kinh tế thế giới mà chúng ta sẽ không nói tới ở đây.

Trung Quốc vẫn duy trì chế độ tập thể về chính trị và nhân sự trong khi giải phóng dần nền kinh tế thị trường. Tới nay thì điều đó có thành công, nhưng sẽ dẫn tới xung đột vì không thể dung hợp kinh tế tự do với chính trị tập thể. Ấn Độ thì duy trì chế độ dân chủ chính trị nhưng lại quản lý một nền kinh tế tập thể. Bây giờ họ mới bắt đầu giải phóng kinh tế nên sẽ gia tăng mọi quyền tự do, vì vậy xứ này có vị trí khả quan hơn TQ

Thách đố đặt ra cho lãnh đạo Trung Quốc nằm trong hệ thống chính trị độc đảng của họ, một hệ thống không có khả năng giải quyết bài toán về hợp tan, về thống nhất, phân quyền và phân hoá, vốn dĩ nằm trong cơ cấu địa dư hình thể và cả văn hoá của xứ này. Tôi xin được phép đi từ dưới lên, từ kinh tế lên xã hội và chính trị để nói về các nan đề này.

- Thứ nhất là bài toán kinh tế về sung dụng tài nguyên, tức là ai đầu tư và đầu tư vào đâu với kết quả phân phối ra sao? Trung Quốc đạt kết quả tăng trưởng thật ra không vĩ đại như thiên hạ nghĩ hay Bắc Kinh nói tới, nhưng lại tốn rất nhiều tài nguyên công sức vì quyền đầu tư chủ yếu nằm trong tay nhà nước và hơn 60% là từ xí nghiệp nhà nước. Đấy là một cách phân bố tài nguyên đầy lãng phí vì đạt hiệu năng thấp, nhưng lại tạo ra đặc lợi cho thành phần có đặc quyền.

- Từ bài toán phân bố tài nguyên đó, ta thấy ra một vấn đề khác trong hệ thống ngân hàng, chủ yếu vẫn nằm trong tay nhà nước và thực tế đang chìm dưới một núi nợ xấu, khó đòi và sẽ mất, một khoản nợ có thể lên tới 40% Tổng sản lượng GDP. Nếu áp dụng tiêu chuẩn của quốc tế thì nhiều ngân hàng đã phá sản về pháp lý mà vẫn được nhà nước duy trì. Đằng sau vấn đề tưởng là kinh tế tài chính lại có chuyện khác là người dân ký thác vào ngân hàng tiền tiết kiệm chắt bóp của họ, tổng cộng khoảng 3.600 tỷ đô la. Và họ có tỷ lệ tiết kiệm rất cao vì quá nhiều bất trắc xảy ra trong đời. Đâm ra người dân giao trứng cho ác khi gửi tiền cho ngân hàng tài trợ các doanh nghiệp trong các dự án có giá trị kinh tế rất thấp. Khi họ mất tiền là sẽ có loạn.

Việt Long: Mà các doanh nghiệp nhà nước này cũng có vấn đề phải không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Vì sự chọn lựa chính trị của lãnh đạo, doanh nghiệp nhà nước không có mục tiêu kiếm lời như các xí nghiệp tư nhân với nhữg tính toán chặt chẽ về rủi ro và lời lỗ mà chỉ là loại trung tâm phúc lợi xã hội và đặc lợi tài chánh cho đảng viên. Vì chức năng xã hội đó, chúng được nhà nước yểm trợ bằng tín dụng ưu đãi của ngân hàng, bằng tiền tiết kiệm của dân. Tức là dân để dành tiền rồi nuôi báo cô nhiều cơ sở kinh doanh rất tệ, nhưng là cơ sở quyền lực của đảng viên cán bộ. Đáng chú ý hơn cả là sau vụ tàn sát Thiên an môn năm 1989, lãnh đạo Trung Quốc đã ưu tiên củng cố chế độ nên đẩy lui việc cổ phần hoá, hay tư nhân hoá, doanh nghiệp nhà nước, mà còn lập thêm nhiều cơ sở mới.

Vì sự chọn lựa chính trị của lãnh đạo, doanh nghiệp nhà nước không có mục tiêu kiếm lời như các xí nghiệp tư nhân với nhữg tính toán chặt chẽ về rủi ro và lời lỗ mà chỉ là loại trung tâm phúc lợi xã hội và đặc lợi tài chánh cho đảng viên.

- Giờ đây, các cở sở này mới trở thành vùng cát cứ của các lãnh chúa hiện đại là đảng viên cán bộ. Từ sự chọn lựa chính trị qua cách sung dụng tài nguyên đầy lãng phí, lãnh đạo Trung Quốc đang đẩy mạnh trào lưu phân hoá thường xảy ra trong lịch sử xứ này, khiến cho sự cấu kết giữa các doanh nghiệp nhà nước với đảng bộ địa phương còn cưỡng chống lại chủ trương chính sách của trung ương. Trong hoàn cảnh ấy, một vụ khủng hoảng ngân hàng do sự hốt hoảng của dân chúng có thể bất ngờ xảy ra, như đã từng xảy ra ở nhiều xứ khác. Nhưng, khi nó xảy ra thì sẽ gây hậu quả xã hội và chính trị nguy ngập gấp bội. Vì vậy mà lãnh đạo Bắc Kinh mới xiết chặt thông tin để người dân khỏi biết về thực tế rất rủi ro bất trắc đó, khi dân chúng vốn dĩ đã hoang mang bất mãn vì nhiều chuyện khác.

Việt Long: Chúng ta đi từ chuyện kinh tế sang xã hội, đâu là những vấn đề xã hội của họ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước tiên là nạn tham nhũng, thuộc tính của mọi chế độ độc tài vì gắn liền vào đặc quyền của thiểu số ở trên. Song song, nhờ đặc quyền của hệ thống chính trị, đảng viên cán bộ càng có cơ hội bóc lột khi kinh tế tiến vào công nghiệp hoá và xã hội tiến vào đô thị hoá. Dễ hiểu nhất là hiện tượng cướp đất của dân hoặc trưng thu đặc lợi nhờ quan hệ và nhờ vị trí trung gian môi giới trong giao dịch với bên ngoài.

- Vấn đề thứ hai là sau 10 năm đầu của thời mở cửa và cuộc sống có cải thiện, cư dân tại nông thôn giờ đây bị tụt hậu và ý thức được là họ bị bóc lột. Phân nửa xã hội Trung Quốc vẫn sống tại thôn quê nên sự bất mãn của dân cư ở nơi đây cũng có kích thước rất lớn. Kết hợp với nạn thất nghiệp trong một quốc gia không có mạng lưới an sinh cứu trợ, và cả trăm triệu "dân công" từ quê lên tỉnh kiếm việc và bị đuổi về khi kinh tế sa sút thì xứ này có chừng 800 triệu người bất mãn. Họ đã biểu tình bạo động ở nhiều nơi mà bên ngoài ít biết. Thống kê sau cùng được Bắc Kinh công bố là năm 2005 đã có 87.000 vụ bạo động xảy ra, theo định nghĩa là khi có 15 người tham dự trở lên. Con số ngày nay có thể còn cao hơn rất nhiều. Và nếu lại có sự phối hợp vận động giữa các địa phương thì rõ ràng là Trung Quốc có một lực lượng đông đảo đang muốn làm cách mạng như đã từng xảy ra trong lịch sử xứ này.

Việt Long: Ngần ấy vấn đề đang gây sức ép cho hệ thống lãnh đạo ở trên và theo nhận xét của ông thì đây là những thách đố về chính trị, có phải không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Lãnh đạo Trung Quốc ý thức được các vấn đề nguy ngập đó và tìm cách chống đỡ bằng một loại nha phiến tâm lý là chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa Đại Hán, được bơm vào đầu dân chúng, nhất là trong giới trẻ. Họ kết hợp việc này với biểu dương khoa học, văn hoá, thể thao, quân sự  nhằm ru ngủ người dân vốn vẫn bị bưng bít thông tin. Nhưng, trong nội bộ, lãnh đạo xứ này muốn tìm giải pháp khắc phục các vấn đề ấy, mà tìm không ra.

- Họ không có giải pháp vì mâu thuẫn ngay trong đảng, giữa trung ương và địa phương hay các lãnh địa của đảng viên cán bộ. Việc tập trung quyền lực về trung ương để giải trừ các vấn đề thì bị ở dưới phá hoại và nếu phân quyền cho các cơ sở được tự do hơn thì đảng Cộng sản sẽ vỡ đôi, vỡ ba. Chế độ này không muốn đi vào kinh tế thị trường để chuyển hoá xã hội cho tự do thông thoáng hơn mà chỉ áp dụng kinh tế thị trường để bảo vệ quyền lực của đảng. Đây là khác biệt lớn nhất so với các nước Đông Á kia và cũng là lý do vì sao xứ này dễ bị khủng hoảng, có khi bất ngờ tan rã thành nhiều mảnh như người ta đã thấy trong quá khứ.

 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.