Theo một tàu dầu lên Bắc Kinh

Nguyễn Xuân Nghĩa
2019.06.12
Theo một tàu dầu lên Bắc Kinh Con tầu có những đặc điểm của tàu Pacific Bravo cập cảng tại bến dầu Kharg của Iran
Ảnh chụp qua màn hình

Việc một tầu dầu siêu hạng của Trung Quốc vi phạm lệnh cấm vận của Hoa Kỳ mà lén chở dầu của Iran về Trung Quốc là cơ hội cho người ta thấy ra hệ thống tổ chức kinh tế chính trị của Bắc Kinh, một trong những nguyên nhân sâu xa của trận thương chiến hiện nay với Hoa Kỳ. Diễn đàn kinh tế sẽ tìm hiểu hệ thống đó.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, từ đầu Tháng Năm, Hoa Kỳ triệt để thi hành việc phong tỏa kinh tế Iran đã quyết định từ Tháng 11 năm ngoái và chấm dứt việc đặc miễn cho một số quốc gia vẫn nhập dầu thô từ Iran. Khi ấy, người ta thấy có một tầu dầu siêu cấp của Trung Quốc tên là Pacific Bravo vẫn vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ mà lén lút chở dầu của Iran về Trung Quốc. Theo dõi vụ này, ông kết luận như thế nào?

Mê cung ma quỷ

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho là người ta có thể làm một cuốn phim gián điệp ăn khách về chiếc Pacific Bravo nếu các phim trường Mỹ không sợ làm Bắc Kinh khó chịu và trừng phạt. Nhưng qua vụ này, người ta nên nhìn lên tổ chức kinh tế chính trị của Trung Quốc để thấy ra vai trò của đảng Cộng sản và Nhà nước Bắc Kinh. Chính vai trò ấy mới là một mấu chốt của trận thương chiến hiện nay với Hoa Kỳ. Vì vậy, có lẽ chúng ta nên đi từng bước vào một mê cung ma quỷ khá nhức đầu nhưng hấp dẫn. Chúng ta sẽ có ba cấp tìm hiểu….

Những dữ kiện kế toán tài chính của họ, và của các tập đoàn do SASAC quản lý, đều thuộc loại bí mật quốc gia nên ở ngoài rất khó biết nhiều về họ. Có thể là trong cả năm đàm phán, Hoa Kỳ muốn Bắc Kinh công khai hóa cơ cấu tổ chức và chi tiết kinh tế để thị trường có thể rõ hơn sự thật sau bức màn bí mật này. Đây là điều Bắc Kinh rất ngại, cho nên trận thương chiến mới càng kéo dài.
-Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyên Lam: Nguyên Lam xin ông bắt đầu việc tìm hiểu này cho thính giả của chúng ta.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết là về hành trình và lý lịch của Pacific Bravo, là chiếc tầu chở dầu siêu cấp giăng cờ Liberia, nhưng là tài sản đầu tư gần đây của Ngân hàng Côn Luân hay Bank of Kunlun của Trung Quốc.

- Sau khi Hoa Kỳ tăng cường lệnh cấm vận kinh tế của Iran và quyết định chấm dứt việc đặc miễn cho một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Turkey hay Syria kể từ mùng một Tháng Năm, Pacific Bravo vẫn vi phạm và lén chở dầu cho Iran. Hôm 30 Tháng Năm, một bản tin của thông tấn xã Reuters từ Singapore nói đến vụ vi phạm, sau đó, nhiều nơi khác cũng loan tin. Tầu dầu siêu cấp như chiếc Pacific Bravo thuộc loại “very large crude carrier” hay VLCC, có sức trọng tải hơn hai triệu thùng dầu thô hay 320 ngàn mét khối, nên không là cái xuồng lá giữa đại dương mà vẫn được định vị. Thế giới có nhiều doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ theo dõi đó như TankerTrackers (TankerTrackers.com), hay Winward (wnwd.com), nhờ vậy ta mới thấy ra sự lẩn trốn của chiếc Pacific Bravo.

Nguyên Lam: Ông nói đến việc một tầu chở dầu thô thuộc loại siêu cấp như Pacific Bravo mà lại có thể lẩn trốn thì ai cũng thấy lạ. Câu chuyện ấy là thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thì như truyện trinh thám giả tưởng, với cả chục vụ vi phạm khác. Nhưng khi Bắc Kinh lại chối thì đấy là chuyện chính trị!

- Khi tìm hiểu tin tức của một tầu dầu dài 400 thước, có sức chở hai triệu thùng dầu thô, được đăng ký Tổ chức Hàng hải Quốc tế thuộc cơ quan Liên Hiệp Quốc với mã số là IMO: 9206035, mà lại tìm cách lẩn trốn thì ta có chuyện hấp dẫn. Theo các nguồn tin khác nhau, sau khi nói là vào trung tâm Basra nhận dầu của Iraq, Pacific Bravo được hai công ty theo dõi xác định vị trí trong Vịnh Ba Tư vào khoảng 11 Tháng Năm. Nhưng sau đó, tầu dầu này tắt máy tự động định vị để khỏi bị ai theo dõi. Sáu ngày sau khi nhận thêm dầu, có thể là từ đảo Kharg của Iran, Pacific Bravo bật máy định vị và thông báo lộ trình là rời Vịnh Ba Tư đi tới Indonesia. Tin tức sau này cho biết Pacific Bravo đã vượt Eo biển Malacca để có thể lên tới Hong Kong. Vì Hong Kong không có nhà máy lọc dầu nên người ta đoán là tầu dầu này có thể chở dầu Iran vào Trung Quốc.

-  Pacific Bravo được chú ý từ lâu qua các hành vi như đổi tên, đổi cờ, đổi chủ để che giấu hoạt động phi pháp và được đánh giá là thuộc 2% các tầu dầu rủi ro nhất. Nhưng lần này, chiếc tầu dầu trị giá cả trăm triệu đô la lại do Ngân hàng Côn Luân của Trung Quốc mua về trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Hoa từ cả năm nay nên lại càng khiến người ta quan tâm theo dõi.

Nguyên Lam: Như vậy, Pacific Bravo có thể vi phạm lệnh cấm vận của Hoa Kỳ. Thế Chính quyền Mỹ có theo dõi vụ này không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là có và biết đâu chừng đã cảnh báo Bắc Kinh mà đang tìm hiểu thêm, vì có lúc Bắc Kinh tỏ thiện chí chấp hành lệnh cấm vận Iran nay lại đổi ý giữa những đàm phán của trận thương chiến.

- Điều gây chú ý là khi được báo chí phỏng vấn, doanh nghiệp làm chủ tầu dầu Pacific Bravo là Ngân hàng Côn Luân hay Bank of Kunlun lại không trả lời. Còn doanh nghiệp tài chánh làm chủ Ngân hàng Côn Luân là CNPC Capital Co thì trả lời qua điện thư cho hãng Reuters rằng chiếc Pacific Bravo và những hàng hóa chuyên chở bên trong chẳng liên hệ gì tới Ngân hàng Côn Luân.

Nguyên Lam: Nhưng thưa ông, phải chăng doanh nghiệp CNPC Capital này lại là một bộ phận của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, một doanh nghiệp nhà nước của Bắc Kinh rất nổi tiếng trên thế giới dưới tên tắt là CNPC?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đúng vậy, “Tập Đoàn Trung Quốc Thạch Du Thiên Nhiên Khí” hay China National Petroleum Corporation có hội sở tại Bắc Kinh là doanh nghiệp đứng hạng thứ tư trong danh mục Fortune Global 500, là 500 doanh nghiệp đứng đầu thế giới về tài sản kinh doanh. Đây là xí nghiệp quốc doanh chuyên về dầu thô khí đốt do trung ương quản lý, với hơn mười bộ phận ở dưới. Vì vậy, từ Pacific Bravo lên tới Ngân hàng Côn Luân và từng bậc ở trên người ta hình dung ra tổ chức kinh tế chính trị của Bắc Kinh. Sau đó, mình còn phải lên một bậc nữa thì mới thấy ra nỗi khó của Mỹ.

Nguyên Lam: Câu chuyện hết là sự lẩn trốn của một tầu dầu siêu cấp mà cái gì đó liên hệ tới tổ chức kinh tế chính trị của Bắc Kinh. Nguyên Lam xin mời ông trình bày tiếp…

Bắc Kinh không muốn mở ra thế giới sinh hoạt công khai vì sẽ làm đảng mất quyền lực (Ảnh minh họa)
Bắc Kinh không muốn mở ra thế giới sinh hoạt công khai vì sẽ làm đảng mất quyền lực (Ảnh minh họa)
AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta có Quốc vụ viện là Hội đồng Chính phủ của Trung Quốc mà Tổng lý hay Thủ tướng hiện là ông Lý Khắc Cường, nhân vật đứng hàng thứ hai của chế độ dưới Tổng bí thư Tập Cận Bình.

- Quốc vụ viện có bộ phận thường được quốc tế gọi tắt là SASAC, là Hội đồng Kiểm soát và Quản lý Tài sản Nhà nước, hiện quản lý 102 tập đoàn kinh tế của trung ương, với trị giá tài sản lên tới hơn 26 ngàn tỷ đô la và kiếm lời ba ngàn tỷ 600 triệu đô la vào năm 2017.

- Về dầu khí, Hội đồng SASAC quản lý tập đoàn dầu khí CNPC là tổ chức có quyền phát hành trái phiếu để huy động vốn bằng nội tệ là đồng Nguyên nhưng ở dưới CNPC lại có ba cơ quan xưng danh doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn là 1/ China Petroleum Finance, 2/ PetroChina và 3/ CNPC Capital. Ba công ty đó mới lập ra tám doanh nghiệp khác, trong đó có các doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ, thí dụ như đô la Mỹ, để huy động vốn ngoại quốc.

- Mà những dữ kiện kế toán tài chính của họ, và của các tập đoàn do SASAC quản lý, đều thuộc loại bí mật quốc gia nên ở ngoài rất khó biết nhiều về họ. Có thể là trong cả năm đàm phán, Hoa Kỳ muốn Bắc Kinh công khai hóa cơ cấu tổ chức và chi tiết kinh tế để thị trường có thể rõ hơn sự thật sau bức màn bí mật này. Đây là điều Bắc Kinh rất ngại, cho nên trận thương chiến mới càng kéo dài.

Nguyên Lam: Chỉ riêng về lĩnh vực dầu khí và tập đoàn CNPC, ta đã thấy rắc rối. Nói thêm về cả trăm tập đoàn khác của trung ương thì thưa ông, phải chăng ta thấy quyền lực của đảng vì đảng mới lãnh đạo nhà nước và Quốc vụ viện này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vì vậy tôi mới gọi là mê cung ma qủy, chưa kể là trong mọi doanh nghiệp từ trung ương tới địa phương và của cả tư nhân đều có chi bộ đảng để các cấp đảng viên học tập và đảm bảo là mọi chỉ thị của đảng đều được chấp hành. Khi Bank of Kunlun hay CNPC Capital chối tội của Pacific Bravo thì ta chẳng nên ngạc nhiên. Điều đáng ngạc nhiên là nhiều doanh nghiệp Mỹ lại tham gia trò ma quỷ ấy nên chúng ta mới thấy sự phức tạp của trận thương chiến và vì sao truyền thông báo chí và các đại gia Mỹ hay chỉ trích Chính quyền Trump.

Quyền lực của đảng

Nguyên Lam: Hình như câu chuyện chưa đủ nhức đầu vì ông vừa trình bày rằng lãnh đạo Bắc Kinh dàn ra một mê cung ma quỷ, bên trong có ngàn doanh nghiệp lớn nhỏ của Trung Quốc đang thi hành chính sách của đảng. Chưa kể công ty Hoa Vi với mạng viễn thông thuộc thế hệ G-5, thì ông còn nói rằng nhiều doanh nghiệp Mỹ lại tham gia trò ma quỷ đó. Nguyên Lam xin đề nghị ông giải thích thêm.

Bắc Kinh không muốn mở ra thế giới sinh hoạt công khai và tự do vì sẽ làm đảng mất quyền lực. Mâu thuẫn căn bản giữa hai nước nằm ở hệ thống kinh tế chính trị chứ không chỉ là vài trăm tỷ hàng hóa xuất nhập khẩu.
-Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ngoài tầu dầu Pacific Bravo, ta đừng quyên là Bắc Kinh đã quân sự hóa các đảo nhân tạo trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nếu các doanh nghiệp Mỹ lại góp phần cho việc đó thì sao?

- Hồi nãy, tôi có trình bày về việc doanh nghiệp Trung Quốc phát hành trái piếu bằng đồng Nguyên hay bằng ngoại tệ để huy động vốn. Xin nói thêm là qua ngả Hong Kong vào các thị trường Thượng Hải hay Thâm Quyến, rồi có khi họ gói vốn lại đầu tư ngược vào thị trường Hoa Kỳ hay nơi khác. Đấy là một ma trận! Nói về doanh nghiệp Hoa Kỳ, ta nên hiểu ra hai ba chuyện rắc rối khác.

- Các doanh nghiệp Trung Quốc có thể được doanh nghiệp Mỹ làm tư vấn kiếm lời để gói cổ phiếu và trái phiếu thành khí cụ đầu tư bằng Mỹ kim được giao dịch trên Thị trường Chứng khoán New York. Giới đầu tư Mỹ nhảy vào thị trường đó để kiếm lời mà có khi chẳng biết rằng họ tài trợ cho doanh nghiệp Trung Quốc. Nếu doanh nghiệp Trung Quốc dùng tiền đó thi hành công trình của đảng, để xây dựng một hàng không mẫu hạm nữa như hoạt động của hãng Poseidon Finance 1 Limited, hay để thiết lập căn cứ quân sự ngoài Đông hải thì sao?

- Chuyện thứ hai là qua tư vấn kỹ thuật của các tập đoàn đầu tư lớn của Hoa Kỳ để ăn hoa hồng, Bắc Kinh đã vận động thành công việc đưa cổ phiếu và trái phiếu của họ vào hệ thống chỉ số đầu tư, như MSCI Emerging Markets Equity Index hay Bloomberg Global Aggregate Index. Nhờ vậy, các quỹ đầu tư Mỹ dùng tiền hưu bổng để kiếm lời cho thân chủ có một ngả đầu tư lên tới vài trăm tỷ đô la.

- Thứ ba, hệ thống rửa tiền đó của Trung Quốc lại không có nền tảng luật lệ và kế toán theo tiêu chuẩn an toàn của thế giới và dữ kiện tài chính lại thuộc diện bí mật quốc gia mà doanh nghiệp không cần và không được khai báo. Đâm ra, người Mỹ trao tiền tiết kiệm cho giới đầu tư của mình đánh bạc trong thị trường Trung Quốc lại bị rất nhiều rủi ro - mà họ không biết!

- Vì vậy, từ tầu dầu Pacific Bravo lên tới Bắc Kinh, ta lại trở ngược về Mỹ và phần nào hiểu ra yêu cầu của các Bộ Ngân Khố hay Thương Mại khi đàm phán với Bắc Kinh và phản ứng tiêu cực của nhiều người Mỹ thiếu hiểu biết. Bắc Kinh không muốn mở ra thế giới sinh hoạt công khai và tự do vì sẽ làm đảng mất quyền lực. Mâu thuẫn căn bản giữa hai nước nằm ở hệ thống kinh tế chính trị chứ không chỉ là vài trăm tỷ hàng hóa xuất nhập khẩu.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích rợn mình vào tuần này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.