Đụng Đáy Hai Lần
2010.06.30
Kinh tế Mỹ: bi quan
Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm của Nhật Bản, bất trắc của Âu Châu và thậm chí tăng trưởng chậm hơn của Trung Quốc, nếu kinh tế Mỹ lại đụng đáy lần nữa, kinh tế thế giới có thể lại gặp biến động nguy kịch. Và nguy kịch nhất là các nước còn rất ít khả năng ứng phó vì đã tận dụng hầu hết mọi giải pháp. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về kịch bản bi quan này trong cuộc trao đổi sau đây của Việt Long cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa.
Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Hôm Thứ Ba 29, sau khi hội họp với ban tham mưu kinh tế và Thống đốc Ngân hàng Trung ương, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố rằng kinh tế Mỹ đang được củng cố, mà vẫn có thể gặp trở ngại xuất phát từ Âu Châu.
Cùng lúc đó, một chỉ dấu
kinh tế được thông báo đã khiến cổ phiếu Mỹ tuột giá nặng nề, đó là "chỉ số
tin tưởng" của giới tiêu thụ trong Tháng Sáu đã giảm mạnh hơn mọi dự đoán.
Khi ấy, người ta mới để ý tới lời báo động là kinh tế Hoa Kỳ có thể lại bị suy
trầm. Khi kinh tế thế giới chưa hồi phục khả quan mà Hoa Kỳ lại bị suy trầm nữa
thì tình hình toàn cầu quả là đáng ngại. Vì vậy, chương trình chuyên đề kỳ này
sẽ tìm hiểu về nguy cơ đó. Câu hỏi đầu tiên, thưa ông, là liệu kinh tế Mỹ có lại
suy trầm lần nữa không?
Lần này là một chuỗi bong bóng tín dụng, là nợ nần, bị bể đồng loạt tại Hoa Kỳ, Âu Châu, sau nhiều thập niên vay mượn quá đà. Tức là các nước đều lâm vào tình trạng phải đồng loạt trả nợ.
Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn Xuân Nghĩa: Từ hai tháng nay, một số các nhà quan sát kinh tế tại Mỹ nói tới rủi ro ấy và ngày càng nhiều người đồng ý rằng kinh tế Mỹ có thể bị suy trầm nữa, thuật ngữ kinh tế gọi là "đụng đáy hai lần". Chỉ số tin tưởng của giới tiêu thụ vừa được thông báo là một tín hiệu mới cho kịch bản bi quan này. Tổng thống Obama cho là Mỹ có thể bị "gió ngược", thổi từ Âu Châu qua Mỹ. Nhưng thật ra nhiều triệu chứng bất trắc đã thấy ngay trong nền kinh tế Hoa Kỳ.
Việt Long: Xin ông nói ngay về những triệu chứng bất trắc này trước khi chúng ta điểm tới các chỉ dấu tiên báo là kinh tế Hoa Kỳ có thể đụng đáy hai lần.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước hết, về bối cảnh chung, ta không quên là cuối năm 2008, kinh tế Mỹ bị trôi vào chu kỳ suy trầm - là hiện tượng tạm gọi là bình thường, cứ sáu bảy năm lại xảy ra một lần, lần trước là vào năm 2001. Lần này, suy trầm xảy ra cùng với nạn bong bóng bị bể. Mà không chỉ có trái bóng gia cư bị bể và dẫn tới nạn khủng hoảng loại tín dụng thứ cấp. Lần này là một chuỗi bong bóng tín dụng, là nợ nần, bị bể đồng loạt tại Hoa Kỳ, Âu Châu, sau nhiều thập niên vay mượn quá đà. Tức là các nước đều lâm vào tình trạng phải đồng loạt trả nợ.
Sau hai năm tổng suy trầm, và hàng loạt biện pháp kích thích để chống đỡ, bây giờ, ta lại thấy nổi lên một trái bóng khác là nợ nần của khu vực công, của nhà nước.
Tại Hoa Kỳ đó là hiện tượng bội chi ngân sách của cả liên bang lẫn nhiều tiểu bang. Bất trắc ấy là vấn đề của Mỹ chứ không do Âu châu gây ra cho kinh tế Mỹ. Thế rồi, và đây cũng là hiện tượng đặc thù của Hoa Kỳ mà người không nên đổ lỗi cho Âu Châu: cuối năm nay, các quyết định giảm thuế của Chính quyền Bush sẽ mãn hạn, tức là sẽ chấm dứt. Gánh nặng thuế khoá sẽ tự nhiên tăng vào năm tới.
Đúng lúc đó thì do việc tăng chi quá nặng và gây bội chi ngân sách, Chính quyền Obama trù tính lại tăng thuế, ít ra là tăng thuế nhà giàu, là những người còn khả năng đầu tư cho sản xuất. Bối cảnh ấy khiến người ta phải lo rằng cuối năm nay hoặc trễ lắm là đầu năm 2011, kinh tế Mỹ sẽ lại đụng đáy lần nữa trong khi thất nghiệp vẫn ở mức cao và chưa thể giảm.
Việt Long: Đó là về bối cảnh chung. Khi theo dõi các thống kê kinh tế, ông thấy là thị trường đã có những dấu hiệu gì để tiên báo điều ấy?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thông thường người ta hay nói đến đường tuyến của phân lời trái phiếu, là kỳ hạn càng dài thì phân lời càng cao nên đường tuyến dốc lên thì mới báo hiệu tăng trưởng trong tương lai. Khi độ dốc này không còn cao nữa, hoặc đường tuyến lại nằm ngang, thì ta sẽ có nạn suy trầm trong sáu bảy tháng sau. Nhưng, chỉ dấu tiên báo này giờ đây lại vô giá trị vì lãi suất ngân hàng đã được cắt tới số không để kích thích kinh tế ra khỏi suy trầm!
Đấy là điều bất tường vì lãi suất đang bò trên sàn, nếu kinh tế lại bị suy trầm thì làm sao kích thích được nữa?
Ngoài ra, giới nghiên cứu kinh tế cũng lập ra nhiều phương trình kết hợp đủ loại thống kê để dự báo đà tăng trưởng cho tương lai thì các chỉ dấu tiên báo này đều dẫn tới kết luận chung là có thể sẽ lại suy trầm.
Quan trọng nhất là niềm tin của giới tiêu thụ và lượng tín dụng do các ngân hàng cấp phát ra, cả hai đều suy sụp nặng. Người ta đang lo trả nợ, lại sợ mất việc nên ít dám tiêu xài. Các ngân hàng cũng lo mất nợ và bị chính quyền khiển trách theo luật lệ mới nên càng thận trọng hơn khi cho vay. Sau cùng, chỉ dấu tiên báo phổ thông nhất là thị trường cổ phiếu thì nạn sụt giá chứng khoán quá nặng trong mấy tháng qua có thể tiên báo hiện tượng điều chỉnh, tức là còn sụt giá nữa, làm giới đầu tư rút tiền về mua công khố phiếu cho an toàn.
Sau cùng, trong tâm lý bất an lan rộng ấy, người ta còn có một mối hoài nghi lớn về chính sách. Dân Mỹ tự hỏi là liệu thuế sẽ tăng nhiều hay ít, các ngân hàng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ đến mức nào, ai sẽ lãnh phí tổn của kế hoạch cải tổ chế độ bảo dưỡng y tế vừa qua, nạn mất nhà vì thiếu nợ hoặc biện pháp cứu vãn những người có thể bị mất nhà sẽ ảnh hưởng thế nào đến mức lời lỗ của nhà tài trợ? v.v...
Quan trọng nhất là thái độ của chính trường, của Quốc hội, với tư doanh. Tư doanh tự hỏi là bây giờ mà bỏ tiền ra thuê người để kinh doanh kiếm lời thì có là một cái tội không? Câu hỏi ấy hoàn toàn không trừu tượng vì người ta thấy là số việc làm do tư doanh tạo ra lại quá ít so với số công việc của khu vực công, mà ai cũng biết rằng công chức không đóng góp cho sản xuất bằng tư doanh.
Quan trọng nhất là niềm tin của giới tiêu thụ và lượng tín dụng do các ngân hàng cấp phát ra, cả hai đều suy sụp nặng. Người ta đang lo trả nợ, lại sợ mất việc nên ít dám tiêu xài.
Nguyễn Xuân Nghĩa
Việt Long: Ông vừa trình bày một bức tranh toàn cảnh quả là u ám, với nỗi hoang mang tâm lý của nhiều thành phần, từ giới tiêu thụ đến nhà sản xuất. Nhưng nhìn ra ngoài thị trường Hoa Kỳ thì người ta có thấy gì lạc quan hơn không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Doanh giới Hoa Kỳ có thể đặt kỳ vọng vào đà tăng trưởng khả quan hơn của Á Châu và Mỹ Châu La tinh khiến họ xuất cảng được nhiều hơn, nhưng còn e ngại phản ứng bảo hộ mậu dịch trong Quốc hội Mỹ sẽ dẫn tới nhiều hậu quả bất lợi khác về ngoại thương. Chứ nhìn qua Đại Tây dương thì tình hình Âu Châu không cho phép người ta lạc quan. Âu Châu đang gặp khó khăn về tài chính và ngân hàng và phải áp dụng chính sách khắc khổ để giảm bớt bội chi ngân sách và gánh nặng công trái. Vì vậy, dù có tốc độ tăng trưởng tạm gọi là khả quan, Âu Châu vẫn chưa là một đầu máy khả tín. Trường hợp Nhật Bản cũng vậy.
Trở lại chuyện chính sách, giới lãnh đạo kinh tế Mỹ có thấy rủi ro đụng đáy và thất nghiệp cao ngay trong một năm có bầu cử quốc hội nên đang nói đến nhu cầu phải tiếp tục kích thích kinh tế bằng tăng chi. Nhưng chính kế hoạch kích thích này càng gây ra tranh luận và hoang mang.
Chỉ vì từ khi kinh tế suy trầm cuối năm 2007, Mỹ đã có hai lần kích thích kinh tế, lần đầu trị giá tự trù là 152 tỷ đô la vào đầu năm 2008 thời ông Bush. Lần sau trị giá 787 tỷ vào đầu năm 2009 khi ông Obama nhậm chức. Tổng cộng là 940 tỷ đô la mà chưa thấy công hiệu. Bây giờ lại tăng chi nữa khi ngân sách đã bị bội chi quá nặng, nếu nhà nước vay tiền để tăng chi thì lại mắc nợ nhiều hơn khi gánh nặng công trái đã lên tới mức kỷ lục.
Ta cũng không quên một quy luật kinh tế là "yếu tố thời cơ của tư bản", nôm na là đồng tiền dùng cho việc này thì hết dùng được cho việc khác. Khi nhà nước đi vay thì vay của ai? Của nhà đầu tư có tiền, và tiền đó mà trút vào việc tài trợ tăng chi của ngân sách nhà nước thì không xài được cho sản xuất.
Giải pháp nào để cứu nguy?
Việt Long: Có lẽ những bất trắc ấy đều được các nước thấy ra. Thế thì trong Thượng đỉnh của khối G-20 vào cuối tuần qua tại Canada, lãnh đạo các nước có nói tới nguy cơ ấy không và đưa ra những đề nghị gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thượng đỉnh ấy là một thất bại lớn của Hoa Kỳ về uy tín và chính sách. Các nước đều nói tới nhu cầu thúc đẩy tăng trưởng và giải tỏa mậu dịch, nhưng cũng lại đồng ý với khối Âu Châu về chỉ tiêu cắt giảm phân nửa mức bội chi ngân sách từ nay đến năm 2003. Trong khi ấy, Hoa Kỳ lại kêu gọi kích thích kinh tế bằng tăng chi, tức là có quan điểm trái ngược với các nước Âu Châu vốn đang mấp mé khủng hoảng vì tăng chi quá nhiều. Xuyên qua cuộc tranh luận ấy, ta còn rút tỉa được một bài học mà Việt Nam nên chú ý.
Đó là Âu Châu đã có xu hướng
bao cấp và tăng chi từ quá lâu nên nay đang bị nguy cơ vỡ nợ. Vì vậy mà cho dù
kinh tế chưa khởi sắc, họ vẫn quyết định áp dụng chính sách kiệm ước khắc khổ
và quyết liệt giảm chi ngân sách quốc gia. Bây giờ, Hoa Kỳ mới học đòi chính
sách bao cấp bằng tăng chi, nhân nạn suy trầm lại thi hành hàng loạt biện pháp
có nội dung cải tạo xã hội hơn là kích thích sản xuất hoặc tạo ra việc làm. Khi
sản xuất vẫn đình đọng và thất nghiệp không giảm thì lại nghĩ đến tăng chi nữa.
Các nước Âu Châu đi trước bị trượt chân nên muốn leo ngược khỏi con dốc đó nên
không thể đồng ý với đề nghị tăng chi của Hoa Kỳ.
Mối lo đụng đáy hai lần đang thách đố giới kinh tế: cả hai xu hướng cấp cứu kiểu tự do của cánh hữu - là hạ lãi suất và bơm tiền - và kiểu bao cấp của cánh tả - là tăng chi ngân sách - đều đi vào bế tắc.
Nguyễn Xuân Nghĩa
Việt Long: Thông thường, khi kinh tế bị đình trệ suy thoái, người ta có thể áp dụng biện pháp tiền tệ là hạ lãi suất, hay biện pháp ngân sách là tăng chi hay giảm thuế. Bây giờ, lãnh đạo Hoa Kỳ có thể làm gì trong hoàn cảnh ngặt nghèo như thế này để chặn được nguy cơ suy trầm?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trong giới kinh tế và ngoài chính trường, người ta đang tranh luận mạnh về chính sách đối phó vì trên lãnh vực tiền tệ thì lãi suất đã đến số không, nghĩa là không thể cắt được nữa, mà máy bơm tín dụng lại chưa phục hoạt. Còn lại, nếu theo lý luận kinh tế thiên tả xuất phát từ kinh tế gia người Anh là John Maynard Keynes thì người ta có thể áp dụng biện pháp tăng chi. Nhưng, Hoa Kỳ đã tăng chi quá nhiều và mắc nợ quá nặng mà chưa thấy công hiệu và biện pháp này đang bị đa số dân chúng đả kích. Chìm bên dưới là tình trạng cũng ngập nợ của nhiều tiểu bang, điển hình là California, tiểu bang đang có nguy cơ vỡ nợ.
Vì vậy mà nạn tổng suy trầm
này, và mối lo đụng đáy hai lần đang thách đố giới kinh tế: cả hai xu hướng cấp
cứu kiểu tự do của cánh hữu - là hạ lãi suất và bơm tiền - và kiểu bao cấp của
cánh tả - là tăng chi ngân sách - đều đi vào bế tắc. Do vậy mà ngay từ đầu tôi
có trình bày là kinh tế bị suy trầm đúng lúc bong bóng nợ nần bị bể, một hoàn cảnh
cực kỳ hiếm hoi, bất thường!
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng ta nên trở lại khía cạnh tâm lý, sự hoang mang ngờ vực của người dân. Chính là tâm lý bất an đó mới chi phối các quyết định kinh doanh và sinh hoạt kinh tế mà không chỉ riêng tại Hoa Kỳ. Tôi thiển nghĩ là tại Mỹ, trong khi chờ đợi sự công hiệu của các biện pháp kích thích thì lãnh đạo phải trấn an được thị trường. Trước tiên, họ cần có quyết định minh bạch, phát biểu trong sáng để giải tỏa sự ngờ vực. Khốn nỗi, năm nay Hoa Kỳ lại có bầu cử và tính toán về bầu cử có thể tạo ra nhiễu âm, gây thêm hoang mang.
Ta không quên nạn tổng suy trầm cũng có một cơ duyên là chính trị, là cuộc bầu cử năm 2008 khi các chính trị gia cứ báo động để hứa hẹn và gây hốt hoảng để kiếm phiếu làm tình trạng thêm khó khăn. Bây giờ họ đang gặt hái kết quả ấy và sẽ bị cử tri trừng phạt vào tháng 11 này.