Nền kinh tế Ấn Độ phục hồi

Trong mấy ngày đầu năm và sau vụ suy trầm toàn cầu, một số nhà nghiên cứu cho rằng kinh tế Ấn Độ sẽ sớm bắt kịp và vượt qua Trung Quốc nội trong thập niên này.
Thanh Quang, phóng viên RFA
2010.01.21
Nhân viên hãng Hyundai Motors ở Ấn Độ Nhân viên hãng Hyundai Motors ở Ấn Độ
AFP Photo/Deshakalyan Chowdhury

Yếu tố địa lý

Trong khi thế giới còn nói đến tốc độ tăng trưởng kỷ lục của Trung Quốc, dự báo nói trên về Ấn Độ có thể khiến chúng ta quan tâm, chú ý. Thanh Quang trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa về vấn đề này.

Thanh Quang: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Ngoài Nhật Bản, Á châu hiện đang có hai nền kinh tế gần như là ở hai lục địa khác nhau và bị chia cách bởi rặng núi Hy Mã Lạp Sơn.

Ấn Độ tại tiểu lục địa Nam Á là một hải đảo biệt lập trong ý nghĩa là được chia cách với bên ngoài. Nhìn theo chiều kim đồng hồ từ Đông sang Tây thì xứ này được bao vây bởi ba mặt biển và bốn rặng núi.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Đó là nền kinh tế Trung Quốc tại Đông Á nhìn ra Thái Bình dương và nền kinh tế Ấn Độ tại tiểu lục địa Nam Á trông xuống Ấn Độ dương. Sự cạnh tranh mặc nhiên của hai quốc gia đông dân nhất thế giới và cùng có nền văn minh cổ xưa nhất của nhân loại đã khiến nhiều người chú ý.

Trung Quốc khởi sự cải cách kinh tế từ năm 1979, 30 năm về trước, còn Ấn Độ thì mới chỉ chuyển hướng từ năm 1991, gần 10 năm sau và Trung Quốc đang dẫn đầu với đà tăng trưởng rất cao. Tuy nhiên, một số nhà quan sát quốc tế lại cho rằng Ấn Độ sẽ bắt kịp và vượt xa Trung Quốc trong vòng mươi năm nữa, tức là nội trong thập niên thứ hai của thiên niên kỷ thứ ba. Vì những yếu tố đó, xin đề nghị ông trình bày cho bối cảnh của vấn đề.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng quốc gia nào cũng bị thiên nhiên chi phối trước tiên do địa dư hình thể của nơi sinh sống. Sau đó điều kiện này mới dẫn đến các tập quán được đa số chia sẻ, rồi dần dần thành hình một bản sắc văn hoá đặc thù và sẽ ảnh hưởng tới các quyết định sinh tử về an ninh, chính trị và kinh tế.

Trong tinh thần ấy, ta cần thấy rằng Ấn Độ tại tiểu lục địa Nam Á là một hải đảo biệt lập trong ý nghĩa là được chia cách với bên ngoài. Nhìn theo chiều kim đồng hồ từ Đông sang Tây thì xứ này được bao vây bởi ba mặt biển và bốn rặng núi.

Về biển thì đó là Vịnh Bengal, là Ấn Độ dương và Biển Á Rập dẫn qua Trung Đông và Âu Châu. Về núi rừng thì từ Đông sang Tây lên phía Bắc, Ấn Độ cũng được bao che bởi các rặng Ghats miền Đông và miền Tây ở vùng duyên hải, rồi sa mạc Thar và rặng Indu Kush bên Pakistan; lên phía Bắc thì có dãy Hy Mạ Lạp Sơn, hay Hymalaya, trải rộng từ Tây qua Đông, về tới biên giới với các nước Nepal, Bhutan và Trung Quốc.

Ở bên trong, tiểu lục địa này sinh sống và phát triển nhờ các con sông lớn như sông Indus bên Pakistan, sông Hằng tại hướng Đông tiếp cận với Bangladesh và nhiều con sông khác ở phía Nam. Vì địa dư hình thể ấy, Ấn Độ khó bành trướng ra ngoài thành một đế quốc xâm lược, mà ngược lại, thường chú trọng đến việc chung sống và bảo vệ tiểu lục địa ở bên trong.

Văn hóa, xã hội

chinese-trader-in-india-afp
Doanh nhân Trung Quốc ở Ấn Độ. AFP photo/Indranil Mukherjee
AFP photo/Indranil Mukherjee
Thanh Quang: Đó là về địa dư hình thể, còn về an ninh, chính trị và văn hoá thì sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Mặc dù đã bị Hồi giáo từ hướng Tây đến chiếm đóng và cai trị từ thế kỷ thứ 11 đến 18, Ấn Độ vẫn tìm ra phương thức và thể chế dung hòa để các cộng đồng có thể sống chung. Một lý do là Hồi giáo khi ấy không có nhu cầu cải đạo và đồng hóa dân theo Ấn Độ giáo mà chỉ tìm nguồn lợi kinh tế.

Khi Tây phương và Đế quốc Anh bước vào thì cũng theo đường của Hồi giáo và áp dụng một chính sách tương tự, là để các sắc tộc nội địa sinh sống và xử trí với nhau chứ không xen lấn và đồng hóa. Với Đế quốc Anh, Ấn Độ là một mắt xích quan trọng cho một chuỗi thuộc địa trải dài từ Tây qua Đông, từ eo biển Gibraltar qua kênh đào Suez đến Ấn Độ dương và tới eo biển Malacca tại Đông Nam Á.

Điểm đáng chú ý nhất của văn hoá và xã hội xứ này là tinh thần bao dung bên trong và sự kháng cự có tính chất thụ động và có vẻ bất bạo động đối với bên ngoài.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Đế quốc Anh bị tàn lụi từ Thế chiến II và phải rút về thì Ấn Độ vẫn giữ nguyên vẹn hình thái sinh hoạt đa nguyên và thật sự là dân chủ ở bên trong, mặc dù thường xuyên gặp vấn đề với cộng đồng Hồi giáo rất đông, lại có hai quốc gia Hồi giáo vây ở hai bên là Pakistan và Bangladesh.

Điểm đáng chú ý nhất của văn hoá và xã hội xứ này là tinh thần bao dung bên trong và sự kháng cự có tính chất thụ động và có vẻ bất bạo động đối với bên ngoài. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập từ Đế quốc Anh, ông Thánh Mahatma Gandhi đã áp dụng triết lý bất bạo động ấy cho tới thành công. Ngoài ra, và khác với Việt Nam thời thực dân Pháp, Ấn Độ có kế thừa một bộ máy hành chính hữu hiệu hơn cho một lãnh thổ thật ra mênh mông bát ngát.

Thanh Quang: Trước khi chuyển qua đề mục kinh tế, xin hỏi ông thêm một câu về nước láng giềng của Ấn Độ là Trung Quốc. Hai quốc gia này khu xử với nhau như thế nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Hai xứ này tiếp giáp với nhau trên đỉnh Hymalaya và đã từng xung đột vào năm 1962. Nhưng trên cao độ hiểm trở ấy, cả hai đều không có lợi và chẳng có khả năng gửi quân lên để vượt núi qua bên kia. Còn lại, Ấn Độ đón nhận cộng đồng Tây Tạng lưu vong và yểm trợ vị lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng là đức Đạt Lai Lạt Ma, trong khi Trung Quốc xây dựng và tiếp vận các nhóm phiến quân theo chủ nghĩa Mao tại Ấn Độ và Nepal.

Chính mối đe dọa của Trung Quốc khiến Ấn Độ liên kết với một xứ ở xa là Liên bang Xô viết và cũng do liên minh ấy mà Ấn Độ áp dụng chế độ kinh tế tập trung theo kiểu xã hội chủ nghĩa làm cho kinh tế không phát triển và chỉ có tham nhũng là lây lan.

Khi Liên Xô tan rã năm 1991 thì cũng là lúc Ấn Độ chuyển hướng kinh tế để ra khỏi chế độ bao cấp và tiến dần vào kinh tế thị trường. Bên trên hệ thống kinh tế ấy vẫn là chế độ dân chủ chính trị và sau khi phe bảo thủ đổi mới kinh tế rất mạnh rồi thất cử vì những xáo trộn trong đời sống do việc đổi mới này gây ra, đảng Quốc đại đã thắng cử.

Dù theo xu hướng thiên tả, đảng này vẫn tiếp tục việc cải cách kinh tế cho thông thoáng hơn và kinh tế Ấn Độ đã có nhiều thay đổi. Trong vụ tổng suy trầm toàn cầu vừa qua, xứ này bị hiệu ứng nhẹ và bung lên rất sớm với tốc độ tăng trưởng là 8%, tức là rất cao.

Với tốc độ ấy, sản lượng xứ này sẽ tăng gấp đôi mỗi chín năm. Đến cuối tháng này mà Ngân hàng Trung ương Ấn Độ có xiết lại hệ thống tiền tệ vì kinh tế đã ra khỏi suy trầm thì ta chẳng nên ngạc nhiên. Nói chung, dư luận chỉ chú ý tới thành tích Trung Quốc mà ít để ý tới Ấn Độ vì theo kiểu thụ động cố hữu của họ, xứ này ít có thói khoa trương tuyên truyền như Trung Quốc.

Triển vọng

Thanh Quang: Chúng ta đi tới câu hỏi chính, thưa ông, nhiều trung tâm dự báo kinh tế đã nói đến việc Ấn Độ có thể bắt kịp Trung Quốc trong thập niên này, ông nghĩ sao về lời tiên đoán ấy?

bank-of-india-afp-305
Cảnh sát gác tại ngân hàng The Reserve Bank ở Mumbai. AFP Photo/Indranil Mukherjee
AFp Photo/Indranil Mukherjee
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước hết, ta nên xác định thế nào là bắt kịp, về phương diện gì chẳng hạn.

Nếu tính theo sức mua thực tế của đồng bạc -là tỷ giá mãi lực gọi tắt là PPP- thì sản lượng kinh tế Ấn Độ hiện đứng hàng thứ tư thế giới, sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản. Sản lượng ấy của Ấn sẽ sớm vượt Nhật Bản trước khi tranh đua với Trung Quốc trong những năm tới.

Tuy nhiên, ta không quên rằng dân số Nhật chỉ có gần 130 triệu, so với một tỷ 200 triệu dân Ấn nên lợi tức bình quân một đầu người của Nhật tất nhiên vẫn còn cao hơn Ấn rất xa.

Nói về dân số thì Nhật Bản đã bị lão hóa, thành phần sản xuất ngày càng giảm, dân số Trung Quốc cũng bắt đầu như vậy sau mấy chục năm theo đuổi chính sách mỗi gia đình chỉ có một con. Trong khi ấy, dân số Ấn sẽ còn tăng và trong số này thành phần có tay nghề và biết Anh ngữ sẽ chiếm một tỷ trọng lớn hơn.

Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc về dân số, chuyện đáng nói là sẽ vượt cả về phẩm chất. Trong một thế giới mà kiến thức sẽ quyết định về kinh tế mạnh hơn bắp thịt, Ấn Độ vẫn có triển vọng cao hơn.

Thứ ba, Trung Quốc theo chiến lược xuất khẩu để phát triển và thị trường xuất khẩu co cụm trong những năm tới sẽ kiềm hãm đà tăng trưởng của xứ này, trong khi Ấn Độ không bỏ rơi thị trường nội địa rất lớn của mình nên vẫn còn trớn để giữ nhịp độ tăng trưởng rất cao như hiện nay - và có thể lên đến 10% - trong cả chục năm nữa. Tức là sản lượng tăng gấp đôi mỗi bảy năm.

Thứ tư, Ấn Độ có những khu vực công nghệ tiên tiến và sẽ là nơi tiếp nhận chuyển giao công nghệ và đầu tư từ bên ngoài ngày càng nhiều hơn, rồi từ đó sẽ tìm ra nhiều giải pháp đột phá cho công nghiệp và năng lượng hầu giải quyết những ách tắc mà Trung Quốc chưa ra khỏi trong tiến trình công nghiệp hoá của mình. Cũng phải nói thêm rằng Ấn Độ có diện tích canh tác cao hơn trên nhiều khu vực đất đai phì nhiêu hơn để có thể nuôi sống dân số của mình.

Thanh Quang: Mới chỉ kể ra một số lãnh vực thì người ta thấy Ấn Độ quả là cũng có nhiều lợi thế đáng kể. Tuy nhiên, xin hỏi ông là xứ này có bị nạn khủng bố của các lực lượng Hồi giáo cuồng tín, điều ấy có cản trở nỗ lực phát triển của họ không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Chính là hiện tượng khủng bố mới càng làm nổi lên ưu thế của Ấn Độ!

Xứ này quả là có bị nạn khủng bố, chưa kể cái ngòi khủng bố tại đất Kashmir đang tranh chấp với Pakistan và ngay tại xứ Pakistan xâm nhập vào.

Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc về dân số, chuyện đáng nói là sẽ vượt cả về phẩm chất. Trong một thế giới mà kiến thức sẽ quyết định về kinh tế mạnh hơn bắp thịt, Ấn Độ vẫn có triển vọng cao hơn.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Tuy nhiên, không phải vì vậy mà Ấn ban bố tình trạng thiết quân luật hay khoanh vùng kiểm soát và đàn áp cộng đồng Hồi giáo ở bên trong. Ấn Độ đủ rộng lớn, có dân số đủ đông để kinh tế chịu đựng được nạn khủng bố và chính là thế chế dân chủ đa nguyên của họ mới gỡ ngòi nổ khủng bố.

Trong khi ấy, chế độ độc tài và chính sách kỳ thị sắc tộc của Trung Quốc mới tích lũy những bất mãn sẽ dẫn tới bạo động và phản ứng ly khai. Trên một lãnh thổ có quá nhiều dị biệt mà chế độ độc đảng không thể dung hoà hay san bằng được, Trung Quốc mới dễ bị loạn và có thể vỡ thành nhiều mảnh, Ấn Độ thì không.

Thanh Quang: Câu hỏi cuối thưa ông, theo những phân tích vừa rồi, ông cũng tin rằng Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi xin được trả lời bằng nhận định của một kinh tế gia thuộc bậc thầy của nhiều kinh tế gia thời nay là Giáo sư Milton Friedman, Giải Nobel Kinh tế năm 1976. Trước khi tạ thế vào cuối năm 2006, đại để ông so sánh như sau về hai quốc gia này:

"Trung Quốc có chế độ chính trị tập trung trên một nền kinh tế được tiệm tiến giải phóng nên có đạt một số thành quả ban đầu, nhưng sẽ bị khủng hoảng vì tự do kinh tế không thể đi cùng chính trị độc tài. Ấn Độ thì có chế độ chính trị dân chủ trên một nền kinh tế tập thể, nay họ đang giải phóng kinh tế và nhờ đó sẽ giải phóng mọi quyền tự do và vì vậy sẽ có vị trí tốt đẹp hơn Trung Quốc."

Nhìn như vậy, Ấn Độ mà vượt Trung Quốc thì chủ yếu là do chính trị dân chủ sẽ tìm ra giải pháp kinh tế tốt đẹp nhất cho đa số mà không bị loạn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.