Làm ăn với Trung Quốc: Vụ Rio Tinto

Cách đây một tháng, Bộ Công an Trung Quốc bỗng bắt giam bốn nhân viên cao cấp của tập đoàn khoáng sản Rio Tinto, trong đó có viên Tổng giám đốc là công dân Úc, vì hai tội danh là làm gián điệp và hối lộ.
Việt Long, phóng viên đài RFA
2009.08.12

Và đến nay, nhà chức trách Bắc Kinh chưa hề trưng ra chứng cớ nào. Vụ bắt giam doanh gia nước ngoài khiến dư luận thế giới chú ý đến phong cách ứng xử của Trung Quốc trên doanh trường. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về lề lối làm ăn đó qua phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện sau đây.

Rio Tinto là tổ hợp đa quốc đã tồn tại từ hơn 100 năm nay, hiện là một đại gia quốc tế về khoáng sản và quặng mỏ. Tổ hợp có hai hội sở chính tại Anh và Úc, với cổ phiếu yết giá trên thị trường chứng khoán của cả hai xứ này.

Rio Tinto một cái gương cho các doanh nghiệp

Việt Long:  Giới đầu tư và kinh doanh trên thế giới rất chú ý đến việc bộ Công an Trung Quốc bắt giam bốn nhân viên của tập đoàn quốc tế về khoáng sản là Rio Tinto.  Trung Quốc đang kinh doanh lớn tại Việt Nam và lại có khá nhiều vấn đề nhạy cảm về an ninh và kinh tế với Việt Nam, nên chương trình chuyên đề kỳ này sẽ tìm hiểu về vụ Rio Tinto. Câu hỏi trước tiên vẫn là bối cảnh của vụ tai tiếng ấy. Câu chuyện đầu đuôi ra sao, ông vui lòng lược trình cho thính giả.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Rio Tinto là tổ hợp đa quốc đã tồn tại từ hơn 100 năm nay, hiện là một đại gia quốc tế về khoáng sản và quặng mỏ. Tổ hợp có hai hội sở chính tại Anh và Úc, với cổ phiếu yết giá trên thị trường chứng khoán của cả hai xứ này. Doanh nghiệp liên hệ đến vụ vừa qua là của Rio Tinto tại Úc Đại Lợi.

- Úc là đối tác kinh tế lớn của Trung Quốc. Chính quyền Úc hiện thuộc đảng Lao động theo xu hướng trung tả của Thủ tướng Kevin Rudd, xưa kia đã phục vụ sứ quán Úc tại Bắc Kinh và thông thạo tiếng Quan thoại. Rio Tinto là nguồn cung cấp quặng sắt đáng kể cho một nước nhập khẩu quặng sắt nhiều nhất thế giới là Trung Quốc. Mọi việc đang có vẻ tốt đẹp...

Việt Long: Thế rồi cơ sự ra sao mà bộ Công an Bắc Kinh lại bắt giữ nhân viên của Rio Tinto?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Vì các lý do Trung Quốc đưa ra lại mập mờ như lý cớ nên người ta chỉ có thể phỏng đoán một số động lực bên trong.

- Từ năm ngoái, tập đoàn số một về aluminium của Trung Quốc là Chinalco - hay "Trung Quốc Lữ Nghiệp" - muốn tăng gấp đôi phần hùn 9% sẵn có trong tổ hợp Rio Tinto tại Úc với một ngân khoản không nhỏ - tính ra Mỹ kim thì tương đương với 19 tỷ rưỡi.

Tổng giám đốc Rio Tinto và ba nhân viên người Hoa bỗng bị bắt tại Thượng Hải với tội danh là thủ đắc và tiết lộ thông tin bất hợp pháp - tức là làm gián điệp phương hại tới an ninh quốc gia - và còn hối lộ các viên chức Trung Quốc.

Ta biết, Trung Quốc không chỉ nhập khẩu nguyên vật liệu mà muốn đầu tư tận gốc để bảo đảm nguồn cung cấp cho công nghiệp của họ. Dự án đầu tư có vẻ được Chính phủ Úc hưởng ứng nhưng gặp sự dè dặt của doanh giới và dân Úc.

- Rio Tinto và Chinalco thương thảo rất lâu về hồ sơ này và một người đại diện Rio Tinto để thảo luận tại chỗ là Tổng giám đốc phân vụ Rio Tinto ở Thượng Hải. Là kỹ sư người Úc gốc Hoa, ông Stern Hu hay Hồ Sĩ Thái, được doanh giới Úc đánh giá là có khả năng và liêm khiết. Thế rồi chuyện không thành, mùng bốn Tháng Sáu vừa qua, Hội đồng Quản trị Rio Tinto từ chối đề nghị của Chinalco. Lý do có thể là giá cả vì phía Úc đòi một giá biểu và điều kiện cao hơn đề bù trừ rủi ro khi làm ăn với công ty Trung Quốc. Một lý do khác là Rio Tinto đã huy động tiền từ nguồn khác để trả nợ nên hết cần vốn của Chinalco.

- Thế rồi mùng năm Tháng Bảy, Tổng giám đốc Rio Tinto và ba nhân viên người Hoa bỗng bị bắt tại Thượng Hải với tội danh là thủ đắc và tiết lộ thông tin bất hợp pháp - tức là làm gián điệp phương hại tới an ninh quốc gia - và còn hối lộ các viên chức Trung Quốc.

Vẫn cái trò cổ điển “chụp mũ gián điệp”

Việt Long: Như vậy phải chăng là vì Rio Tinto từ chối đề nghị hùn vốn của một doanh nghiệp Trung Quốc nên đúng một tháng sau, bộ Công an bắt giữ một người có trách nhiệm thương thuyết của đối tác bên kia?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa câu chuyện có vẻ như vậy - mà lại còn ly kỳ rắc rối hơn vậy!

- Thứ nhất, ở giữa hai thời điểm mùng bốn Tháng Sáu, là khi Rio Tinto từ chối, và mùng năm Tháng Bảy, là khi nhân viên Rio Tinto ở Thượng Hải bị bắt, còn có vụ thương thuyết về giá biểu quặng sắt do Úc bán cho các doanh nghiệp sản xuất thép của Trung Quốc. Vụ thương thuyết tan vỡ ngày 30 Tháng Sáu vì Trung Quốc đòi giảm giá mua có kỳ hạn còn rẻ hơn giá mua của Nam Hàn và Nhật Bản dù giá bán trực tiếp bằng bạc mặt trên thị trường quốc tế đã tăng. Yếu tố ấy càng khiến phía Trung Quốc lo sợ về nguồn cung cấp và giá biểu. Đã vậy, Rio Tinto có thể lại hùn hạp với một đại gia số một thế giới về hầm mỏ là tổ hợp BHP. Nếu hai tập đoàn này kết hợp lại thì Trung Quốc mất thế mạnh trong việc thương thảo mua bán với họ. Sự kiện ấy có thể khiến chính Chủ tịch Hồ Cẩm Đào e ngại và cho bắt giam nhân viên Rio Tinto để gây áp lực.

Đã vậy, Rio Tinto có thể lại hùn hạp với một đại gia số một thế giới về hầm mỏ là tổ hợp BHP. Nếu hai tập đoàn này kết hợp lại thì Trung Quốc mất thế mạnh trong việc thương thảo mua bán với họ. Sự kiện ấy có thể khiến chính Chủ tịch Hồ Cẩm Đào e ngại và cho bắt giam nhân viên Rio Tinto để gây áp lực.

- Thứ hai, trong tiến trình thương thảo, đôi bên đều cố thu thập thông tin để biết rõ về môi trường kinh doanh hầu tính ra rủi ro và lời lãi. Bây giờ, khi Tổng giám đốc Rio Tinto lại bị bắt và văn phòng cùng máy điện toán của ông ta bị lục soát thì ta hiểu là phía Bắc Kinh muốn biết là ông này biết những gì và biết từ đâu, để quy ra tội thu thập hay tiết lộ thông tin bất hợp pháp, và cáo buộc ông ta làm gián điệp! Phong cách làm ăn và đối xử ấy cho thấy thực chất thiếu minh bạch ngay trên thị trường Trung Quốc, chẳng hạn như sản lượng thép của các doanh nghiệp luyện kim hay số cầu về quặng sắt trong vài chục năm tới cũng có thể là bí mật quốc gia!

Việt Long: Nghĩa là khi kinh doanh tại Trung Quốc, người ta khó kiểm chứng số liệu thực tế và nếu tìm hiểu kỹ quá thì có thể mang tội gián điệp? Vì sao lại có chuyện phi lý như vậy trong thế kỷ 21 này?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đây không là một giả thuyết hàm hồ của tinh thần bài Hoa hoặc nghi ngờ Trung Quốc.

- Chỉ vì chưa đầy 10 ngày sau khi nhân viên Rio Tinto bị bắt thì hàng loạt doanh nghiệp thép của Trung Quốc, như tập đoàn Sắt Thép An Sơn tại Liêu Ninh, Bảo Cương tại Thượng Hải, Thủ Cương tại Bắc Kinh, v.v... bị bộ Công an điều tra về tội lộ mật, có thể vì cung cấp thông tin cho Rio Tinto.

Bây giờ, khi Tổng giám đốc Rio Tinto lại bị bắt và văn phòng cùng máy điện toán của ông ta bị lục soát thì ta hiểu là phía Bắc Kinh muốn biết là ông này biết những gì và biết từ đâu, để quy ra tội thu thập hay tiết lộ thông tin bất hợp pháp, và cáo buộc ông ta làm gián điệp!

Khi vụ này xảy ra hôm 13 Tháng Bảy, ta mới chú ý đến một điều mới lạ khác, là tháng Ba vừa rồi, Quốc hội Trung Quốc đã tu chính để mở rộng phạm vi áp dụng "Đạo luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước".

Việc tu chính này lồng thêm tội gián điệp kinh tế và thương mại, làm doanh nghiệp Trung Quốc nào làm ăn với các tập đoàn quốc tế cũng có thể sa lưới, tùy theo sự suy diễn luật lệ của nhà chức trách.

- Thuần về chính trị thì vụ tấn công Rio Tinto và uy hiếp các doanh nghiệp thép của Trung Quốc có thể nằm trong xu hướng cố hữu của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Đó là tập trung quyền lực về trung ương và dằn mặt các cơ sở hay địa phương làm ăn với nước ngoài là vụ lợi, tham nhũng, không bảo vệ quyền lợi tổ quốc, v.v... Hàm ý bên dưới vẫn là tinh thần bài ngoại và đổ lỗi cho ngoại quốc về mọi tệ nạn trong nước.

Rio Tinto không là lần đầu mà cũng chẳng là lần cuối

Việt Long:  Chính quyền Úc Đại Lợi đã có phản ứng về vụ này ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chính quyền Úc có phản ứng, tương đối ôn hòa và với dư luận Úc thì quá ôn hoà, nhưng các thị trường trên thế giới thì theo dõi rất sát và phản ứng mạnh hơn. Họ coi đây là trường hợp điển hình của phong cách rất tệ của Trung Quốc.

- Thế rồi, hôm 17 Tháng Bảy, một Thứ trưởng Ngoại giao của Trung Quốc nói với Ngoại trưởng Úc rằng nhà chức trách Bắc Kinh sẽ tập trung vào tội hối lộ các viên chức Trung Quốc hơn là tội gián điệp và phương hại an ninh quốc gia. Tức là họ đã dời mục tiêu từ tội này qua tội khác.

Việt Long:  Phải chăng vì Bắc Kinh thấy ra sự phi lý của tội danh thu thập thông tin thị trường nên phải chuyển qua chuyện khác?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa có thể là như vậy nhưng có khi còn tệ hơn vậy!

- Trước hết, người ta chú ý đến một chuyện có liên quan, dù ở rất xa. Ngày 17 Tháng Bảy đó, nhà chức trách xứ Namibia tại Phi Châu đã truy tố ba nhân viên một doanh nghiệp Trung Quốc tại Namibia là Nuctech, hay Uy thị Cổ phần, về tội tham nhũng.

Chưa đầy 10 ngày sau khi nhân viên Rio Tinto bị bắt thì hàng loạt doanh nghiệp thép của Trung Quốc, như tập đoàn Sắt Thép An Sơn tại Liêu Ninh, Bảo Cương tại Thượng Hải, Thủ Cương tại Bắc Kinh, v.v... bị bộ Công an điều tra về tội lộ mật, có thể vì cung cấp thông tin cho Rio Tinto.

Một trong ba người là đại diện người Hoa, công ty là một chi nhánh của Đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh, người cầm đầu công ty này khi vụ tham nhũng xảy ra là Hồ Hải Phong, con trai của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào!

- Sau đó một tuần, Tổng thống Namibia còn cách chức Bộ trưởng Quốc phòng vì tội nhận tiền hối lộ của công ty Nuctech! Tất nhiên là truyền thông Trung Quốc không được loan tải gì về vụ tai tiếng đó từ một doanh nghiệp liên hệ đến thân tộc của Chủ tịch, nhưng doanh giới quốc tế đều theo dõi vụ này. Họ càng chú ý vì Rio Tinto cũng là một nhà đầu tư lớn vào kỹ nghệ aluminium tại Namibia nên quốc gia nhỏ bé này không cần tránh né Bắc Kinh và dám lột mặt nạ tham ô. Có thể là vì vậy mà Bắc Kinh mới dịu giọng với Rio Tinto và đổi tội danh.

Việt Long: Liệu người ta có thể suy đoán rằng Rio Tinto đã phản công như vậy hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng ta khó biết được, chỉ thấy rằng Rio Tinto rất bình tĩnh và không sợ sức ép của Bắc Kinh, kể cả sức ép bằng lối sách động quần chúng.

- Chúng ta nên nói đến chuyện sách động vì cũng là lề lối của Trung Quốc khi bôi nhọ viên Tổng Giám đốc Rio Tinto đang bị giam giữ và vu cáo tổ hợp Rio Tinto. Nào là ông Stern Hu này có hai biệt thự nhờ tiền hối lộ, mỗi cái trị giá 17 triệu đô la, như tờ Văn Uyển Báo của Bắc Kinh xuất bản tại Hong Kong mới loan tải hôm Thứ Hai mùng 10 vừa qua!

- Trước đó, hôm Thứ Bảy mùng tám, một giới chức trong Vụ Bảo vệ Bí mật Nhà nước tại Giang Tô đăng bài quan điểm trên trang điện tử mệnh danh "bảo mật" của Cục Quản lý Quốc gia về Bảo mật. Bài viết tố cáo Rio Tinto nống giá khoáng sản bán cho Trung Quốc làm xứ này bị thiệt mất gần 120 tỷ đô la.

Gặp phản ứng mạnh thì họ cố giữ thể diện bằng cách tuyên án tượng trưng rồi trả tự do và lại chuẩn bị một đợt thương thảo khác! Vụ Rio Tinto không là lần đầu mà cũng chẳng là lần cuối, cho tới khi Trung Quốc bị khủng hoảng từ bên trong vì lề lối làm ăn đó.

Viên chức ấy viện dẫn kết quả điều tra khi nêu ra con số khổng lồ đó, bất chấp thực tế là tổng số quặng sắt Rio Tinto bán cho Trung Quốc trong suốt năm năm, từ 2004 đến 2008, chỉ lên tới 41 tỷ đô la và tổng số lợi nhuận của Rio Tinto từ quặng sắt trong sáu năm qua chỉ lên tới 43 tỷ, đa số là thu trong nước Úc! Hôm qua, khi thấy bộ Ngoại giao Úc, Rio Tinto và giới đầu tư lẫn các ngân hàng ngoại quốc nêu ra sự phi lý trong lời cáo buộc, trang điện tử ấy bỗng tắt mất sáu giờ đồng hồ. Khi nó xuất hiện trở lại thì bài quan điểm kỳ dị này đã biến mất!

Việt Long: Câu hỏi cuối của câu chuyện ly kỳ này, ông tổng kết thế nào về phong cách làm ăn của Trung Quốc?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ta có thể đi từ dưới lên để nêu ra vài đặc tính của lề lối làm ăn này.

- Từ bên dưới, chuyện doanh nghiệp và viên chức nhà nước Trung Quốc chia chác quyền lợi và hối lộ nhau bằng phong bì mà họ gọi là "hồng bao" là một quy luật phổ biến. Khì cần triệt hạ vì bất cứ lý cớ gì thì chỉ moi vào đó là móc ra tội. Không ai có thể vô can trong xã hội đó. Bên trên, lãnh đạo Trung Quốc vẫn có nhiều mâu thuẫn về quyền lợi và quan điểm nên dùng luật lệ chống tham nhũng hay bảo mật để triệt hạ nhau.

- Với bên ngoài, Trung Quốc muốn giữ thế mạnh khi thương thảo và dùng cả thủ đoạn bá đạo ngụy danh chính nghĩa theo lối "trong bá ngoài vương". Sở dĩ họ thành công là vì xứ khác không tham thì nhu nhược. Gặp phản ứng mạnh thì họ cố giữ thể diện bằng cách tuyên án tượng trưng rồi trả tự do và lại chuẩn bị một đợt thương thảo khác! Vụ Rio Tinto không là lần đầu mà cũng chẳng là lần cuối, cho tới khi Trung Quốc bị khủng hoảng từ bên trong vì lề lối làm ăn đó.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.