Thương phầm đảo chiều

Đầu năm 2008, nguy cơ suy trầm kinh tế toàn cầu đã được dự báo, đến cuối năm, suy trầm toàn cầu đã thành hiện thực. Trong khung cảnh đó, qua năm tới, tình hình sẽ ra sao?

0:00 / 0:00
OPEC-Oman-200.jpg
Khối các nước xuất khẩu dầu lửa OPEC, nhóm họp hội nghị ở Algeria, hôm 17-12 đã quyết định giảm bớt sản lượng cung cấp cho thị trường để giữ giá dầu. AFP PHOTO/Fayez Nureldine (AFP PHOTO/Fayez Nureldine)

Riêng về giá thương phẩm, như nguyên nhiên vật liệu cùng lương thực, sẽ xoay chuyển thế nào? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu câu hỏi này trong phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện.

Dự báo dầu thô

Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Nhớ lại đầu năm, mùng một tháng Giêng, dầu thô đã lên tới ngưỡng tâm lý là 100 đồng một thùng, rồi ngày 11 tháng Bảy tăng vọt lên 147 đồng, bây giờ lại sụt dưới 50 đồng một thùng. Giá lương thực cũng thế, đã tăng vọt vào đầu năm rồi bắt đầu giảm mạnh từ tháng Bảy, tới nay đã giảm phân nửa. Trong các chương trình phát thanh vào giữa năm, diễn đàn này dự báo là giá dầu thô và lương thực sẽ giảm trong khi tỷ giá Mỹ kim lại tăng.

Bây giờ vào mấy ngày cuối năm, chúng tôi xin đề nghị là ta cùng tìm hiểu về xu hướng thăng giáng của giá cả trong bối cảnh suy trầm toàn cầu mà chương trình phát thanh ngày Giáng sinh năm ngoái cũng đã dự báo... Trước hết, giới kinh tế dự đoán thế nào về giá dầu thô trong tương lai, là một câu hỏi mà Việt Nam hết sức quan tâm...

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ câu hỏi này có tầm quan trọng đặc biệt cho Việt Nam và báo hiệu nhiều bất ngờ cực kỳ tai hại vì lãnh đạo xứ này có thể dự đoán sai giá dầu. Không ai có thể biết chắc về sự lên xuống của giá cả nhưng dựa trên dữ kiện lỗi thời từ mùa Thu mà dự trù ngân sách năm tới là sai lầm lớn.

Dầu thô đã tăng giá quá mức chịu đựng của kinh tế thế giới nên tất phải giảm và khi sụt giá thì sụt mạnh hơn mức suy giảm của số cầu, như chúng ta đã cố gắng trình bày nhiều lần. Trong tương lai ngắn hạn của 12 tháng tới, khi thế giới chưa ra khỏi suy trầm kinh tế, thì dầu thô không thể lên lại giá cũ, hoặc xê dịch trong khoảng 90-95 đô la như Hà Nội trù tính.

Việt Long: Xin ông giải thích ngay về việc Hà Nội dự báo giá dầu như vậy...

Nếu giá dầu nằm ở mức 90 đồng, Việt Nam sẽ thu vào 7 tỷ Mỹ kim và gần 3 tỷ tiền thuế. Nếu dầu lại ở khoảng dưới 50 đồng như hiện nay, Việt Nam chỉ thu được hơn 4 tỷ và mất hẳn phân nửa số thu ngân sách nhờ bán dầu, tức là mất thêm gần 1.5 tỷ.

Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa: Dầu thô là nguồn thu nhập ngoại tệ và còn đem lại khoản thuế tới gần 30% ngân sách trị giá hơn chín tỷ đô la cho Hà Nội. Nếu giá dầu nằm ở mức 90 đồng như họ dự đoán, Việt Nam sẽ thu vào cỡ bảy tỷ Mỹ kim và gần ba tỷ nhờ tiền thuế. Nếu dầu lại ở khoảng dưới 50 đồng như hiện nay, Việt Nam chỉ thu được hơn bốn tỷ và mất hẳn phân nửa số thu ngân sách nhờ bán dầu, tức là mất thêm gần tỷ rưỡi.

Ngân sách Việt Nam đã bị bội chi nặng và khó đạt chỉ tiêu do Quốc hội đề ra tháng trước là dưới 4,8% tổng sản lượng nội địa GDP. Nếu dầu thô không tăng giá như dự tính thì kinh tế Việt Nam sẽ khốn đốn nặng, chưa kể tới sáu tỷ Mỹ kim dự trù chi ra để kích cầu. Tôi không hiểu vì sao lại có sự lạc quan ấy.

Các chuyên gia dầu khí Việt Nam không thể tệ như vậy, hoặc chỉ dựa trên dự phóng thường quá lạc quan của Ngân hàng Thế giới. Phải chăng họ dự báo như vậy để chính phủ có lý cớ biện minh việc tiêu xài một cách vô trách nhiệm?

Việt Long: Nếu vậy, ta nên đảo ngược câu hỏi để tìm hiểu về động lực thăng giáng giá cả của dầu thô. Vì sao giá dầu đã tăng mạnh rồi sau đó lại sụt mạnh?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Giá dầu tăng chủ yếu vì tình trạng cung cầu căng thẳng khi số cầu của các nước tân hưng đã lên mạnh trong nhiều năm. Giá dầu còn tăng mạnh vì thiếu an ninh tại các nguồn cung cấp.

Khi dầu thô lên giá, giới đầu tư bèn thủ thân và mua dầu trước trên thị trường có kỳ hạn. Đó là vài lý do khiến dầu thô lên giá. Nhưng khi dầu thô vượt quá 140 đồng một thùng thì ta có hiện tượng "già néo đứt dây", nghĩa là dầu quá đắt đã gây sức ép lên số cầu, làm giảm mức tiêu thụ.

Thí dụ nổi bật là ngay tại Mỹ, dân Mỹ vốn thích lái xe tự do, có phân khối lớn và hút nhiều xăng, vậy mà rốt cuộc cũng xót ruột chột dạ và đi xe ít hơn, là chuyện chưa hề thấy, cho nên tiêu thụ dầu tại Mỹ đã giảm 9% kể từ đỉnh cao tháng Tám năm ngoái tới tháng 11 vừa qua!

Ngoài ra, cũng về lý do dầu thô tuột giá, tình hình an ninh nói chung, nhất là ở Iraq, đã cải thiện niên đẩy lui nguy cơ xung đột tại Trung Đông. Khi giá đầu bắt đầu giảm, giới đầu tư lật đật bán tháo để khỏi lỗ nên càng đẩy giá xuống sâu hơn nữa.

Congnhan-Vietnam-200.jpg
Kinh tế và đầu tư sụt giảm, nhiều công nhân Việt Nam đang đối diện với nỗi lo mất công ăn việc làm. AFP PHOTO (AFP PHOTO)

Chúng ta nhớ lại và đã nhắc tới nhiều lần là sau vụ khủng hoảng kinh tế Đông Á vào các năm 1997-1998, số cầu về dầu thô giảm 10%, mà giá dầu lại sụt tới 75%, người ta gọi đó là tác dụng đàn hồi - hay co giãn - của giá cả. Bây giờ các nước bán dầu trong hiệp hội OPEC có thể kêu gọi hạn chế xuất khẩu để giảm số cung và giữ giá cho khỏi sụt nhưng chưa chắc đã đạt nhất trí, mà bề nào thì vẫn còn hội viên bơm lén bán lậu ngoài chỉ tiêu để kiếm thêm ngoại tệ.

Đã thế, kinh tế toàn cầu chưa ra khỏi suy trầm nên số cầu chưa thể lên mức cũ, ít ra suốt năm tới. Vì vậy, dự báo giá dầu ở khoảng 50 đến 60 đô la một thùng có thể gần với thực tế hơn của năm tới.

Nhân đó, ta nên tìm hiểu xem các nước xuất khẩu dự báo giá dầu bình quân của năm tới là bao nhiêu. Mexico dự báo là 70 đô la một thùng, Saudi Arabia là 65 đô la, Venezuela là 60 đô la. Vừa qua, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Liên bang Nga còn điều chỉnh dự thảo ngân sách Nga của ba năm tới với giả thuyết dầu thô sẽ sụt dưới 35 đô la một thùng. Trước đấy, Nga dự đoán giá dầu ở mức 95 đô la một thùng, có khi đó là cơ sở tính toán của Hà Nội chăng!

Thương phẩm đảo chiều

Việt Long: Bây giờ, ta bước từ chuyện xăng dầu qua chuyện gạo. Trong kỳ trước, diễn đàn này dự báo là sau khi giảm mạnh trong mấy tháng qua, giá nông sản sẽ lại tăng vào năm tới. Đâu là cơ sở của những dự báo này?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Đầu năm ngoái, các tổ chức lương nông báo động là vì cung cầu căng thẳng - cung thì có hạn mà cầu lại tăng nhờ kinh tế phát triển - giá lương thực trên thế giới sẽ tăng mạnh. Cùng giá năng lượng, giá lương thực tăng vọt còn đẩy lên nguy cơ lạm phát. Thế rồi từ tháng Bảy, lương thực lại hạ giá, bình quân là giảm 50%. Tôi thiển nghĩ rằng đấy chỉ là một điều chỉnh ngắn hạn chứ giá lương thực sẽ lại tăng trong năm tới, và Việt Nam nên chú ý đến chuyện này.

Lý do vì sao giảm giá, thì 2008 là năm được mùa với sản lượng kỷ lục là 677 triệu tấn ngũ cốc. Rồi kinh tế suy trầm đã đánh sụt số cầu về thịt, tức là số cầu về ngũ cốc nuôi gia súc lấy thịt, và năng lượng sụt giá cũng giảm cước phí chuyển vận và giúp nông sản hạ giá. Sau cùng, giới đầu tư lỡ mua nông sản để phòng ngừa giá tăng đã phải bán tháo vì sợ lỗ vốn khi giá sụt. Ngần ấy yếu tố khiến lương thực giảm giá, nhưng chỉ là hiện tượng điều chỉnh ngắn hạn mà thôi.

Việt Long: Khi giải thích như vậy, ông hàm ý là giá lương thực sẽ còn tăng trong năm tới. Xin hỏi lại ông về lý do của điều đó?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thứ nhất, sự bấp bênh giữa cung và cầu vẫn còn đó và nếu năng lượng là thương phẩm chiến lược thì nông sản là loại hàng sinh tử, đói ăn là sinh loạn. Mà đói ăn là một khái niệm tương đối khi nhiều nước tân hưng đã muốn ăn ngon hơn, với thịt thà nhiều hơn là ngũ cốc, mà muốn có thịt thì phải dùng thêm nông sản nuôi gia súc.

Thứ hai, việc được mùa năm nay lại tập trung ở các xứ công nghiệp chứ sản lượng lương thực của các nền kinh tế tân hưng như Ấn Độ, Brazil hay Trung Quốc không tăng mà giảm, bình quân là giảm 1,6%. Thứ ba, khủng hoảng tài chánh đang hoành hành đã gây ách tắc tín dụng và giới hạn khả năng vay mượn để sản xuất năm tới, là điều bắt đầu xảy ra tại các nước đang phát triển và sống nhờ nông sản.

Thứ tư, các nước tân hưng đã lấy đất canh tác, thậm chí cướp đất của dân đưa vào công nghiệp hoá và đô thị hoá trong khi ít quan tâm đến môi sinh nên gây ra lũ lụt hay hạn hán và càng thu hẹp sản lượng lương thực.

Đã thế, một số quốc gia kỹ nghệ lại ưu lo cho môi sinh nên dùng ngũ cốc cất chế thành cồn cho xe hơi nên cũng lấy mất khoảng 30% sản lượng lương thực cho yêu cầu về năng lượng sạch của họ.

Sau cùng, lý do thứ sáu, cho tới khi nhân loại tìm ra công nghệ đột phá để nâng hiệu năng sản xuất lương thực, những xoay chuyển về giá cả tiếp tục tác động vào tính toán về sản xuất và gây ra nhiều thăng trầm bất lợi cho nông gia, khi mà lương thực vẫn là sản phẩm cần yếu nhất.

Việt Nam đã bắt chước một cách phiến diện chiến lược phát triển Đông Á là vận động đầu tư nước ngoài vào các thành phố để tăng cường xuất khẩu ra ngoài trong khi bỏ rơi khu vực nghèo túng ở nông thôn. Khi thị trường thế giới chấn động vì khủng hoảng tài chánh và suy trầm kinh tế, chính là khu vực nội địa, là thôn quê và lúa gạo, mới có sức ổn định.

Nguyễn Xuân Nghĩa

Việt Long: Như vậy, chúng ta phải dự đoán là giá lương thực, chủ yếu là gạo cho Đông Á và Việt Nam, sẽ còn tăng trong năm tới?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng vậy, nhất là trong kịch bản phổ biến là kinh tế thế giới vẫn còn bị suy trầm. Năm ngoái, Hà Nội phạm sai lầm lớn khi quyết định cấm xuất khẩu gạo lúc gạo tăng giá mạnh.

Năm tới, Hà Nội có thể lại phạm sai lầm ngược, là lạc quan dựa trên tình trạng lương thực hạ giá vừa qua mà không khuyến khích và hỗ trợ nông gia sản xuất, không cải thiện hệ thống tồn trữ, thu mua và vận chuyển để giải quyết một vấn đề sinh tử của đa số người dân hiện sống ở thôn quê.

Trong một thời gian quá lâu, Việt Nam đã bắt chước một cách phiến diện chiến lược phát triển Đông Á là vận động đầu tư nước ngoài vào các thành phố để tăng cường xuất khẩu ra ngoài trong khi bỏ rơi khu vực nghèo túng ở bên trong, ở nông thôn. Khi thị trường thế giới chấn động vì khủng hoảng tài chánh và suy trầm kinh tế, chính là khu vực nội địa, là thôn quê và lúa gạo, mới có sức ổn định.

Nếu không sớm nhìn ra điều ấy mà còn mơ ước bán dầu với giá chín chục, Việt Nam sẽ bị thị trường quật ngược. Tăng trưởng sẽ khó vượt 5%, lạm phát chưa lui, nhập siêu vẫn tăng, bội chi ngân sách vẫn mạnh, ngoại tệ lại khan hiếm mà Mỹ kim vẫn lên giá, tình hình vì vậy sẽ rất bi đát ở thành phố và nơi nào có gạo thì sẽ còn dễ thở, hoặc đỡ bị loạn.

Việt Long: Ông vừa nhắc đến đồng đô la Mỹ sẽ lên giá, và đó là câu hỏi cuối của hôm nay. Trong mấy ngày qua, Mỹ kim đã sụt giá mạnh so với nhiều ngoại tệ khác, có thể là do một số biến động gần đây nhất trong nền kinh tế tài chính Hoa Kỳ. Câu hỏi là liệu giá món hàng này trong năm tới sẽ ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Ngay trước mắt, vì Ngân hàng Trung ương Mỹ cắt giảm lãi suất ngắn hạ gần tới số không, cụ thể là vừa hạ lại suất liên ngân hàng tới mức cực thấp là từ 0% tới 0,25%, nên đô la sụt giá so với các ngoại tệ khác. Nhưng nói chung, xứ nào kinh tế phục hồi nhanh nhất thì đồng bạc sẽ lên giá mạnh nhất so với các đơn vị tiền tệ khác.

Nhìn chung, kinh tế Mỹ sẽ phục hồi sớm nhất nên tiền Mỹ sẽ còn tăng giá so với Euro ít ra cho đến quý hai, tức là giữa năm tới. Tiền Mỹ có thể giảm giá so với đồng Yen Nhật ít ra trong ba tháng nữa, trước khi sẽ tăng thật chậm cho tới cuối năm.

So với ngoại tệ của các nước đang phát triển, nhất là tại Đông Á trong đó có Việt Nam, thì Mỹ kim sẽ còn lên giá mạnh và đà tăng giá chỉ chậm lại một chút từ giữa năm tới. Từ nay đến đó, Việt Nam bị áp lực hối đoái rất nặng, không khéo thì bị khủng hoảng hối đoái và phải phá giá đồng bạc vì đô la mọc cánh bay mất, trở thành khan hiếm và đắt đỏ hơn tại Việt Nam.

Việt Long: Xin cám ơn ông Nguyễn Xuân Nghĩa.